Thị trường chứng khoán 9 tháng: Sóng gió và cơ hội
Mặt bằng lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm về mức thấp lịch sử là yếu tố khiến dòng tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 9 tháng nhiều biến động, tạo ra những rủi ro, song cũng không ít những cơ hội đối với giới đầu tư. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 9 tháng nhiều biến động, tạo ra những rủi ro, song cũng không ít những cơ hội đối với giới đầu tư chứng khoán. Dù vậy, nhận định về những tháng cuối năm, giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước sẽ chịu tác động cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực và có thể sẽ khó tăng mạnh khi chỉ số đã hồi phục gần về thời điểm trước dịch COVID-19.
*Biến động lớn
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, thị trường chứng khoán 9 tháng năm 2020 biến động lớn vì chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Tuy nhiên, bức tranh chung là sự tích cực với nhiều yếu tố cải thiện đáng kể so với năm 2019, đặc biệt là về thanh khoản.
Cụ thể VN – Index đã giảm mạnh trong quý I khi dịch COVID-19 lan rộng ra toàn cầu, các thị trường tài chính sụt giảm mạnh bất ngờ. VN – Index giảm từ mức trước dịch 940 điểm, xuống mức thấp nhất 655 điểm.
Kinh tế thế giới và Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng các thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam lại diễn biến hồi phục tích cực trong 2 quý liên tiếp là quý II và quý III.
Chỉ số VN – Index vào ngày 30/09/2020 đạt mức điểm 905 điểm, tăng tới hơn 38,1% so với mức đáy 655 điểm của quý I. Đây là sự hồi phục ấn tượng của thị trường chứng khoán trong điều kiện nền kinh tế hồi phục chậm chạp dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS), ông Đỗ Bảo Ngọc. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Trong quá trình hồi phục 2 quý giữa năm 2020, thị trường ghi nhận sự gia tăng về thanh khoản. Bình quân thanh khoản 9 tháng năm 2020 tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2019. Dòng tiền nội thể hiện vai trò dẫn dắt trong khi khối ngoại bán ròng mạnh. Mặt bằng lãi suất thấp có thể là nguyên nhân khiến dòng tiền rẻ tìm kênh “rót” vốn và thị trường chứng khoán là một trong những điểm đến phù hợp.
Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia chứng khoán, Tiến sỹ Lê Đức Khánh cho biết, thị trường chứng khoán 9 tháng qua có thể chia thành 2 giai đoạn. Nếu 3 tháng đầu năm, VN – Index điều chỉnh về mốc đáy 950 – 960 điểm thì kể từ tháng 4 đến nay, thị trường tăng điểm là chủ yếu và chạm vùng 920 – 925 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đã cải thiện rất tốt so với cùng kỳ 2019.
Nhiều nhóm cổ phiếu như hóa chất tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu có diễn biến tăng giá mạnh hoặc nhiều cổ phiếu thậm chí là vượt đỉnh mới sau nhiều tháng điều chỉnh tích lũy. Dòng tiền khối nội tăng mạnh trong khi khối ngoại bán ròng từ tháng 2.
Video đang HOT
Thị trường chứng khoán đang thể hiện là kênh đầu tư thu hút các nhà đầu tư cá nhân. Theo Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lũy kế 9 tháng, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 253.000 tài khoản, nhiều hơn 64.000 tài khoản so với cả năm 2019.
Cuối tháng 9, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,63 triệu tài khoản, tương đương 2,7% dân số Việt Nam.
Dòng tiền từ lớp nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) là một phần nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán sôi động. Theo Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), trong 9 tháng năm 2020, dòng tiền vào thị trường tăng mạnh và duy trì ở mức cao với khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trung bình trên sàn HOSE lần lượt là 240,3 triệu cổ phiếu/phiên và 5.010 tỷ đồng/ngày, tăng trưởng lần lượt là 27% và 33% so với mức của năm 2019.
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Hanh tâm sự, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh chính là cơ hội đối với anh. Do giải ngân đúng nhịp hồi phục của thị trường nên năm nay anh đã kiếm được một khoản lợi nhuận khá.
“Với mức lời khoảng 40% từ đầu tư chứng khoán là không tệ nếu so với việc đầu tư vào các lĩnh vực khác, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành, lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19″, anh Hanh nói.
*Tiền “đổ” vào chứng khoán do lãi suất giảm
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, ông Đỗ Bảo Ngọc, thị trường chứng khoán trong quý 4/2020 sẽ chịu tác động từ các yếu tố chính như mặt bằng lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm về mức thấp lịch sử. Đây là yếu tố khiến dòng tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tích cực.
Bên cạnh đó, thị trường chịu tác động từ tiến trình hồi phục của nền kinh tế. Chính phủ cũng đã rất quyết tâm trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế, khi đó câu chuyện hồi phục trong quý IV của các nhóm ngành có kết quả kinh doanh yếu kém do tác động của dịch COVID-19 cũng là điều nhà đầu tư quan tâm, trong bối cảnh Việt Nam đã có những thành công trong chống dịch và bắt đầu đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế để thúc đẩy quá trình phục hồi.
Ông Bảo cũng cho rằng, làn sóng đầu cơ ngắn hạn khi kênh chứng khoán là nơi hấp thụ tốt dòng tiền mới của các nhà đầu tư F0 cũng là những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường.
Nhìn về các yếu tố tiêu cực, thường cuối năm là thời điểm dòng tiền lớn đầu cơ có xu hướng chốt lời. Trên bình diện chung của nhiều doanh nghiệp, kết quả kinh doanh cả năm 2020 cơ bản là một mầu ảm đạm, đây là yếu tố tạo áp lực lên thị trường. Với các nền kinh tế thế giới thì kết quả bầu cử tại Mỹ cũng sẽ là yếu tố ẩn chứa những bất ngờ.
Hiện nay, thị trường đang chịu ảnh hưởng của kết quả kinh doanh quý III. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý III sẽ tiếp tục diễn ra sự phân hóa giống như quý II. Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm nhờ hưởng lợi từ đầu tư công, đa số cổ phiếu lớn đầu ngành thuộc nhóm VN30, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu, xây dựng, thiết bị y tế và dược phẩm, hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp… có thể tiếp tục là nhóm có kết quả kinh doanh tốt trong quý III.
Tuy nhiên, các nhóm ngành chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 là hàng không, du lịch, dịch vụ khách sạn, tiêu dùng truyền thống, bất động sản nghỉ dưỡng… sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh chưa có nhiều cải thiện từ mức thấp của 6 tháng đầu năm.
Với diễn biến phân hóa về kết quả kinh doanh thì khả năng cao diễn biến giao dịch của thị trường cũng chịu các ảnh hưởng phân hóa tương tự, dòng tiền sẽ tìm tới các mã có kết quả kinh doanh tích cực để đầu tư.
“Với mặt bằng giá cổ phiếu và chỉ số đã trở về với mức trước dịch COVD-19, tức quanh mức 915 điểm như hiện tại thì tôi cho rằng kết quả kinh doanh quý III có thể sẽ không đủ tích cực để tạo ra những đột phá mới cho thị trường”, ông Bảo nhận định.
Dù vậy, theo vị chuyên gia này, nhìn vào dài hạn thì với chính sách hỗ trợ không giới hạn của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, mặt bằng lãi suất thấp nhất trong lịch sử sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán
Chuyên gia chứng khoán, Tiến sỹ Lê Đức Khánh cho biết, theo FiinPro – Hệ thống phân tích dữ liệu tài chính thuộc FiinGroup, tình hình kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp nhóm ngành như công nghệ, hóa chất, tài nguyên cơ bản…có kết quả khả quan hơn cả.
Chuyên gia chứng khoán, tiến sỹ Lê Đức Khánh. Ảnh:BNEWS/TTXVN
Các hoạt động như sản xuất công nghiệp, sản xuất giấy, hóa chất đều tăng trưởng qua 9 tháng. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp báo cáo số liệu kinh doanh khởi sắc đã thu hút dòng tiền đầu tư.
Kinh tế vĩ mô khởi sắc sau quý II kém triển vọng, kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp hàng đầu đã khiến giá cổ phiếu hồi phục và tăng điểm.
Thực tế, thị trường đã khởi đầu từ quý 4/2020 khá tích cực với diễn biến tăng giá luân phiên của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đây là sự tiếp nối tích cực sau diễn biến tăng giá của nhóm cổ phiếu bluechip (cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư và mang tính dẫn dắt thị trường) cuối quý 3/2020.
Trong ngắn hạn, ông Khánh nhận thấy thị trường đang đi ngang trong một biên độ hẹp, chỉ số ít biến động vì bluechip gần như sideway (xu hướng giá dịch chuyển trong vùng được tạo bởi ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mạnh), cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá tốt nhưng ít tác động tới chỉ số. Thanh khoản thị trường những phiên đầu tháng 10 ghi nhận sự gia tăng trong điều kiện một bộ phận nhà đầu tư bắt đầu chốt lời cụ thể hóa lợi nhuận đầu tư. Tuy nhiên, nhờ có dòng tiền mới nên thị trường không giảm nhiều mặc dù các thị trường thế giới giảm khá vào cùng thời điểm.
“Trong ngắn hạn áp lực điều chỉnh khi VN – Index tiệm cận 920 là khá rõ, tuy nhiên xu hướng trung hạn tôi cho rằng vẫn khá tích cực”, vị chuyên gia nhận định.
Theo ông Khánh, Ngân hàng Nhà nước mới đây thông báo giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng đang là khá thấp. Nguồn cung tiền đang dư thừa trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh hoạt động giải ngân đầu tư công vào các tháng cuối năm sẽ là những yếu tố khiến thị trường chứng khoán khởi sắc vào giai đoạn cuối năm. VN-Indexvẫn có thể tăng điểm vượt qua mốc 925 – 930 điểm./.
Chứng khoán châu Á 'đỏ lửa' trước sự sụt giảm của giá dầu tương lai
Thị trường chứng khoán các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương liên tục sụt giảm vì Covid-19 và giá dầu thô tương lai Mỹ tụt dốc về mức âm.
Theo South China Morning Post, thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đã giảm trong ngày 21/4 sau khi thông tin về giá hợp đồng tương lai của dầu thô West Texas rơi vào vùng tiêu cực do thừa nguồn cung trong thời kì đại dịch Covid-19.
Theo đó, cổ phiếu các hãng hàng không, đại gia dầu Trung Quốc, có chiều hướng xuống giá tại Hong Kong. Tại thị trường Trung Quốc, cổ phiếu tàu chở dầu tăng. Sau mức giảm kỷ lục vào hôm qua, giá dầu đã tăng trở lại trong giao dịch tại khu vực châu Á.
Các chỉ số liên tục suy giảm tại thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. EPA-EFE.
Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn theo dõi sát sao tình hình tháo dỡ lệnh cấm ở các nước. Một số tiểu bang tại Mỹ và các quốc gia châu Âu đã bắt đầu nới lỏng hạn chế di chuyển. Thụy Sĩ, Đức, Cộng hòa Séc và Phần Lan đã mở lại một số cửa hàng vào hôm qua 20/4, trong khi Na Uy và Đan Mạch đồng thời bãi bỏ lệnh đóng cửa trường học.
Những báo cáo doanh thu thể hiện rõ sự ảnh hưởng của virus corona đối với sự suy thoái của nền kinh tế. Chỉ số Hang Seng đã giảm 1,8% vào lúc 2h40 chiều nay giờ Hong Kong, bao gồm vài điểm sáng từ các công ty mới với những bước nhảy vọt, trong đó có Alibaba Health and Technology Information.
Chứng khoán Trung Quốc giảm với chỉ số tổng hợp Thượng Hải sụt giảm 0,9%. Cũng theo SCMP, tại những khu vực khác ở châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) đã giảm 2%. Nhật Bản đã chứng kiến suy giảm xuất khẩu 11,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu cũng giảm 5%.
Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 1%, trong khi Kosdaq công nghệ nặng giảm tiếp 1,4%. Tại Australia - nơi đang diễn ra cuộc suy thoái tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua, S&P/ASX200 đồng thời suy giảm 2,5%.
Thị trường châu Á cũng lao đao vì dầu thô Mỹ. Ảnh: Reuters.
Chỉ số NZX 50 Gross tại New Zealand bốc hơi 2,1%. Sau lệnh hạn chế nghiêm ngặt, các doanh nghiệp, trường học và du lịch có thể mở cửa trở lại vào tuần tới. Ở Singapore, chính quyền đã báo cáo số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số Strats Times đã giảm 1,2%.
Về giá dầu mỏ, lần đầu tiên trong lịch sử hợp đồng tương lai tháng 5 của Mỹ tụt về mức âm. Giá của hợp đồng tương lai tháng 5 đối với dầu thô WTI đáo hạn vào hôm nay đã giảm xuống âm 37,63 USD/thùng.
Tai Hui, chiến lược gia thị trường châu Á tại JP Morgan Asset Management đánh giá: "Nhu cầu trong thị trường dầu mỏ giảm mạnh do Covid-19 sẽ khiến thị trường chịu nhiều áp lực. Ngay cả khi các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh thực thi trong thời gian tới, các nền kinh tế trên thế giới có thể vẫn chuyển mình chậm chạp trước khi bắt đầu giai đoạn mới với nhu cầu tăng mạnh".
Bùi Ngọc
Huy động tiền gửi tăng trưởng âm, TPBank vẫn báo lãi quý 1 tăng 18% Báo cáo tài chính quý 1/2020 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) cho thấy tiền gửi của khách hàng giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng khá. Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quý 1 của TPBank đạt 1.727 tỷ đồng, tăng 34,6% so cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng vọt gấp gần 14...