Thí sinh tuyển thẳng đại học áp đảo dự thi
Một số ngành có lượng hồ sơ đăng ký tuyển thẳng chiếm đến 50% chỉ tiêu tuyển sinh. Tỉ lệ này sẽ khiến khả năng trúng tuyển bằng con đường thi của thí sinh trở nên vô cùng mong manh.
Trong khi đó, phía các trường lại lo hiện tượng hồ sơ ảo.
Quy định xét tuyển thẳng ĐH đối với học sinh giỏi quốc gia được áp dụng trở lại bắt đầu từ kỳ tuyển sinh 2012 đã khiến nhiều trường đào tạo ngành khoa học cơ bản, sư phạm (nhất là các ngành Văn, Sử, Địa) khấp khởi hi vọng nguồn tuyển thẳng bảo đảm chất lượng.
Với số lượng thí sinh đăng ký tuyển thẳng khá lớn, cuộc đua của thí sinh dự thi trở nên căng thẳng hơn.
Điểm chuẩn bị đẩy cao
Theo thống kê của Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, các ngành Sư phạm văn, sử, địa năm nay đón lượng hồ sơ đăng ký tuyển thẳng áp đảo. Ngành Sư phạm sử chỉ tiêu trúng tuyển 90, trong khi số tuyển thẳng đã là 50 ngành Sư phạm văn có hơn 40 hồ sơ tuyển thẳng trong tổng số chỉ tiêu dự kiến của trường là hơn 100… Nghĩa là đã có những ngành số lượng tuyển thẳng chiếm đến hơn 50% tổng chỉ tiêu xét tuyển.
Trước số liệu này, một số cán bộ của trường đã đưa ra nhận định điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ cao hơn hẳn năm trước. “Bằng chính sách tuyển thẳng áp dụng năm 2012, có thể thấy dễ dàng đợt thi thứ hai các ngành thi khối C của trường sẽ có sự đua tranh khốc liệt để giành một suất trúng tuyển. Điểm chuẩn của những ngành này dự báo sẽ cao” – TS Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, chia sẻ.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cũng đã hoàn tất việc thông báo trúng tuyển cho 49 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng vào trường. Trong số này, ngành có số đăng ký xét tuyển thẳng nhiều nhất cũng tương tự như ở Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội chính là ngành Lịch sử. Trong khi chỉ tiêu của ngành là 90 thì số lượng tuyển thẳng đã hơn 20 thí sinh.
Tuy nhiên, khác với sự phấn khởi của Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, nhiều trường dù có số hồ sơ tuyển thẳng cao vẫn không giấu được tâm lý lo xa. Một cán bộ đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) bày tỏ nghi ngại số lượng hồ sơ tuyển thẳng nhiều không đồng nghĩa với việc chắc chắn trường sẽ tuyển được những học sinh đoạt giải.
“Các thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia có đồng thời ba con đường: đăng ký tuyển thẳng, nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển và thi ĐH bình thường. Trong 49 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng vào trường năm nay có không ít thí sinh vừa đăng ký tuyển thẳng lại vừa nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển” – vị cán bộ này cho biết.
Video đang HOT
Chưa kể nhiều trường còn phát hiện có thí sinh muốn “chắc ăn” nên đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau của trường… Hội đồng tuyển sinh các trường lại buộc phải gửi thông tin về sở GD-ĐT yêu cầu thí sinh xác nhận chọn một trong những ngành đã đăng ký.
Lo tuyển thẳng ảo
Theo một số hội đồng tuyển sinh, số lượng tuyển thẳng quá cao nhưng không có cơ chế nào ràng buộc thí sinh phải lựa chọn ngành học đã đăng ký xét tuyển sẽ có thể tạo ra sự thiệt thòi không tránh khỏi đối với thí sinh thi trực tiếp vào các ngành tuyển thẳng, đặc biệt là ngành sư phạm, khoa học cơ bản…
Do số hồ sơ xét tuyển thẳng được chấp nhận lớn, nên số chỉ tiêu còn lại dành cho thí sinh trải qua cuộc “vượt vũ môn” trong hai ngày 9 và 10/7 thật sự “khốc liệt”. 90 chỉ tiêu của ngành Sư phạm lịch sử Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội chỉ dành lại gần 40 chỉ tiêu cho số lượng không nhỏ thí sinh đăng ký dự thi.
“Nếu các em tuyển thẳng nhập học thì không sao, nhưng nếu các em lại trúng ngành đăng ký ưu tiên hoặc đỗ ĐH bằng đường các em tự thi thì sẽ gây thiệt cho thí sinh thi nguyện vọng 1 vào trường. Số lượng tuyển thẳng lớn, điểm chuẩn cao, số tuyển thẳng không nhập học, cả trường và thí sinh đi thi đều sẽ không tuyển được nhau theo cách tối ưu nhất” – lãnh đạo một trường đào tạo các ngành khoa học xã hội – nhân văn lo lắng.
Ông Đỗ Thanh Duy, trưởng phòng tuyển sinh và công nhận văn bằng – Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho rằng những khó khăn các trường đề cập thì các trường phải tự giải quyết.
“Bộ ra quy chế tuyển thẳng để khuyến khích học sinh giỏi vào các ngành khoa học cơ bản, sư phạm. Nhưng các trường cũng phải tự điều chỉnh để ra những quy định riêng, tại sao lại để số tuyển thẳng lên đến 50% để gây những lo lắng? Nhiều trường đã khống chế ngay tỉ lệ tuyển thẳng không quá 10% chắc chắn sẽ không xảy ra hiện tượng này” – ông Duy nói.
Phía Nam: Hồ sơ tuyển thẳng không nhiều Tại nhiều trường phía Nam, số lượng hồ sơ đăng ký tuyển thẳng không đến mức quá căng thẳng. Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM đã chấp thuận tuyển thẳng 50 học sinh vào học các ngành bậc ĐH của trường trong năm 2012. Đây là các học sinh đã đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Năm nay, nhà trường tuyển thẳng thí sinh vào ba ngành: Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ răng hàm mặt và Dược sĩ. Trong số các học sinh được tuyển thẳng năm nay, ngành bác sĩ đa khoa có số học sinh được tuyển thẳng nhiều nhất là 25, kế tiếp là ngành dược sĩ với 23 học sinh và hai học sinh vào ngành Bác sĩ răng hàm mặt. Trong khi chỉ tiêu ngân sách nhà nước ngành bác sĩ đa khoa là 300, ngành Bác sĩ răng hàm mặt là 90 và ngành Dược sĩ 200 chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) năm nay có tổng số 54 học sinh đăng ký xét tuyển thẳng. Trong đó có 41 học sinh thuộc diện đoạt giải các kỳ thi chọn học sinh giỏi, năm học sinh khiếm thị và bảy học sinh thuộc các vùng miền đặc biệt khó khăn. Theo Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, quyền Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường tuyển thẳng 51 học sinh. Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), trường đã công bố tuyển thẳng 53 học sinh. Số học sinh này rải đều ở nhiều ngành đào tạo của trường. Tuy nhiên ông Quang cho biết: “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phải công bố danh sách thí sinh được tuyển thẳng trước ngày 30/6, nhưng thời gian này một số sở GD-ĐT vẫn tiếp tục gửi danh sách về trường, việc này có thể ảnh hưởng đến việc xét tuyển. Tôi e rằng nếu xét đến học sinh của các đơn vị gửi trễ sẽ làm tăng chỉ tiêu tuyển thẳng ở một số ngành cụ thể”.
Theo Người Lao Động
Những bất ngờ trong hồ sơ thi đại học năm nay
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định việc lượt hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm 7,4% so với năm trước là tín hiệu đáng mừng vì hồ sơ ảo sẽ giảm.
Thí sinh đã biết chọn trường dự thi. Cơ hội trúng tuyển vào ĐH sẽ nhiều hơn khi Bộ không khống chế thời hạn xét tuyển từng nguyện vọng...
Giảm ảo
- Thưa Thứ trưởng, thông tin Bộ GD-ĐT công bố cho thấy lượng hồ sơ thi ĐH giảm. Tín hiệu này nói lên điều gì?
- Chúng tôi sẽ có phân tích kỹ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, điều có thể thấy số hồ sơ thi giảm thì số hồ sơ ảo sẽ giảm so với năm trước. Điều này cũng thể hiện thí sinh có cân nhắc hơn trong việc đăng ký dự thi.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kiểm tra công tác chuẩn bị thi tuyển sinh ĐH tại Hải Phòng
Mặt khác, năm nay công tác tuyển sinh có thay đổi. Cụ thể, sẽ cho tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia. Các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển. Bộ cũng không hạn chế thời gian xét tuyển mỗi đợt như năm ngoái mà chỉ quy định hạn chót nhận hồ sơ xét tuyển. Căn cứ đó các trường được xét tuyển nguyện vọng từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao. Thời gian xét tuyển dài hơn năm trước, thí sinh có 1 tháng rưỡi để đăng ký xét tuyển. Vì lý do này việc thí sinh nộp nhiều hồ sơ rồi chọn một để dự thi đã không còn cần thiết.
- Đây là năm đầu Hải Phòng là cụm thi độc lập. Đâu là vấn đề cần phải lưu tâm khi có những ý kiến cho rằng, có kinh nghiệm trong tổ chức thi vẫn không tránh khỏi sai sót, thưa ông?
- Đối với Hải Phòng thì kể cả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng phải an toàn, đúng quy chế. Năm nay Hải Phòng được giao là cụm thi tuyển sinh cho thí sinh Quảng Ninh và Hải Phòng dự thi vào ĐH Hàng Hải và các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Có thêm cụm thi này thí sinh không phải đi xa và giảm bớt ách tắc giao thông ở Hà Nội.
Tuy nhiên cũng có một số điểm cần lưu ý hơn, cụ thể là phải đảm bảo an toàn cho thí sinh đến dự thi đặc biệt là khâu ăn, ở.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng Hải Phòng có phân công tốt trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời bình tĩnh xử lý sự cố, không nên vội vàng đưa thông tin khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
- Hải Phòng là cụm thi mới, Bộ GD-ĐT có tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát để kỳ thi diễn ra nghiêm túc đúng quy chế?
- Khi có cụm thi thì số thí sinh về dự thi sẽ đông hơn đòi hỏi những yêu cầu về cơ sở vật chất sẽ nhiều hơn. Về công tác tổ chức nghiệp vụ thì cơ bản các trường đã có chuẩn bị. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đã có tăng cường kiểm tra. Đã có một đoàn công tác trước do Thứ trưởng Bùi Văn Ga làm trưởng đoàn đã về làm việc với TP Hải Phòng và hôm nay có thêm đoàn công tác nữa do tôi làm trưởng đoàn về kiểm tra. Điều này thể hiện sự quan tâm hơn của Bộ đối với Hải Phòng trong thi tuyển sinh ĐH và thi tốt nghiệp.
Bộ đã có chỉ đạo các cơ quan thông tấn, các địa phương khi có sự cố xảy ra trong quá trình thi thì phải hết sức bình tĩnh để có phương án xử lý. Đồng thời đề nghị các cơ quan thông tấn không đưa những sai phạm, biểu hiện sai phạm hoặc những biểu hiện trong sai sót đề thi, lộ đề, mất đề thi thì chỉ đưa tin khi có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Tránh tình trạng năm trước đưa tin lộ đề chưa có kết luận gây hoang mang cho thí sinh và dư luận xã hội.
Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi: "Thí sinh đến thi sẽ tăng"
Lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012 với hơn 1,8 triệu bộ - giảm 7,4% so với năm 2011, giảm trên 15.000 hồ sơ đăng ký. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền và những đổi mới trong công tác cải tiến thi đã có tín hiệu khả quan. Số hồ sơ giảm đồng nghĩa với lượng hồ sơ ảo giảm, thí sinh đến thi thực tế sẽ tăng.
Ngoài một số điểm mới trong quy chế như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nói ở trên thì hồ sơ đăng ký thi giảm cũng cho thấy thí sinh chọn trường dự thi đã có sự cân nhắc kỹ. Điểm đáng lưu ý là các ngành khó tuyển như Nông-Lâm-Ngư lượt hồ sơ đăng ký tăng 1% so với năm 2011. Khối C vẫn duy trì được tỷ lệ đăng ký thi như năm trước với trên 6%.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam: "Không có chặt chém thí sinh"
Năm nay Bộ GD-ĐT có tổ chức các cụm thi ĐH, CĐ tại Hải Phòng - giao cho ĐH Hàng Hải làm cụm trưởng. Nhận nhiệm vụ này TP Hải Phòng đã thành lập Ban chỉ đạo gồm đại diện các đơn vị liên quan và đã có phân công công việc cụ thể để tổ chức kỳ thi an toàn đúng quy định.
Để đảm bảo cho thí sinh về dự thi vào ĐH Hàng Hải và các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội được an toàn và hưởng các dịch vụ của Hải Phòng không có chặt chém, không có những vấn đề tiêu cực - ông Lê Khắc Nam khẳng định:
"Hải Phòng đã có chỉ đạo và sẽ kiểm tra, đồng thời xử lí nghiêm những cơ sở dịch vụ có nâng giá phòng nghỉ, nơi ăn uống... Những địa điểm các cháu đến từ các điểm thi và nơi các cháu ở sẽ có lực lượng an ninh giám sát. Đồng thời trên toàn địa bàn thành phố chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá...
Tôi nghĩ rằng, đây là một kì thi nhưng lại liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, liên quan đến phát triển du lịch của thành phố nên sẽ có tăng cường chỉ đạo và xử lý nghiêm những đơn vị có dấu hiệu chặt chém thí sinh.
Đối với việc tổ chức thi, đặc biệt là khâu in sao đề năm nay chúng tôi đặc biệt lưu ý. Quan điểm của chúng tôi những công việc, những vị trí nhạy cảm sẽ được tập trung chỉ đạo và có kiểm tra, thanh tra.
Cụ thể, là công tác in sao đề thi, vận chuyển đề thi - những nơi này sẽ bố trí những cán bộ trong ngành, chọn những người am hiểu việc và phải có tâm. Những công việc này được TP giao cho lực lượng công an và thanh tra giám sát, kiểm tra đột xuất để kỳ thi năm nay diễn ra không có câu chuyện lộ đề".
Theo Vietnamnet
Tuyển thẳng vào ĐH Y Hải Phòng Thí sinh làm bài thi. (Ảnh minh họa). Trường Đại học Y Hải Phòng vừa thông báo điều kiện tuyển thẳng và ưu tiên trong xét tuyển của Trường trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012. Theo đó, đối tượng tuyển thẳng, những thí sinh thuộc diện được quy định tại các điểm a, b và các thí sinh trong đội...