Thêm một hành tinh có sông, biển lộ ra giữa hệ Mặt Trời?
Các nhà khoa học vừa phát hiện dấu vết mới cho thấy hệ Mặt Trời ban đầu sinh ra đến 3 hành tinh có nước lỏng và phù hợp để sống.
Nếu như một số nghiên cứu trước đây đã chứng minh Sao Hỏa từng có sông, hồ, đại dương giống Trái Đất trước khi biến thành miền đất chết cằn cỗi, thì nghiên cứu mới cho thấy thêm một hành tinh khác cũng đã từng như vậy.
Đó là Sao Kim, thế giới mà hiện tại nóng đến 460 độ C, có áp suất gấp 100 lần Trái Đất và một biển mây đầy axit sunfuric (H 2SO 4).
Hệ Mặt Trời có thể từng sinh ra 3 hành tinh có nhiều nước lỏng và phù hợp để sống – Minh họa AI: Anh Thư
Nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi TS Hiroki Karyu từ Đại học Tohoku (Nhật Bản) đã nhận thấy sự bất thường trong tỉ lệ giữa 2 biến thể của phân tử nước là HDO và H 2O.
HDO là một phân tử nước trong đó một nguyên tử hydro thông thường được thay thế bằng đồng vị deuteri (D) của nó, còn gọi là “nước bán nặng”.
Những bất thường đã được tiết lộ thông qua dữ liệu từ thiết bị thăm dò SOIR trên tàu vũ trụ Venus Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), theo tờ Sci-News.
Sao Kim hiện tại – Ảnh: NASA
Theo các bằng chứng hiện tại, Sao Kim và Trái Đất ban đầu có tỷ lệ HDO/H 2 O tương tự nhau.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tỉ lệ quan sát được trong bầu khí quyển ở độ cao dưới 70 km của Sao Kim lại lớn hơn Trái Đất những 120 lần, cho thấy sự làm giàu deuteri đáng kể theo thời gian.
Sự làm giàu này chủ yếu là do bức xạ Mặt Trời phá vỡ các đồng vị nước ở tầng khí quyển trên, tạo ra các nguyên tử hydro và deuteri,
Vì các nguyên tử hydro thoát ra ngoài không gian dễ dàng hơn do khối lượng của chúng thấp hơn nên tỷ lệ HDO/H 2O tăng dần.
Nồng độ cả hai biến thể của nước này tăng theo độ cao từ 70-110 km và tỷ lệ HDO/H 2O tăng đáng kể theo cấp số nhân trong phạm vi này, đạt mức cao hơn 1.500 lần so với các đại dương trên Trái Đất.
Điều này có thể liên quan đến sự tồn tại của các hạt aerosol axit sunfuric ngậm nước vốn ngập tràn trong bầu khí quyển Sao Kim, ngay phía trên các đám mây, nơi nhiệt độ giảm xuống dưới điểm sương của nước lưu huỳnh và dẫn đến sự hình thành các hạt khí dung giàu deuteri.
Các hạt này bay lên độ cao lớn hơn, tại đó nhiệt độ tăng khiến chúng bốc hơi, giải phóng lượng HDO đáng kể hơn so với H 2O. Sau đó, hơi nước được vận chuyển xuống phía dưới, khởi động lại chu trình.
Tuy cách mà nước ở Sao Kim vận hành hoàn toàn xa lạ so với Trái Đất, nhưng những gì đang xảy ra trong bầu khí quyển của nó khẳng định một điều không thể phủ nhận, đó là Sao Kim vẫn đang có rất nhiều nước.
Điều này có nghĩa, theo các mô hình đã được chứng minh, khi vòng quay của thế giới này chưa quá chậm và chưa bị hiệu ứng nhà kính khắc nghiệt bao phủ, nước của Sao Kim có thể cũng từng có tỉ lệ H 2O cao như địa cầu, và nằm trên mặt đất, dưới dạng sông, hồ, biển…
“Hiện tượng này thách thức sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử nước của Sao Kim và khả năng nơi này từng có thể sinh sống được trong quá khứ” – các tác giả cho biết.
Ngoài ra, họ cho rằng hiểu biết về quá trình tiến hóa liên quan đến khả năng hỗ trợ sự sống và lịch sử nước của Sao Kim sẽ giúp chúng ta hiểu được các yếu tố khiến một hành tinh trở nên thích hợp hoặc không còn phù hợp cho sự sống.
Điều này có thể giúp nhân loại có các biện pháp phù hợp để tránh cho địa cầu đi vào “vết xe đổ” của người anh em song sinh ác quỷ.
Cùng với Trái Đất, Sao Kim và Sao Hỏa vốn cũng từng được sinh ra giữa “vùng sự sống” Goldilocks của Thái Dương hệ.
Thực sự có sự sống tồn tại trên Kepler 69c không?
Kepler 69c là một siêu Trái Đất ngoài hệ Mặt Trời được xác nhận có khả năng là hành tinh đất đá, quay quanh ngôi sao giống như Mặt Trời là Kepler 69, nằm ngoài cùng trong số 2 hành tinh được phát hiện bởi tàu vũ trụ Kepler của NASA.
Cách Trái Đất hàng nghìn năm ánh sáng, có thể tồn tại một hành tinh khác có sự sống. Và Kepler 69c, một siêu Trái Đất ngoài hệ Mặt Trời được nhiều người cho là một nơi có thể như vậy.
Nằm cách Trái Đất 2.383 năm ánh sáng, trong chòm sao Cygnus, Kepler 69c là một siêu Trái Đất tiềm năng. Ít nhất đó là những gì mà các nhà thiên văn học nhận định.
Kepler 69c là một ngoại hành tinh lớn hơn hành tinh của chúng ta khoảng 1,7 lần, nó quay quanh ngôi sao giống như Mặt Trời là Kepler-69. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, chúng ta không thực sự biết liệu hành tinh này có nằm trong vùng có thể ở được hay không.
Siêu Trái Đất có thể là dạng hành tinh phổ biến nhất trong thiên hà của chúng ta. Kể từ năm 2009, Kính viễn vọng Không gian Kepler đã phát hiện ra khoảng 4.000 ngoại hành tinh. 30% trong số đó là siêu Trái Đất. Và một vài phần trăm các siêu Trái Đất trong số đó quay quanh khu vực có thể sống được của ngôi sao chủ của chúng.
Nếu ở quá gần ngôi sao chủ, Kepler 69c sẽ quá nóng để nước lỏng tồn tại trên bề mặt. Nếu nó ở quá xa mặt trời của nó, thì nó sẽ chẳng là gì ngoài một thế giới lạnh giá. Những gì chúng ta biết là Kepler 69c quay quanh ngôi sao của nó gần hơn khoảng 40% so với khoảng cách Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Và điều đó có thể có nghĩa là Kepler 69c không thực sự là một siêu Trái Đất, thay vào đó nó có thể là một siêu Sao Kim.
Hành tinh này nằm quá xa chúng ta, nên mọi thứ cho tới nay vẫn chỉ là suy đoán. Nhưng nếu bạn có ý định tới thăm hành tinh này, thì hãy bỏ ngay suy nghĩ đó đi vì ngay cả khi bạn có thể di chuyển bằng 1% tốc độ ánh sáng, bạn sẽ không thể đến đó sớm được. Với tốc độ này, bạn có thể bay vòng quanh Trái Đất chỉ trong hơn 13 giây. Nhưng để đến được Kepler 69c, bạn sẽ mất khoảng 238.000 năm.
Khu vực có thể sống được là nơi mà bề mặt hành tinh có nhiệt độ thích hợp cho nước ở thể lỏng, không quá lạnh hoặc quá nóng. Tuy nhiên, có khả năng một số siêu Trái Đất này không phải là cấu tạo từ đất đá như Trái Đất. Chúng có thể được tạo ra chủ yếu bằng khí hydro và heli như Sao Mộc và Sao Thổ, nên sẽ không thích hợp cho sự sống.
Dựa trên khoảng cách của hành tinh với ngôi sao của nó, chúng ta biết rằng Kepler 69c nhận được lượng ánh sáng mặt trời tương tự như Sao Kim. Và mặc dù lớn hơn Trái Đất, nhưng nó có mật độ tương đối thấp. Tất cả điều này có nghĩa là thay vì kim loại, hành tinh đá này được tạo thành từ các khoáng chất silicat và cacbonat.
Với tất cả những khoáng chất này trong lớp vỏ, Kepler 69c có thể có một bầu khí quyển thực sự dày. Bầu không khí này sẽ bao gồm chủ yếu là carbon dioxide. Nếu Kepler 69c giống như Sao Kim, thì đó sẽ là một hành tinh khá nóng - Bầu khí quyển của Kepler 69c sẽ rơi vào một chu kỳ bất tận ngày càng dày hơn và nóng hơn.
Nhiệt độ bề mặt của hành tinh này có thể cao tới 475 độ C. Và áp suất khí quyển sẽ cao gấp hơn 90 lần so với Trái Đất - áp suất này sẽ giống như đang ở độ sâu 900 m trong đại dương.
Kepler 69c, lớn hơn Trái Đất khoảng 1,7 lần. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao tương tự như Mặt Trời của chúng ta. Các nhà thiên văn học không chắc chắn về thành phần cấu tạo của Kepler 69c nhưng cho biết, quỹ đạo của hành tinh này vào khoảng 242 ngày quay xung quanh một ngôi sao giống Mặt Trời và có những điều kiện tương tự như hành tinh láng giềng của chúng ta là Sao Kim.
Với những điều kiện như thế này, bạn có thể sẽ không tìm thấy bất cứ thứ gì giống như đại dương ở đây. Giống như trên Sao Kim, nhiệt độ cao sẽ làm sôi tất cả nước. Bất kể sự sống nào bạn có khả năng gặp phải trên hành tinh này, nó cần phải có khả năng tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt nêu trên. Hoặc nó sẽ phải tồn tại ở một nơi nào khác ngoài bề mặt.
Tuy nhiên, nếu thực sự có sự sống trên Kepler 69c, thì có lẽ chúng sẽ tồn tại ở trên mây. Ở độ cao khoảng 50 km, nhiệt độ sẽ mát hơn rất nhiều. Chúng sẽ dao động từ khoảng 30 đến 70 độ C. Và với vị trí này, có thể có lực hấp dẫn tại đây chỉ bằng hơn 70% so với lực hấp dẫn được tìm thấy trên Trái Đất.
Lực hấp dẫn yếu hơn này có thể cho phép các dạng sống phát triển mạnh trên bầu trời. Theo đó sự sống chỉ có thể trôi nổi tự do trong bầu khí quyển. Đây sẽ là một cách khác mà hành tinh này có thể có nhiều điểm chung với Sao Kim hơn là với Trái Đất. Các tàu thăm dò xung quanh Sao Kim đã thu được dấu vết của một loại khí có thể là dấu hiệu tiềm năng của sự sống - phosphine.
NASA cho biết, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu sự sống có tồn tại trên Kepler 69c hay không. Tuy nhiên, những phát hiện của họ giúp có thể sẽ con người tiến thêm một bước trong việc tìm kiếm một thế giới có sự sống tương tự như Trái Đất.
Nếu phát hiện ra phosphine trong bầu khí quyển của Kepler 69c, thì đó có thể là kết quả của vi khuẩn không cần oxy để tồn tại. Nhưng loại khí có mùi tương tự như mùi cá thối rữa. Trên Trái Đất, vi khuẩn tạo ra phosphine thường sống ở đầm lầy hoặc vùng đất ngập nước. Nhưng trên Sao Kim hoặc Kepler 69c, vi khuẩn này có thể tồn tại trong chính bầu khí quyển dày và ít oxy.
Bị tấn công, Trái Đất từng "rơi" khỏi hệ Mặt Trời? Tổ tiên của chúng ta từng phải đối diện với một thời kỳ khốc liệt khi Trái Đất bất ngờ không còn được nhật quyển che chở. Theo Sci-News, một nghiên cứu mới cho thấy một đám mây lạnh giữa các vì sao đã từng tấn công hệ Mặt Trời và khiến Trái Đất bị "rơi" khỏi vòng tay bảo vệ của ngôi...