Thêm ngân hàng báo lãi kỷ lục, sắp cán mốc 12.000 tỷ sau 11 tháng
Lợi nhuận trước thuế sau 11 tháng đầu năm 2019 của ngân hàng này đạt 11.700 tỷ đồng, là ngân hàng thứ 2 sau Vietcombank chạm đến mốc lợi nhuận này.
Thông tin từ Agribank cho biết, đến 30/11/2019, Tổng tài sản đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Doanh thu phí dịch vụ tiếp tục có kết quả tốt, lũy kế 11 tháng đạt gần 6.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế 11 tháng đầu năm đạt hơn 11.700 tỷ đồng – đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục mà Agribank đạt được từ trước đến nay. Trước đó, lợi nhuận 10 tháng đầu năm 2019 của Agribank đạt trên 10.350 tỷ đồng.
Được biết, mục tiêu lợi nhuận năm 2019 của Agribank ban đầu được xác định là 10.000 tỷ đồng, sau đó nâng lên 11.000 tỷ. Có thể thấy, đến nay, ngân hàng đã vượt xa kế hoạch đặt ra.
Theo Agribank, năm 2019 được xem là năm bản lề Agribank chuẩn bị cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là năm Agribank xác định tiếp tục tập trung triển khai cơ cấu giai đoạn 2. Từ những mục tiêu ấy, Agribank đã có những bước chuyển mình quan trọng và đã đạt được nhiều thành tích trong hoạt động kinh doanh.
Video đang HOT
Bên cạnh Agribank, nhiều ngân hàng mới đây cũng công bố lãi khủng, vượt kế hoạch năm. Chẳng hạn, Sacombank dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch. Còn lãnh đạo VietinBank thì cũng tiết lộ lợi nhuận sẽ đạt, thậm chí vượt kế hoạch năm (9.500 tỷ đồng).
Năm 2019, cùng với Agribank, nhiều ngân hàng khác cũng có mục tiêu lợi nhuận quanh mốc 10.000-11.000 tỷ. Trong đó, Techcombank đặt kế hoạch 11.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, BIDV dự kiến lãi 10.300 tỷ, MBBank 9.560 tỷ đồng, VietinBank và VPBank cùng 9.500 tỷ.
Ngoài Vietcombank đã vững vàng ở vị trí quán quân thì á quân lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ là sự cạnh tranh quyết liệt của 4-5 ngân hàng lớn nói trên, đặc biệt là Techcombank và Agribank.
Ngọc Bích
Theo Trí thức trẻ
'Giảm lãi suất sẽ giúp ngân hàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp'
Ông Phạm Thanh Hà cho biết, với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, từ nay đến cuối năm lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định.
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành như tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ đối với các tổ chức tín dụng. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc trao đổi với báo chí rõ hơn về vấn đề này.
- Thưa ông, giải pháp điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có phải là hệ quả của việc nhiều ngân hàng trung ương các nước đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã và đang cắt giảm lãi suất hay không?
Ông Phạm Thanh Hà: Giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giảm lãi suất điều hành.
Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu (bình quân 8 tháng 2019, lạm phát CPI tăng 2,57%, lạm phát cơ bản tăng 1,9%), thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định. Chính vì vậy Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
- Vậy từ nay đến cuối năm mặt bằng lãi suất sẽ diễn biến như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Hà: Với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng.
Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.
- Theo ông, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chủ trương điều hành chính sách tiền tệ như thế nào?
Ông Phạm Thanh Hà: Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Về tín dụng, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất. Về tỷ giá, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
- Xin cảm ơn ông!
Thúy Hà (Vietnam )
Ngày đầu tiên giảm lãi suất, ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ giá USD Trong ngày đầu tiên quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, tỷ giá trung tâm giảm nhẹ, các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng nhẹ giá USD. Ảnh minh họa. Sáng nay (16/9), Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.130 đồng, giảm 3 đồng so với mức công bố cuối...