Thế nào là phơi nhiễm HIV?
Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, việc xử lý sau phơi nhiễm rất quan trọng, giúp bạn hạn chế được nguy cơ mắc HIV.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết phơi nhiễm HIV là tình huống có tiếp xúc trực tiếp máu, các dịch cơ thể của người mắc HIV hoặc nghi ngờ, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này.
Các trường hợp phơi nhiễm HIV
Theo cơ quan này, chúng ta chia ra 2 loại phơi nhiễm là do nghề nghiệp và ngoài môi trường nghề nghiệp (tại cộng đồng).
Phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp thường gặp ở những người làm nghề y như bị kim đâm khi làm thủ thuật, tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm; vết thương do dao mổ và các dụng cụ y tế sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh gây tổn thương. Phơi nhiễm do nghề nghiệp còn gặp ở trong một số ngành như công an, quân đội…, khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm.
Phơi nhiễm với HIV không do nghề nghiệp là những trường hợp tiếp xúc máu, dịch cơ thể có khả năng làm lây nhiễm HIV. Chúng ta thường gặp ngoài cộng đồng như quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc bị vỡ, rách; sử dụng chung bơm kim tiêm với người nghiện ma tuý; vết thương do đâm phải kim hoặc vật sắc nhọn vứt ra các khu vực công cộng, có dính máu nhìn thấy được; vết thương do người nghi nhiễm HIV cắn gây chảy máu.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp những tình huống dẫn tới phơi nhiễm HIV. Ảnh: Everydayhealth.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết một người được kết luận phơi nhiễm HIV khi tiếp xúc trực tiếp máu hoặc dịch tiết của người nhiễm HIV qua da bị tổn thương hoặc niêm mạc.
Video đang HOT
Không phải tất cả trường hợp tiếp xúc trực tiếp máu và dịch cơ thể người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ đều mắc căn bệnh này. Bởi điều này còn tuỳ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ. Theo bác sĩ Hùng, việc xử lý sau phơi nhiễm rất quan trọng, giúp bạn hạn chế được nguy cơ lây nhiễm HIV.
Làm gì khi bị phơi nhiễm?
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng cho hay phơi nhiễm với HIV phải được xử lý càng sớm càng tốt, không nên để quá 72 giờ.
Người bị tai nạn cần thực hiện xử lý vết thương tại chỗ, đúng cách:
Vết thương da chảy máu: Rửa ngay dưới vòi nước, để vết thương tự chảy máu trong thời gian ngắn, không nặn bóp. Bạn cần rửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng với các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10 hoặc cồn y tế) trong thời gian ít nhất là 5 phút.
Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9%, xúc miệng nước muối sinh lý nhiều lần.
Phơi nhiễm qua niêm mạc mắt : Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong 5 phút.
Sau khi thực hiện các bước trên, bạn hãy đánh giá nguy cơ phơi nhiễm. Theo bác sĩ Hùng, trường hợp được cho là nguy cơ cao khi tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều. Máu và các dịch của người nhiễm HIV bắn vào vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.
Trường hợp nguy cơ thấp là khi tổn thương da nông và không chảy máu hoặc rất ít. Máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét.
Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không tổn thương thuộc trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm.
Những trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm không cần điều trị. Trường hợp có nguy cơ thấp hoặc cao có thể điều trị dự phòng bằng ARV.
Trường hợp phơi nhiễm HIV có thể điều trị dự phòng bằng ARV. Ảnh: Quỳnh Trang.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, thuốc ARV từ lâu đã được sử dụng để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm là biện pháp giảm nguy cơ nhiễm HIV nhờ vào tác dụng của thuốc kháng virus – ARV.
Những nghiên cứu khoa học thực nghiệm cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ vào khoảng 90- 95%. Hiệu quả của phương pháp này giảm dần theo thời gian và được cho là có ít hoặc không còn giá trị nếu sử dụng thuốc ARV sau 72 giờ. Thời gian điều trị ARV tốt nhất là 2-6 tiếng sau khi bị phơi nhiễm.
Trong thời gian điều trị dự phòng ARV, người bị phơi nhiễm cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc thông qua các xét nghiệm công thức máu, đo chỉ số men gan ALT/SGPT thời điểm bắt đầu điều trị và sau 2 tuần, xét nghiệm đường máu.
Đồng thời, người dân cũng cần xét nghiệm HIV sau 1, 3 và 6 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm. Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm không bị lây nhiễm bệnh này.
Trong 10 tháng, Hà Nội phát hiện 1.263 trường hợp nhiễm HIV
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, trong 10 tháng năm 2020, Hà Nội ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV.
Tính đến 31/10/2020, Hà Nội đã phát hiện được 29.931 ca nhiễm HIV, chiếm 9,6% số người nhiễm HIV của cả nước. Hà Nội là địa phương có số người nhiễm lớn thứ 2, sau TP Hồ Chí Minh. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân là 294 người/100.000 dân, đứng thứ 12 so với cả nước.
Trong 10 tháng, Hà Nội phát hiện 1.263 trường hợp nhiễm HIV (ảnh minh họa)
Theo bà Lã Thị Lan, trong 10 tháng năm 2020, Hà Nội ghi nhận thêm 1.263 trường hợp nhiễm HIV (giảm so với cùng kỳ năm 2019). Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện năm 2020 chủ yếu là nam giới 78,7%; độ tuổi từ 15 - 25 chiếm 26,3% (tăng 8,1% so với năm 2010). Đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục tiếp tục gia tăng, từ 22,5% (năm 2010) lên 74,5% (năm 2019) và 72,6% (10/2020).
Tỷ lệ lây qua đường máu giảm từ 70,5% (năm 2010) xuống 16,9% (năm 2020). Hai nhóm phát hiện nhiều nhất 10 tháng năm 2020 là vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV (35,2%) và quan hệ tình dục đồng giới (MSM) 33,1%. Nhóm tiêm chích ma túy chỉ còn 13,1%.
Theo baotintuc, về chương trình điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân, Hà Nội bắt đầu triển khai điều trị ARV từ năm 2004 tại Bệnh viện Đống Đa, với 50 bệnh nhân được điều trị từ 1 dự án do chính phủ Pháp tài trợ. Từ năm 2004 - 2018, nguồn thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm cho bệnh nhân điều trị ARV được hỗ trợ miễn phí chủ yếu từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét...
Bắt đầu từ năm 2019, thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm được chuyển giao dần từ miễn phí sang thực hiện thanh toán qua nguồn BHYT. Hà Nội đã mở rộng độ bao phủ thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV trên địa bàn.
Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV được tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT cũng tăng dần năm 2019 là 1.929 người tại 5 cơ sở, đến 31/10/2020 là 2.259 bệnh nhân tại 13 cơ sở, chiếm 22% tổng số bệnh nhân đang điều trị.
Theo bà Lan, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2021 (90% người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm của bản thân, 90% người chẩn đoán HIV được điều trị ARV, 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế); khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo kinhtedothi, tính đến ngày 31/10/2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống tại Việt Nam 211.981 người và bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong 103.462 người. Còn 10 tháng năm 2019, cả nước đã phát hiện được 8.479 người nhiễm HIV và 1.496 người nhiễm HIV tử vong. Số mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (40,1%) và 30 - 39 (33,8%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (67,2%), qua đường máu (16,6%), mẹ sang con (1,8%) và còn lại không có thông tin đường lây truyền.
Quảng Ngãi lần đầu tiếp nhận kỹ thuật thay khớp gối Ngày 19.11, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đã tiến hành ca phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo toàn phần lần đầu tiên với sự hỗ trợ chuyển giao của của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hỷ đến từ Bệnh viện Trung ương Huế. Phẫu thuật thay khớp gối là kỹ thuật đặc biệt phức tạp, yêu cầu cao về...