Thêm biện pháp ngăn chặn trước khi khởi tố bị can tham nhũng
Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định, cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết và biện pháp nghiệp vụ trinh sát trước khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, giống như đối với tội phạm ma túy, tội phạm an ninh quốc gia.
Trả lời chất vấn của cử tri các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng và Quảng Ngãi về việc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, lãnh đạo Bộ Công an thừa nhận, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, như vụ Vinashin, Vinalines…
Bộ Công an phân trần nhiều khó khăn, vướng mắc đối với cơ quan điều tra trong việc phòng chống tham nhũng. Những “người trong ngành” đánh giá, các vụ án tham nhũng rất phức tạp, liên quan đến chủ thể là những người có chức vụ, quyền hạn, phương thức thủ đoạn phạm tội rất tinh vi. Cán bộ “dính chàm” lại thường có mối quan hệ xã hội rộng, có kiến thức chống lại các biện pháp phát hiện, đấu tranh của các cơ quan bảo vệ pháp luật nên việc phát hiện, điều tra, xử lý rất khó khăn, phải thực hiện rất thận trọng.
“Các vụ án tham nhũng được khởi tố chủ yếu từ công tác nắm tình hình và xác minh của cơ quan điều tra. Cơ quan giám sát, cơ quan quản lý cấp trên, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước đều không tự mình phát hiện được vụ tham nhũng lớn nào chuyển cơ quan điều tra” – văn bản trả lời chất vấn của cử tri nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng than khó trong việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn vì Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia, do đó công tác điều tra chủ yếu dựa trên quan hệ có đi có lại giữa các cơ quan tư pháp các nước. Việc ủy thác điều tra và tiếp nhận kết quả ủy thác điều tra phải phụ thuộc vào nước ngoài nên công tác điều tra bị kéo dài.
Một nguyên nhân khách quan khác, Bộ Công an cho rằng hệ thống các quy định pháp luật hình sự về xử lý tội phạm tham nhũng còn thiếu và chưa đồng bộ, không thống nhất, nhất là các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, từ đó dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Từ đó, Bộ Công an cho biết sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.
Video đang HOT
Trước mắt, Bộ Công an tập trung nghiên cứu sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng cho phép Cơ quan điều tra được tiến hành các biện pháp ngăn chặn cần thiết và các biện pháp nghiệp vụ trinh sát khi có tài liệu đối tượng tham nhũng trước khi khởi tố bị can như trong đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm về ma túy.
Ngăn chặn tội phạm bỏ trốn trước khi khởi tố như trường hợp Dương Chí Dũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. (Ảnh minh họa)
Trực tiếp hơn, cơ quan này “hứa” sớm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định các tội phạm tham nhũng thể hiện trong Bộ Luật hình sự 1999. Nhiều nội dung khác vẫn chờ văn bản dưới luật như việc lượng hoá cụ thể các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; hướng dẫn áp dụng các tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, lợi ích vật chất khác, số lượng lớn, giá trị lớn, tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác; xác định hành vi phạm tội của các tội phạm xâm phạm tài sản trong các doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất nghiên cứu sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng quy định ngoài Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, ngay cả Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp cũng có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 7 luật Báo chí hiện hành quy định phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng” (chỉ được truy nguồn tin để phục vụ việc truy tố, xét xử một vụ án hình sự có tội danh rơi vào khung hình phạt từ 7 năm tù trở lên).
Việc đề xuất “nới” hơn quyền truy vấn nguồn tin của báo chí đã từng gây tranh luận khi Quốc hội bàn thảo việc sửa luật Phòng Chống tham nhũng trong năm 2012.
Khi đó, có rất nhiều ý kiến “can gián” hướng nới quyền cho cả cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra Đảng… được truy vấn nguồn tin của báo chí với cảnh báo việc này có khả năng dẫn tới nguy cơ tiết lộ danh tính và thông tin cá nhân của người tố cáo tham nhũng, có thể gây nguy hiểm, đe dọa đến sự an toàn cho người tố cáo.
Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cho rằng, nguyên tắc báo chí không tiết lộ nguồn tin là quy định phổ biến trên toàn thế giới. Bảo vệ nguồn tin là pháp lý, đạo lý nghề nghiệp. “Nới” quy định như vậy có khả năng làm phóng viên, nhà báo bị buộc phải vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động báo chí, đồng thời gây lo lắng, bất an, nhụt chí cho người tố cáo.
Từ những tranh luận gay gắt đó, cơ quan soạn thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi (Thanh tra Chính phủ) đã rút lại đề xuất thay đổi này, giữ nguyên quy định hiện hành. Theo đó, vẫn chỉ có Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND có quyền yêu cầu phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí tiết lộ nguồn tin phục vụ việc điều tra xét xử tội phạm tham nhũng nghiêm trọng.
Theo Dantri
Lãnh đạo Viện KSND Tối cao thừa nhận ra "phán quyết" trái thẩm quyền
Liên quan đến vụ UBND huyện Hiệp Hòa thu hồi sổ đỏ của công dân, lãnh đạo Viện KSND Tối cao thừa nhận việc ra CV "đề nghị" tỉnh Bắc Giang thu hồi sổ đỏ trên, cấp cho công dân khác là trái thẩm quyền.
Trong khi đại diện của UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Hiệp Hòa thu hồi sổ đỏ của công dân là quan hệ hành chính "bình thường", thì lãnh đạo Viện KSND Tối cao thừa nhận việc ra CV "đề nghị" tỉnh Bắc Giang thu hồi sổ đỏ của công dân này, cấp cho công dân khác là trái thẩm quyền.
Ông Hà Như Khuê - Vụ trưởng Vụ Khiếu tố, Viện KSND Tối cao: "Chúng tôi sai thì sửa".
Viện KSND Tối cao sẽ thu hồi "phán quyết"
Liên quan đến CV số 75/VKSTC-V7 ngày 8.6.2012 có nội dung: Viện KSND Tối cao đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp sai cho ông Nguyễn Thế Bảo (thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa) và công nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Truyền (bố đẻ của anh Bảo). Ngày 12.4, PV Báo LĐ đã có buổi làm việc với ông Hà Như Khuê - Vụ trưởng Vụ Khiếu tố (Vụ 7), Viện KSND Tối cao - người thừa lệnh Viện trưởng Viện KSND Tối cao ký CV số 75.
Ông Hà Như Khuê cho biết, theo thẩm quyền Vụ 7 có quyền tiếp nhận, phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân sau đó chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, khi đọc lại CV số 75 ông Hà Như Khuê đã phải thốt lên: "Không hiểu tại sao tôi lại ký vào CV như thế này nhỉ?".
Khi PV hỏi: "Ông có bình luận gì về bài báo "Bắc Giang: Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết khiếu nại bằng mệnh lệnh hành chính" trên báo LĐ số 67/2013 ra ngày 28.3 có phản ánh việc Viện KSND Tối cao ra "phán quyết" trái thẩm quyền khi "đề nghị" UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thu hồi sổ đỏ của ông Bảo cấp cho ông Truyền. Ông Hà Như Khuê thẳng thắn thừa nhận: "Mình sai thì sửa. Chúng tôi sẽ có CV đính chính, thu hồi đề nghị trên gửi UBND tỉnh Bắc Giang".
UBND tỉnh chưa từng nhận được đơn của ông Truyền (!?)
Cũng để làm rõ nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang đối với UBND huyện Hiệp Hòa phải thu hồi sổ đỏ của ông Nguyễn Thế Bảo, ngày 11.4, PV Báo LĐ đã có buổi làm việc chính thức với UBND tỉnh Bắc Giang. Đại diện cho lãnh đạo UBND tỉnh, ông Lê Tuấn Phú - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết: "Đến bây giờ chưa thấy có cái đơn nào của ông Nguyễn Văn Truyền gửi đến tỉnh. Đơn của ông Truyền toàn gửi vượt cấp và các cơ quan Viện KSND Tối cao, Bộ TNMT, Mặt trận tổ quốc... chuyển về đây".
Ông Nguyễn Văn Truyền với tập đơn tố cáo con trai trưởng - ông Nguyễn Thế Bảo (trung tá QĐNDVN đã tử nạn năm 2005) và con dâu.
Bên cạnh đó, có một thực tế là tất cả các CV của Viện KSND Tối cao, Bộ TNMT, Mặt trận tổ quốc... gửi đến UBND tỉnh Bắc Giang đều không hề có một dòng chữ nào thể hiện đơn của ông Nguyễn Văn Truyền được gửi kèm CV, ngược lại nội dung của các CV này lại "tóm tắt" khá chi tiết nội dung "đơn" của ông Truyền.
Khi PV hỏi ông Hà Như Khuê: "Nội dung của CV số 75 của Viện KSND Tối cao hình thành trên cơ sở nào?". Ông Khuê cho biết: "Tất nhiên là trên cơ sở đơn của ông Truyền và chúng tôi đã gửi đơn của ông Truyền kèm theo CV về tỉnh". PV hỏi tiếp: "Thế tại sao trong CV số 75 không có dòng chữ nào thông báo là đơn của ông Truyền được gửi kèm theo CV?". Lúc này thì ông Hà Như Khuê im lặng.
Như vậy có thể khẳng định, việc UBND tỉnh Bắc Giang không nhận được lá đơn nào của ông Truyền, không xác định được nội dung đơn của ông Truyền là khiếu nại hay tố cáo mà vẫn chỉ thị cho UBND huyện Hiệp Hòa ra QĐ thu hồi giấy CNQSDĐ của ông Bảo là vi phạm nghiêm trọng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tổ chức HĐND và UBND.
Cùng lúc, trong khi đã bác đơn của ông Nguyễn Văn Truyền, UBND huyện Hiệp Hòa lại chấp hành "lệnh" của Chủ tịch UBND tỉnh ra QĐ thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của hộ ông Nguyễn Thế Bảo cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng các luật nêu trên.
"HĐND và UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế XHCN, ngăn ngừa và chống các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm và các biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, công chức và trong bộ máy chính quyền địa phương" (Điều 3 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003).
Theo Dantri
Công dân gửi "tâm thư" đến Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Bị đẩy vào vòng xoáy kiện tụng khi bản án đã thực thi, còn mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão có quyền lợi liên quan đã qua đời vào năm 2010, những người con của cụ Mão quyết định viết "tâm thư" gửi Chánh án TAND Tối cao với mong muốn tìm được công lý. Sau loạt bài về vụ tranh chấp đất...