Thế chiến công nghệ đang diễn ra
Các quốc gia và doanh nghiệp toàn cầu bị cuốn vào trận chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, buộc họ phải lựa chọn một phe để sống sót.
TikTok, nạn nhân mới nhất của cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung
TikTok chính là nạn nhân mới nhất của cuộc chiến này. Ứng dụng thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc nhưng do một CEO người Mỹ điều hành. Cú đấm đầu tiên mà TikTok hứng chịu là vào tháng trước khi Ấn Độ quyết định cấm cửa sau cuộc đụng độ với Trung Quốc tại biên giới khiến ít nhất 20 binh sỹ thiệt mạng. Tiếp đó, nhà chức trách Mỹ dọa làm điều tương tự vì có thể đe dọa an ninh quốc gia. Một tuần sóng gió khép lại bằng thông báo rút khỏi Hồng Kông của TikTok vì luật an ninh vừa được Trung Quốc thông qua.
Dipayan Ghosch, đồng Giám đốc Dự án Dân chủ và Nền tảng số tại trường Harvard Kennedy, cho rằng ngày càng khó trở thành một nền tảng công nghệ toàn cầu đích thực.
Cuộc chiến hiện tại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy rõ vấn đề ấy. Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh trong mọi lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo, 5G cho đến công nghệ khác. Dù hai nước đều có quan hệ kinh tế lâu năm, căng thẳng gần đây về an ninh quốc gia đã buộc chính phủ và doanh nghiệp phải tính toán lại.
Xung đột còn can thiệp tới quan hệ của hai nước với các cường quốc khác. Chẳng hạn, Anh đang xem lại quyết định cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới nhất, cấm các công ty khác cung cấp chip cho Huawei.
Michael Witt, một Giáo sư chuyên về Kinh doanh quốc tế tại trường INSEAD, chia sẻ: “Ấn tượng của tôi là các hãng công nghệ đang bắt đầu thấm thía tương lai sẽ kém toàn cầu hóa hơn nhiều. Họ thực sự đang trong tình thế nan giải”.
Đối đầu gay gắt
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và Trung Quốc giữ quan điểm trái chiều về công nghệ. Nếu IBM và Microsoft dẫn dắt tiến bộ công nghệ tại Mỹ những năm 1980, Trung Quốc lại đặt nền móng của Great Firewall – cơ chế kiểm duyệt khổng lồ đánh sập các nội dung phổ biến trên Internet tại các nước khác. Trung Quốc tạo ra một môi trường Internet khép kín, có kiểm soát và được một số nước học tập, chẳng hạn Nga.
Trung Quốc đầu tư bạo tay hơn cho công nghệ trong vài năm gần đây nhờ chương trình tham vọng “Made in China 2025″ nhằm giảm lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Nước này chi hàng tỷ USD trong các lĩnh vực như liên lạc không dây, microchip, robotic. Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 306 tỷ USD chipset, chiếm 15% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước.
Mỹ đáp trả bằng cách kìm hãm tiến bộ của Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ. Quan chức Trung Quốc liên tục bác bỏ và tranh luận bất kỳ bí mật công nghệ nào được trao là một phần trong giao dịch được sự đồng ý của đôi bên. Mỹ còn áp lệnh trừng phạt lên các doanh nghiệp nổi bật của Trung Quốc và từng bước hạn chế Bắc Kinh tiếp cận thị trường chứng khoán.
Video đang HOT
Khi Washington leo thang căng thẳng với Bắc Kinh, hợp tác công nghệ toàn cầu dường như dần biến mất. Ian Bremmer và Cliff Kupchan, Chủ tịch Tập đoàn Eurasia, viết trong một báo cáo hồi đầu năm nay rằng Bắc Kinh kết luận chắc chắn xảy ra sự tách rời. Báo cáo chỉ ra Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc phá vỡ sự lệ thuộc vào công nghệ Mỹ như thế nào.
“Trung Quốc sẽ mở rộng nỗ lực tái định hình kiến trúc tài chính, thương mại, công nghệ để thúc đẩy tốt hơn lợi ích của họ trong thế giới đang bị phân đôi”, báo cáo viết.
“Bức tường Berlin ảo”
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất xấu đi cũng là lúc mọi thế lực khác trên toàn cầu cùng với các công ty công nghệ chịu tác động nặng nề. Các chuyên gia của Eurasia nhận định “bức tường Berlin ảo” sẽ buộc quốc gia phải chọn phe để theo. Theo đó, một số đồng minh truyền thống của Mỹ như Đài Loan và Hàn Quốc có thể nghiêng về phía Trung Quốc vì họ đang cung ứng bán dẫn để Trung Quốc dựa vào đó cạnh tranh với đối thủ.
“Cả Mỹ và Trung Quốc thể hiện họ sẵn sòng vũ khí hóa chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu”, chuyên gia Eurasia bổ sung.
Theo Samm Sacks, chuyên gia nghiên cứu an ninh mạng và quan hệ Hoa – Mỹ, căng thẳng toàn cầu cũng khiến các nước nhìn nhận doanh nghiệp công nghệ như một thực thể quốc gia, không phải thực thể toàn cầu. Điều này hoàn toàn khác so với một thập kỷ trước.
Huawei, ví dụ nổi bật của căng thẳng thương mại toàn cầu
Huawei chính là ví dụ nổi bật nhất. Hơn 1 năm qua, Washington gây sức ép buộc các đồng minh loại Huawei khỏi việc cung ứng thiết bị viễn thông 5G. Chiến dịch bước đầu có kết quả tại châu Âu: nhà chức trách Anh tuần trước cho biết lệnh trừng phạt của Mỹ có xu hướng ảnh hưởng tới khả năng cung ứng 5G của Huawei, còn Reuters đưa tin nhà mạng lớn nhất Italy đã loại Huawei khỏi cuộc đấu thầu thiết bị 5G.
Tiến bộ công nghệ tại các khu vực khác trên thế giới cũng gợi ý đang xuất hiện diễn biến khác ngoài cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Chẳng hạn, Ấn Độ đang thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp trong nước và tận hưởng bùng nổ Internet. Khi New Delhi cấm TikTok và 58 ứng dụng Trung Quốc khác, nhiều ứng dụng bản địa đã nhanh chóng lấp chỗ trống.
Trốn tránh hay phân cấp
Đối với các hãng công nghệ đang bối rối không biết đi theo hướng nào, không có lựa chọn dễ dàng.
Giáo sư Witt cho rằng doanh nghiệp phải lựa chọn từ bỏ một phần thế giới hay phân cấp quản lý tới mức một công ty về cơ bản bao gồm 2 hoặc nhiều hơn 2 thực thể.
TikTok đang nghiêng về phương án hai. Dù thuộc sở hữu của ByteDance Trung Quốc, nó phải chấp nhận vạch ranh giới với công ty mẹ. Tháng 5, TikTok tuyển cựu Giám đốc Disney Kevin Meyer về làm CEO và liên tục nhắc lại trung tâm dữ liệu của mình được đặt bên ngoài Trung Quốc, nơi dữ liệu không phải là đối tượng chịu quản lý của luật pháp trong nước.
Công ty thậm chí còn tính toán bước đi khốc liệt hơn. Theo Thời báo Phố Wall, ByteDance cân nhắc thiết lập trụ sở cho TikTok ở nước khác hoặc lập ra ban quản trị mới để tách biệt với Trung Quốc. Người phát ngôn TikTok xác nhận với CNN về việc ByteDance đang xem xét thay đổi cấu trúc doanh nghiệp.
Theo Giáo sư Gosch, mối quan hệ gần gũi với chính phủ Trung Quốc là nguyên nhân khiến Huawei bị ghẻ lạnh tại nhiều nước như vậy. Ông cho rằng TikTok đã nhìn thấy điều đó và muốn làm khác với Huawei.
Song, những nỗ lực đó dường như chưa đủ. Nhà lập pháp Mỹ chĩa mũi dùi vào TikTok vài tuần gần đây. Dù công ty khẳng định không đe dọa tới an ninh quốc gia, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn nhắc tới các lo ngại này.
Với Giáo sư Witt, TikTok đã quá trễ. Ánh sáng từ sự thu hút của công chúng đã chiếu lên họ một cách rực rỡ. Ông không nghĩ rằng TikTok sẽ có kết cục tốt đẹp.
Startup Đông Nam Á "thắt lưng buộc bụng" vượt qua đại dịch
Khi thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19, các startup Đông Nam Á cũng đối mặt với trận chiến khác, đó là việc hết tiền do không thể huy động vốn các nhà đầu tư.
Đầu tư vào startup Đông Nam Á năm 2019 giảm 30% so với năm 2018. Ảnh: Nikkei
Startup thanh toán điện tử FOMO Pay đã dự đoán một năm tăng trưởng đầy hứa hẹn phía trước khi ngành công nghệ tài chính (fintech) Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ về số người dùng chi tiêu qua ví điện tử. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ tưởng tượng về đại dịch toàn cầu đã buộc các doanh nghiệp và hộ gia đình phải lui về sau, cách ly xã hội để giảm lây lan virus trong cộng đồng.
FOMO ghi nhận giao dịch sụt giảm hơn 50% trong tháng 2/2020 khi Covid-19 càn quét qua khu vực. Công ty phải cho một số nhân viên bán thời gian nghỉ việc, hoãn kế hoạch mở rộng ra nước ngoài. Đồng sáng lập Zack Yang cho biết việc này giúp FOMO giảm khoảng 10 tới 20% chi phí. Ông đánh giá đây là tình hình rất tồi tệ.
Theo dữ liệu từ trang thông tin tài chính DealStreetAsia, đầu tư vào startup tại Đông Nam Á của các nhà đầu tư mạo hiểm và tổ chức khác đạt 9,5 tỷ USD năm 2019, giảm khoảng 30% so với năm 2018. Nó cho thấy các nhà đầu tư đang lựa chọn kỹ càng hơn sau khi nhiều startup tưởng bom tấn lại thành bom xịt.
Khi mà các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, đại dịch tấn công nền kinh tế toàn cầu và thị trường vốn trong quý I khiến startup càng khó khăn hơn trong huy động vốn. GV Ravishankar, Giám đốc quản lý Sequoia Capital India, cảnh báo các nhà sáng lập startup hồi đầu tháng này về số tiền huy động được sẽ rất nhỏ và khuyên họ cắt giảm chi phí "nhanh và sâu".
Theo Yang, startup của ông buộc phải giảm lương từ 20% đến 50%. FOMO chỉ là một trong số nhiều startup non trẻ của Đông Nam Á đối mặt với thời kỳ khó khăn vì dịch bệnh.
Yang và các đồng nghiệp phải dựa vào nhau trong cộng đồng bao gồm hơn 30 doanh nhân đến từ Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong nhóm "SEA Founders".
Giden Lim, CEO startup giao hoa BloomThis của Malaysia, một thành viên của SEA Founders, cho hay công ty của mình bị tác động mạnh vì lệnh kiểm soát đi lại, cấm tụ tập đông người và du lịch trong - ngoài nước. Doanh thu của BloomThis giảm tới 90% và không biết còn kéo dài tới khi nào, khiến họ cảm thấy bị áp lực về tài chính.
Lim nói startup buộc phải loại bỏ tất cả chi phí tiếp thị, xin chủ nhà giúp đỡ, tìm kiếm hỗ trợ từ các ngân hàng và cân nhắc giảm lương. "Chúng tôi phải sẵn sàng cho việc có thể mất 12 tháng hoặc hơn để phục hồi. Cố giảm chi phí hết sức và tìm kiếm cơ hội mới là điều sống còn để vượt qua khủng hoảng này".
Nhà phát triển game Agate International của Indonesia quyết định dừng tuyển dụng mới do một số khách hàng hoãn thanh toán. Giám đốc điều hành Shieny Aprilia nói đang chuẩn bị cho kế hoạch 6 tới 12 tháng cho tới khi mọi thứ về lại bình thường.
Sau khi thực hiện khảo sát trong số các thành viên, SEA Founders phát hiện hơn 70% startup xem doanh thu bị trì hoãn là thách thức lớn nhất, 62% cho rằng giảm đốt tiền là yêu cầu khẩn cấp.
Ngay cả những startup có tài chính dồi dào thông qua các nỗ lực huy động vốn trong quá khứ cũng không "miễn dịch" trước khủng hoảng. Caecilia Chu, CEO ví điện tử YouTrip của Singapore, thừa nhận công ty phải giảm lương ở cấp quản lý và giảm chi phí tiếp thị 50% dù trước đó gọi vốn thành công 30 triệu USD. Cô cho biết do khách hàng giảm chi tiêu, họ cũng bị ảnh hưởng.
Các startup khác còn trải qua nhiều đau khổ hơn. "Kỳ lân" Traveloka của Indonesia phải sa thải khoảng 100 người, tương ứng 10% nhân sự. Covid-19 đã tàn phá nặng nền ngành công nghiệp du lịch, buộc Traveloke phải hoàn số tiền khổng lồ trong tháng 2.
Hạn chế đi lại cũng gây đau đầu cho startup đang tìm vốn. Hyuk-Tae Kwon, CEO của hãng đầu tư Pine Venture Partners, nói sẽ tập trung hoàn tất các giao dịch trước đó. Ông không tìm kiếm các thương vụ mới do không có cơ hội gặp mặt trực tiếp, trong khi đầu tư mạo hiểm là ngành công nghiệp rất nhạy cảm, không thể chỉ nhìn vào bảng biểu và giấy tờ.
Dù startup có thể dựa vào các gói cứu trợ từ chính phủ, Jixun Foo - đối tác quản lý tại hãng đầu tư mạo hiểm GGV Capital - cho rằng startup nên tối ưu hóa hoạt động và trông cậy vào nhân tài của mình. "Nhìn vào nội bộ để quản lý tài chính tốt hơn và củng cố một số hoạt động. Làm được điều này, nó sẽ cho thấy sức mạnh của công ty với nhà đầu tư tương lai do khả năng xử lý khủng hoảng là một trong các yếu tố mà nhà đầu tư tìm kiếm trong bất kỳ nhà lãnh đạo nào".
Du Lam
Oppo sắp có công nghệ sạc siêu nhanh công suất 80W Với Oppo, công nghệ sạc nhanh chưa bao giờ có giới hạn khi họ vừa hé lộ công suất sạc 80W Oppo đã giới thiệu công nghệ sạc nhanh 66W với Oppo Reno Ace nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ. Công ty này còn vừa chia sẻ thông tin và hình ảnh tốc độ sạc siêu nhanh của một chiếc điện thoại...