Thấy gì từ 3 thập kỷ ‘công du châu Phi đầu năm’ của các ngoại trưởng Trung Quốc?
Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc lựa chọn các quốc gia châu Phi là điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên của năm nói lên nhiều điều về tham vọng của Bắc Kinh và vị thế của châu Phi trên trường thế giới.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cùng gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm tại Cairo, Ai Cập ngày 14/1/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tháng 1/1991, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Tiền Kỳ Tham đã đến thăm Ethiopia, Uganda, Kenya và Tanzania, khởi động “xu thế tất yếu” được truyền thông Trung Quốc ca ngợi sau này.
Kể từ đó, các ngoại trưởng Trung Quốc vẫn luôn chọn các quốc gia châu Phi làm điểm dừng chân đầu tiên trong các chuyến công du nước ngoài mỗi năm.
Trong 34 năm liên tiếp, truyền thống ngoại giao này luôn mọi ngoại trưởng Trung Quốc tuân theo, từ Ngoại trưởng Đường Gia Hiên đến các đời ngoại trưởng Lý Triệu Hưng, Dương Khiết Trì và Tần Cương.
Tháng trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa tiếp nối truyền thống khi ông thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm tới Ai Cập, Tunisia, Togo và Bờ Biển Ngà.
Các nhà quan sát coi việc duy trì truyền thống lâu đời hàng thập kỷ này là một công cụ ngoại giao, là cách Trung Quốc thể hiện rằng châu Phi luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của nước này và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc với châu lục này trong từng giai đoạn không phải lúc nào cũng giống nhau. Các nhà phân tích chỉ ra Trung Quốc đã chuyển từ chủ yếu tập trung vào thương mại sang tập trung vào nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Lina Benabdallah, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Wake Forest (Mỹ), đánh giá ưu thế của công cụ ngoại giao này sự liên tục và thành tích đạt được. “Điều này đã tạo nên một nền tảng về sự ổn định và liên tục ưu tiên quan hệ Trung Quốc-châu Phi”, nữ giáo sư nhận định.
Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị hồi đầu năm, người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry cho biết ông rất vui mừng khi đất nước của ông là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Phi của đặc phái viên Trung Quốc, một động thái mà Ai Cập cho rằng thể hiện tình hữu nghị vững chắc và sâu sắc giữa hai nước.
Tại Togo, Ngoại trưởng Robert Dussey cho biết chuyến đi của ông Vương Nghị có ý nghĩa đặc biệt và quốc gia Tây Phi này đánh giá cao truyền thống cử ngoại trưởng tới thăm châu Phi vào đầu năm của Bắc Kinh.
Video đang HOT
Trong một cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Vương Nghị, Tổng thống Togo Faure Gnassingbe đã nói: “Người dân châu Phi cần một người bạn như Trung Quốc, người quan tâm đến thực tế của châu Phi, lắng nghe yêu cầu của châu Phi và không bao giờ áp đặt ý chí của mình lên người khác”.
Theo Alessandro Arduino, giảng viên liên kết tại Viện Lau China thuộc Đại học King’s London, châu Phi đã và vẫn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
“Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực chiến lược để định vị mình không chỉ là một cường quốc kinh tế mà còn là một bên tham gia an ninh trong khu vực, thể hiện rõ qua việc tăng cường đào tạo lực lượng quân sự và cảnh sát cho nhiều quốc gia châu Phi, cũng như các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và an ninh. chuyển giao thiết bị”, ông Arduino cho biết.
Người dân Kenya bên cạnh đầu máy xe lửa do Trung Quốc sản xuất cho Đường sắt tiêu chuẩn Mombasa-Nairobi ở Mombasa, Kenya ngày 11/1/2017. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong hơn 1 thập kỷ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực. Dữ liệu hải quan năm 2023 cho thấy tổng thương mại đạt được giữa Trung Quốc và châu Phi là 282 tỷ USD.
Trung Quốc đã chi trả cho các dự án lớn ở châu Phi, với hầu hết các nước trong khu vực đều tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường.
Về mặt an ninh, Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, chống cướp biển và các biện pháp khác nhờ đầu tư rộng rãi vào khu vực.
Nước này cũng đã tìm cách mở rộng dấu ấn quân sự của mình. Năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên ở Djibouti và tiến hành các cuộc tập trận với nhiều quốc gia châu Phi kể từ đó.
Mandira Bagwandeen, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho hay mối quan hệ của Trung Quốc với lục địa này đã phát triển thành mối quan hệ nhiều mặt và tích cực kể từ năm 1991, khi Ngoại trưởng Tiền bắt đầu truyền thống hàng năm.
Đầu những năm 2000, một châu Phi – giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và các khoáng sản quan trọng -trở thành nhà cung cấp tài nguyên quan trọng cho nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc sau khi Trung Quốc triển khai chính sách Đi ra ngoài để thúc đẩy đầu tư.
“Mối quan hệ chính trị vẫn rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế đã phát triển ngày càng mạnh mẽ trong những năm qua. Châu Phi không chỉ là nhà cung cấp tài nguyên đơn giản cho Trung Quốc mà còn là khu vực có tầm quan trọng chiến lược”, giảng viên Bagwandeen lý giải.
Trong khi lợi ích tài nguyên sẽ vẫn là trụ cột trong các cam kết của Trung Quốc với châu Phi, bà Bagwandeen cho biết lợi ích của Bắc Kinh trong việc đóng một vai trò trong quá trình công nghiệp hóa của châu Phi đã bổ sung thêm một góc độ kinh tế chiến lược mới cho mối quan hệ. Việc nâng cấp quan hệ với châu Phi lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2015 cho thấy mong muốn của Bắc Kinh tăng cường quan hệ với khu vực trên mọi mặt, từ chính trị, kinh tế đến an ninh.
Theo bà Benabdallah, dù mức độ nhu cầu về nguyên liệu thô từ châu Phi của Trung Quốc có thể thay đổi khó có khả năng Bắc Kinh sẽ rời bỏ châu Phi, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt với Washington và châu Âu về ảnh hưởng ở châu Phi.
“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy truyền thống này sớm biến mất vì phía Trung Quốc nhận ra rằng họ được các bên châu Phi đánh giá rất cao. Những chuyến thăm này là công cụ ngoại giao quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở châu Phi”, bà Benabdallah kết luận.
Mục tiêu của Mỹ khi 'xoay trục' sang châu Phi
Sau nhiều năm tách biệt, Mỹ lại ưu tiên châu Phi. Điều này phần lớn là để phản ứng các hoạt động của Trung Quốc nhằm kiểm soát các khoáng sản chiến lược của lục địa và những nỗ lực của Nga nhằm thay thế các nước phương Tây trở thành nhà cung cấp an ninh.
Tổng thống Angola João Loureno và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào tháng 11/2023. Ảnh: WSJ
Theo nhận định của nhà phân tích Ronan Wordsworth thuộc tổ chức Geopolitical Futures mới đây, sau ba thập kỷ chủ yếu coi lục địa châu Phi có tầm quan trọng thứ yếu, Mỹ đang điều chỉnh chiến lược của mình để hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của các đối thủ cạnh trạnh lớn nhất của mình là Nga và Trung Quốc.
Cách tiếp cận mới này phần nào được trình bày trong "Chiến lược của Mỹ đối với châu Phi cận Sahara" công bố năm 2022, trong đó mô tả các kế hoạch cho một chính sách châu Phi thực dụng hơn và sự tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực an ninh và kinh tế. Sau đó, vào tháng 12/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của 49 quốc gia châu Phi tại Washington D.C. Trọng tâm mới này của Mỹ cùng sự can dự trên nhiều lĩnh vực ngày càng trở nên rõ ràng trong suốt năm 2023.
Sau làn sóng phi thực dân hóa đầu tiên đánh bật các cường quốc châu Âu khỏi châu Phi từ giữa những năm 1950 cho đến đầu những năm 1960, cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa hai siêu cường mới là Mỹ và Liên Xô đã phủ bóng đen lên lục địa này. Để kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô, Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác và cung cấp viện trợ tài chính và an ninh cho các chính phủ châu Phi thân thiện cũng như các nhóm đối lập.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, châu Phi đã không nằm trong danh sách ưu tiên của chính sách đối ngoại Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp can dự, Washington có xu hướng nhấn mạnh những vấn đề được coi là giá trị của phương Tây như dân chủ, minh bạch và nhân quyền. Với việc Mỹ hỗ trợ ít hơn nhưng đòi hỏi nhiều hơn, ngày càng nhiều nước châu Phi đặt câu hỏi liệu Washington có thể đáp ứng nhu cầu của họ hay không.
Trong bối cảnh đó, Nga và Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống này. Trung Quốc đã đầu tư thương mại và Nga hỗ trợ an ninh. Đặc biệt, những nỗ lực do phương Tây dẫn đầu nhằm cô lập Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 đã thúc đẩy Moskva dành nhiều sự quan tâm và nguồn lực hơn nữa cho châu Phi, nơi các chính phủ thân thiện giúp Nga chống lại áp lực chính trị từ phương Tây. Do đó, đối với Mỹ, rõ ràng một chiến lược mới là rất cần thiết.
Thương mại, đầu tư và ngoại giao
Như được nêu trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi năm 2022, thay đổi lớn đầu tiên là cam kết của Mỹ đầu tư 55 tỷ USD vào lục địa này trong ba năm tới. Trong năm đầu tiên, Mỹ và châu Phi đã ký hàng trăm thỏa thuận trị giá ít nhất 14,2 tỷ USD. Chúng bao gồm các khoản đầu tư của Mỹ vào các dự án cơ sở hạ tầng nhỏ, phát triển công nghiệp địa phương và các dự án năng lượng xanh. Washington cũng thành lập Prosper Africa, một sáng kiến kết nối các doanh nghiệp Mỹ và châu Phi để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Một ví dụ điển hình về sự thay đổi chính sách của Mỹ là ở miền Nam châu Phi, nơi Washington (với sự hỗ trợ của EU) đang tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng. Trong hơn một thập kỷ, Bắc Kinh đã giành được quyền khai thác khoáng sản của châu Phi và đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu lục này.
Nhưng giờ đây, Mỹ, thông qua Quỹ đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu của G7, đang tìm cách bắt kịp. Dự án tiêu biểu, Hành lang Lobito, liên quan đến việc xây dựng kết nối đường sắt giữa các khu vực giàu khoáng sản ở miền Nam Congo, vành đai khai thác đồng của Zambia và Angola. Một biên bản ghi nhớ đã được ký vào tháng 10 năm ngoái và Ngân hàng Phát triển châu Phi cam kết sẽ giúp huy động 1,6 tỷ USD tài chính, bên cạnh việc đóng góp 500 triệu USD.
Sau khi hoàn thành (mà các quan chức Mỹ tuyên bố có thể là trong vòng 5 năm), hành lang này sẽ hỗ trợ thương mại khu vực và cung cấp một tuyến đường hiệu quả để đưa khoáng sản đến bờ biển Đại Tây Dương và sau đó là thị trường Mỹ, châu Âu.
Bên cạnh thương mại và đầu tư, các quan chức chính quyền của Tổng thống Biden cũng thường xuyên thăm châu Phi: Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thăm Ghana, Tanzania và Zambia; Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden tới Namibia và Kenya; Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp các quan chức ở Nam Phi, Congo và Rwanda và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ghé thăm Djibouti, Kenya và Angola vào tháng 9 năm ngoái. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các bộ trưởng và quan chức Mỹ được chỉ thị tăng cường hợp tác với lục địa này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến công du mới nhất tới châu Phi tuần trước. Ảnh: AFP
Hỗ trợ căn cứ và an ninh
Quản lý các mối quan hệ an ninh đặt ra một thử thách khó khăn hơn, nhưng chủ nghĩa thực dụng mới của Washington cũng được thể hiện ở châu Phi. Khi Niger xảy ra đảo chính quân sự, Mỹ đã chống lại áp lực từ các đồng minh, đặc biệt là Pháp, để lên án hành động của chính quyền mới. Sự thận trọng của Pháp đã phải trả giá. Các căn cứ quân sự của Pháp ở nước này đã bị đóng cửa và lực lượng Pháp bị buộc rút khỏi nước này, trong khi lực lượng Mỹ vẫn ở lại.
Trong một bước lùi khác đối với Paris, công ty khai thác mỏ Global Atomic của Mỹ đã chuyển sang lĩnh vực khai thác uranium của Niger, nơi trước đây do công ty khai thác mỏ nhà nước Orano của Pháp thống trị.
Một ví dụ khác là Cộng hòa Trung Phi (CAR). Thông qua Tập đoàn Wagner, cơ quan an ninh Nga đã gắn bó chặt chẽ với chế độ của Tổng thống Faustin-Archange Touadera. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn để ngỏ cơ hội hợp tác với Mỹ, khi được cho là đang thảo luận với nhà thầu quân sự Mỹ Bancroft về việc thành lập một căn cứ quân sự.
Bancroft cũng sẽ huấn luyện lực lượng an ninh CAR, bảo vệ các địa điểm khai thác và cung cấp an ninh trước các nhóm vũ trang trong nước. Nhà thầu này có nhiều kinh nghiệm ở châu Phi và phối hợp với quân đội Mỹ, trải qua thập kỷ hoạt động ở Somalia, nơi họ hỗ trợ các lực lượng của Mỹ chống lại nhóm khủng bố al-Shabab.
Tóm lại, sau nhiều năm tách biệt, Mỹ lại ưu tiên châu Phi. Điều này phần lớn là để phản ứng các hoạt động của Trung Quốc nhằm kiểm soát các khoáng sản chiến lược của lục địa và những nỗ lực của Nga nhằm thay thế các nước phương Tây trở thành nhà cung cấp an ninh. Mặc dù chiến lược thực dụng hơn của Mỹ đã mang lại kết quả, nhưng mức độ thành công về lâu dài thì cần phải có thời gian để trả lời.
Trung Quốc ngày càng cạnh tranh quyết liệt với Mỹ ở Mỹ Latinh Dưới đây là nhận định của các chuyên gia Nga về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở "sân sau" của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jamaica Kamina Johnson Smith, tại Kingston, Jamaica, ngày 20/1/2024. Ảnh: THX Theo báo Nezavisimaya Gazeta của Nga ngày 23/1, chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc...