Thế giới ghi nhận 247,2 triệu ca mắc, trên 5 triệu ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 31/10, thế giới đã ghi nhận 247.266.717 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong đã vượt 5 triệu.
Số ca đang phải điều trị hiện là hơn 18,2 triệu ca, trong đó có hơn 73.000 ca trong tình trạng nguy kịch.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhiều nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là hơn 46,7 triệu ca, ở Ấn Độ là hơn 34,2 triệu ca và ở Brazil hơn 21,8 triệu ca. Về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu với 766.117 ca, tiếp đến là Brazil với 607.764 ca, Ấn Độ 458.219 ca.
Châu Á hiện là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất (hơn 79,3 triệu ca), nhưng châu Âu là khu vực có nhiều ca tử vong nhất (1.302.039 ca). Số ca tử vong ở châu Á bằng Nam Mỹ (hơn 1,17 triệu ca). Bắc Mỹ ghi nhận 1.147.801 ca tử vong trong số hơn 56,2 triệu ca nhiễm.
Tại châu Á, đợt dịch lần này vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngày 31/10, chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân (Harbin), thuộc tỉnh Hắc Long Giang (Đông Bắc Trung Quốc), đã quyết định ngừng hình thức học trực tiếp đối với các cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở trong một tuần, bắt đầu từ ngày 1/11, để kiểm soát dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra sau khi Sở Y tế tỉnh Hắc Long Giang ngày 30/10 ghi nhận 19 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Trong khi đó, Chính phủ Lào đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch đến ngày 14/11, đồng thời lên kế hoạch để sớm mở cửa lại các trường học trên cả nước. Theo quyết định mới, việc tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly và nhập viện vẫn sẽ tiếp tục, trong khi các cửa khẩu và trạm kiểm soát biên giới sẽ vẫn đóng cửa; tiếp tục ngừng cấp thị thực cho khách du lịch và thăm thân, trong khi các nhân viên ngoại giao, nhân viên các tổ chức quốc tế, chuyên gia và nhà đầu tư có nhu cầu nhập cảnh khẩn cấp sẽ được cấp phép nhập cảnh nhưng phải tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa COVID-19 của Chính phủ Lào.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Lào nêu rõ trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang lây lan ở 17/18 tỉnh thành trên cả nước, với số ca mắc mới lên tới trên 500 người/ngày trong suốt tháng 10 vừa qua, tăng 27,6% so với tháng 9/2021, việc kéo dài các biện pháp hạn chế là cần thiết để người dân Lào và công dân nước ngoại đang sống ở Lào được bảo vệ tối đa khỏi đại dịch, đồng thời giúp giảm thiểu các trường hợp tử vong.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã công bố danh sách sửa đổi gồm 63 các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, theo đó du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này có thể nhập cảnh theo chương trình mở cửa không cần cách ly từ 1/11. Để được miễn cách ly, du khách phải ở tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ theo danh sách sửa đổi trong ít nhất 21 ngày liên tiếp, đến Thái Lan bằng đường hàng không, có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 được công nhận trước ít nhất 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong 72 giờ trước khi tới Thái Lan.
Ngoài ra, du khách cũng phải có bảo hiểm y tế với hạn mức chi trả ít nhất 50.000 USD, có xác nhận đặt phòng ở Thái Lan, xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 24 giờ sau khi tới Thái Lan và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi được phép đi lại ở Thái Lan. Như vậy, du khách sẽ phải lưu trú trong các khách sạn được cấp phép 1 đêm để chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR.
X
Tại Campuchia, Ủy ban Quốc gia về tiêm vaccine ngừa COVID-19 thông báo chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 5 tuổi sẽ chính thức được khởi động từ ngày 1/11. Đây sẽ là chiến dịch tiêm chủng thứ 5 liên tiếp sau khi đợt đầu tiên được bắt đầu từ ngày 10/2 vừa qua cho người trên 18 tuổi; đợt hai từ ngày 1/8 cho thanh thiếu niên tuổi từ 12-17; từ ngày 17/9 với trẻ em từ 6-12 tuổi; trong khi lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm mũi tăng cường vào đầu tháng 8. Hiện chưa có thông báo về số lượng trẻ em 5 tuổi được tiêm trong đợt này, nhưng chiến dịch tiêm chủng thứ 5 cho thấy quyết tâm của Campuchia trong việc đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 91% trong tổng 16 triệu người dân nước này vào cuối năm nay.
Cùng ngày, Hàn Quốc đã bắt đầu tiêm phòng cho trẻ 12 đến 15 tuổi bằng vaccine của hãng Pfizer. Đây là một trong các biện pháp được áp dụng nhằm hiện thực hóa kế hoạch 3 giai đoạn “Chung sống với COVID” mà Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố. Hàn Quốc cũng sẽ tiêm mũi nhắc lại cho những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư máu, bệnh nhân ghép tạng và những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch từ ngày 1/11.
Tại châu Âu, Nga ngày 31/10 ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 40.993 ca nhiễm mới và 1.158 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm tại Nga hiện là hơn 8,5 triệu ca, thấp hơn con số 9 triệu ca nhiễm tại Anh – nước bị ảnh hưởng nhiều nhất châu Âu. Tuy nhiên, tổng số ca tử vong tại Nga (238.538 ca) cao nhất châu lục, tiếp đến là Anh với 140.558 ca và Italy là 132.074 ca.
Tại Mỹ, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thông báo du khách nước ngoài dưới 18 tuổi đến Mỹ bằng máy bay không cần tự cách ly sau khi nhập cảnh. Giám đốc CDC Rochelle Walensky đã ký quyết định sửa đổi về quy định cách ly đối với trẻ em nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ. Cụ thể, trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 không cần tự cách ly trong vòng 7 ngày sau khi nhập cảnh. Trước đó, một chỉ thị của CDC đã khiến nhiều người nước ngoài lo lắng trẻ em sẽ bắt buộc phải cách ly trong 1 tuần lễ sau khi đến Mỹ.
COVID-19 tới 6h sáng 29/10: Thế giới vượt 246 triệu ca mắc; Mỹ, Nga đều trên 1.000 ca tử vong mới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 445.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.300 ca tử vong.
Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 246 triệu ca, trong đó trên 4,99 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 64.000 ca), Nga (40.096 ca) và Anh (39.842 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.159 ca), Mỹ (1.146 ca) và Ấn Độ (803 ca). Như vậy, cả Mỹ và Nga đều có số ca tử vong cao nhất thế giới và ở trên mức 1.000 ca trong 24 giờ qua.
Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đang tăng trở lại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi chặt chẽ AY.4.2 - một biến thể phụ của chủng Delta, nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia.
Video đang HOT
Trong bản cập nhật dịch tễ học hằng tuần, WHO cho biết cơ quan này đã giám sát mức độ xuất hiện của biến thể phụ AY.4.2 từ tháng 7/2021, đồng thời tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học và thí nghiệm để xem xét liệu có sự thay đổi trong khả năng lây nhiễm của biến thể phụ hoặc sự suy giảm khả năng ngăn chặn virus của kháng thể ở người hay không.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Moderna cho người dân ở phía Tây London, Anh ngày 13/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
So với biến thể Delta, biến thể phụ AY.4.2 có thêm 3 đột biến, trong đó có 2 đột biến ở protein gai, phần virus bám vào tế bào của người.
Theo dữ liệu của Sáng kiến khoa học toàn cầu (GISAID), khoảng 93% tổng số ca nhiễm biến thể AY.4.2 trên thế giới được phát hiện tại Anh và ước tính biến thể này chiếm khoảng 5,9 % số ca nhiễm biến thể Delta tại Anh từ ngày 3-10/10.
WHO cũng cho biết, tỷ lệ các ca mắc COVID-19 ở lứa tuổi dưới 25 được ghi nhận gia tăng kể từ đầu tháng 7 vừa qua, đặc biệt tại các khu vực châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Nguyên nhân là do những người lớn tuổi hơn có thể đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, hoặc những người trẻ tuổi tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn khiến gia tăng khả năng lây nhiễm. WHO cũng đưa ra khả năng virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại các trường học khi ngày càng đông học sinh trở lại lớp học.
Bên cạnh đó, WHO cho biết 51% trong tổng số 123 triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận là nữ giới, song 58% số ca tử vong là nam giới. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nhóm trên 65 tuổi đã giảm mạnh kể từ tháng tháng 9/2020 nhờ nhóm đối tượng này được tiêm chủng và tình hình chăm sóc sức khỏe được cải thiện. Theo WHO, đến nay, 47% dân số thế giới đã được tiêm ít nhận một liều vaccine ngừa COVID-19.
Trung Quốc phong tỏa thành phố thứ 3
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ngân Xuyên, Trung Quốc, ngày 24/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 28/10, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Hắc Hà. thuộc tỉnh Hắc Long Giang, với khoảng 6 triệu dân, sau khi ghi nhận 1 ca mắc COVID-19. Đây là thành phố thứ 3 ở Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa.
Chính quyền thành phố Hắc Hà đã yêu cầu người dân ở nhà, cũng như cấm người dân rời khỏi thành phố cực Bắc Trung Quốc này, trừ trường hợp khẩn thiết. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng bắt đầu triển khai việc xét nghiệm cho hơn 1,6 triệu người dân và tiến hành truy vết tiếp xúc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin các dịch vụ xe buýt và taxi ở thành phố này đều ngừng hoạt động và xe cộ không được phép rời khỏi thành phố.
Trung Quốc đã theo đuổi các biện pháp nghiêm ngặt kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên ở miền Trung nước này vào năm 2019, nhằm chặn đà lây lan của dịch COVID-19. Hiện hàng chục nghìn người vẫn đang chịu cảnh phong tỏa tại nhiều thành phố, trong đó có Bắc Kinh. Không chỉ vậy, thủ đô Bắc Kinh cũng đã hạn chế du khách đến các điểm du lịch, cũng như đề nghị người dân không rời khỏi thành phố nếu không cần thiết. Dù số ca mắc mới ở nước này thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước trên thế giới, song quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn đang vật lộn với các ổ dịch nhỏ tại ít nhất 11 địa phương. Số ca mắc mới gia tăng đã khiến chính quyền phải phong tỏa thành phố Lan Châu, với hơn 4 triệu dân và thành phố Ejin ở khu tự trị Nội Mông,
Trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận thêm 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng, giảm một nửa so với số ca của ngày trước đó. Điều này cho thấy các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt có thể đang phát huy tác dụng.
Singapore ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu điện ngầm ở Singapore. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Singapore thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại "đảo quốc sư tử" đã lập kỷ lục mới với 5.324 ca trong ngày 27/10, tăng cao bất thường so với mức trên 3.000 ca trong những ngày qua.
Trong số ca mắc mới trên có 4.651 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 661 ca nhiễm tại các khu nhà ở của công nhân và 12 ca nhập cảnh. Bộ Y tế Singapore cho biết đang nghiên cứu nguyên nhân của sự tăng cao bất thường này và theo dõi sát sao trong những ngày tới.
Singapore cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 27/10, đánh dấu ngày thứ 38 liên tiếp có ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 349 ca. Phần lớn các ca tử vong là người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Tới thời điểm này, Singapore ghi nhận tổng cộng 184.419 ca mắc COVID-19. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi hiện đạt 84% dân số và đã có 14% được tiêm mũi bổ sung thứ 3.
Mỹ sắp phê duyệt việc sử dụng vaccine của Moderna cho trẻ từ 12-17 tuổi
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 23/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Moderna Staphane Bancel cho biết Mỹ có thể phê duyệt và bắt đầu sử dụng vaccine của hãng này tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17 trong vài tuần tới.
Moderna cũng có kế hoạch sớm triển khai việc xin phê duyệt sử dụng vaccine để tiêm cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi. Ông Bancel hy vọng nhóm trẻ trong độ tuổi này có thể được tiêm vaccine của Moderna từ cuối năm nay. Bên cạnh đó, Moderna cũng dự kiến công bố dữ liệu thử nghiệm vaccine cho trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.
Tháng 6 vừa qua, Moderna đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng vaccine cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17. Trong tuần này, hãng cũng đã trình dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tích cực đối với trẻ trong độ tuổi từ 6-11, song chưa nộp hồ sơ xin phê duyệt việc sử dụng vaccine cho nhóm tuổi này.
Mặc dù tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 bị tiến triển nặng hoặc tử vong tương đối thấp so với người lớn, tuy nhiên, do sự xuất hiện của biến thể Delta, số trẻ chưa tiêm chủng mắc bệnh và xuất hiện biến chứng phức tạp đã tăng lên.
Trước tình hình trên, ngày 26/10, nhóm cố vấn của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã ủng hộ việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5-11. Tuy nhiên, để được sử dụng, vaccine này cần được FDA và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phê duyệt.
Trước đó, hồi tháng 9, FDA cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi tăng cường cho các nhóm trên.
Ông Bancel hy vọng những người trên 50 tuổi sẽ được tiêm mũi tăng cường hằng năm, bắt đầu từ năm 2023, do khả năng bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hiện chưa thể chắc chắn việc tiêm mũi tăng cường một cách rộng rãi có thực sự cần thiết hay không.
Nga: Moskva đóng cửa trường học, cửa hàng và quán ăn
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 20/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ đô Moskva đã đóng cửa trường học, cửa hàng không thiết yếu và nhà hàng trong vòng 11 ngày nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Theo truyền thông Nga, các trường học và nhà trẻ, cùng tất cả dịch vụ không thiết yếu, trong đó có các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và các khu thể thao và giải trí sẽ đóng cửa cho đến ngày 7/11 tới. Chỉ các cửa hàng bán thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm mới được mở cửa. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền thủ đô Moskva đang nỗ lực khống chế làn sóng lây nhiễm COVID-19, với số ca nhiễm và tử vong liên tục ở mức cao chưa từng thấy.
Nga là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trên thế giới, với hơn 230.000 người tử vong. Dù chính quyền nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng, song tỷ lệ người dân đi tiêm vaccine vẫn tương đối thấp. Hiện mới chỉ có 32% người dân Nga đã hoàn thành việc tiêm chủng.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép người dân nghỉ làm hưởng nguyên lương trong 1 tuần, từ ngày 30/10 đến ngày 7/11, nhằm khống chế số ca mắc mới. Trong bối cảnh các khảo sát cho thấy hơn 33% người dân nước này lên kế hoạch đi du lịch trong thời gian nghỉ lễ trên và thành phố nghỉ dưỡng Sochi dự báo sẽ đón một lượng lớn du khách trong dịp này, Điện Kremlin khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong thời gian không phải đi làm.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 1.159 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước đến nay, nâng số người không qua khỏi ở nước này lên 235.057. Hiện Nga là nước có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất châu Âu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Nga có kế hoạch khởi động lại chiến dịch quảng cáo tiêm chủng cũng như thông tin công cộng nhằm thuyết phục người dân nâng cao ý thức bảo vệ mình, trong bối cảnh các loại vaccine vẫn chưa phải "vũ khí" hiệu quả nhất trong việc phòng, chống COVID-19.
Số ca mắc mới tăng gần gấp đôi trong tuần tại Italy
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Ronda, Italy ngày 23/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Italy đã tăng mạnh trong tuần từ 20-26/10, với 25.585 ca, tăng 43,2% so với 17.870 ca của tuần trước, trong khi số người tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu lại giảm.
Nguyên nhân có thể là do việc tăng mạnh số lượng xét nghiệm trong 2 tuần qua, sau khi quy định bắt buộc phải có thẻ xanh COVID-19, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số cho thấy người sở hữu đã được tiêm phòng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc hồi phục từ COVID-19 trong vòng 6 tháng, để được đến nơi làm việc có hiệu lực từ ngay 15/10. Những người không muốn tiêm vaccine buộc phải đi làm xét nghiệm COVID-19 hai ngày một lần. Số ca mắc mới tăng lên cũng khiến tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện để điều trị COVID-19 tăng 7,5%. Dữ liệu cũng cho thấy thông số Rt, thể hiện tốc độ lây nhiễm COVID-19, đã tăng lên 1,2.
Trong khi đó, số người đi tiêm vaccine mũi đầu trong tuần chỉ đạt hơn 152.000, giảm 53% so với tuần trước, cũng có thể liên quan đến sự gia tăng nhẹ số người đi tiêm trước khi quy định bắt buộc phải có thẻ xanh mới được đến nơi làm việc có hiệu lực từ 15/10, sau khi tỷ lệ tiêm chủng giảm đều trong những tuần và tháng trước đó. Khoảng 9/10 thẻ xanh được cấp từ trong tuần từ 14-20/10 là dựa trên kết quả xét nghiệm âm tính, chứ không phải tiêm chủng.
Theo số liệu của Bộ Y tế, cho đến nay, hơn 86% dân số Italy trên 12 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vaccine và 82% đã được tiêm đủ liều. Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người đã tiêm vaccine lên 90%. Báo cáo trên cho biết hiện Italy có khoảng 11 triệu liều vaccine chưa được sử dụng.
Đức có thể chấm dứt các quy định chống dịch vào tháng 3/2022
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 9/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tất cả những quy định áp đặt để chống dịch bệnh COVID-19 tại Đức, như bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế vào quán bar hay nhà hàng cũng như xét nghiệm COVID-19 trong các trường học... đều có thể được bãi bỏ vào mùa Xuân tới.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau ngày họp đầu tiên của tiến trình đàm phán thành lập chính phủ ngày 27/10, trong đó ưu tiên thảo luận vấn đề dịch bệnh, lãnh đạo 3 đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và Dân chủ Tự do (FDP) đã bác bỏ việc tái áp đặt các biện pháp cách ly phong tỏa trong mùa Thu và mùa Đông tới, đồng thời cho biết họ cũng không có kế hoạch buộc người dân phải quay trở lại với chế độ làm việc tại nhà.
Phó chủ tịch nhóm nghị sĩ SPD Dirk Wiese khẳng định: "Việc đóng cửa trường học, phong tỏa và áp đặt giới nghiêm sẽ không còn xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào vì nó không phù hợp với tình hình hiện tại".
Theo kế hoạch được các bên tiết lộ, nếu các cuộc đàm phán của liên minh "đèn giao thông" (đỏ-xanh-vàng) thành công, thay vì tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp, chính phủ tương lai sẽ ban hành luật để cho phép chính quyền các bang tự ban hành các quy định chống dịch cho đến mùa Xuân năm sau.
Hiện 3 chính đảng đã đề xuất biện pháp mới trong khuôn khổ Luật phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sửa đổi trong mùa Đông này. Theo đó, ngoài quy định 2G hoặc 3G (tức là có chứng chỉ tiêm chủng vaccine hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2), chính quyền các bang có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người và địa điểm công cộng.
Ngoài ra, để tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng như đạt được tiến bộ với cái gọi là tiêm mũi "tăng cường", các chính đảng tham gia đàm phán thành lập chính phủ cũng đã lên kế hoạch thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia theo dõi về tình hình tiêm chủng. Sau khi đi vào hoạt động, chính phủ mới của Đức sẽ làm việc với các thành viên để tìm cách đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng trên toàn quốc, đảm bảo sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
New Zealand nới lỏng yêu cầu cách ly đối với người nhập cảnh
Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Wellington, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính phủ New Zealand bắt đầu nới lỏng theo từng giai đoạn các hạn chế nhập cảnh, theo đó giảm một nửa thời gian cách ly tập trung đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Trong cuộc họp báo ngày 28/10, Bộ trưởng phụ trách việc phòng chống dịch COVID-19, ông Chris Hipkins, cho biết quy định trên sẽ được áp dụng từ ngày 14/11, trong khi hình thức cách ly tại nhà sẽ được triển khai muộn nhất là trong quý I/2022.
Theo quy định mới, thời gian cách ly tại các cơ sở tập trung sẽ được rút ngắn từ 14 ngày xuống còn 7 ngày, sau đó người nhập cảnh sẽ tiếp tục cách ly tại nhà và có thể kết thúc cách ly nếu xét nghiệm vào ngày thứ 9 cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Ông Hipkins cho biết đa số các trường hợp nhập cảnh được phát hiện dương tính khi làm xét nghiệm trong vòng 7 ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh.
Từ ngày 14/11, những người nhập cảnh New Zealand sẽ phải làm xét nghiệm vào các ngày đầu tiên, ngày thứ 3, ngày thứ 6 hoặc 7, sau đó tự cách ly tại nhà trong khoảng 3 ngày.
Xét nghiệm kháng thể nhanh và kiểm tra sức khỏe sẽ được thực hiện vào ngày thứ 7 trước khi người nhập cảnh rời cơ sở cách ly, và vào ngày thứ 9 đối với người cách ly tại nhà.
Tuần trước, New Zealand thông báo một lộ trình nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa thông qua Khuôn khổ chống COVID-19 theo màu đèn giao thông mới, theo đó sẽ nới lỏng các hạn chế một khi 90% người dân được tiêm vaccine.
Australia triển khai tiêm liều tăng cường cho người lớn
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 21/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 cho người trưởng thành từ ngày 8/11 trong bối cảnh nước này đang đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ ba.
Tổ chức cố vấn kĩ thuật về miễn dịch của Australia (ATAGI) ngày 28/10 đã đồng ý việc tiêm mũi tăng cường vaccine của hãng Pfizer đối với công dân Australia từ 18 tuổi trở lên và đã tiêm mũi thứ hai từ 6 tháng trước.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết chương trình tiêm liều tăng cường sẽ tập trung vào nhóm đối tượng là nhân viên y tế và chăm sóc người cao tuổi, những người sống ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và những người tàn tật.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 27/10, 87,6% người dân Australia từ 16 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine và 75,5% được tiêm đầy đủ.
Ngày 28/10, Australia ghi nhận trên 2.200 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và 27 ca tử vong. Đa số các ca mắc mới ở bang Victoria, bang đông dân thứ 2 nước này, với 1.923 ca và 25 ca tử vong.
Đức đề xuất biện pháp phòng dịch mới thay thế 'tình trạng khẩn cấp' Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 27/10, tại cuộc thảo luận trong khuôn khổ tiến trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền tại Đức, 3 chính đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), đều bày tỏ mong muốn chấm dứt "tình trạng khẩn cấp", được áp đặt từ tháng 3/2020 để...