Thế giới đã ghi nhận trển 504,8 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h ngày 18/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 504.852.130 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.223.659 ca tử vong.
Số bệnh nhân đã bình phục là trên 456 triệu người, trong khi vẫn còn 42.130 bệnh nhân nặng đang phải điều trị tích cực.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận trên 82,3 triệu ca mắc, trong đó trên 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (trên 43,04 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (trên 662.000 ca). Chính phủ Brazil thông báo trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm, nước này sẽ dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp về y tế công cộng trong những ngày tới sau suốt 2 năm áp dụng nhằm phòng, chống đại dịch.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với trên 186,7 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,79 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với trên 145,7 triệu ca mắc và trên 1,41 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận trên 97,3 triệu ca mắc và trên 1,45 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là trên 50,5 triệu ca mắc và trên 1,29 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Tại Đông Nam Á, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết, trong vòng 1-2 tuần sau kỳ nghỉ Tết Khmer cổ truyền (từ ngày 14 – 16/4) sẽ có dữ liệu chắc chắn về mức độ lây nhiễm COVID-19 hay miễn dịch cộng đồng ở nước này. Khi đó, tất cả các bộ và cơ quan liên quan có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh. Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, Campuchia đã nối lại hoàn toàn hoạt động kinh tế xã hội. Từ tháng 11/2021, nước này cho phép người đã tiêm đủ liều vaccine được nhập cảnh mà không cần cách ly.
Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc thông báo số ca mắc mới COVID-19 ở mức thấp nhất trong 10 tuần, trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra bắt đầu giảm và nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để dần trở lại nhịp sống bình thường. Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này ghi nhận 47.743 ca mắc mới, trong đó có 14 ca từ nước ngoài, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 16.353.495 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này tăng lên 21.224 ca, sau khi ghi nhận thêm 132 ca một ngày trước đó, tỷ lệ tử vong là 0,13%. Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ ngày 18/4, chỉ duy trì quy định đeo khẩu trang bắt buộc. Đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực trở lại nhịp sống bình thường sau thời gian gián đoạn vì đại dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 13/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc ghi nhận 2.723 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong ngày, trong đó 2.417 ca ở Thượng Hải. Ngoài ra, có 20.639 ca mắc mới không có triệu chứng lây nhiễm trong cộng đồng tại Trung Quốc đại lục, trong đó 19.831 ca tại Thượng Hải. Trung Quốc cũng ghi nhận 3 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 17/4 và đều ở tâm dịch Thượng Hải. Các ca tử vong vì COVID-19 được thông báo lần gần đây nhất tại Trung Quốc là 2 ca ghi nhận vào ngày 19/3 vừa qua và đó cũng là những ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 được ghi nhận tại đây sau hơn một năm.
Tại Nam Á, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo số ca mắc mới COVID-19 tăng gấp đôi trong 24 giờ qua, lần đầu tiên trong 1 tháng qua vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày. Cụ thể ngày 18/4 Ấn Độ ghi nhận 2.183 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch đến nay lên hơn 43 triệu. Thủ đô New Delhi và các bang Maharashtra và Haryana đều thông báo số ca mắc mới ở mức 3 chữ số trong 24 giờ qua. Tuy nhiên số ca nhập viện vẫn ở mức thấp. Trước việc số ca mắc mới đang tăng trở lại, chính quyền Thủ đô New Delhi tuần trước đã phải siết chặt các biện pháp phòng dịch đối với các trường học.
Hành khách tại sân bay quốc tế Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Đại Dương, bắt đầu từ ngày 18/4, hơn hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Australia đã chính thức dỡ bỏ quy định yêu cầu khách du lịch quốc tế phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi lên máy bay tới nước này. Điều này có nghĩa là du khách nước ngoài không phải thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, tuy nhiên họ vẫn phải xuất trình chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 và đeo khẩu trang trên các chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, những người chưa được tiêm chủng sẽ vẫn phải trải qua thời gian cách ly khi đến Australia và phải tự chi trả phí cách ly. Cũng từ ngày 18/4, chính phủ Australia đã cho phép các du thuyền quốc tế cập cảng nước này.
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Vienna, Áo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Áo bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch và mở cửa trở lại từ cuối tuần qua, tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn gần như là quy định bắt buộc trong trường học. Bộ Giáo dục Áo cho biết học sinh từ lớp 8 trở xuống sẽ phải đeo khẩu trang y tế (MNS) khi ở bên ngoài lớp học và các phòng học nhóm trong trường. Toàn bộ học sinh từ lớp 9 trở lên được yêu cầu đeo khẩu trang bộ lọc bảo vệ đường hô hấp (FFP2).
Các giáo viên đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã có kháng thể sau khi mắc COVID-19 đều phải đeo khẩu trang trong trường, nhưng không đeo trong các lớp học và phòng học nhóm. Đối với giáo viên chưa có kháng thể do chưa tiêm chủng hoặc từng mắc COVID-19 vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học. Tuy nhiên, quy định phòng chống dịch tại các trường đại học dường như khó khăn hơn, khi mỗi trường lại có những quy định riêng. Hầu hết các trường đại học đều giữ nguyên quy định về việc đeo khẩu trang FFP2, ít nhất là ở các khu vực chung.
OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng và tiêu thụ dầu thô toàn cầu
Giá nhiên liệu tăng vọt gây sức ép lớn đối với các nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát đứng ở mức cao.
Biểu tượng OPEC tại trụ sở ở Vienna, Áo. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 12/4 cảnh báo giá nhiên liệu tăng do hiệu ứng từ xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động lớn đến kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu chiến sự tại Ukriane kéo dài.
Cụ thể, OPEC cắt giảm tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2022 xuống còn 3,9% so với mức 4,2% của kỳ báo cáo trước đó. Nguyên nhân là bởi các nền kinh tế được cho là sẽ tiếp tục gánh chịu hệ quả từ giá hàng hóa tăng.
OPEC cắt giảm dự báo sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong năm nay với mức 500.000 thùng/ngày, xuống ngưỡng 10,8 triều thùng/ngày so với kỳ báo cáo trước và cao hơn sản lượng 10,59 triệu thùng/ngày của năm 2021. Sản lượng dầu thô khai thác của Mỹ được điều chỉnh tăng thêm 261.000 thùng/ngày, lên mức 17,75 triệu thùng/ngày.
Những nước châu Âu - với nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ khủng hoảng Ukraine. OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) từ 3,9% xuống còn 3,5% trong năm nay. Riêng kinh tế Nga được dự báo tăng trưởng âm 2% trong năm nay, giảm sâu so với nhận định OPEC đưa ra trong tháng 3 với mức tăng trưởng 2,7%.
Kinh tế toàn cầu yếu đi đồng nghĩa với cầu tiêu thụ dầu mỏ suy giảm. Trong dự báo mới nhất, OPEC cho biết thế giới tiêu thụ khoảng 100,5 triệu thùng dầu/ngày, giảm khoảng 410.000 thùng/ngày so với kỳ dự báo được tổ chức này đưa ra trước thời điểm bùng phát xung đột ở Ukraine.
Iran nêu điều kiện trở lại đàm phán tại Áo Ngày 4/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết nước này sẽ chỉ quay trở lại Vienna (Áo) để hoàn tất một thỏa thuận nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc thế giới, tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran...