Theo dấu tội phạm “ngoại” ở Việt Nam
Trong số những chuyên án đấu tranh chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tôi không thể quên được những ngày tháng cùng đồng đội điều tra khám phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia, chuyên hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức sử dụng thẻ tín dụng giả tại Việt Nam.
Cách đây hơn một năm, chúng tôi phát hiện tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xảy ra một số vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do các đối tượng người nước ngoài thực hiện bằng thủ đoạn sử dụng thẻ tín dụng giả. Đánh giá đây là loại tội phạm mới, mang tính quốc tế, với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, uy tín đối với các doanh nghiệp, ngân hàng trong nước, chúng tôi đã báo cáo Đại tá Nguyễn Đức Chung (khi đó là Phó Giám đốc – Thủ trưởng cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội) xin xác lập chuyên án để tập trung áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tổ chức điều tra. Nghe chúng tôi báo cáo, Đại tá Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Phòng CSHS – CATP Hà Nội phối hợp ngay với CATP Hồ Chí Minh và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an điều tra truy xét, làm rõ hoạt động của đường dây tội phạm này.
Theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ hồ sơ từng vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà đối tượng là người nước ngoài và tập trung vào vụ một nhóm đối tượng người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả lừa đảo, chiếm đoạt hơn 230 triệu đồng của chủ hiệu vàng ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện vụ án này có liên quan đến một nữ hướng dẫn viên du lịch tên là Hiên, quê ở tỉnh Cao Bằng. Sau nhiều ngày xác minh, tìm kiếm, chúng tôi mới triệu tập được Hiên từ Cao Bằng về Hà Nội để đấu tranh. Từ kết quả khai thác Hiên, cơ quan điều tra đã phát hiện và làm rõ các đối tượng Lin Cheng, SN 1965, quốc tịch Trung Quốc và Ng Yan Hai, SN 1958, quốc tịch Malaysia.
Tiến hành bắt giữ Ng Yan Hai và tổ chức đấu tranh khai thác, chúng tôi được biết đối tượng này nằm trong một tổ chức tội phạm người Malaysia, được chia thành nhiều nhóm từ 3 đến 5 người, xâm nhập Việt Nam để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của chúng là dùng thẻ tín dụng giả mua hàng hóa có giá trị cao, sau đó mang về Malaysia tiêu thụ. Ng Yan Hai còn khai tổ chức tội phạm của chúng không chỉ hoạt động tại Việt Nam, mà đã từng gây án ở nhiều nước trên thế giới. Trong tổ chức tội phạm quốc tế này có đối tượng đang trốn truy nã của Interpol, hoạt động phạm tội rất liều lĩnh, manh động.
Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, chúng tôi đã họp Ban chuyên án và nhận được sự chỉ đạo của cấp trên phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và lực lượng An ninh Hàng không của 2 sân bay Quốc tế lớn là Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), nhằm chủ động giám sát các đối tượng trong tổ chức tội phạm quốc tế ngay khi chúng tới Việt Nam qua đường hàng không. Chúng tôi đã chủ động làm việc với các khách sạn và một số nơi tụ tập vui chơi giải trí có sự xuất hiện của nhiều người nước ngoài, cùng với lái xe taxi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… để nắm vững những di biến động của các đối tượng trong ổ nhóm tội phạm người nước ngoài, chủ động đón lõng và áp dụng các đối sách thích hợp ngay khi chúng đặt chân đến Hà Nội gây án. Sau nhiều tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã phát hiện và bắt quả tang 3 nhóm tội phạm gồm 7 đối tượng, trong đó có 1 đối tượng có lệnh truy nã của Cảnh sát Malaysia, ngay khi chúng đến Hà Nội.
Video đang HOT
Nhóm thứ nhất bị chúng tôi thực hiện các biện pháp trinh sát từ sân bay quốc tế Nội Bài về một cửa hàng chuyên mua bán đồ điện tử gia dụng ở phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm. Chúng gồm các đối tượng Hoh Swee Tat, SN 1970 và Yee Chin Huat, SN 1977, đều mang quốc tịch Malaysia, nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường du lịch. Sau khi đến TP Hồ Chí Minh, chúng tiếp tục bay ra Hà Nội và sử dụng thẻ tín dụng giả để mua lô hàng điện tử trị giá 45 triệu đồng với nhiều máy tính bảng Ipad tại cửa hàng bán đồ điện tử ở phố Bà Triệu. Nhóm thứ hai gồm Koon Wen Long, SN 1978 và Wong Kim Fatt, SN 1979, đều mang quốc tịch Malaysia, cũng bị chúng tôi phát hiện, bắt quả tang khi đang mua Iphone và máy tính bảng bằng thẻ tín dụng giả trị giá gần 70 triệu đồng tại cửa hàng bán đồ điện tử ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Ngay sau khi bắt giữ 2 nhóm tội phạm nêu trên, chúng tôi đã phổ biến phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này đến các ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đồ điện tử trên địa bàn thành phố, nhằm chủ động đón lõng và bắt giữ đồng bọn của chúng. Từ thông tin của một cửa hàng bán đồ điện tử ở phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng cung cấp, chúng tôi tiếp tục phát hiện, bắt quả tang Soon Kok Loon, SN 1978; Saw Wei Loon, SN 1992, đều mang quốc tịch Malaysia và Yan Qian, SN 1973, quốc tịch Trung Quốc, đã có hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả để mua một số lượng lớn Iphone và Ipad tại cửa hàng này. Cùng với việc bắt giữ các đối tượng, chúng tôi đã khám xét nơi ở trọ của chúng tại Hà Nội và phát hiện, thu giữ 3 máy sản xuất thẻ tín dụng giả mang tên các ngân hàng quốc tế; 464 thẻ tín dụng giả; 7 máy tính xách tay sử dụng vào việc chế tác thẻ tín dụng giả; 8 máy tính bảng; 7 điện thoại di động; 11 hộ chiếu và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án.
Trong quá trình khai thác ban đầu, 3 nhóm đối tượng trên tỏ ra lì lợm, không chịu khai báo. Nhằm tháo gỡ bế tắc, làm rõ hành vi phạm tội của bọn tội phạm này, Đại tá Nguyễn Đức Chung đã nhiều đêm thức cùng các thành viên trong Ban chuyên án đấu tranh với các đối tượng ngoan cố. Trước những lập luận sắc bén và chiến thuật hỏi cung sắc sảo của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội, các đối tượng phạm tội đã phải khai nhận chúng thuộc tổ chức tội phạm do các đối tượng người Trung Quốc và Malaysia cầm đầu. Nhiệm vụ của chúng là mang thẻ tín dụng giả sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam để mua hàng hóa có giá trị kinh tế cao, rồi mang về giao lại cho “ông trùm” và được chia lợi nhuận từ việc bán số hàng hóa do phạm tội mà có. Các nhóm tội phạm này đã nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam để gây án tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chúng tôi đã khởi tố bị can, tạm giam toàn bộ số đối tượng nằm trong đường dây tội phạm quốc tế nêu trên, tiếp tục mở rộng chuyên án để bắt giữ các đối tượng khác khi chúng đến Việt Nam gây án.
( Ghi theo lời kể của Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS – CATP Hà Nội)
Theo Hồng Tuấn
ANTĐ
Giải cứu 43 nạn nhân buôn người trong năm 2012
Ngày 26.11, thông tin từ Hội nghị công tác phòng, chống tội phạm hình sự Việt Nam - Trung Quốc lần 8 tại TP.Đà Nẵng cho biết lực lượng công an hai nước đã phối hợp phát hiện 38 vụ buôn người qua biên giới, giải cứu thành công 43 nạn nhân trong năm 2012.
Theo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an Việt Nam, đây là 43 nạn nhân người Việt bị lừa bán sang Trung Quốc ép làm lao động khổ sai, bán dâm, mua bán nội tạng với các thủ đoạn như môi giới hôn nhân, nhận con nuôi, hứa hẹn việc làm thu nhập cao...
Ngành công an hai nước đã chủ động phối hợp mở đợt cao điểm truy quét, xử lý 68 đối tượng trong các đường dây tinh vi, có sự cấu kết giữa các thành phần trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong năm 2012, tình trạng mua bán người qua biên giới Việt - Trung vẫn rất phức tạp, chiếm đến 60% số vụ mua bán người ở Việt Nam.
Chong Kon Hoi (bên trái) và Ling Seng Koey, hai trong số ba người Malaysia dùng thẻ tín dụng giả lừa 8 cửa hàng với số tiền khoảng 200 triệu đồng bị bắt giữ tại Đà Nẵng hôm 4.8 - Ảnh: Nguyễn Tú
Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cao cũng ngày càng xảo quyệt như sử dụng thẻ tín dụng giả, lừa đảo qua mạng bằng hợp đồng kinh tế, sản xuất, buôn bán tiền giả, dùng internet gây án...
Điển hình như vụ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an Việt Nam, đã phát hiện một số người Trung Quốc cấu kết với người Việt Nam dùng thẻ tín dụng giả lừa đảo 17 tỉ đồng và hơn 30.000 USD của ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2012, Công an Việt Nam phát hiện, lập hồ sơ hơn 2.000 vụ phạm pháp hình sự trên tuyến biên giới Việt - Trung, cùng Công an Trung Quốc điều tra khám phá gần 500 vụ.
Trong thời gian tới, ngành công an hai nước sẽ nghiên cứu xây dựng "Cơ chế hợp tác phòng, chống tội phạm giữa lực lượng hình sự hai nước"; tăng cường công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống mua bán người; mở đợt cao điểm truy quét tội phạm vào giữa năm 2013; rút ngắn thời gian xác minh, kịp thời giải cứu trao trả nạn nhân bị mua bán; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao về an ninh mạng...
Theo TNO
Tinh vi thủ đoạn lừa đảo trên internet Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, các thủ đoạn lừa đảo trên mạng cũng ngày càng trở lên tinh vi, khó lường. Điểm chung của loại tội phạm này là có kiến thức nhất định về khoa học kỹ thuật, thông tin. Chúng cấu kết với nhau tổ chức lừa đảo có tính chất xuyên quốc...