Thêm cơ hội để trở thành đại biểu Quốc hội
Cuối phiên làm việc sáng 26/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Đề xuất giảm số lượng đại biểu Quốc hội
Đa số ý kiến đề nghị giữ quy định tổng số ĐBQH không quá 500 người như hiện nay (Điều 23), tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giảm tổng số ĐBQH còn khoảng 250 – 300 người.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo trước Quốc hội.
Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng tổng số ĐBQH không quá 500 đại biểu đã được thực hiện ổn định trong nhiều nhiệm kỳ gần đây. Số lượng này đủ để bảo đảm trong Quốc hội có thành phần, cơ cấu đại diện phù hợp về vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, giới, ngành, nghề, độ tuổi,…
Mặt khác, dân số hiện nay của nước ta đã hơn 96 triệu người, do đó số lượng cử tri mà mỗi ĐBQH đại diện cũng như khối lượng công việc mà ĐBQH cần thực hiện liên quan đến việc thực thi chức năng đại diện (như tiếp công dân, nắm bắt, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri, tiếp nhận, xử lý đơn thư của cử tri gửi đến…) ngày càng tăng thêm. Nếu giảm bớt số lượng ĐBQH thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu đại diện và khả năng cũng như chất lượng thực hiện vai trò đại diện của mỗi ĐBQH. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ quy định tổng số ĐBQH không quá 500 đại biểu như hiện nay.
Nâng tiêu chuẩn đối với ĐBQH
Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối với ĐBQH như phải có bản lĩnh chính trị, hiểu biết toàn diện các vấn đề kinh tế – xã hội, có kinh nghiệm công tác tại địa phương, có khả năng nghiên cứu, phát biểu thảo luận, tranh luận trước Quốc hội; có tác phong quần chúng gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân…. Đại biểu nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu nêu trên thì có thể bị miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm…
Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, việc đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với ĐBQH nói chung và ĐBQH hoạt động chuyên trách nói riêng là nhu cầu chính đáng và cần thiết… UBTVQH nhận thấy các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã thể hiện đầy đủ các năng lực, phẩm chất mà người ĐBQH phải có.
Video đang HOT
Vì vậy UBTVQH xin phép Quốc hội cho giữ các nội dung quy định về tiêu chuẩn ĐBQH như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để cụ thể hóa trong Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (ĐBQH hoạt động chuyên trách, ĐBQH kiêm nhiệm, ĐBQH tái cử…) nhằm tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn, bầu ra được những đại biểu thực sự xứng đáng làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.
Thêm cơ hội trở thành ĐBQH
Một số ý kiến đề nghị giảm ĐBQH kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp…
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đang cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung đề xuất cụ thể về việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần, tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và dự kiến cơ cấu ĐBQH cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bảo đảm phù hợp với các yêu cầu, chỉ đạo của Đảng đã nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về việc giảm hợp lý số lượng ĐBQH kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp.
Bên cạnh đó, cũng sẽ xem xét việc dành tỷ lệ nhất định cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động đại biểu sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về năng lực công tác, trí tuệ, uy tín và có sức khỏe, tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội. Các tiêu chí lựa chọn, cơ cấu cụ thể người ứng cử ĐBQH sẽ được cụ thể hóa trong Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV và không bổ sung vào Luật.
Quốc hội chuyên nghiệp hơn khi tăng đại biểu chuyên trách
Nên tăng tỉ lệ số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức 37-40% tổng số đại biểu.
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự cuộc đàm lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, do Văn phòng Quốc hội tổ chức tổ chức tại Đà Nẵng mới đây.
Các ĐBQH hoạt động chuyên trách đang ngày càng khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Theo Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ĐBQH là nguồn quan trọng làm nên chất lượng của Quốc hội. Do đó, ông Phúc đồng tình với ý kiến góp ý về cơ cấu của ĐBQH.
Cơ cấu ĐBQH sẽ thể hiện trong phương án bầu cử, cụ thể là cơ quan hành pháp sẽ giảm đi. Quy định mới của Trung ương cho phép lãnh đạo địa phương chỉ tham gia 2 chức vụ, theo đó cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương, thành viên Chính phủ và thành viên Bộ Chính trị trong Quốc hội sẽ giảm.
Cùng với cơ cấu ĐBQH, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đồng tình với góp ý đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, trong đó chú trọng nâng cao năng lực và điều kiện hoạt động của Quốc hội; đồng tình với phương án hạn chế bớt chức danh trong các Ủy ban của Quốc hội.
Khẳng định cần thiết tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc tăng đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sắp xếp, bố trí, kiện toàn bộ máy của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH.
Hơn nữa, thực tế những nhiệm kỳ qua cho thấy, các đại biểu hoạt động chuyên trách đang ngày càng khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Vẫn theo ĐB Nguyễn Văn Tuyết, thời gian qua dù có rất nhiều cố gắng trong công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn từ sớm, nhưng con số đại biểu hoạt động chuyên trách vẫn chưa đạt tỷ lệ 35% như đề ra. Và, ngay tại nhiệm kỳ Khóa XIV, chúng ta chỉ có 167 ĐBQH hoạt động chuyên trách trên tổng số 483 ĐBQH, như vậy mới đạt 34,5%.
ĐB Tuyết cho rằng, cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng về tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, giảm hợp lý số lượng ĐBQH kiêm nhiệm ở các cơ quan hành pháp.
Để thực hiện điều này, ĐB Nguyễn Văn Tuyết kiến nghị, cần sửa Khoản 2, Điều 23, dự thảo Luật theo hướng quy định tối thiểu số ĐBQH hoạt động chuyên trách là 40% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch và bố trí cán bộ.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu quan điểm được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ĐBQH chính là trung tâm của hoạt động Quốc hội. Vì thế, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động của Quốc hội cần xem xét nâng số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Thực tế cho thấy, ĐBQH kiêm nhiệm chỉ hoạt động 1/3 thời gian, tương đương khoảng 4 tháng mỗi năm, chỉ tính riêng hai kỳ họp Quốc hội đã chiếm 2 tháng hoạt động, còn lại là tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và hoạt động với tư cách là thành viên của các Ủy ban của Quốc hội...
Như vậy, đại biểu kiêm nhiệm rất khó để bảo đảm cả về chất lượng và thời gian hoạt động.
ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng, nếu cứ tiếp diễn tình trạng trên, thì bài toán tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội còn nhiều "nan giải".
Do vậy, tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách chính là "chìa khóa" để tăng chất lượng hoạt động Quốc hội. Và như ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ, chúng ta hướng đến một Quốc hội chuyên nghiệp thì không thể không tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Như phân tích của ĐB Phạm Trọng Nhân, nhiều ĐBQH chuyên trách có trình độ, khả năng tư duy, bản lĩnh nghị trường mà các ĐBQH trẻ khó lòng có được, sau nhiều năm hoạt động nghị trường với bề dày kinh nghiệm mà vẫn cứ áp dụng việc "lui về" khi vẫn đủ trí, thể, lực thì rất lãng phí tinh hoa của Quốc hội.
Cùng quan điểm này, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu vấn đề, hiện nay Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã được nâng tuổi nghỉ hưu, vậy tại sao không thể kéo dài tuổi nghỉ hưu cho những ĐBQH hoạt động chuyên trách nhận được sự tín nhiệm lớn của cử tri và chính các ĐBQH khác?
Nguyễn Việt
Theo DĐDN
Sẽ bỏ sổ hộ khẩu Thay đổi quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân phù hợp với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử Ngày 22-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Quản lý bằng số định danh Trình bày tờ trình dự án luật,...