Thấy gì từ cuộc đua lãi suất huy động?
Ngân hàng thương mại tung ra các gói huy động tiền gửi với mức lãi suất cao, trên 8%/năm. Đây có phải là một tín hiệu tích cực?
Một ngân hàng thương mại vừa tung ra gói lãi suất huy động đang được coi là hấp dẫn trên thị trường tín dụng Việt Nam. Theo đó, từ 14-18/10, ngân hàng này sẽ áp dụng mức lãi suất cho các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng lần lượt là 8,5%, 8,7% và 8,9%/năm với các khoản tiền gửi trên 100 triệu đồng.
Dù mức lãi suất được tuyên bố chỉ trong phạm vi chương trình tri ân khách hàng của ngân hàng thương mại, nhưng phải ghi nhận, thông thường nhà băng này vẫn hút tiền gửi bằng lãi suất hấp dẫn là 8,6% cho kỳ hạn 24, 36 tháng.
Vào giữa tháng 8, cũng chính ngân hàng này đã thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất cao nhất thị trường thời điểm đó, lên tới 10,2%.
Nhiều ngân hàng thương mại huy động tiền gửi với lãi suất trên 8% cho kỳ hạn 12 tháng.
Có thể thấy, cuộc chơi lãi suất huy động cao luôn có mặt những ngân hàng thương mại tư nhân trên thị trường. Mức này dao động từ 7,99% cho tới 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Một ngân hàng thuộc top 5 ngân hàng thương mại tư nhân đã đưa ra mức lãi suất huy động cao nhất, tới 9%/năm (kỳ hạn 13 tháng) và 8,9%/năm (kỳ hạn 12 tháng).
Tuy nhiên, chính sách này chỉ mở cửa với những siêu đại gia, với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Với khoản tiền gửi ít hơn 500 tỷ đồng, mức lãi suất huy động tối đa được ngân hàng đưa ra là khoảng 7,5%/năm. Trong một chương trình khuyến mại của chính nhà băng này, mức lãi suất huy động tối đa cho kỳ hạn 13 tháng là 8,4% /năm.
Video đang HOT
Trong bối cảnh này, sự im hơi lặng tiếng từ nhóm 4 ngân hàng thương mại mà nhà nước nắm trên 50% cổ phần gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV là không đáng ngạc nhiên. Với quy mô tài sản chiếm tới 43% tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối năm 2018 và những ưu thế đặc biệt, họ có những bài tính khác.
Như vậy, có thể tạm hình dung, chiến lược lãi suất là một trong những phương cách để các ngân hàng thương mại tư nhân huy động tiền gửi. Dẫu vậy, xuất hiện đồng thời câu hỏi, khu vực kinh tế nào sẽ hấp thụ nguồn vốn huy động này?
Theo tính toán, lãi suất cho vay thường bằng lãi suất huy động cộng với khoảng 2% phí quản lý. Tương ứng, số huy động ở các mức lãi suất xấp xỉ 8% trở lên của nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân nói trên sẽ phải được cho vay ở mức lãi suất trên 10%/năm.
Mức lãi suất nói trên là không khả thi với kênh đầu tư trái phiếu chính phủ. Hiện tại, lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức trung bình xấp xỉ 5%/năm, không ai đi vay giá cao để đầu tư hưởng lãi suất thấp hơn.
Đối với nhóm doanh nghiệp, kể cả không tồn tại những chi phí không chính thức, lãi suất tới hai con số cũng đã cao gấp nhiều lần mức chi phí mà các doanh nghiệp ở các nền kinh tế khác phải gánh chịu. Đó là chưa kể tiếp cận vốn vay không đơn giản với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, lý do để câu chuyện tín dụng luôn nóng khi những chủ thể kinh doanh này được thăm hỏi về tâm tư, nguyện vọng.
Kênh hấp thụ vốn tiềm năng ở đây có thể lại chính là lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. Số liệu thu thập đầu tháng 8/2019 cho thấy, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cao top đầu, ở mức 10,01%/năm. Nhóm doanh nghiệp phát triển hạ tầng trả lãi suất cao thứ hai, 9,79%/năm.
Thống kê của nhiều tờ báo chuyên về tài chính ngân hàng vào cuối tháng 8/2019 đưa ra dữ liệu ủng hộ giả thiết trên. Theo đó, trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, khu vực ngân hàng thương mại tư nhân không kém cạnh với nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Hai tổ chức chi mạnh nhất cho các khoản đầu tư này là hai ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và chỉ hai đơn vị này đã nắm trên 70% tổng giá trị chứng khoán nợ đầu tư (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp). Một trong hai ngân hàng này đang tung ra chương trình lãi suất lên tới hơn 8% như đã đề cập ở trên.
Về dư nợ bất động sản, tính tới cuối tháng 6/2019, 11 ngân hàng thương mại tư nhân có dư nợ cho vay khách hàng kinh doanh bất động sản đạt hơn 157.000 tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng dư nợ cho vay khách hàng của nhóm ngân hàng này, mức tăng trưởng bình quân so với đầu năm là 10,2%. Chưa bàn tới rủi ro của việc cho vay bất động sản, nếu nguồn lực huy động từ dân bị hút vào những kênh đầu tư kể trên, hệ lụy gián tiếp là cơ hội tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng giảm bớt, bất chấp thực tế nhóm doanh nghiệp này đã được xác định là động lực của nền kinh tế. Đương nhiên đây còn là cơn đau đầu của các nhà điều hành kinh tế, khi dòng tín dụng không ưu tiên cho các lĩnh vực kinh tế tạo ra nội lực thật sự.
Hạn chế cuộc đua lãi suất, một mặt giảm bớt áp lực chi phí tín dụng cho doanh nghiệp, mặt khác huy động tốt hơn nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội vào hoạt động sản xuất kinh doanh, là việc không quá tầm tay. Tâm lý nhà nước đảm bảo cho tất cả các ngân hàng thương mại tồn tại trên thị trường đang khiến người dân không cần lựa chọn nơi gửi tiền theo danh tiếng, uy tín, năng lực kinh doanh, mà chỉ chạy theo lãi suất.
Đối với các ngân hàng, khi huy động với lãi suất cao, họ phải cho vay để lấy lãi suất cao, đồng thời phải rót tiền vào những kênh đầu tư mạo hiểm hơn. Trong khi đó, câu chuyện thị trường lại rất giản dị, đối với doanh nghiệp, nếu làm ăn thua lỗ thì phải chấp nhận phá sản. Đối với những nhà đầu tư cá nhân, khi lựa chọn kênh đầu tư lợi nhuận cao, họ phải chấp nhận cả hệ lụy.
Nguyên An
Theo Baodatviet.vn
Ngân hàng VIB lỗ nặng mảng kinh doanh ngoại hối
Mặc dù hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ nặng nhưng các hoạt động khác lãi lớn nên sau cùng VIB vẫn lãi ròng 2.332 tỷ đồng sau 9 tháng. Nợ xấu theo đó cũng giảm xuống còn 1,57%.
9 tháng năm 2019, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (UPCoM: VIB) ghi nhận 4.536 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 28,5% so với cùng kỳ 2019. Trong kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng vọt 145%, lên mức 1.276 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục chìm trong thua lỗ với gần 115 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gần 21 tỷ đồng của cùng kỳ.
Hoạt động chứng khoán đầu tư cũng ghi âm 523 triệu đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 29 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của VIB đạt mức 3.434 tỷ đồng, tăng mạnh gần 57% so cùng kỳ.
Chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ hơn 10%, lên con số 518 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế của VIB tăng mạnh hơn 69%, lên mức 2.332 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, cho vay khách hàng của VIB tăng khá mạnh với 28%, lên mức 123,223 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng tăng không kém cạnh với 34% đạt 113.716 tỷ đồng.
Nợ xấu của VIB tại thời điểm cuối kỳ ghi nhận giảm từ 1,99% xuống còn 1,57% khi chiếm 2.234 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn vẫn duy trì như đầu kỳ với 1.728 tỷ đồng.
Minh An
Theo vietnamdaily.net.vn
Đến 4/10, tăng trưởng tín dụng gần 9% Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 4/10/2019 tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn...