Thế giới phân cực về ứng dụng truy vết Covid-19
Các ứng dụng truy vết Covid-19 triển khai tại nhiều nước trên thế giới đang theo hướng tập trung và phi tập trung, với cách bảo mật khác nhau.
Cả hai loại đều sử dụng công nghệ Bluetooth để phát hiện chủ sở hữu smartphone đứng gần nhau. Nếu ai đó khai báo đã nhiễm Covid-19 hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh, cảnh báo sẽ được gửi đến điện thoại.
Ứng dụng TraceTogether hoạt động theo mô hình tập trung tại Singapore.
Với mô hình tập trung, dữ liệu ẩn danh được thu thập và tải lên máy chủ từ xa, sau đó so sánh với thông tin vị trí mà người đó từng đến để cảnh báo cho người khác. Đây là phương pháp mà Anh đang theo đuổi.
Mô hình phi tập trung cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát thông tin hơn, bằng cách lưu trữ chúng trên điện thoại. Đây là giải pháp mà Apple và Google đang cùng xây dựng.
Cả hai đều có ưu nhược, cũng như lượng người ủng hộ riêng.
Video đang HOT
Theo những người ủng hộ mô hình tập trung, giải pháp này có thể cung cấp cho chính quyền cái nhìn sâu sắc hơn về sự lây lan của nCoV và mức độ hiệu quả khi triển khai ứng dụng. Nhóm còn lại cho rằng phương pháp phi tập trung sẽ đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng cao hơn, bảo vệ họ khỏi hacker hoặc thậm chí là khả năng bị chính phủ theo dõi.
Thực tế, cả hai vẫn chưa chứng minh được tính ưu việt trong giai đoạn này. Hàn Quốc, một trong những quốc gia thành công nhất trong việc kiềm chế sự bùng phát của Covid-19, đã hạn chế lây lan đại dịch mà không cần hai loại ứng dụng trên. Tuy nhiên, họ sử dụng phương pháp giám sát khác xâm phạm quyền riêng tư hơn, thông qua định vị vị trí.
Khi đại dịch bắt đầu bùng phát, mô hình tiếp cận tập trung đã được sử dụng đầu tiên. Giải pháp của TraceTogether tại Singapore đã phát huy tác dụng giai đoạn đầu, nhưng sau đó khó kiểm soát hơn do lượng người dân cài đặt chỉ khoảng 20%.
Một số chuyên gia cho rằng, TraceTogether gặp phải vấn đề hoạt động. Phần mềm này thường không chính xác khi ở chế độ nền trên iPhone do cách Apple hạn chế sử dụng Bluetooth. “Chúng tôi đang làm việc với Apple và Google để ứng dụng hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với người dùng iOS”, một phát ngôn viên TraceTogether nói với BBC.
Australia, một trong những nơi áp dụng phương pháp tập trung khác, đã ra ứng dụng CovidSafe dựa trên nền tảng của TraceTogether, hay Colombia cũng có coronApp tương tự. Tuy nhiên, những phần mềm này cũng gặp phải vấn đề về hoạt động và bị cân nhắc ngừng sử dụng. “Chúng tôi có thể phải tắt tính năng theo dõi liên lạc trong ứng dụng coronApp nhằm giảm rủi ro khi nó tạo ra các cảnh báo không cần thiết”, Victor Munoz, cố vấn tổng thống Colombia, nói.
Một số quốc gia khác dự kiến ra ứng dụng dựa trên phương pháp tập trung, chẳng hạn, Bộ trưởng kỹ thuật số của Pháp Cédric O cho biết nước này dự định ra mắt StopCovid vào tháng 6 tới, nhưng đang cố gắng “ép” Apple phải tham gia nhằm tăng khả năng hiệu quả khi ứng dụng vận hành. Tuy vậy, Cédric O đang bị cơ quan nhân quyền Pháp phản ứng, cho rằng nó “nguy hiểm” và ngăn chặn triển khai.
Na Uy cũng đang áp dụng mô hình tập trung với Smittestopp, phát hành thử nghiệm vào tháng trước tại ba thành phố. Ngoài Bluetooth, phần mềm còn thu thập cả dữ liệu vị trí.
Một số nhà phát triển cho rằng, các ứng dụng kết hợp Bluetooth và GPS như Smittestopp sẽ cho kết quả chính xác mà không cần tới sự can thiệp của Google hay Apple. Tuy nhiên, nó có thể gây lo lắng về quyền riêng tư. Thực tế, theo số liệu của Viện Y tế Công cộng Na Uy, có 1,5 triệu lượt tải xuống ứng dụng này nhưng chỉ 20,5% trong đó sử dụng thường xuyên.
Một số nước khác chọn cách phát triển phi tập trung, nhưng đang đợi Google và Apple ra Giao diện lập trình ứng dụng (API). Đức xác nhận sẽ triển khai ứng dụng dạng này, trong khi Ba Lan, Thụy sĩ, Áo, Latvia, Estonia, Phần Lan, Canada cũng có kế hoạch tương tự.
“Lý do cốt lõi ở đây là các hệ thống tập trung buộc người dùng phải tải lên dữ liệu cho máy chủ từ xa, trong khi giải pháp phi tập trung không cần làm điều đó”, Tiến sĩ Michael Veale thuộc DP3T, nhóm đang phát triển hệ thống tương tự Google và Apple giải thích. “Nếu dùng ứng dụng để theo dõi dịch bệnh, điều qua trọng là chức năng của nó vẫn hoạt động tốt khi bạn đang ở quốc gia khác. Covid-19 không phân biệt biên giới”.
Apple, Google cấm ứng dụng truy vết theo dõi vị trí
Apple và Google tuyên bố cấm hành vi theo dõi vị trí trong các ứng dụng dùng công nghệ Bluetooth để xác định các ca tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19.
Ngày 4/5, Apple và Google giới thiệu bộ công cụ phát triển ứng dụng dành cho Android và iOS, cùng nguyên tắc rằng nếu chính phủ các nước muốn sử dụng bộ công cụ này để phát triển ứng dụng truy vết, yêu cầu bắt buộc là không theo dõi vị trí.
Ứng dụng truy vết đo khoảng cách và thời gian tiếp xúc giữa các thiết bị trong phạm vi gần, thông qua công nghệ Bluetooth năng lượng thấp, sau đó lưu lại lịch sử tiếp xúc để đối chiếu về sau, chứ không sử dụng GPS. Apple và Google khẳng định, ưu tiên hàng đầu của họ là bảo vệ sự riêng tư và ngăn chặn chính phủ khai thác hệ thống để thu thập dữ liệu người dân.
Tuy nhiên, các chuyên gia phát triển ứng dụng liên quan ở một số bang của Mỹ chia sẻ với Reuters từ tháng trước rằng, việc kết hợp giữa dữ liệu vị trí GPS và ứng dụng truy vết qua Bluetooth rất quan trọng trong việc xác định đường di chuyển của virus nhằm ngăn chặn sự bùng phát các ổ dịch mới. Họ cũng tỏ ra lo ngại bởi ứng dụng truy vết có thể bỏ sót một vài trường hợp tiếp xúc gần vì đôi khi iPhone và điện thoại Android tắt Bluetooth để tiết kiệm pin và người dùng quên bật trở lại.
Một số nhà phát triển tuyên bố vẫn duy trì kế hoạch đã định. Chẳng hạn, công ty phần mềm Twenty vẫn xây dựng ứng dụng truy vết Healthy Together cho bang Utah, kết hợp cả Bluetooth và GPS. Đại diện Twenty cho biết ứng dụng "hoạt động hiệu quả" mà không cần công cụ hỗ trợ của Apple và Google. "Nếu giải pháp của họ hiệu của hơn của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng đưa các tính năng của họ vào ứng dụng sẵn có, miễn là đáp ứng các yêu cầu đối tác y tế đặt ra", Twenty nói.
Tỉnh Alberta của Canada, dù không thu thập dữ liệu GPS, cũng nói không có kế hoạch đưa công cụ của Apple và Google vào trong ứng dụng ABTraceTogether.
Ứng dụng Bluezone hiện có hơn 140.000 người dùng.
Trong khi đó, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định ứng dụng truy vết Bluezone, đang được triển khai tại Việt Nam, không thu thập dữ liệu về vị trí và chỉ lưu dữ liệu trên máy của người dùng. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng được mở mã nguồn để bảo đảm tính minh bạch.
Trong quá trình xây dựng, nhóm phát triển Bluezone đã làm việc trực tuyến với đại diện Google và Apple, cũng như với đội phát triển ứng dụng tương tự là SafePaths của Viện công nghệ MIT (Mỹ) để thảo luận về các vấn đề liên quan. Với bộ công cụ mà Apple và Google mới cung cấp, nhóm sẽ xem xét tích hợp tính năng nếu phù hợp.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo bất cứ thông tin vị trí nào liên quan tới vấn đề sức khỏe cũng rất nhạy cảm, bởi người dùng có thể bị kỳ thị nếu dữ liệu bị lộ. Apple và Google cũng tuyên bố chỉ cho phép mỗi nước triển khai một ứng dụng có sử dụng bộ công cụ của họ để tránh phân mảnh và tăng tỷ lệ cài đặt, trừ những trường hợp riêng như Mỹ vì chính quyền các bang hoạt động độc lập.
Đây là ứng dụng chống Covid-19 của Apple và Google Liên minh với hàng tỷ người dùng Apple và Google vừa tiết lộ giao diện chính thức của ứng dụng truy vết, được kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc chiến với Covid-19. Apple và Google đã chia sẻ thêm nhiều thông tin về hệ thống tự động cảnh báo, hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19 của họ. Được giới thiệu từ 10/4,...