Thêm kỷ lục chưa từng xảy ra ở Việt Nam của bão Yagi
Khi đổ bộ khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng, gió vùng tâm bão Yagi (bão số 3) mạnh cấp 13 – cấp 14, giật cấp 16 – cấp 17, cấp gió giật 17 chưa từng xảy ra trong lịch sử của Việt Nam.
Theo đánh giá của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), bão Yagi (bão số 3) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với những đặc điểm chưa có tiền lệ như: cường độ bão tăng rất nhanh (trong 48 giờ cường độ bão tăng 8 cấp), khi đổ bộ khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng gió vùng tâm bão mạnh cấp 13 – cấp 14, giật cấp 16 – cấp 17.
Bão Yagi (bão số 3) khiến Quảng Ninh tan hoang. ẢNH: THẠCH THẢO
Cạnh đó, cơn bão này duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền Việt Nam; thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài 12 giờ.
Đặc biệt, hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn miền Bắc và Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố), trong đó 83/84 trạm đo lượng mưa cao hơn 4 – 6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9 (có nơi mưa trên 700 mm).
Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?
Do mưa lớn, khu vực Bắc bộ xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông (sông Thao, sông Đáy, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý). Tại Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong 20 năm gần đây.
Mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du miền Bắc, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,…
Cấp gió giật chưa từng xảy ra ở Việt Nam
Bên cạnh những đặc điểm dị thường trên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia còn cho biết, khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền vùng tâm bão mạnh cấp 13 – 14, giật cấp 17. Việc gió giật cấp 17 (cấp gió cao nhất trong dự báo bão) trong đất liền chưa từng xảy ra trong lịch sử của Việt Nam. Đây là những hạn chế mà cơ quan khí tượng “chưa tính toán, dự báo được”.
Khi ở ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng thì mắt bão Yagi vẫn nét, hoàn lưu đẹp và đối xứng. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Ngoài cấp gió 17, cơ quan này cũng chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200 mm/6 giờ, các thông tin tính toán hiện nay chưa xác định được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn và khu trú được lượng mưa tập trung trên lưu vực sông Thao, sông Lô; chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao và chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những khó khăn, hạn chế trong việc dự báo trên là do đặc điểm địa hình địa chất khu vực trung du miền núi phía bắc chia cắt mạnh, biến động phức tạp theo không gian. Cạnh đó, có nhiều yếu tố bất thường về diễn biến bão số 3 và tính chất mưa, lũ.
Đáng chú ý, công nghệ quan trắc, dự báo thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở) đã đạt trình độ các nước trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế để đánh giá, dự báo được các trị số cực đoan, bất thường. Đặc biệt là dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện nay còn rất khó khăn, hạn chế về mặt khoa học, kể cả các nước tiên tiến (ngay cả khi có được hệ thống quan trắc mưa, quan trắc dịch chuyển đất đủ dày).
Ngoài ra, quy trình vận hành liên hồ chứa còn có nhiều điểm chưa hợp lý trong các tình huống mưa lũ cực đoan.
Giải pháp dự báo để ứng phó trước thiên tai
Về giải pháp, cơ quan khí tượng cho biết, cần nâng cấp và đổi mới hệ thống cảnh báo như: áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và học máy để nâng cao độ chính xác của các mô hình dự báo thiên tai, đặc biệt là đối với lũ lụt, bão và sạt lở đất.
Đặc biệt, đẩy mạnh bổ sung thêm các trạm quan trắc tự động với các công nghệ quan trắc thế hệ mới nhất ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác và kịp thời. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phương thức ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai kết nối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Xây dựng các chương trình giáo dục và truyền thông về biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai, nhằm nâng cao ý thức của người dân về các biện pháp tự phòng ngừa và bảo vệ trước thiên tai.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam tại Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27.10.2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát lại các quy hoạch, chiến lược của địa phương bao gồm quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, quy hoạch phòng chống thiên tai đặc biệt tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão vừa qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có nhiều nét rất đặc biệt, từ cựu thù trở thành đối tác, đối tác toàn diện và bây giờ đạt mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ, ngày 25/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN).
Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ cảm ơn chân thành tới Tổng thống Biden về thông điệp chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho nhân dân Việt Nam trong trận bão Yagi vừa qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng cảm ơn tình cảm và những đóng góp to lớn của Tổng thống Biden dành cho Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; cho rằng chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam tháng 9/2023 đã tạo động lực quan trọng đưa quan hệ hai nước phát triển vượt bậc, đạt đến tầm mức cao nhất là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay, mở ra không gian cho quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, ổn định trong nhiều thập kỷ tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao việc Tổng thống Biden tại phiên Khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chia sẻ với thế giới về bài học kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Việt Nam trong thúc đẩy hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhất trí là Việt Nam và Hoa Kỳ có chung tầm nhìn về xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại từ bài học kinh nghiệm này, đó là đề cao vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, trong đó, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau là quan trọng nhất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có nhiều nét rất đặc biệt, trong 50 năm qua, từ cựu thù trở thành đối tác, đối tác toàn diện và bây giờ đạt mức quan hệ cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ hai nước đang bước sang trang lịch sử mới và thực sự là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về nỗ lực hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh.
Tổng thống Joe Biden gửi lời chia buồn với Việt Nam trước những thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra vừa qua, đồng thời khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phục hồi sau cơn bão.
Một lần nữa chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, Tổng thống Biden khẳng định Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác có tầm quan trọng hàng đầu tại khu vực.
Tổng thống Biden nhắc lại chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam tháng 9/2023 với nhiều kỷ niệm tốt đẹp về sự tiếp đón trọng thị và nồng nhiệt của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự kiện mang tính lịch sử khi Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Biden khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng" và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, để quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam tiếp tục là hình mẫu cho sự hàn gắn và hợp tác kiến tạo tương lai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, và Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong đó coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược, và bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, lâu dài vì lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực đạt được sau một năm triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, phù hợp với mong muốn và lợi ích của cả hai bên, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Để tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, hiệu quả của khuôn khổ quan hệ mới và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2025, hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023, trong đó, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa các cấp, nhất là ở cấp cao, tập trung đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, công nghệ cao, hợp tác bán dẫn, phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây tiếp tục là trọng tâm và là khâu đột phá trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai nhà Lãnh đạo nhất trí hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có khuôn khổ ASEAN, Đối tác Mekong - Hoa Kỳ, APEC, Liên Hợp Quốc... góp phần vào thúc đẩy đối thoại, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Biden khẳng định Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN; ủng hộ Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong khu vực và quốc tế; chia sẻ mong muốn phối hợp chặt chẽ cùng Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, chống biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề chung của khu vực và quốc tế./.
Biển Đông có thể đón 5 cơn bão trong 3 tháng cuối năm Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu dự báo tháng 10-12, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, tổng hợp kết quả dự báo của...