Thế giới cân nhắc chuyện kéo dài phong tỏa chống dịch Covid-19
Thế giới ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm, hơn 88.000 người chết và nửa tỉ người có thể lâm vào cảnh nghèo đói vì đại dịch Covid-19.
Người dân đi bộ qua con đường vắng vẻ vì lệnh phong tỏa ở Ý . Ảnh Reuters
Đại dịch Covid-19 đã lây lan tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đe dọa nền kinh tế toàn cầu, khiến hàng triệu người thất nghiệp và hàng tỉ người phải ở nhà vì các lệnh phong tỏa, theo AFP. Khắp thế giới, các cơ sở y tế lâm vào tình trạng khủng hoảng vì phải đối mặt số lượng bệnh nhân Covid-19 quá đông, thiếu hụt vật tư y tế và cả nhà xác. Châu Mỹ, châu Âu đến châu Á đều tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm và tử vong gia tăng từng ngày.
Trong tình hình đó, chính phủ nhiều nước quyết định kéo dài lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội để đối phó dịch. Chính phủ Pháp dự kiến gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi số người chết vì Covid-19 ở nước này tăng vọt lên hơn 10.000. Bỉ và Philippines kéo dài lệnh phong tỏa lần lượt đến 19.4 và 30.4. Hungary hôm qua 9.4 cũng thông báo sẽ tiếp tục phong tỏa toàn quốc cho đến khi có thông báo tiếp theo. Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ họp thảo luận việc kéo dài lệnh phong tỏa, còn Anh cũng đang cân nhắc.
Video đang HOT
Tờ South China Morning Post hồi tuần trước dẫn nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho rằng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội có thể giúp giảm tác động của đại dịch đối với sinh mạng con người. Cụ thể theo nghiên cứu, nếu áp dụng sớm và duy trì các biện pháp này trên phạm vi lớn một cách phù hợp có thể cứu đến 38,7 triệu người khỏi nguy cơ tử vong.
Trong khi đó, Trung Quốc nới lỏng lệnh phong tỏa tại một số khu vực để khôi phục nền kinh tế và một số quốc gia khác ở châu Âu như Áo, Đan Mạch, Hy Lạp, Na Uy đang cân nhắc điều tương tự, theo Reuters. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp, còn giới chuyên gia y tế cảnh báo nên thận trọng với động thái này nhằm ngăn chặn có thêm đợt bùng phát mới.
Trong một diễn biến khác liên quan Covid-19, Tổ chức Viện trợ quốc tế Oxfam hôm qua kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí với gói giải cứu khoảng 2.500 tỉ USD để giúp ngăn chặn nguy cơ nửa tỉ người trên toàn cầu lâm vào tình trạng nghèo đói vì đại dịch.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục kêu gọi thế giới đoàn kết trong cuộc chiến chống đại dịch sau khi Tổng thống Trump chỉ trích cơ quan này quá thân thiết với Trung Quốc và đe dọa cắt giảm tài trợ.
Phúc Duy
Italy tuyên bố sẽ tự hành động nếu EU không tìm ra giải pháp chung ứng phó khủng hoảng kinh tế
Ngày 9/4, trả lời phỏng vấn tờ Bild (Đức) trước khi bước vào ngày họp thứ ba của Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurogroup), Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã nhắc lại quan điểm của chính phủ nước này đối với các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra là Italy sẽ tự hành động nếu Liên minh châu Âu (EU) không thể đưa ra được giải pháp chung.
Cảnh vắng vẻ tại quảng trường ở Turin, Italy ngày 5/4/2020 trong thời gian lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố nhằm ngăn dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn phát biểu của ông Conte cho rằng nếu châu Âu không đưa ra được các công cụ tài chính để đối phó với thách thức hiện nay, chẳng hạn như Eurobond, Italy sẽ buộc phải đối mặt với tình huống khẩn cấp và tái khởi động bằng chính nguồn lực của mình. Ông Conte thừa nhận rằng hành động đơn phương như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tới toàn EU, "các phản ứng của các quốc gia riêng lẻ sẽ kém hiệu quả hơn so với hành động phối hợp chung của cả châu Âu và có thể gây nguy hiểm cho giấc mơ châu Âu".
Trước đó, nhóm Eurogroup đã không thể tìm được tiếng nói chung đối với kế hoạch cứu trợ nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Phát biểu sau cuộc họp ngày 8/4, Chủ tịch nhóm Eurogroup Mario Centeno thông báo các bộ trưởng đã gần đi đến một thỏa thuận, song vẫn chưa đạt được. Chính vì vậy, các bộ trưởng tài chính EU phải tiếp tục nhóm họp trong ngày 9/4.
Trước đó, ông Centeno đã kêu gọi các nước thành viên EU cùng đưa ra một gói giải pháp nhằm hỗ trợ các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Các bộ trưởng tài chính hy vọng việc đạt được gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro có thể giúp hỗ trợ các nền kinh tế đang dần "kiệt sức" có thể vượt qua đại dịch cũng như giúp EU thu hẹp những khác biệt không đáng có trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" hiện nay.
Tuy nhiên, bất đồng giữa các nước thành viên EU lại một lần nữa nảy sinh khi Italy và Hà Lan mâu thuẫn về các điều kiện gắn với kế hoạch cứu trợ và điều này đã ngăn cản tiến trình đạt được thỏa thuận trên. Italy và Tây Ban Nha kêu gọi tất cả các nước thành viên EU huy động hàng chục tỷ euro để hỗ trợ cho kế hoạch phục hồi khổng lồ. Trong khi đó, Đức và Hà Lan phản ứng thận trọng hơn bằng cách đề xuất sử dụng quỹ cứu trợ hiện nay của Eurozone còn gọi là Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ hơn thông qua Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Quỹ này hiện có khoảng 410 tỷ euro (tương đương 443 tỷ USD).
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại nước này, Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố Italy có thể bắt đầu nới lỏng dần một số biện pháp hạn chế hiện đang được áp đặt trước cuối tháng 4 nếu tình trạng lây lan dịch bệnh tiếp tục chậm lại. Phát biểu với đài BBC, Thủ tướng Conte nêu rõ: "Chúng tôi cần lựa chọn những lĩnh vực có thể hoạt động trở lại. Nếu các nhà khoa học xác nhận điều này, chúng tôi có thể bắt đầu nới lỏng một số biện pháp đang được áp đặt trước cuối tháng 4". Tuy nhiên, Thủ tướng Conte cảnh báo Italy không thể hạ mức cảnh giác và các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng dần.
Ngày 8/4, Italy ghi nhận 542 ca tử vong mới do COVID-19, giảm so với những nhiều ngày trước đó. Như vậy, tính đến nay, Italy đã ghi nhận 17.669 ca tử vong trong tổng số gần 140.000 ca nhiễm. Ngoài ra, có 3.693 bệnh nhân đang được điều trị tích cực, giảm so với mức 3.792 trong ngày 7/4 - ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận các số liệu giảm dần trong khi số ca phục hồi cũng cao hơn số ca tử vong.
Huy Thông - Phương Hoa
Hai tâm trạng trước giờ dỡ bỏ phong tỏa ở Vũ Hán Một số người dân cho rằng bên ngoài đường phố Vũ Hán vẫn còn chưa an toàn và họ sẽ tiếp tục ở lại trong nhà, trong khi số khác đang háo hức được ra ngoài sau hơn 2 tháng. Ảnh chụp từ trên cao cho thấy các tòa nhà và đường phố ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc...