Thế giới vừa trải qua tuần có số ca mắc mới COVID-19 cao kỉ lục
Thế giới vừa trải qua tuần có 5,2 triệu ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, với việc nhiều nước ghi nhận mức lây nhiễm kỉ lục.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bhopal, Ấn Độ, ngày 10/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Xu hướng đáng ngại này xuất hiện chỉ ít ngày sau khi thế giới ghi nhận cột mốc đáng buồn với 1,3 triệu người tử vong vì COVID-19, bất chấp việc các nước đẩy nhanh nỗ lực tiêm phòng vaccine. Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca nhiễm trong tuần tăng 12% so với tuần trước đó, làm giấy lên lo ngại về kỳ vọng sớm dập tắt được đại dịch.
Mức lây nhiễm theo tuần đã vượt so với thời kỳ đỉnh điểm trước đó hồi giữa tháng 12/2020. Dịch bệnh có chiều hướng giảm ở Mỹ và Anh, nhưng lại tăng mạnh ở nhóm nước đang phát triển, với Ấn Độ và Brazil là hai tâm dịch nguy hiểm nhất. Số ca tử vong trên toàn thế giới cũng tăng trở lại, với trung bình có gần 12.000 người chết/ngày trong tuần qua, tăng mạnh so với mức 8.600 ca tử vong/ngày của tuần từ 7-14/3 – thời điểm dịch bệnh có xu thế lắng xuống.
Ấn Độ và Brazil là hai nước chiếm tỉ trọng lớn nhất về số ca nhiễm mới trên toàn cầu, một cuộc đua mà không một nước nào muốn thành người chiến thắng. Đối diện với lây nhiễm bùng phát mạnh, Ấn Độ đã vượt Brazil để trở thành tâm dịch lớn thứ hai sau Mỹ.
Các bệnh viện ở Ấn Độ, Brazil đều đang trong tình trạng quá tải, khi số người nhập viện do mắc COVID-19 tăng nhanh. Tiến độ tiêm ngừa vaccine ở hai nước này hiện cũng ở mức thấp, lần lượt ở ngưỡng 4,5% và 8,3% tổng dân số, kém sa so với mức 33% ở Mỹ và 32% ở Anh.
Nhưng không phải chỉ các nước đang phát triển mới phải đối mặt với bước thụt lùi trong cuộc chiến chống COVID-19. Một số ca mắc chứng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine Johnson & Johnson và AstraZeneca khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới phải đối diện với xu thế gia tăng nghi ngờ với vaccine trong dân chúng.
Những biến chủng mới của SARS-CoV-2 cũng là một tác nhân làm dịch bệnh bùng phát mạnh. Brazil là nước khởi nguồn của biến chủng P.1, được đánh giá là có mức độ “chết chóc nhất”, được phát hiện hồi tháng 12/2020. Những nghiên cứu mới đây cho thấy, P.1 cùng với biến chủng ở Anh, Nam Phi, đều là loại có khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với các chủng cũ.
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 11/4: Thế giới gần 136 triệu ca bệnh; Dịch ở Ấn Độ ngày càng lan mạnh
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 643.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 136 triệu ca, trong đó trên 2,93 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sao Paulo, Brazil, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (152.682 ca), Brazil (69.592 ca) và Mỹ (trên 63.700 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (2.400 ca), Mexico (874 ca) và Ấn Độ (837 ca).
Trong bối cảnh diễn biến đại dịch nóng trở lại trên toàn thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận mất cân bằng trong phân phối vaccine COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đang có "sự mất cân bằng nghiêm trọng" về phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới và hầu hết các nước không có đủ vaccine cho các nhóm nguy cơ cao.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu WHO nêu rõ nếu ở những nước thu nhập cao, trung bình cứ 4 người thì có xấp xỉ 1 người đã nhận vaccine COVID-19, thì ở những nước thu nhập thấp, tỷ lệ là hơn 500 người mới có 1 người.
Châu Á
Ấn Độ phong tỏa bang Maharashtra khi số ca nhiễm mới trong ngày cao chưa từng thấy
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Assam, Ấn Độ, ngày 8/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ấn Độ đã ghi nhận thêm 152.682 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua và số ca tử vong mới (837 ca) ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng, trong bối cảnh nước này đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai, khiến chính quyền bang Maharashtra phải ban bố phong tỏa trong hai ngày cuối tuần.
Video đang HOT
Tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ đã lên tới trên13,3 triệu ca, đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil. Trong tuần qua, Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100.000 ca/ngày vào ngày 5/4 và lặp lại 4 lần trong tuần. Chính phủ giải thích tình trạng tái bùng phát số ca nhiễm này chủ yếu là do tụ tập đông người và không đeo khẩu trang, trong khi các hoạt động kinh doanh gần như mở cửa trở lại hoàn toàn từ tháng 2.
Maharashtra, bang có số ca nhiễm cao nhất Ấn Độ, đã phải đóng cửa các quán ăn, trung tâm mua sắm, nơi cầu nguyện và cấm hầu hết mọi người di chuyển nhằm kiểm soát dịch trước nguy cơ các bệnh viện quá tải và thiếu vaccine. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực đến sáng sớm 12/4.
Trong khi đó, chính quyền bang Delhi yêu cầu tất cả các trường công và tư tại bang đóng cửa cho đến khi có chỉ thị tiếp theo, khi số ca mắc tăng vọt tại khu vực này. Sở Giáo dục Delhi ban hành thông tư chính thức, trong đó yêu cầu các trường lập tức tạm dừng mọi kỳ thi cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Iraq phong tỏa khu vực thủ đô Baghdad
Cảnh sát kiểm tra các phương tiện trong thời gian giới nghiêm phòng dịch COVID-19 tại Baghdad, Iraq, ngày 19/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính quyền Iraq đã phong tỏa toàn bộ các khu vực ở thủ đô Baghdad và tuyên bố sẽ đóng cửa những trung tâm thương mại, cửa hàng, quán ăn và các cơ sở y tế tư nhân tuyển dụng những lao động chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Biện pháp này được đưa ra trước tháng lễ Ramadan bắt đầu vào tuần tới. Theo yêu cầu của Ủy ban Chính phủ về phòng chống COVID-19, các dải phân cách bằng bê tông đã được bố trí khắp thủ đô.
Lệnh giới nghiêm lúc 20h cùng với lệnh giới nghiêm vào các ngày cuối tuần sẽ duy trì hiệu lực trong tháng lễ Ramadan. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi các công ty du lịch hạn chế bán vé máy bay cho những người chưa có giấy chứng nhận tiêm vaccine.
Iraq ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày liên tục tăng lên mức cao mới trong vài ngày trở lại đây. Số ca mắc đã lên tới mức đỉnh điểm 8.500 ca/ngày so với 6.500 ca cách đây 2 tuần. Đến nay, quốc gia Trung Đông này có tổng cộng 918.155 ca mắc và 14.678 ca không qua khỏi vì COVID-19.
Châu Âu
Anh kêu gọi người dân không tụ tập tưởng nhớ Hoàng thân Philip
Từ sáng sớm, người dân đã đổ về Cung điện Buckingham để tưởng nhớ Công tước xứ Edinburgh. Ảnh: Hải Vân (P/v TTXVN tại Anh)
Ngày 10/4, Chính phủ và Hoàng gia Anh đã kêu gọi người dân không tụ tập trước các dinh thự Hoàng gia để tưởng nhớ Hoàng thân Philip, và tuân thủ quy định phòng COVID-19.
Phát ngôn viên Văn phòng Nội các Anh nêu rõ: "Dù đây là thời điểm khó khăn với nhiều người, chúng tôi vẫn phải yêu cầu công chúng không tụ tập trước dinh thự hoàng gia, tiếp tục tuân thủ khuyến cáo y tế cộng đồng, đặc biệt là tránh gặp gỡ theo các nhóm đông người và hãy hạn chế đi lại tối đa. Chúng tôi đang hỗ trợ hoàng gia bằng cách đề nghị người dân không nên đặt hoa tưởng niệm trước các dinh thự hoàng gia vào thời điểm này."
Anh đưa ra khuyến cáo với người dân sau khi Công tước xứ Edinburgh, phu quân của Nữ hoàng Elizabeth II, qua đời ở tuổi 99 hôm 9/4. Tuy nhiên, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài Cung điện Buckingham và Lâu đài Windsor vào chiều cùng ngày, dù đa số tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội.
Quy định hạn chế phòng chống COVID-19 của Anh cho phép các nhóm tối đa 6 người, hoặc hai hộ gia đình, được gặp gỡ ngoài trời, nhưng cấm tụ tập đông người.
Trong khi đó, Cung điện Buckingham cũng kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người, đề nghị họ quyên tiền làm từ thiện thay vì mua hoa tưởng nhớ Hoàng thân Philip.
CH Séc thận trọng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Prague, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước tình hình dịch COVID-19 thời gian gần đây được cải thiện, Chính phủ Séc đã quyết định không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau khi hết hiệu lực vào ngày 11/4 và thận trọng nởi lỏng dần các biện pháp hạn chế.
Theo đó, kể từ ngày 12/4, lệnh hạn chế đi lại giữa các quận/huyện và lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước tới 5h sáng hôm sau sẽ được dỡ bỏ. Học sinh bậc mầm non và tiểu học (lớp 1 và lớp 2) sẽ đi học trở lại, song học sinh tiểu học bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đến trường. Ngoài ra, các cửa hàng bán đồ trẻ em, văn phòng phẩm, chợ nông sản và vườn thú sẽ mở cửa trở lại.
Phát biểu trước báo giới ngày 9/4, tân Bộ trưởng Y tế Séc Petr Arenberger cho biết tình tình dịch COVID-19 tại nước này bắt đầu được cải thiện. Do biến thể từ Anh lây lan rộng trong cả nước, Bộ Y tế Séc đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống mới đánh giá mức độ diễn biến của dịch bệnh để thay thế cho hệ thống cảnh báo nguy cơ theo 5 cấp hiện nay (PES).
Sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ theo các quy định của Luật chống đại dịch. Luật này cho phép Bộ Y tế Séc ban hành các biện pháp hạn chế đối với các cửa hàng, dịch vụ, các sự kiện tập trung đông người ở cấp độ địa phương cũng như quốc gia.
Thời gian gần đây, số lượng ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại Séc đã bắt đầu giảm, từ trên 14.000 ca/ngày vào cuối tháng 2 xuống gần 6.000 ca/ngày vào cuối tháng 3.
Đức siết chặt luật quốc gia về phòng dịch
Một quán cà phê đóng cửa để phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ Đức thông báo các lãnh đạo nước này đã nhất trí siết chặt luật quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
Trả lời báo giới, phó phát ngôn viên chính phủ Ulrike Demmer cho biết Đức đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của COVID-19, do đó chính quyền liên bang và các bang đã nhất trí bổ sung luật quốc gia. Bà Demmer nêu rõ mục tiêu là tạo ra các quy định quốc gia đồng nhất và dự thảo sửa đổi luật nói trên sẽ được trình lên nội các vào ngày 13/4 tới để thông qua.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số liệu chính thức được công bố cùng ngày 9/4 cho thấy Đức ghi nhận thêm 25.464 ca mắc trong 24 giờ qua, trong khi giới chức y tế cảnh báo nhiều bệnh viện có thể sẽ sớm rơi vào quá tải. Chủ tịch Hiệp hội Y học chuyên sâu DIVI Gernot Marx bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay, đồng thời cho biết hệ thống y tế của quốc gia châu Âu này đang trên bờ vực quá tải. Ông Marx nêu rõ hiện trên cả nước chỉ còn 3.000 giường trống trong các khu điều trị đặc biệt sau khi số ca nhập viện tăng mạnh trong những tuần gần đây. Đến thời điểm hiện tại, Đức ghi nhận trên 2,99 triệu ca mắc COVID-19 và 78.858 ca tử vong.
Slovenia nới lỏng các biện pháp phòng dịch
Slovenia ngày 10/4 thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và ngừng áp dụng giới nghiêm từ ngày 12/4 tới. Chính phủ cho biết lệnh phong tỏa một phần kéo dài 11 ngày qua trong dịp lễ Phục Sinh đã giúp giảm số ca nhiễm.
Theo quy định mới, từ đầu tuần tới, trường tiểu học và trung học sẽ nối lại các buổi học trực tiếp, trong khi các cửa hiệu và cửa hàng dịch vụ quy mô nhỏ sẽ được mở lại. Đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc trong không gian kín hoặc ở nơi có đông người.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Janez Poklukar nhận định "lệnh phong tỏa là cần thiết và đã thành công".
Trước đó, Slovenia đã áp đặt phong tỏa một phần từ ngày 1/4 và theo Bộ trưởng Poklukar, lệnh này đã giúp tránh phải nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất, mức màu đen. Tuy nhiên, ông Poklukar cũng cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ ba, với sự tác động của biến thể virus phát hiện tại Anh có khả năng lây nhiễm cao, vẫn chưa đạt đỉnh. Vì vậy, các cửa hiệu và nhà hàng quy mô lớn vẫn phải đóng cửa và người dẫn vẫn sẽ không được di chuyển quá xa nhà mình.
Theo nhà chức trách Slovenia, đến ngày 9/4, khoảng 300.000 người (tức 15% dân số) đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Đến nay, Slovenia ghi nhận 4.112 ca tử vong, khiến nước này là một trong những nước bị tác động mạnh nhất trong Liên minh châu Âu (EU) nếu tính theo đầu người.
Italy chấm dứt phong tỏa tại tâm dịch Lombardy
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Seriate, Bergamo, Italy, ngày 12/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Italy đã thông báo chấm dứt các biện pháp phong tỏa từ tuần tới tại tâm dịch Lombardy và một số vùng khác có số ca nhiễm giảm.
Bộ Y tế cho biết các biện pháp hạn chế cấp cao nhất "màu đỏ" sẽ được nới lỏng từ ngày 12/4 tại Tuscany, Piedmont, Emilia Romagna, Friuli Venezia Giulia và Calabria. Các vùng này sẽ được chuyển sang "màu cam", với việc các cửa hàng được mở lại dù các quán rượu và nhà hàng chỉ được phục vụ giao hàng đi.
Từ đầu tuần tới, các biện pháp cấp màu đỏ sẽ chỉ còn áp dụng tại Val d'Aosta (Tây Bắc), Campania và Puglia ở miền Nam, và Sardinia - nơi vừa được đưa vào danh sách này ngày 9/4.
Italy là một trong những nước bị ảnh hưởng của dịch nặng nề nhất châu Âu, với 113.923 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm hơn 11% trong tuần kết thúc ngày 6/4, song số ca phải điều trị tích cực vẫn rất nhiều. Italy vẫn đang xúc tiến chương trình tiêm vaccine và đến nay đã tiêm 12,3 triệu liều cho 3,8 triệu người (hơn 6% dân số).
Châu Mỹ
Thủ tướng Canada kêu gọi các tỉnh siết chặt các biện pháp phòng dịch
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Ontario, Canada, ngày 8/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Justin Trudeau cùng ngày kêu gọi các tỉnh ở nước này siết chặt các biện pháp y tế với lý do chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp trong khi số ca nhiễm tăng nhanh. Phát biểu tại họp báo, ông Trudeau cho biết: "Tại nhiều nơi trên cả nước, các biện pháp nghiêm ngặt hơn cần được thực thi nhằm ngăn chặn virus lây lan". Nhận định trên được đưa ra vài ngày sau khi tỉnh Ontario áp đặt lệnh ở trong nhà và tỉnh Quebec siết chặt các biện pháp phòng dịch, tuy nhiên tỉnh Alberta - nơi có số ca nhiễm mới trên đầu người cao nhất đất nước- vẫn tỏ ra thụ động khi chỉ đóng cửa nhà hàng và quán rượu. Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta phải làm mọi cách có thể để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba này".
Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, Tiến sĩ Theresa Tam cho biết số ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 đã tăng gấp đôi trong tuần qua, trong đó B.1.1.7 - biến thể lần đầu tiên được xác định ở Anh - về cơ bản đang thay thế các phiên bản virus xuất hiện trước đó. Tính đến ngày 8/4, Canada có 24.995 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó 94% là biến thể B.1.1.7. Các biến thể cũng khiến số ca phải nhập viện điều trị gia tăng. Tính đến ngày 9/4, 3.008 bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện trên cả nước, tăng gần 1.000 ca so với một tuần trước.
Canada đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng từ tháng 12/2020, song chiến dịch đang bị chậm lại do một số lô hàng phải hoãn. Trong khi đó, hơn 25.000 ca nhiễm các biến thể có khả năng lây lan mạnh hơn đã được ghi nhận từ đầu năm đến nay, hầu hết ở tỉnh Ontario, Alberta và Bristish Columbia.
Mexico bắt đầu tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi từ cuối tháng 4
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Zapopan, bang Jalisco, Mexico, ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo quốc gia Bắc Mỹ này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 50 tuổi và 3 triệu giáo viên vào cuối tháng 4/2021 theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Đến nay, Mexico đã hoàn tất việc tiêm chủng cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 và dự kiến tiêm xong cho người từ 60 tuổi trở lên trong tháng này. Sau đó, từ tháng 4-5/2021, Mexico sẽ tiến hành tiêm chủng cho đối tượng trong độ tuổi 50-59; từ tháng 5-6/2021 cho độ tuổi 40-49 và từ tháng 6/2021-3/2022 cho số dân còn lại. Mexico đã tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho trên 10,6 triệu dân.
Mexico đã ký các thỏa thuận để mua 34,4 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, 79,4 triệu liều vaccine của AstraZeneca, 35 triệu liều của CanSino, 24 triệu liều Sputnik V của Nga, 20 triệu liều của Sinovac, 12 triệu liều của Sinopharm và 51,4 triệu liều theo cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX.
Trong 24h qua, Mexico đã ghi nhận 5.045 ca mắc và 874 ca tử vong mới, nâng tổng số ca mắc lên trên 2,27 triệu ca, trong đó có hơn 207.020 ca tử vong.
Thế giới ghi nhận 123 triệu ca mắc, 2,7 triệu ca tử vong do COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, đến 22h ngày 20/3, thế giới đã ghi nhận 123.042.191 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.715.664 ca tử vong. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Srinagar, thủ phủ mùa hè của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: THX/TTXVN Xếp theo số ca nhiễm, Mỹ vẫn đứng...