Thế giới ghi nhận 212,3 triệu ca mắc, 4,4 triệu ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h30 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 212.358.643 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.441.496 ca tử vong.
Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 189,97 triệu bệnh nhân đã bình phục và vẫn còn hơn 17,94 triệu người đang được điều trị.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 38.519.294 ca, trong đó có 644.840 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.243 ca trong tổng số 20.556.487 ca nhiễm. Với 434.545 ca tử vong trong tổng số 32.430.134 ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm và thứ ba về số ca tử vong.
Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng dịch COVID-19. Bộ Y tế Lào ngày 22/8 ghi nhận 305 ca mắc mới, gồm 224 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 81 ca lây nhiễm trong nước. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 12.469 ca, trong đó có 11 người tử vong. Ủy ban chuyên trách trung ương về phòng chống dịch COVID-19 của Lào đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hoạt động giám sát đường biên giới để ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép có nguy cơ mang theo dịch bệnh vào trong nước, đồng thời tăng cường giáo dục nhận thức về dịch bệnh cho người lao động đang được điều trị hoặc đang ở trong các khu cách ly.
Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 163 ca nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này trên cả nước lên 999 ca. Cho đến nay, biến thể Delta đã tấn công 23 trong số 25 tỉnh và thành phố của Campuchia. Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng đã kêu gọi mọi người dân cẩn trọng hơn vì biến thể Delta dễ lây lan hơn các biến thể khác đã xuất hiện tại Campuchia. Cũng trong ngày này, Campuchia ghi nhận thêm 496 ca mắc mới và thêm 14 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 89.231 ca và 1.792 ca.
Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan (CCSA) cho biết nước này có thêm 19.014 ca mới và 233 ca tử vong. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái, đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 1.049.295 ca mắc, trong đó 839.855 ca đã khỏi bệnh và 9.320 ca không qua khỏi. Người phát ngôn của CCSA trước đó cho biết mặc dù tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn còn đáng lo ngại, nhưng có những dấu hiệu tích cực cho thấy số ca mới đã qua mức đỉnh và có thể sẽ tăng chậm trong thời gian tới.
Bộ Y tế Philippines ghi nhận có thêm 16.044 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 1.839.635 ca. Số người tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 31.810 người sau khi có thêm 215 không qua khỏi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận thêm 30.948 ca mắc mới, nâng tổng số ca lên 32.424.234 ca. Số ca tử vong cũng tăng 403 ca lên thành 434.367 ca. Hiện Ấn Độ vẫn đang điều trị cho 353.398 ca, mức thấp nhất trong 152 ngày qua.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo cùng ngày thông báo có thêm 4.392 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu ngày Chủ nhật ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới này. Con số này, vượt qua mức 4.295 ca mắc mới được ghi nhận vào Chủ nhật tuần trước, đã giảm so với 5.074 ca mắc mới được báo cáo 1 ngày trước đó. Theo giới chức Tokyo, tỷ lệ mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày qua là 4.732,9 ca/ngày, tăng 11% so với tuần trước. Số bệnh nhân mắc COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng đã tăng thêm 1 người từ ngày 21/8 lên 271 người.
Tại châu Đại Dương, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chỉ thị chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của nước này tiếp tục theo đuổi lộ trình chống dịch COVID-19 hiện tại trong bối cảnh số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay. Ngày 22/8, Australia ghi nhận 914 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, chủ yếu ở bang New South Wales. Tuy nhiên, Thủ tướng Morrison cùng ngày hối thúc chính quyền các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi 70% dân số trưởng thành đã tiêm phòng đầy đủ.
Từng phòng chống dịch COVID-19 thành công trong một thời gian dài nhưng giờ đây, New Zealand đang thừa nhận chiến lược tham vọng loại bỏ hoàn toàn virus “COVID zero” có thể không còn khả thi nữa khi mà một làn sóng dịch mới do biến thể Delta dễ lây lan đang bùng phát ở quốc gia châu Đại Dương này.
Ngày 21/8, Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand, Chris Hipkins cho biết có thêm 21 ca lây nhiễm mới liên quan ổ dịch được phát hiện ở Auckland hồi tuần trước, vốn đặt dấu chấm hết cho 6 tháng không có ca cộng đồng nào tại nước này đồng thời dẫn đến việc áp đặt phong tỏa trên toàn quốc. Theo Bộ trưởng Hipkins, bản chất dễ lây nhiễm của biến thể Delta khiến đợt bùng phát này khó kiểm soát hơn những đợt trước và đặt ra những câu hỏi lớn cho chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19.
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran thông báo có thêm 684 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 102.038 ca. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong vì COVID-19 được ghi nhận trong 1 ngày tại Iran vượt hơn 680 ca. Iran cũng ghi nhận 36.419 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 4.677.114 ca.
Video đang HOT
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Chính phủ Israel ngày 22/8 đã bắt đầu một chiến dịch xét nghiệm đại trà đối với toàn bộ trẻ em từ 3 đến 12 tuổi trên cả nước, nhằm phân luồng học sinh trước ngày khai giảng. Theo kế hoạch, toàn bộ khoảng 1,4 triệu học sinh 3-12 tuổi tại Israel sẽ được xét nghiệm kháng thể với virus SARS-Cov-2, nhóm đối tượng vẫn chưa được tiêm phòng vaccine. Nhiều khả năng một phần trong số này đã từng bị nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh. Nếu vậy, các em sẽ được cấp chứng nhận “Thẻ Xanh” để được miễn cách ly hoặc xét nghiệm trong các trường hợp có tiếp xúc với F0 hoặc khi tham gia các sự kiện đông người. Bất chấp chiến dịch tiêm phòng hiệu quả, số lượng ca nhiễm mới COVID-19 tại Israel vẫn tăng mạnh trong tuần qua ở mức trên 6.000 ca/ngày, với số ca nặng đã vượt con số 600.
COVID-19 tại ASEAN hết 19/8: Cả khối vượt 9 triệu ca mắc, Malaysia nhiều ca mắc mới nhất
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 19/8, 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 92.615 ca mắc COVID-19 và 2.247 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 9 triệu ca, trong đó 198.362 người tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 19/8, ASEAN có ba quốc gia ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới, gồm Malaysia (22.984 ca), Indonesia (22.053 ca) và Thái Lan (20.902 ca). Như vậy, trong ngày thứ hai liên tiếp, Malaysia đã vượt Indonesia về số ca mắc mới hàng ngày.
Đứng thứ 4 về số ca mắc hàng ngày tại ASEAN trong ngày 19/8 là Philippines với 14.895 ca. Tiếp đó là Việt Nam với 10.654 ca, Campuchia với 533 ca, Lào với 284 ca và Singapore với 32 ca.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.492 ca), Thái Lan (301 ca), Philippines (258 ca), Malaysia (178 ca), Campuchia (17 ca).
Lào gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày
Tài xế xe Tuk-Tuk đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 21/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Lào ngày 19/8 tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 20/8. Đây là lần thứ 8 Lào gia hạn lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 22/4 vừa qua.
Thông báo quyết định trên, Chính phủ Lào yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát người xuất nhập cảnh, ngăn chặn vượt biên trái phép. Các cửa khẩu quốc tế tiếp tục đóng cửa đối với người xuất nhập cảnh phổ thông, ngoại trừ trường hợp đã được ủy ban chuyên trách cấp phép.
Quyết định mới cũng yêu cầu lập trung tâm cách ly ở các địa phương có nhiều lao động nhập cảnh về nước, đồng thời thúc đẩy việc truy vết người mắc COVID-19 để đưa đi điều trị. Lào cũng yêu cầu tiếp tục đóng cửa tụ điểm giải trí, karaoke, spa, hoạt động chơi thể thao tiếp xúc cơ thể ở nơi có dịch, cấm người ra vào vùng đỏ khi không được phép.
Các hoạt động được nới lỏng bao gồm: cho phép mở lại chợ, siêu thị, cửa hiệu cắt tóc với điều kiện phải đảm bảo tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh và không để xảy ra tình trạng đông đúc. Các quán ăn, cà phê, vườn ẩm thực, trung tâm thể thao ở địa phương được phép mở cửa đón khách và phục vụ tại chỗ nhưng phải bố trí chỗ ngồi giãn cách và không được bán đồ uống có cồn.
Quyết định mới cũng cho phép mở hội họp ngoài vùng dịch, người dân được đi lại giữa các tỉnh không có dịch, trong khi hoạt động vận tải hành khách được nối lại, người đã tiêm đủ vaccine không cần cách ly, đồng thời cho phép duy trì việc vận chuyển hàng hóa quốc tế với điều kiện tài xế nhập cảnh Lào phải tiêm đủ vaccine và tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Ngoài ra, các trường học ở Lào được phép mở cửa trở lại, quán massage ngoài vùng dịch được phép hoạt động không quá 20h00.
Bộ Y tế Lào ngày 19/8 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 284 ca mắc mới, trong đó ngoài 265 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 19 ca cộng đồng. Chính quyền tỉnh Bokeo (Bắc Lào) đang lên kế hoạch đưa lao động cả trong và ngoài nước rời khỏi Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở huyện Ton Pheung, nơi đang bùng phát dịch và bị phong tỏa từ đầu tháng 8. Theo đó, tất cả lao động bao gồm cả lao động Lào và lao động nước ngoài đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi rời đặc khu. Các lao động Lào sắp rời đặc khu được yêu cầu phải cách ly tại trung tâm của tỉnh Bokeo trước khi về địa phương. Ban quản lý đặc khu cũng được giao thành lập trung tâm cách ly phù hợp cho người lao động chuẩn bị rời khỏi đây, kể cả đối với lao động không có giấy tờ hợp pháp.
Campuchia: Phnom Penh xem xét kéo dài lệnh giới nghiêm
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Chính quyền thành phố Phnom Penh đang xem xét kéo dài lệnh giới nghiêm để ngăn chặn dịch COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta sau khi phát hiện một loạt ca lây nhiễm biến thể này trong cộng đồng.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng cho biết trong thời gian qua, lệnh giới nghiêm mang lại hiệu quả cao trong việc giảm lây lan dịch COVID-19 tại thủ đô. Việc thực hiện lệnh này ảnh hưởng đến nhu cầu của giới trẻ nhưng lại giúp ngăn chặn lây lan virus SARS-CoV-2 từ người trẻ tuổi sang những thành viên lớn tuổi hơn trong gia đình. Ông Sreng cũng bảnh báo người dân không được lơ là với các biện pháp phòng dịch vì biến thể Delta rất nguy hiểm và dễ lây lan.
Tính đến ngày 17/8, Campuchia đã phát hiện 715 ca nhiễm biến thể Delta, trong đó có 513 ca nhiễm biến thể này tính đến ngày 13/8. Như vậy chỉ trong 4 ngày, số ca nhiễm biến thể Delta tại Campuchia đã tăng hơn 200 ca, trong bối cảnh hàng nghìn lao động di cư Campuchia tiếp tục vượt biên giới Thái Lan về nước, mang theo nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, thống kê chính thức cho thấy số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia hiện dao động trong khoảng 500-600 ca/ngày, trong đó chủ yếu ở các tỉnh biên giới và cao điểm ở tỉnh Banteay Meanchey, cùng với hàng trăm ca mắc mới được phát hiện tại một trung tâm cai nghiện ma túy.
Bộ Y tế Campuchia ngày 19/8 ra thông cáo xác nhận có 533 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua (gồm 145 ca nhập cảnh và 388 ca lây nhiễm trong cộng đồng) và 17 ca tử vong. Như vậy, đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 87.723 ca mắc COVID-19, trong đó 83.298 người hồi phục và 1.747 người tử vong.
WHO hối thúc Indonesia hành động khẩn cấp
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã hối thúc Indonesia hành động nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 sau khi dữ liệu mới cho thấy hoạt động đi lại trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí đã phục hồi về mức trước đại dịch tại một số khu vực trọng điểm.
Indonesia - quốc gia hồi tháng trước trở thành tâm điểm của đợt bùng phát dịch COVID-19 tại châu Á - đã áp đặt các lệnh hạn chế đi lại song hiện cho phép các trung tâm thương mại và nhà hàng tại một số khu vực được hoạt động với 25% công suất.
Báo cáo tình hình mới nhất của WHO nhấn mạnh "sự gia tăng đáng kể về hoạt động đi lại của người dân trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí" tại các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java với tổng dân số khoảng 97 triệu người.
Không gian bán lẻ và giải trí được đề cập ở đây bao gồm các nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, thư viện, bảo tàng và công viên giải trí. Dựa trên số liệu của Google từ tuần thứ hai của tháng 8, WHO cho hay hoạt động đi lại của người dân đã đạt mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 2/2020.
Báo cáo của WHO nhấn mạnh: "Việc xây dựng một kế hoạch cụ thể và hành động khẩn cấp là rất quan trọng nhằm chặn trước và giảm thiểu tác động của việc gia tăng các hoạt động đi lại đối với sự lây lan dịch bệnh và năng lực của hệ thống y tế".
Do ảnh hưởng của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại Indonesia đã đạt mức kỷ lục hơn 56.000 ca vào tháng trước, đẩy các bệnh viện trên đảo Java vào tình trạng quá tải và thiếu oxy y tế nghiêm trọng.
Số ca mắc COVID-19 mới đã giảm đáng kể xuống còn khoảng 15.000 ca vào ngày 18/8, tuy nhiên tỷ lệ xét nghiệm cũng giảm trong khi tỷ lệ dương tính và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng biến thể Delta sẽ lan rộng sang các khu vực xa xôi hẻo lánh có năng lực y tế yếu kém.
Philippines ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao thứ hai kể từ đầu dịch
Cảnh sát kiểm tra người lưu thông nhằm đảm bảo người dân tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19 tại một chốt kiểm soát ở thành phố Quezon, Philippines ngày 6/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế Philippines ngày 19/8 ghi nhận 14.895 ca mắc mới COVID-19, mức cao thứ hai kể từ khi bùng phát dịch ở nước này. Tổng số ca mắc tại nước này đến nay là 1,79 triệu ca, trong khi số ca tử vong đã tăng lên 30.881 ca sau khi ghi nhận thêm 258 ca.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque cho biết nước này quyết định chi 45,3 tỷ peso (899 triệu USD) từ ngân sách năm 2022 để triển khai chương trình tiêm chủng liều tăng cường cho người dân. Động thái này diễn ra ngay cả khi giới chức y tế Philippines chưa đưa ra quyết định có cần tiêm mũi thứ 3 hay không.
Hiện chưa rõ số tiền trên có thể mua được bao nhiêu liều vaccine. Đến nay, Philippines đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 8 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có của Pfizer và Moderna.
Tại Philippines, tính đến nay, gần 13 triệu người, chiếm 11,7% trong tổng số 110 triệu dân, đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Singapore bắt đầu thí điểm cách ly bệnh nhân tại nhà
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 19/8, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết bắt đầu từ ngày 30/8, nước này sẽ triển khai thí điểm việc áp dụng cách ly tại nhà đối với những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết chương trình thí điểm cách ly điều trị tại nhà này là bước đi quan trọng trong lộ trình hướng tới việc sống chung với "bệnh đặc hữu COVID-19".
Ông Ong Ye Kung cho biết Singapore có 2 khu vực phục hồi cho các bệnh nhân COVID-19 là tại các bệnh viện và tại các khu vực cách ly tập trung. Chương trình thí điểm cách ly tại nhà này nhằm bổ sung thêm khu vực phục hồi thứ ba và giải phóng các nguồn lực y tế và giường bệnh tại các bệnh viện.
Tuy nhiên, để có thể được cách ly tại nhà, những bệnh nhân và người nhà của họ cần phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt như tất cả người sinh sống trong gia đình phải được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và không thuộc những nhóm người dễ "bị tổn thương" như phụ nữ mang thai, người già hoặc những người có hệ miễn dịch yếu kém... Bệnh nhân COVID-19 sẽ được điều trị tại cơ sở y tế trong vài ngày đầu tiên, sau đó sẽ được chuyển về cách ly điều trị tại nhà khi lượng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong cơ thể giảm xuống Bên cạnh đó, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ phải nằm trong diện cách ly tại nhà trong thời gian cho đến khi người mắc COVID-19 khỏi bệnh. Những thành viên trong gia đình sẽ được theo dõi thông qua các thiết bị điện tử và sẽ phải tiến hành các xét nghiệm kháng nguyên nhanh (ART) hàng ngày để kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 hằng ngày tại quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục có xu hướng giảm sau khi các biện pháp siết chặt hơn được áp dụng vào tháng trước đã phát huy hiệu quả. Trong một tuần tính đến ngày 17/8, trung bình mỗi ngày Singapore ghi nhận 63 ca mắc mới, giảm một nửa so với trước đó 2 tuần.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 12/8 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 12/8 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 205,74 triệu ca mắc COVID-19 và 4,34 triệu ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh đã có mặt tại 142 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực....