Thầy giáo quân hàm xanh dạy học nơi đảo xa
Hiếm có lớp học nào đặc biệt như “ Lớp học tình thương” trên đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
Lớp có tới 3 chiếc bảng, bàn ghế cũng được kê theo 3 hướng khác nhau. Lớp chỉ có một thầy giáo duy nhất dạy 23 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 và tất cả ngồi chung một phòng…
Dạy học cũng là nhiệm vụ
Lớp học ấy đang được sự dìu dắt bởi thầy giáo quân hàm xanh, Binh nhất Lê Hon Đa, Đồn Biên phòng Hòn Chuối thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau.
Ở Hòn Chuối- hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc, chỉ có hơn 40 hộ dân sinh sống, chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia. Hiện nay các em học sinh trên đảo đến độ tuổi đi học đều được đến trường. Có được kết quả này là nhờ có “Lớp học tình thương” của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đóng trên đảo Hòn Chuối lập ra từ nhiều năm trước. Hiện nay, lớp học được nhiều người biết đến và nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ.
“Lớp học tình thương” có các học sinh từ lớp 1 đến lớp 6.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Thượng tá Nguyễn Quốc Thái cho biết, quyết tâm không để lớp học bị gián đoạn, làm ảnh hưởng tới việc học tập của các em, nên đơn vị đã quyết định chọn Binh nhất Lê Hon Đa đứng lớp. Những lúc các thầy bận việc phải vào đất liền, đơn vị đều bố trí giáo viên đứng lớp tạm thời để duy trì lớp học thường xuyên.
Binh nhất Lê Hon Đa tốt nghiệp Đại học Đồng Tháp, khoa Sư phạm Mỹ thuật, nhưng vì lần đầu tiên làm công việc “gõ đầu trẻ” nên còn bỡ ngỡ bởi chưa biết làm sao để có thể dạy cùng lúc tất cả các học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trong cùng 1 lớp. Binh nhất Lê Hon Đa chia sẻ: Việc dạy các em ở “Lớp học tình thương” là một nhiệm vụ” quan trọng và phải hoàn thành thật tốt. Vì vậy Binh nhất Lê Hon Đa phải nghiên cứu cách dạy phù hợp để giúp các em quen với việc phải học chung với các bạn lớp khác. Khi lớp này làm bài thì lớp kia vẽ tranh, tổ chức học toán qua các bài hát, khuyến khích các em học tập bằng các phần thưởng nho nhỏ…
“Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) vừa rồi có lẽ là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi với “Lớp học tình thương”. Các em đã hái hoa rừng tặng tôi, xúc động lắm!”, Binh nhất Lê Hon Đa kể.
Thiếu thốn nhưng đủ đầy tình yêu thương
Mỗi ngày đến lớp với thầy giáo quân hàm xanh đều là một kỷ niệm đẹp. Nhưng kỷ niệm đặc biệt mà thầy và trò ở “Lớp học tình thương” nhớ nhất chính là lần tổ chức đón Tết Trung thu trên đảo khi phải rước đèn ông sao và trông trăng giữa ban ngày trong mưa bão. “Giữa ban ngày nên lớp học phải đóng tất cả các cửa, bịt kín các khe hở để tạo không gian như ban đêm và rước đèn ông sao, đốt đèn lồng bên trong. Bên ngoài trời vẫn mưa bão”, Binh nhất Lê Hon Đa nhớ lại.
Thầy giáo Lê Hon Đa dạy các trò học toán bằng bài hát.
Một Tết Trung thu thiếu thốn nhưng ấm áp yêu thương của tình thầy trò và lung linh sắc màu của những chiếc đèn lồng thầy trò tự chế. Mưa bão nên đoàn sinh viên trong đất liền không thể ra đảo như dự kiến để mang tới cho các em một cái Tết Trung thu đủ đầy. Không đành lòng để các em trên đảo không có Tết Trung thu, Binh nhất Lê Hon Đa đã tổ chức một cái Tết Trung thu đầm ấm và rất đặc biệt.
Binh nhất Lê Hon Đa cho biết, các học trò của mình toàn con nhà nghèo, nhưng các em đều rất ham học. Hai học trò có hoàn cảnh khó khăn nhất là em Ngô Trúc Vy và Trần Hoàng Kiệt cũng là những em có thành tích học tập tốt nhất. Hai em được Đồn Biên phòng nhận làm “em nuôi” và trợ giúp mỗi em 500 nghìn đồng/tháng. Lớp có một em thiểu năng trí tuệ nên 16 tuổi vẫn học lớp 1. Với sự kiên nhẫn và tận tâm của các thầy giáo biên phòng, sau nhiều năm em đã biết đọc, biết viết và đếm số thứ tự. Không chỉ dạy con chữ, Binh nhất Lê Hon Đa còn uốn nắn, rèn cho các em học sinh ý thức kỷ luật, yêu quý và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Thầy trò tự làm đèn ông sao để vui Tết Trung Thu (ảnh nhân vật cung cấp).
Các em nhỏ đến “Lớp học tình thương”.
Lớp học Tình thương được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Cà Mau và Quỹ Thiện tâm đã có phòng học tương đối kiên cố từ năm 2016. Nhất là luôn được sự đùm bọc, giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, nên các em được tặng sách bút và những món quà vào các dịp lễ, Tết. tuy nhiên, thầy và trò của “Lớp học tình thương” trên đảo vẫn phải cùng nhau khắc phục khó khăn, thiếu thốn. Để trò yên tâm tới trường, vẫn cần lắm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ…
Nâng bước em đến trường
Vượt qua khoảng hơn 300 bậc thang dốc đứng và một đoạn dốc sỏi đá gồ ghề vào một buổi sáng lên đảo Hòn Chuối, chúng tôi nghe thấy tiếng Binh nhất Lê Hon Đa sang sảng giảng bài cùng tiếng các em học sinh lớp 1 ê a đọc chữ. trò chuyện với chúng tôi, em Nguyễn Việt Quang, học lớp 6 nói: “Thầy Lê Hon Đa tốt bụng, yêu thương học sinh và rất nhiệt tình. Chỗ nào chưa hiểu thầy đều tận tình giảng lại”.
Các em học sinh trên đảo Hòn Chuối hàng ngày phải đi học trên những con đường dốc gồ ghề.
Cũng không tránh được nhiều lúc các trò “nhất quỷ nhì ma” nghịch ngợm làm thầy giáo Lê Hon Đa “đau đầu”, nhưng những lần như vậy là một lần thầy hiểu trò hơn và trò thêm yêu quý thầy giáo bộ đội có nụ cười hiền dễ mến. Thầy kể, một số phụ huynh còn sợ thầy hiền quá khó bảo học sinh nên góp ý thầy nghiêm khắc hơn. Khi thầy có việc đi vắng về đất liền vài ngày, nhiều phụ huynh quan tâm gọi điện hỏi thăm, mong thầy sớm trở lại đứng lớp. Những lúc thời tiết xấu, Binh nhất Lê Hon Đa còn tham gia cùng đồng đội chuyển ghềnh chạy sóng, cứu hộ-cứu nạn, giúp dân dời nhà tránh bão, khắc phục hậu quả sau bão.
Không chỉ là “nhiệm vụ”, thầy giáo quân hàm xanh tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc “gõ đầu trẻ” ở nơi những hoàn cảnh khó khăn cần những tấm lòng chia sẻ. Bởi nếu không có “Lớp học tình thương”, lũ trẻ con theo cha mẹ mưu sinh trên đảo sẽ không có cơ hội được đi học. Nhớ lúc lớp chưa được tổ chức, có nhiều em quá tuổi đi học vẫn chưa biết con chữ là gì. Lớp học có những em 15-16 tuổi nhưng mới học lớp 5, lớp 6 và không biết có cơ hội nào cho các em được theo học tiếp lên các lớp trên hay không? Có nhiều em học xong lớp 5 nhưng gia đình không có điều kiện đưa con vào bờ học tiếp, vậy là “Lớp học tình thương” có thêm lớp 6. Trong suốt thời gian “Lớp học tình thương” hoạt động, các thầy giáo biên phòng đã động viên cha mẹ đưa được nhiều em học sinh vào bờ tiếp tục học các lớp cao hơn vì thế đã góp phần lan toả phong trào “Nâng bước em đến trường” ở hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió.
Thầy giáo Lê Hon Đa và các học trò thân yêu.
Các em học sinh ở “Lớp học tình thương” sau khi học hết lớp 5 được cấp Bằng Tốt nghiệp Tiểu học là món quà vô giá đối với các thầy giáo mang quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối. Những thầy giáo mang quân hàm xanh trên đảo Hòn Chuối như thầy Trần Bình Phục, thầy Lê Hon Đa luôn hết lòng vì dân với việc làm cao đẹp, qua đó góp phần gắn kết hơn nữa tình quân dân trên đảo, giúp họ yên tâm bám đảo, bám biển để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…
Bài, ảnh: MỸ HẠNH – VƯƠNG HÀ
Theo qdnd.vn
Thầy giáo quân hàm xanh: Người gieo chữ trên hòn đảo địa đầu Tổ quốc
Đến đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau những ngày đầu tiên năm mới 2020, nơi đầu tiên chúng tôi tìm tới là lớp học tình thương dành cho con em ngư dân và cư dân trên đảo do Đồn Biên phòng Hòn Chuối tổ chức.
Những thầy giáo, người gắn bó nhất với các học trò nhỏ nơi đảo nhỏ ở đây không ai khác chính là các chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối - những "thầy giáo mang quân hàm xanh".
Đưa con chữ vượt ngàn sóng gió ra đảo xa - điểm tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc là câu chuyện khiến bất cứ ai cũng phải cảm phục với tấm lòng của các chiến sĩ trên đảo với bà con ngư dân. Đó không chỉ là sự gắn kết tình quân dân mà còn là nhiệt huyết, tâm tình của những người lính đảo muốn đưa cái chữ tới các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi đảo xa.
So với nhiều năm trước đây, lớp học hiện nay đã kiên cố hơn, có sân vui chơi cho các em giống như trong đất liền. Nhưng lớp học có một điều đến nay không hề thay đổi. 23 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đang cùng học chung một phòng học. Trong đó, lớp 1 có số học sinh đông đảo nhất, còn các lớp khác khoảng từ 1-2 em. Các lớp được phân chia các dãy bàn, các khu vực bảng khác nhau. Thầy Lê Hon Đa (SN 1992, ở Cái Nước, Cà Mau), đang là binh Nhất, Đồn Biên phòng Hòn Chuối đang cầm tay, hướng dẫn các trò lớp vỡ lòng từng con chữ ê a...
Ước mơ đứng lớp của người lính
Đứng lớp hơn nửa năm nay thay Đại úy, thầy giáo Trần Bình Phục, thầy Lê Hon Đa chia sẻ, đây là khu vực biển đảo xa xôi, khó khăn nên khi nhận nhiệm vụ, điều cảm nhận trước tiên của mình là tự hào và những ngày tháng, những kỷ niệm gắn bó với các em học sinh là vô cùng đặc biệt.
"Ban đầu khi được giao lớp thay thầy Phục đi học, tôi cảm thấy rất bất ngờ và cả vui mừng vì đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, là được "gõ đầu trẻ", được nâng bước các em đến trường", thầy giáo Hon Đa nói.
Lớp chỉ có 23 học sinh, nhưng bao gồm nhiều lứa tuổi, nhiều cấp độ lớp khác nhau. Học sinh tại đây đa số là con em các hộ nghèo. Các em chỉ đi học buổi sáng và buổi chiều về phụ giúp gia đình đi đánh bắt, đi khiêng vác đồ thuê cho các cửa tạp hoá trên đảo. Tất cả các em đi học đều miễn phí, trong đó, lớp có 2 học sinh là "em nuôi" của đồn Biên phòng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng mỗi tháng.
Tiếp quản lớp, thầy Hon Đa tự nhận rằng mình không khỏi bỡ ngỡ tại thời điểm mới nhận nhiệm vụ này: "Tôi đôi khi không biết cách làm sao để dạy được cùng lúc nhiều học sinh ở các cấp độ lớp khác nhau như vậy, hay không biết làm sao để các em tập trung vào bài giảng và tập trung học".
Hành trang khi trở về có thêm tình yêu của các học trò nhỏ
Sáu tháng gắn bó, với những quyết tâm chinh phục các học trò nhỏ đến những khi hăng say đứng trên bục giảng, thầy Hon Đa không giấu niềm xúc động khi thời điểm chia tay tới gần.
"Khi mình ở một nơi nào, gắn bó với nơi nào thì mình sẽ có tình cảm nhất định. Với tôi, đi lính đã là một quyết định đặc biệt và đi lính lại được đi dạy lại càng đặc biệt hơn. Khi về, tôi sẽ có thêm hành trang trong balô là rất nhiều kỷ niệm, trong đó nhớ nhất là lớp học này. Và biết đâu có một ngày tôi sẽ được gặp những học trò của mình ở trên đất liền", thầy Hon Đa nói.
Nhiều lúc cũng "đau đầu" với các trò nhỏ, những trò quậy phá "nhất quỷ nhì ma", nhưng chính như vậy thầy lại càng hiểu trò hơn, thương hơn cái lý do trò sao không đến lớp. Chính tình cảm này đã thôi thúc thầy để yêu công việc và yêu hơn các học trò của mình. Lớp học chỉ diễn ra trong buổi sáng từ 8-11h các ngày trong tuần. Do vậy, để tìm hiểu và gần gũi hơn với học trò, thầy Hon Đa đã cùng các em lao động hay có tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài giờ tại sân chơi của trường. Thông qua đó, thầy sẽ lồng ghép các bài học và nhắc nhở trò tự giác, biết yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi trường cảnh quan của đảo.
Chinh phục các học trò tinh nghịch có lẽ là thử thách lớn nhất với thầy Hon Đa khi các em đã quen thuộc và dành rất nhiều tình cảm cho thầy Phục sau nhiều năm gắn bó. Mỗi thầy có một cách dạy khác nhau và phải sau một quá trình, các học trò mới quen được với cách dạy mới. Khi các em hiểu được và cảm nhận được sẽ đi theo cách dạy của thầy.
Tại lớp học, các phép tính được dạy qua các bài hát để các em nhỏ thấy hứng thú hơn, học tập và tham gia sôi nổi hơn. Khi đó cả thầy cả trò cùng hát, cùng gắn kết với nhau, hiểu nhau hơn.
"Tôi cũng cho các em thi vẽ tranh, thi giải toán và cả tổ chức các "mini game" - em nào trả lời trước, trả lời đúng sẽ được nhận quà, qua đó để tạo động lực cho các em tham gia đóng góp vào bài học", thầy Hon Đa hào hứng chia sẻ về các giờ lên lớp của mình.
Tết trung thu giữa bão lớn
"Tất cả đều rất khác biệt với trong đất liền, những dịp lễ có gì ta sẽ tổ chức đó và mỗi dịp sẽ đều để lại những kỷ niệm khó quên".
Nói về kỷ niệm nhiều cảm xúc và khó quên nhất cùng các học trò của mình, thầy Hon Đa kể về lễ đón Trung Thu năm 2019 được thầy và trò tổ chức ngay tại lớp học. Khi đó, thầy và trò đã che kín cửa sổ để tạo bầu không khí như ban đêm cho các em học sinh đón Trung Thu: "Hôm đó là bão, sóng lớn nên đoàn sinh viên không thể ra được để tổ chức Trung Thu cho các em và lớp đã tự tổ chức. Các em không thể lên lớp vào buổi tối nên chúng tôi đã đón rước đèn và "trông trăng" vào ban ngày. Đây là kỷ niệm đáng nhớ với tôi cùng các em học sinh".
Rất nhiều em học sinh lớp 1-2 có sức học tốt, gia đình đã chuyển vào đất liền để có điều kiện học tập tốt hơn: "Dù các em học ở đây không mất học phí và thường xuyên được quan tâm, tặng quà, nhưng chắc chắn điều kiện không được tốt như trong bờ. Các thầy sát sao từng học sinh để nắm được học lực của các em để, thông báo với gia đình tạo điều kiện cho các em được học tập tốt nhất".
Theo thầy Hon Đa, lớp học chỉ đến lớp 5 và chỉ được cấp bằng Tiểu học, nhưng nhiều gia đình không có điều kiện đưa con em vào bờ học tiếp. Do vậy, có thêm lớp 6 để các em vẫn được tới lớp, để được dạy thêm và mở mang kiến thức.
Với những đứa trẻ đang cùng cha mẹ bám trụ trên hòn đảo địa đầu Tổ quốc, tình cảm của các em dành cho thầy cũng thật đong đầy mà hồn nhiên giản dị, với bó hoa rừng cho ngày 20/11 hay bài hát "Mình cùng nhau đóng băng" của nhạc sĩ Tiên Cookie...
"Mình cùng nhau đóng băng trước giây phút chúng ta chia xa. Để mình được sống trọn vẹn khoảnh khắc thiêng liêng lúc này..." - bài hát nói về cảm xúc chia tay tuổi học trò, được các em học sinh thể hiện, cũng giống như một món quà để thầy Hon Đa mang theo trong hành trang khi trở về đất liền./.
Tác giả: Hoàng Lê
Kỹ thuật: Tuấn Linh
Theo VOV
Từ thầy giáo Nguyễn Nhật Ánh đến nhà văn tuổi học trò Bạn đọc biết một Nguyễn Nhật Ánh nhà văn nhưng trước khi cầm bút anh là người cầm phấn, thầy giáo Ánh. Đọc Mây trắng bay qua bục giảng mới biết thêm một nhà báo, thầy giáo Nguyễn Nhật Ánh. Gắn liền những tác phẩm viết cho tuổi học trò, trong đó có Bàn có năm chỗ ngồi cũng từ những năm tháng...