‘The Hunger Games 2′ gây ấn tượng mạnh về style trang điểm
Cách đánh mắt cho Jennifer Lawrence lấy cảm hứng từ đôi cánh chim với những đường cong mềm mại và biến hóa.
Bộ phim The Hunger Games: Catching Fire ra mắt dịp cuối năm nay không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ về doanh thu mà còn khiến khán giả trầm trồ trong từng cảnh quay ấn tượng, trong cách trang điểm và lựa chọn trang phục cầu kỳ, lộng lẫy cho dàn diễn viên. Hãng mỹ phẩm CoverGirl đã kết hợp cùng nhà sản xuất Lionsgate tạo ra nhiều khuôn mặt trang điểm độc đáo, khác biệt và tạo cá tính riêng cho từng nhân vật.
Điều khiến người xem khó quên khi phần hai kết thúc không chỉ ở kịch bản chuyển thể xuất sắc mà còn ở các xu hướng trang điểm mùa thu đông đang “sốt xình xịch” được khắc họa rõ nét trong từng khuôn hình. Chuyên gia make-up nhấn nhá vào mắt, với nhiều biến tấu lấy cảm hứng từ đôi cánh chim nhại, tạo thành đường cong mềm mại, bay bổng phía đuôi mắt. Phấn nền được phủ rất mỏng và son môi gần như nude khiến đôi mắt càng thêm nổi bật. Cách sử dụng mi giả siêu dài gắn ở mí trên, mí dưới đính đá đầy sáng tạo, đem lại chiều sâu cho nhân vật.
Trong phân đoạn nhân vật Katniss Everdeen mặc váy cưới, chuyên gia trang điểm giúp Jennifer Lawrence tạo vẻ ngoài lộng lẫy với rất nhiều họa tiết đính đá quý. Thay vì kẻ viền mắt dưới bằng bút nước thông thường, chuyên gia trang điểm gắn các viên đá thành một đường ôm gọn đôi mắt. Cửa sổ tâm hồn không chỉ đánh khói hoàn hảo mà còn được gắn mi giả siêu dài, tạo độ mềm mại cho cả gương mặt.
Cách kết hợp giữa màu trang phục, phấn phủ mắt và phụ kiện đồng điệu, tạo cho nhân vật nét cá tính, mạnh mẽ trên gương mặt.
Vẫn lấy cảm hứng trang điểm từ đôi cánh chim nhại, đôi mắt của nhân vật Katniss Everdeen được phủ bằng những đường nét mềm của phấn màu nâu đỏ. Đường viền mắt đen chạy dài ra phía đuôi, khiến đôi mắt sâu hơn.
Bên cạnh diễn viên chính, các diễn viên phụ cũng rất được đầu tư về trang điểm và phục trang. Để vẽ đôi mắt cá tính, ban đầu bạn có thể phủ lớp phấn nền màu nude cho bầu mắt, tán phấn màu cam đậm sau khi đã kẻ viền bằng bút nước màu đen.
Sự kết hợp giữa màu vàng ánh kim với xanh đen giúp nhân vật Katniss Everdeen thể hiện được nét căm hận, giận dữ trong đôi mắt. Không chỉ sử dụng phấn mắt màu đậm, viền mắt vàng phía dưới với chút mềm mại của cánh chim cũng làm tăng hiệu ứng.
Video đang HOT
Ngoài trang điểm, kiểu tóc tết lệch đơn giản nhưng mạnh mẽ cũng đang là xu hướng hot hiện nay và các chuyên gia tạo mẫu không bỏ qua điều này khi tạo hình cho nhân vật Katniss Everdeen.
Diễn viên Elizabeth Banks cũng thể hiện hoàn hảo vai Effie Trinket nhờ lớp hóa trang ấn tượng. Mỗi lần xuất hiện của Effie là một phong cách trang điểm thời thượng, từ kiểu đánh mắt mèo, sử dụng màu đồng hay phấn mắt xanh đều được chăm chút tỉ mỉ.
Kiểu phủ mascara mắt tạo thành từng khối khác nhau, khiến đôi mắt đậm nét hơn.
Jena Malone khi vào vai Johanna Mason đã tạo dấu ấn với cách đánh mắt sáng tạo. Không chỉ phủ phấn mắt màu vàng sequins lấp lánh, cách gắn mi giả ngược, riêng cho mắt dưới, khiến sự gai góc, cá tính của nhân vật càng thêm rõ nét.
Bộ phim với trang phục và cách trang điểm ấn tượng này sẽ được trình chiếu tại Việt Nam vào ngày 27/11.
Theo ngôi sao
"Catching Fire" - một bộ phim "nổi da gà"
Có rất nhiều khoảnh khắc khiến bạn phải nổi da gà trong "The Hunger Games: Catching Fire".
Trong số rất nhiều cảnh quay đẹp của The Hunger Games: Catching Fire, có một cảnh quay mà tôi thích nhất, đó là cảnh Katniss Everdeen, lộng lẫy như nàng công chúa trong bộ váy cưới trắng, bước lên sân khấu và xoay vòng. Chiếc váy cưới bốc cháy, biến thành một chiếc váy khác cũng lộng lẫy không kém, nhưng màu đen, với đôi cánh đầy oai dũng - tượng trưng cho hình ảnh chim húng nhại - biểu tượng của những người kháng chiến ở Panem.
Giây phút đó, khán giả như tưởng tượng ra gương mặt nữ chính, đang ném một cái nhìn mai mỉa và thách thức Capitol: "Ta không phải đồ chơi của các người! Ta là tinh thần của cuộc cách mạng sẽ bùng nổ!". Khoảnh khắc ấy rực rỡ, chói lòa, sống động và "nổi da gà". Hiếm có khi nào mà tuyên ngôn chính trị và thời trang lại hòa hợp cùng nhau hoàn hảo đến như thế!
Và Catching Fire, còn có nhiều khoảnh khắc khác khiến khán giả phải "nổi da gà" như vậy nữa. So với phần 1, phần 2 tỏ ra nổi trội hơn hẳn, cả về cốt truyện, kỹ xảo lẫn diễn xuất. Một bộ phim vừa đậm tính giải trí vừa để lại những suy nghĩ cùng tuyên ngôn đầy ẩn ý - điều mà không phải bom tấn nào cũng làm được.
Tiếp nối đoạn kết ở phần 1, phần 2 của The Hunger Games kể về cuộc sống của Katniss và Peeta, những người trở về nhà sau chiến thắng trong Đấu trường sinh tử lần thứ 74. Còn chưa kịp thoát khỏi những ám ảnh kinh hoàng từ cuộc chiến, cả hai đã buộc phải tham gia vào "Chuyến đi của những người chiến thắng", thực ra là một màn kịch đóng giả làm những người yêu nhau hạnh phúc với mục đích ca ngợi chế độ đãi ngộ của Capitol và xoa dịu tinh thần của dân chúng.
Thế nhưng điều đó không thay đổi được một thực tế rằng thế sự đã đổi khác từ sau chiến thắng của Katniss tại Đấu trường sinh tử. Cô gái dũng cảm đến từ Quận 12 đã giúp người dân nhen lên ngọn lửa đấu tranh chống lại chính quyền. Bạo loạn nổi lên ở khắp nơi và Tổng thống Snow quyết định sẽ bẻ gẫy tinh thần của Katniss một lần nữa, để cho người dân chứng kiến hình ảnh nữ anh hùng của họ bị hủy hoại.
Một cuộc đấu sinh tử khác lại diễn ra, nhưng lần này còn khốc liệt và tàn bạo hơn, với tên gọi Đấu trường Tứ phân (The Quarter Quell), nơi Katniss, Peeta phải đối diện với những sát thủ chuyên nghiệp máu lạnh, khát khao chiến thắng và sẵn sàng làm tất cả để giành chiến thắng...
Đấu trường sinh tử là một chương trình truyền hình thực tế tàn bạo nhất, khi khán giả của nó trực tiếp chứng kiến cuộc tàn sát của những "vật hiến tế" - là những trẻ em đến từ các quận của đất nước Panem. Và toàn bộ bộ phim - tái hiện lại đấu trường khốc liệt đó, là một chương trình thực tế lớn hơn nữa, mang lại cho khán giả không chỉ sự căng thẳng "toát mồ hôi" mà còn là cả những cảm xúc với nhiều sắc độ.
Có một bộ phận khán giả phàn nàn rằng chương trình thực tế phần 2 này hơi dài dòng khi dành đến một nửa thời lượng phim chỉ để dẫn dắt trong khi họ vội vàng muốn xem ngay diễn biến chính - là "Huyết trường tứ phân" khốc liệt. Điều này tương tự như việc các show thực tế tiêu tốn rất nhiều thì giờ cho các phần quảng cáo để kiếm tiền và luôn "ém hàng" vào phút chót để câu khách. Cũng đúng mà cũng không đúng!
Đúng ở chi tiết là càng về sau, The Hunger Games: Catching Fire càng được đẩy lên cao trào và hấp dẫn khiến khán giả không thể rời mắt, nhưng không đúng ở chỗ phần dẫn dắt phía trước hoàn toàn không dài dòng hay thừa thãi, mà chỉ góp phần để sự bùng nổ phía sau được hợp lý hóa. Hơn nữa nếu không có phần dẫn dắt ở nửa đầu phim, chắc chắn khán giả sẽ không được xem một nữ anh hùng Katniss Everdeen sắc bén và giàu biểu cảm đến như thế! Catching Fire tiếp tục là một bước đột phá đầy ngoạn mục của Jennifer Lawrence khi cô cho thấy một Katniss hoàn hảo, từ ánh mắt, cử chỉ cho đến những biểu cảm, hành động.
Tạo hình tuyệt đẹp của Jennifer Lawrence trong "Catching Fire"
Hơn nữa sự khắc họa chế độ độc tài thối nát của Capitol sẽ không trở nên sống động và rõ nét đến thế nếu không có sự tương phản giữa những cuộc đấu tranh, bạo loạn, bối cảnh hoang tàn đổ nát ở các quận và những bữa tiệc xa hoa, lộng lẫy ở trung tâm Capitol, giống như lời nhận xét đầy chua xót của nhân vật Peeta: "Ở ngoài kia hàng triệu người dân đói khổ vì không có cái ăn, còn ở đây người ta phải uống thuốc để nôn ra vì ăn quá nhiều".
Nếu có một chút gì đáng tiếc và gọi là "dài dòng" ở đây thì đó chính là một số phần kể hơi thừa trong khi đó, đáng lẽ ra các nhà làm phim có thể hoàn toàn sử dụng hình ảnh để tái hiện.
Nếu như Katniss là hoàn hảo trong Catching Fire thì nhân vật Peeta cũng thú vị hơn trong phần 2 này. Anh chàng này trở nên "đàn ông" hơn hẳn dù vẫn không thoát hết được nét yếu đuối, run rẩy cố hữu. Dàn diễn viên phụ cũng tuyệt vời không kém, mà phải kể đến ở đây vai diễn người dẫn chương trình Caesar Flickerman (Stanley Tucci đóng) và Effie Trinket (Elizabeth Banks). Họ thuộc tuyến nhân vật cường điệu của bộ phim và đây thực tế là một vai trò vô cùng khó khi các diễn viên vừa phải thúc đẩy hết sức diễn xuất cường điệu của mình lại vừa phải biết tiết chế vừa đủ để không bị mất kiểm soát dẫn đến quá "lố".
Trong khi Caesar dường như lúc nào cũng phô ra hết mức có thể hàm răng trắng bóc của y, và mọi "tín hiệu" mà y phát ra đều giống như sự phơi bày một cách lộ liễu niềm hạnh phúc tột độ (trong ngu muội) được hưởng thụ chế độ đãi ngộ của Capitol thì Effie lại là hiện thân của sự phù phiếm, giả tạo của chủ nghĩa vật chất.
Những nhân vật như Ceasar và Effie là một phần không thể thiếu của thế giới này. Nhưng cũng lại rất tinh tế, các nhà làm phim đã khéo léo để xuất hiện một tình tiết, khi "người đàn bà phù phiếm" Effie bộc lộ nỗi đau buồn chân thành và cảm giác bất công dành cho các "vật hiến tế" là Peeta và Katniss. Nỗi chua xót dù thoảng qua và núp dưới vỏ bọc hào nhoáng lố bịch, vẫn rất "đắt" để nắm nắt và chính chi tiết nhỏ đó đã góp một phần ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ nội dung phim.
Cuối cùng, để đặt dấu chấm cho bài viết này, tôi vẫn muốn quay về với nhân vật Katniss, trung tâm của câu chuyện. Khán giả có thể thấy Katniss săn bắn để kiếm cái ăn cho gia đình trong khi Peeta nướng bánh mì, cô ấy chủ động hôn người đàn ông mình yêu, và hôn người bạn đồng hành của mình để cứu anh ấy, sẵn sàng lao ra trước đòn roi của kẻ thù để che chở cho người yêu... Nếu như các bộ phim Hollywood gần đây hay có xu hướng xây dựng hình ảnh người anh hùng của thời đại mới - là những con người bình thường nhân nghĩa, dám đứng dậy chống lại cái ác, thì ở đây, khán giả tiếp tục được chứng kiến một hình ảnh như thế, nhưng là nữ giới.
Có thể nhân vật Katniss vẫn chưa đủ sức để tạo nên một cuộc cách mạng về hình tượng trong điện ảnh, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền mơ về một thế giới mới, nơi hình ảnh của người phụ nữ cũng đẹp đẽ như thế: có khi lộng lẫy yêu kiều trong chiếc váy trắng của công chúa, nhưng lúc cần thiết cũng sẵn sàng bốc cháy để tung bay trên đôi cánh mạnh mẽ của loài húng nhại...
Theo Trithuctre
"Catching Fire" bất khả chiến bại với doanh thu "khủng" "The Hunger Games: Catching Fire" tiếp tục lập kỷ lục mới: phim ăn khách nhất mọi thời đại trong dịp lễ Tạ ơn. Tuần qua, nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Tạ ơn nên doanh thu ở các rạp chiếu phim cũng có nhiều khởi sắc. Đáng chú ý nhất vẫn là phần 2 của bom tấn The Hunger Games - Catching...