Thi công đường sắt Nhổn – Ga HN: Hàng loạt cây sưa quý hiếm sẽ về đâu?
175 cây xanh sẽ được di dời, chặt hạ phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn – Ga Hà Nội. Trong đó, 12 cây sưa đỏ sẽ được đánh chuyển và chăm sóc tại công viên Thống Nhất.
Sáng 4.5, một lãnh đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, để tổ chức thi công đoạn hầm và các ga ngầm phục vụ thi công đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, đơn vị này sẽ tiến hành dịch chuyển, chặt hạ 175 cây xanh, bao gồm trên vỉa hè đường Kim Mã, đường Cát Linh và vỉa hè đường Trần Hưng Đạo.
Cụ thể, để tổ chức thi công đoạn hầm và các ga ngầm, ngày 23.1.2018, Sở Xây dựng đã cấp Giấy phép số 14/GP-SXD, 20/GP – SXD cho MRB được phép dịch chuyển, chặt hạ 175 cây, bao gồm trên vỉa hè Kim Mã (ven hồ Thủ Lệ); đường Cát Linh (khu vực nhà ga số 10); và trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (khu vực nhà ga số 12).
12 cây sưa quý hiếm cần được bảo tồn sẽ được chuyển về Công viên Thống nhất để trồng và chăm sóc.
Trong đó, dịch chuyển 122 cây đang sinh trưởng phát triển bình thường, đưa về nút giao Vĩnh Ngọc trên đường Võ Nguyên Giáp để trồng và chăm sóc. Chặt hạ 41 cây cong nghiêng, cụt ngọn, mục gốc, mục thân, già cỗi, không đúng chủng loại cây đô thị.
Đặc biệt, trong số đó sẽ có 12 cây sưa quý hiếm cần được bảo tồn sẽ được dịch chuyển về Công viên Thống nhất để trồng và chăm sóc.
Video đang HOT
Được biết, 12 cây sưa này nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận Đống Đa), hiện đang sinh trưởng tốt, cao từ 4-8m, tán rộng, mỗi cây đều có mã số và được xây dựng một bộ hồ sơ riêng với đầy đủ thông số về loài cây, chiều cao, chiều rộng thân cây, tán cây, độ tuổi,v.v…
Theo lãnh đạo MRB, kế hoạch dịch chuyển, chặt hạ này đã có sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Phương án dịch chuyển, chặt hạ cây xanh phải đảm bảo tuân thủ quy trình của TP về an toàn và vệ sinh môi trường. Thi công cắt tỉa cành đối với cây đánh chuyển; cắt cành, thân đối với cây chặt hạ và thu hồi củi gỗ.
“Với những cây thuộc diện dịch chuyển, trồng lại, các đơn vị chức năng sẽ có trách nhiệm giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện di chuyển và duy tu chăm sóc ở địa điểm trồng lại” – vị này cho hay.
Theo MRB, việc di chuyển, chặt hạ cây được giao cho các nhà thầu: Liên danh Hyundai E&C – Ghella JV; Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội; Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành thực hiện; nhà thầu tư vấn Systra giám sát. Dự kiến việc di chuyển cây sẽ hoàn thành trong tháng 6.
Theo ghi nhận, đến nay tại khu vực nhà ga S10- Cát Linh, MRB đã bắt đầu di dời, chặt hạ cây để phục vụ thi công. Riêng khu vực ga S12 – Trần Hưng Đạo dự kiến triển khai vào cuối năm nay.
Trước đó, tháng 9.2017, cũng để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, khoảng 130 cây xanh trên đường Kim Mã (từ hồ Thủ Lệ đến nút giao Núi Trúc) đã được chặt hạ, di chuyển.
Tháng 10.2016, 109 cây, trong đó có khoảng 100 cây xà cừ cổ thụ trên đường Kim Mã (đoạn hồ Thủ Lệ) cũng đã được chặt hạ, đánh chuyển về vườn ươm ở xã Đa Tốn trước khi đưa ra trồng trở lại trên một số tuyến đường, dải phân cách khác của Hà Nội.
Theo Danviet
Chắn đường thi công ga ngầm Cát Linh: Dân đi đường nào khỏi tắc?
Sở GTVT vừa thông báo phương án tổ chức, phân luồng giao thông phục vụ thi công ga ngầm S10 trên phố Cát Linh.
Phối cảnh tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để phục vụ thi công ga ngầm S10 (thuộc tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội), đơn vị sẽ rào chắn lòng đường và toàn bộ vỉa hè phía Bắc đường Cát Linh dài khoảng 260m (từ ngã 5 Giảng Võ - Hào Nam - Cát Linh đến đầu ngõ 27 phố Cát Linh). Phần mặt đường Cát Linh còn lại từ 4 - 4,6m sẽ bố trí một làn xe hỗn hợp (xe con, xe máy, xe đạp) đi một chiều theo hướng từ ngã 5 Giảng Võ - Hào Nam - Cát Linh đi hướng Trịnh Hoài Đức.
Sở GTVT Hà Nội cũng lên phương án tổ chức, phân luồng giao thông tại chỗ khu vực thi công, cụ thể: Cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông qua khu vực công trường (từ ngõ 27 Cát Linh đến ngã 5 Giảng Võ - Hào Nam) theo chiều từ Trịnh Hoài Đức đi ngã 5 Giảng Võ - Hào Nam. Chiều từ ngã 5 Giảng Võ - Hào Nam bố trí một làn đường hỗn hợp dành cho xe con, xe đạp, xe máy và tất cả các loại phương tiện khác như: xe buýt, taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe tải,... Cấm dừng, đỗ xe khu vực công trường.
Ông Tuấn cho hay, bên cạnh việc lập phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông tại chỗ, Sở GTVT Hà Nội cũng lên phương án phân luồng giao thông từ xa. Cụ thể, hướng giao thông đi vào trung tâm (từ phố Giảng Võ, phố Hào Nam) đi theo đoạn đường Giảng Võ nhỏ rẽ phải vào phố Nguyễn Thái Học để đi vào trung tâm hoặc từ Hào Nam đi An Trạch - Cát Linh - Tôn Đức Thắng.
Hướng giao thông từ Trung tâm thành phố đi ra sẽ đi theo hướng phố Trịnh Hoài Đức - Lê Trực - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã hoặc theo hướng Cát Linh - An Trạch - Hào Nam hoặc đi theo hướng Tôn Đức Thắng - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.
Đối với các tuyến xe buýt, sẽ điều chỉnh khai thác 3 tuyến xe buýt gồm: 23,25,38. Tuyến 23 đi Giảng Võ - Nguyễn Thái Học - Cửa Nam theo lộ trình cũ, chiều ngược lại đi theo hướng Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã - Giảng Võ. Tuyến 25 sẽ đi theo lộ trình Kim Mã - Trịnh Hoài Đức - Cát Linh... chiều ngược lại Cát Linh - Trịnh Hoài Đức - Lê Trực - Trần Phú - Kim Mã. Tuyến 38 sẽ được điều chỉnh theo lộ trình Văn Miếu - Cát Linh - Trịnh Hoài Đức - Trần Phú - Giảng Võ (nhỏ) - Giảng Võ.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội phải có phương án đảm bảo chất lượng thi công, an toàn giao thông, an toàn lao động; trước và trong khi thi công phải có đầy đủ hệ thống biển báo, biển hướng dẫn giao thông, rào chắn, đèn chiếu sáng ban đêm, đèn cảnh báo giao thông... bố trí lực lượng 24/24h để hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ban quản lý đường sắt Hà Nội và Nhà thầu có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương) và các đơn vị liên quan đến phối hợp, hạn chế ùn tắc tối đa giao thông.
Theo đại diện Ban quản lý đường sắt Hà Nội, dự kiến việc phân luồng giao thông trên các tuyến phố nêu trên sẽ bắt đầu thực hiện từ giữa tháng 3/2018.
Theo Danviet
HN: Dân "nín thở" chui hầm dưới nhà ga đường sắt trên cao Nín thở, sợ hãi là tâm lý chung của nhiều người khi phải lưu thông dưới đường hầm bằng sắt trên Quốc lộ 32 được dựng tạm để phục vụ thi công tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Theo phản ánh của người dân, đã hơn 1 tuần qua, người dân khi lưu thông trên quốc lộ 32 hướng từ trung...