Thầy hiệu trưởng nhiều năm đứng chào học sinh mỗi sớm – chiều
Mỗi sáng, thầy Nguyễn Quốc Bình đều ra cổng trường đón chào học sinh. Những hôm trời lạnh, thấy các em không mặc đủ ấm, thầy ân cần nhắc nhở học trò vì ốm sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Hình ảnh thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình đứng chào cũng như nhắc nhở học sinh mỗi sáng và chiều tối đã trở nên quen thuộc với tất cả các học sinh trường THPT Việt Đức ( quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trời nhá nhem tối, thầy Bình vẫn đứng chờ các em tan học hết rồi mới về. Học trò không ai bảo ai, cứ đến cổng đều chào to “Em chào thầy ạ!”. Bóng dáng người thầy chào, vẫy tay và nở nụ cười hiền đã trở nên thật gần gũi đối với mỗi thầy cô, học trò và phụ huynh.
Bất kể nắng mưa sớm tối, thầy hiệu trưởng đều đứng chào đón học sinh ở cổng trường.
Đứng chờ con ở cổng trường, anh Đặng Việt Hưng chia sẻ: “Sáng nào tôi đưa con đến trường đều thấy thầy ở cổng, nhắc nhở các cháu đội mũ bảo hiểm, mặc áo cho ấm, đi lại cẩn thận. Đây là hình ảnh rất đẹp khiến tôi và nhiều phụ huynh khác cảm phục”.
“Thầy là người em rất yêu quý, kính trọng và có cảm giác gần gũi chứ không hề xa cách. Thầy là tấm gương sáng để chúng em biết lễ phép với người lớn và hòa đồng với bạn bè”, em Ngọc Lan (học sinh khối 10) tâm sự.
Thầy Bình nhắc nhở học trò dừng lại đội mũ bảo hiểm trước khi đi về.
Video đang HOT
Nói về hành động của mình, thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết, việc chào học sinh không phải một hành động to tát. Đó như thông điệp chào nhau, niềm nở với nhau để cuộc sống gắn kết và có thêm nhiều vui mà thầy hiệu trưởng muốn gửi đến các học trò.
Đây là việc làm thường niên đã được thầy hiệu trưởng thực hiện nhiều năm nay. Trước đây, khi còn đang công tác tại Trường THPT Nhân Chính, lúc rảnh rỗi thầy Bình vẫn luôn đứng chào học sinh của mình.
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Bình cho biết: “Đây là thói quen của tôi nhiều năm nay. Hàng ngày nếu không vướng bận công việc hay họp hành gì, tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian ra cổng trường đứng đón các em học sinh đến trường hay chào các em trước khi ra về.
Học trò vui vẻ chia sẻ với thầy hiệu trưởng hôm nay trên lớp có gì vui buồn.
Thông qua việc làm nhỏ này, tôi muốn tạo cho các em học sinh cảm giác thân thiện, gần gũi, đồng thời uốn nắn các em thực hiện nội quy khi đến trường. Cử chỉ của mình làm sao thân mật, gần gũi, nhẹ nhàng và tôi thấy các em thay đổi rất tốt”.
Về nội quy trong trường, thầy Bình thường xuyên giáo dục nhắc nhở học trò gặp ai lớn tuổi, bạn bè nên có lời chào hỏi.
Theo Lệ Thu (Dân Trí)
Học sinh bật khóc chia tay thầy hiệu trưởng
Sau gần 10 năm công tác, thầy hiệu trưởng được các học sinh âm thầm chuẩn bị lễ chia tay đầy cảm xúc dưới trời mưa.
Ngày 30/9, hàng trăm học sinh THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) tập trung ở sân trường để chia tay hiệu trưởng Nguyễn Trọng Khánh trước khi chuyển công tác.
Giữa sân trường ướt mưa, học sinh ngồi thành dãy ngay ngắn, giơ cao băng rôn viết tay "Chúng em cảm ơn thầy vì tất cả", "Chúng em yêu thầy", "Chúc thầy công tác tốt"...
Cảm xúc dường như vỡ òa khi tất cả vây quanh "vị thuyền trưởng của Hoa Lư A", cùng vỗ tay và hát vang "Nối vòng tay lớn". Kết thúc bài hát, học trò ùa vào ôm thầy nói lời tạm biệt. Nhiều em không kìm được nước mắt. Trong vòng vây học trò, thầy Khánh mỉm cười hạnh phúc.
Học sinh còn âm thầm chuẩn bị cuốn sổ lưu bút tặng thầy, tổng hợp bài viết của anh chị khóa trước, 30 tập thể lớp và học sinh đang được thầy dẫn dắt nhằm thổ lộ "những điều mà chúng em hiếm có cơ hội được bày tỏ trực tiếp với thầy".
Nhiều giáo viên đã gửi đến hiệu trưởng những vần thơ cảm động: "Vẫn biết rằng rồi sẽ phải chia ly/ Vẫn biết rằng có xin... thầy cũng không ở lại/ Vẫn biết rằng, thầy đi để đem bình minh cho đời đẹp mãi/ Cớ sao lòng vẫn thấy nhói đau?/ Thầy chưa nói gì, thầy đã nói gì đâu/ Mà sao nỗi buồn vương trên từng nét mặt?".
Thầy Khánh và học sinh trong ngày chia tay. Ảnh: Fanpage THPT Hoa Lư A
Chỉ định xin thầy cô 10 phút của tiết học để nói lời chia tay, nhưng thầy hiệu trưởng không ngờ nhận được nhiều tình cảm của học sinh và giáo viên.
Chia sẻ về vai trò của mình trong gần 10 năm công tác tại trường THPT Hoa Lư A, thầy Khánh cho biết, hiệu trưởng đứng đầu nhà trường, không thể gần gũi như giáo viên dạy các em, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Thầy cũng không hiểu tại sao học sinh và giáo viên dành nhiều tình cảm cho mình như vậy.
"Năm 2010, khi tôi về trường vài năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương để học sinh bình xét nhà giáo. Năm đó tôi rất bất ngờ khi được các em ủng hộ và được Sở tôn vinh là Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất tỉnh", thầy kể.
Thầy Khánh có quan điểm giáo dục "lấy nhân để trị". Ảnh: Fanpage THPT Hoa Lư A
Thầy Khánh tự nhận là người rất nghiêm khắc, nhưng không xa cách. Nhiều học trò từng tìm đến thầy nhờ tư vấn không chỉ việc học tập mà còn các vấn đề trong cuộc sống. Đối với những học sinh chưa chấp hành quy định của trường, thầy "gọi lên uống nước chè", lấy tình cảm, sự bao dung để cảm hóa.
"Đối với tôi, làm quản lý cần xem nhân đức là cốt lõi, nhân trị hơn pháp trị", thầy khẳng định.
Kết thúc hai nhiệm kỳ ở trường THPT Hoa Lư A, thầy được điều động về làm hiệu trưởng tại trường THPT Gia Viễn B.
Theo VNN
Câu chuyện xúc động của thầy hiệu trưởng Về trường từ giữa tháng 7/2016, thầy Phạm Văn Hoan - hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội - có cảm xúc đặc biệt của một người chưa hề quen với môi trường chuyên biệt. Chia sẻ niềm vui nhỏ trong năm học mới, thầy Hoan cho biết nhà trường được thành phố cấp cho gói trang thiết bị với 877 triệu...