Thế giới sẵn sàng chào đón năm mới 2024
Ngày cuối cùng của năm 2023, người dân trên khắp thế giới đã sẵn sàng chào đón năm mới 2024, tràn đầy hy vọng những khó khăn năm cũ sẽ bị bỏ lại phía sau và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
Quảng trường Ala-Too ở Bishkek, Kyrgyzstan, được trang hoàng rực rỡ đón năm mới, ngày 29/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Năm 2023 đầy biến động chuẩn bị khép lại với những sự kiện đáng chú ý. Những “kỷ lục buồn” về thời tiết, theo đó được ghi nhận là năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu thống kê số liệu về nhiệt độ toàn cầu vào năm 1880. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng bất thường, lũ lụt, hạn hán… xảy ra trên khắp các khu vực với cường độ và sức tàn phá mạnh hơn.
Năm 2023 cũng chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ AI. Các tập đoàn công nghệ trên thế giới bước vào cuộc đua chế tạo công cụ trò chuyện (chatbot) dựa trên AI tạo sinh. Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ thành công lên gần cực Nam của mặt Trăng – được mệnh danh là “vùng tối của mặt Trăng”. Năm 2023 cũng chứng kiến những biến động địa chính trị, trong đó nổi bật là xung đột bất ngờ bùng phát giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Trang trí đón chào năm mới tại San Carlos, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Vì vậy, sau một năm không ít thách thức và khó khăn, hy vọng về một năm mới tràn đầy cơ hội phát triển đang dấy lên ở nhiều nơi trên thế giới.
Video đang HOT
Tại Sydney, vốn được mệnh danh là “thủ đô giao thừa của thế giới” với bữa “tiệc pháo hoa” mãn nhãn, ước tính khoảng hơn 1 triệu người có mặt tại bến cảng Circular Quay để chiêm ngưỡng pháo hoa đêm giao thừa, bất chấp thời tiết cực đoan. Dự kiến 8 tấn pháo hoa sẽ thắp sáng bầu trời thành phố lúc giao thừa (theo giờ địa phương).
Các chương trình đếm ngược tạm biệt năm cũ được tổ chức ở nhiều địa điểm của Hàn Quốc. Bầu trời đêm giao thừa tại Seoul, thành phố Busan và đảo Jeju sẽ được thắp sáng lung linh bởi những màn pháo hoa đầy màu sắc.
Hoa giấy bay trong lễ tổng duyệt ngày 29/12/2023, chuẩn bị cho Lễ hội hoa giấy thường niên sẽ được diễn ra vào thời khắc giao thừa trên Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đêm giao thừa ở Nhật Bản dự kiến cũng sẽ để lại dấu ấn trong lòng người dân quốc gia châu Á này cũng như du khách từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều thành phố của Nhật Bản đã chuẩn bị các sự kiện văn hóa và lễ hội, bao gồm những màn pháo hoa rực rỡ, trình diễn ánh sáng độc đáo, cùng các chương trình hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật.
Tại châu Âu, năm 2024, Pháp sẽ tổ chức Thế vận hội mùa Hè (Olympic Paris 2024). Quốc gia này cũng trở thành nơi thu hút sự chú ý của thế giới trong năm 2024 khi cuộc bầu cử nghị viện châu Âu được tổ chức tại đây. Đánh dấu những sự kiện lớn thu hút dư luận thế giới trong năm 2024, giới chức thủ đô Paris cũng tổ chức nhiều hoạt động chào đón năm mới.
Tại Mỹ, một số thành phố lớn đã triển khai các biện pháp kiểm soát an ninh nhằm đảm bảo người dân chào đón năm mới 2024 trong an toàn. Ngoài chương trình pháo hoa và đếm ngược vào thời khắc giao thừa, người dân Mỹ đang háo hức chờ đợi những màn biểu diễn văn nghệ trước đêm giao thừa, trong đó, được chờ đợi hơn cả là màn biểu diễn của siêu sao nhạc rap LL Cool J.
Trang trí chào đón Năm mới 2024 tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Lễ đón năm mới ở khu vực Quảng trường Thời đại ở thành phố New York luôn thu hút đông đảo người dân và khách du lịch hơn cả. Lực lượng cảnh sát bang New York tăng cường nhân lực, trong khi lực lượng Vệ binh quốc gia của bang này cùng các cơ quan khác sẽ đẩy mạnh tuần tra xung quanh khu vực diễn ra lễ thả quả cầu pha lê tại quảng trường này.
Người dân Nhật Bản bận rộn chuẩn bị tiễn năm cũ, đón Năm mới 2024
Ngày cuối cùng của năm 2023, người dân Nhật Bản bận rộn chuẩn bị bữa cơm gia đình tiễn năm cũ và chào đón Năm mới.
Đây cũng là thời điểm các siêu thị của Nhật Bản tăng cường nhiều mặt hàng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm dịp cuối năm.
Người dân Nhật Bản bận rộn mua sắm dịp cuối năm.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngay từ đầu giờ sáng, hầu hết các siêu thị tại thủ đô Tokyo đều có rất đông người mua sắm, đặc biệt là lương thực - thực phẩm. Tại quầy thực phẩm tươi sống, các khay Sushi lớn là mặt hàng bán chạy nhất vì tính tiện dụng và lịch sự của món ăn này. Sushi là món ăn truyền thống của người Nhật Bản, được làm từ cơm trộn giấm kết hợp với các loại cá, hải sản và rau củ quả tươi. Người dân Nhật Bản thường ăn món Sushi trong bữa cơm tất niên cùng cả gia đình hoặc làm quà khi tham dự các buổi tiệc tất nhiên. Theo một nhân viên siêu thị tại Nhật Bản, vào các ngày cuối năm, lượng Sushi tiêu thụ có thể gấp 4 đến 5 lần so với các ngày thường.
Cua tuyết, một đặc sản của các tỉnh ven biển phía Đông Nhật Bản, cũng rất được nhiều người dân nước này ưa chuộng, nhất là vào dịp Năm Mới. Cua tuyết ở biển Nhật Bản trong tiếng Nhật là SUWAE, có nghĩa là cành cây non và mảnh mai, gần giống với hình dáng bề ngoài của loài cua này. Cua tuyết thường sống ở các vùng biển sâu trải dài từ vùng Sanin đến vùng Hokuriku của biển Nhật Bản và các khu vực Alaska hay vùng biển phía Bắc của Nga. Năm nay là lần đầu tiên sau 3 năm Chính phủ Nhật Bản cho phép tăng hạn ngạch đánh bắt cua tuyết lên 3.400 tấn, tăng 21% so với giai đoạn trước. Kết quả tích cực này có được nhờ nỗ lực của chính quyền các địa phương trong quản lý nguồn tài nguyên biển sau khi số lượng loài cua này giảm mạnh do tác động của biến đổi môi trường sinh sống. Do đó, dịp Năm Mới 2024, người dân Nhật Bản có thể thưởng thức món ngon này với nguồn cung dồi dào và giá cả cũng phải chăng hơn.
Quầy bán Sushi tại các siêu thị luôn đầy ắp các lựa chọn.
Một món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp này của người Nhật Bản là bánh Mochi, một loại bánh nếp được giã nhuyễn, có vị gần giống bánh dày của Việt Nam. Người Nhật Bản có phong tục dâng bánh lên các đấng thần linh, còn gọi là KAGAMI MOCHI với hai chiếc bánh tròn xếp chống lên nhau giống như chiếc hồ lô, được đặt ở bàn thờ gia tiên của các gia đình. Tuy nhiên, việc ăn bánh Mochi vào dịp tết sao cho an toàn cũng là vấn đề được các cơ quan chức năng Nhật Bản khuyến cáo nhiều nhất. Vì vậy, trước và trong kỳ nghỉ lễ, các chương trình truyền hình của Nhật Bản đều phát những hướng dẫn cho người dân nên ăn bánh bằng cách cắt thành miếng nhỏ, nhai kỹ và chậm trước khi nuốt, đề phòng trường hợp gặp sự cố mắc nghẹn, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.
Cùng với việc chuẩn bị bữa cơm tất niên, các gia đình tại Nhật Bản cũng tất bật tiến hành dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Thời điểm này, rất dễ cảm nhận được không khí Năm Mới qua hình ảnh "Cổng thông" (tiếng Nhật là KADOMATSU) đặt trước cửa nhà hoặc trước trụ sở công ty. "Cổng thông" được làm từ nguyên liệu chính là cành thông và ống tre. Theo quan niệm của người Nhật, cây thông tượng trưng cho sức sống bất diệt dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu vẫn sinh trưởng tốt, còn cây tre tượng trưng cho ý chí vươn lên mạnh mẽ, tương tự "tinh thần Samurai" của người Nhật từ nhiều đời nay và cũng có ý nghĩa xua đuổi những điều không may mắn.
Một năm 2023 đầy khó khăn sắp trôi qua và người dân đất nước "Mặt Trời mọc" đang háo hức chào đón năm mới 2024 với nhiều kỳ vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, may mắn và nhiều sức khỏe đến với bản thân và những người thân trong gia đình.
Những phong tục đón năm mới độc đáo trên thế giới Người dân trên toàn thế giới đều đang háo hức chào đón Năm mới 2024. Ở mỗi nước khác nhau có những cách chào đón năm mới theo các phong tục truyền thống riêng, có nhiều màu sắc và nét độc đáo khác nhau. Trang trí đón chào Năm mới tại San Carlos, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN Tại Mỹ, vào đêm 31/12, hàng...