Thấy gì sau câu chuyện các “đại gia” BĐS đồng loạt tuyên bố làm nhà ở xã hội?
Novaland, Vingroup, Him Lam, Becamex…. Cùng đầu tư vào nhà ở xã hội, đang tạo nên bức tranh đa màu sắc cho phân khúc BĐS này. Trong đó, một số doanh nghiệp đã theo đuổi dòng sản phẩm giá mềm nhiều năm trước và ghi dấu bằng loạt dự án “sáng đèn” tại thị trường phía Nam.
Góc nhìn từ chuyện “đại gia” đi làm nhà ở xã hội
Chuyện xây nhà cho người có thu nhập trung bình, thấp không còn đơn thuần là phát triển dự án của doanh nghiệp, đó là chuyện của trách nhiệm đối với chốn an cư của một bộ phận lớn người dân trong xã hội.
Những năm qua, khi nguồn cung BĐS cao cấp, hạng sang, trung cấp áp đảo thị trường thì nhà giá bình dân lại “tuyệt chủng” tại các đô thị lớn cũng như dần cạn kiệt tại khu vực vùng ven. Theo các chuyên gia đó là sự bất ổn về mặt xã hội, khi mà nhu cầu nhà cho người thu nhập trung bình – thấp vẫn luôn chiếm tỉ lệ rất lớn trên thị trường địa ốc.
Chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho người dân được phát đi trong nhiều năm qua. Thế nhưng, gần như những quyết tâm để thực hiện chưa thực sự vào guồng khi mà doanh nghiệp còn “vướng” nhiều cái.
Thế nhưng, mới đây, loạt đại gia BĐS như Novaland, Vingroup, Sungroup, Himlam và trước đó là Nam Long Group, Becamex… cùng vào cuộc làm nhà ở xã hội lại cho thấy một góc nhìn khác là sự chia sẻ, đóng góp cho xã hội.
Cụ thể, tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” diễn ra sáng 1/8/2022, nhiều “ông lớn” BĐS đã cam kết sẽ xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong những năm tới. Đây không chỉ là tin vui lớn với người thu nhập thấp, đó còn là niềm tin cho thị trường BĐS nói chung khi mà các đại gia cùng “bắt tay” làm nhà ở xã hội thì tính bền vững cho phân khúc này sẽ cao hơn.
Video đang HOT
Cụ thể, Tập đoàn Vingroup, phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội. Trong khi, Tập đoàn Novaland cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các tỉnh thành phía nam và trọng tâm là Tp.HCM. Một “ông lớn” khác là Tập đoàn Him Lam đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đại diện Tập đoàn Sun Group và Tập đoàn Bitexco cũng đều sẵn sàng tham gia vào mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.
Được biết, giai đoạn 2008-2013, loạt dự án nhà giá mềm của đơn vị này đã “cháy hàng” vì nhu cầu tiêu thụ ở phân khúc này rất lớn. Như vậy, việc loạt đại gia BĐS tuyên bố sẽ vào làm phân khúc nhà ở xã hội lại càng khẳng định thêm niềm tin rằng: Người dân có nhiều lựa chọn chốn an cư phù hợp tài chính, có chỗ ở chất lượng hơn.
Đằng sau là câu chuyện niềm tin?
Theo một chuyên gia trong ngành, khi đại gia BĐS cùng làm nhà ở xã hội nghĩa là niềm tin về chốn an cư chất lượng của người dân sẽ tăng lên. Đồng nghĩa, thị trường BĐS cũng tin rằng, phân khúc nhà ở bình dân đang dần biến mất trên thị trường BĐS sẽ được “hồi sinh” trở lại khi các đại gia vào cuộc.
Kinh nghiệm phát triển BĐS nhiều năm trên thị trường sẽ không mấy khó khăn để các “ông lớn” xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên, giữa câu chuyện nói và làm cũng cần được thực hiện hoá. Với một số doanh nghiệp đã từng làm nhà ở xã hội với loạt dự án “sáng đèn” thì không quá khó để họ phát triển phân khúc này.
Cùng với đó, thị trường BĐS cũng kì vọng sau động thái các ông lớn cùng làm nhà ở xã hội, cơ chế cho phân khúc này sẽ “thông thoáng” hơn, để loại hình này thực sự hiện thực hóa như mục tiêu của Chính phủ đề ra thay vì để người dân trông ngóng nhiều năm qua.
Thực tế, để làm được nhà ở xã hội, phát triển phân khúc này bền vững trên thị trường không phải là chuyện dễ dàng. Đó cũng là lý, những năm qua, dù nguồn cung phân khúc này cạn kiệt, nhu cầu lớn nhưng các doanh nghiệp BĐS lại không mấy “mặn mà”. Một doanh nghiệp BĐS cho hay, không mấy người biết rằng đằng sau những sản phẩm nhà giá rẻ là những thách thức đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư.
Bởi lẽ, việc thực hiện các dự án giá rẻ phụ thuộc rất nhiều vào giá đất, hạ tầng, số tầng cao xây dựng, tiền sử dụng đất, chất lượng vật liệu… Chủ đầu tư phải nghiên cứu được những yếu tố như xây bao nhiêu tầng là tiết kiệm, thiết kế phải rất hiệu quả để diện tích căn hộ tuy nhỏ nhưng tiện lợi, tốc độ bán sản phẩm phải nhanh để vòng xoay vốn nhanh thì mới tăng tính khả thi của căn hộ dạng này.
“Doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu và tham khảo các chương trình nhà giá rẻ khắp thế giới để tìm được hướng đi phù hợp nhất với thị trường Việt Nam. Việc xây nhà giá rẻ không khó nhưng nếu chất lượng không đảm bảo thì đôi khi người dân có thu nhập trung bình thà ở thuê cũng không muốn mua”, đại diện Nam Long Group từng chia sẻ.
Một ví dụ rõ rệt nhất là chương trình low-cost housing tại Thái Lan. Đây là chương trình rất thu hút khi đưa ra đề án, tuy nhiên sau đó hàng trăm ngàn căn hộ tuy giá rẻ nhưng không thể bán được. Những yếu tố căn bản để những dự án nhà giá rẻ bảo đảm được đầu ra là giá, hạ tầng dịch vụ xung quanh như trường học, chợ, trạm y tế.., chất lượng, và hạ tầng giao thông.
Chưa kể, nếu không có gói hỗ trợ tài chính sẽ rất khó để người có thu nhập thấp tiếp cận được chốn an cư. Việc tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi của Chính phủ, vay 0% lãi suất và không trải nợ gốc đến ngày nhận nhà; hỗ trợ chiết khấu thêm cho đối tượng vay từ gói 30.000 tỉ và cho vay lãi suất ổn định 8% trong 2 năm đầu cũng là cách mà một số doanh nghiệp BĐS đang áp dụng.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp BĐS, dù làm phân khúc nào thì cũng hết thời “ăn xổi ở thì”, đòi hỏi sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Làm nhà ở giá rẻ đã khó, làm chuyên nghiệp, bài bản tạo tính lâu dài, bền vững lại càng khó hơn. Vì thế, nếu chủ đầu tư không thực sự nỗ lực rất khó để làm phân khúc này.
Thủ tục 'trói' nhà ở xã hội
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang có nhiều chính sách ưu đãi, chủ trương phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân ; nhưng thực tế, theo các doanh nghiệp, thủ tục hành chính ở phân khúc này còn nhiêu khê hơn nhà ở thương mại.
3 năm chưa xong một thủ tục
Là người trong cuộc với phân khúc nhà ở xã hội (NOXH), ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, trong hầu hết các buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM, đã liên tục lặp đi lặp lại một vấn đề, đó là những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính khiến các dự án NOXH không thể triển khai.
Rất nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai do thủ tục hành chính nhiêu khê. Ảnh NGỌC DƯƠNG
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nghĩa dẫn chứng công ty ông có 2 dự án NOXH là Lê Thành An Lạc và Lê Thành Tân Kiên triển khai nhiều năm qua nhưng vẫn chưa xong khâu thủ tục, dù ông đã "kêu" nhiều, kêu ở nhiều nơi. Với dự án Lê Thành An Lạc, vướng mắc mà ông Nghĩa nói thẳng "dở hơi" nhất là quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất. Theo quy định, dự án NOXH được miễn tiền sử dụng đất, nhưng thay vì nhà nước miễn luôn cho doanh nghiệp (DN) để nhanh chóng làm các bước tiếp theo thì TP.HCM lại không làm như vậy. Cơ quan chức năng phải lập hội đồng, thuê đơn vị thẩm định xác định tiền sử dụng đất, sau đó mới ra quyết định miễn cho DN. Nhưng để làm xong bước này phải mất mấy năm. Ngoài ra, dự án còn rơi vào vòng luẩn quẩn "con gà quả trứng" không biết đâu mà lần. Ví dụ vì không được cấp sổ hồng nên DN không thể cầm cố vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi theo quy định làm NOXH là 4,8%/năm. Mà cấp sổ hồng cũng là một câu chuyện dài với đủ các loại vướng mắc không tháo gỡ nổi.
Dự án còn lại của Lê Thành cũng tương tự. Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, khu đất này ưu tiên để phát triển NOXH, nhưng Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Sở KH-ĐT TP.HCM từ tháng 3.2019, đến nay đã hơn 3 năm vẫn chưa xong do vướng các khâu về chỉ tiêu quy hoạch và ranh đất thực hiện dự án. "Thông thường một dự án nhà ở thương mại mất 3 - 5 năm là xong. Nhưng nay một dự án NOXH mất 3 năm chưa xong một thủ tục. Thủ tục nhiêu khê, kéo dài lê thê khiến DN nản lòng, chỉ muốn buông không làm nữa", ông Lê Hữu Nghĩa bức xúc.
Thông thường một dự án nhà ở thương mại mất 3 - 5 năm là xong. Nhưng nay một dự án nhà ở xã hội mất 3 năm chưa xong một thủ tục. Thủ tục nhiêu khê, kéo dài lê thê khiến DN nản lòng.Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành
Đó là dự án đang triển khai, còn những dự án đã làm xong, bàn giao nhà cho người dân cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, khiến người dân bức xúc. Như trường hợp dự án NOXH An Phú Đông (Q.12, TP.HCM) của Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dù đã bàn giao nhà cho người dân vào ở từ năm 2019 nhưng đến nay việc cấp sổ hồng cho người mua nhà vẫn "treo" lơ lửng chưa biết đến bao giờ mới xong. Không được cấp sổ hồng, những người mua nhà ở đây đã đâm đơn kiện, gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Một lãnh đạo của Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn cho biết dự án có diện tích 4.200 m2, đã xây dựng tòa nhà 16 tầng với 320 căn hộ, đã được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp thuận kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình và được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 12.2019. Tuy nhiên đến thời điểm này dự án vẫn chưa được cấp sổ hồng cho các hộ dân. Sở dĩ có tình trạng này bởi một lý do rất "buồn cười" là UBND Q.12 không chấp thuận phương án kết nối giao thông từ dự án vào hạ tầng hiện hữu. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng nguồn vốn tự có để đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường hiện hữu bờ bao kênh Rạch Gia, với quy mô mặt cắt ngang đường là 7 m để kết nối vào dự án. Theo vị này, đây là dự án NOXH do DN tự đền bù đất và đầu tư xây dựng bằng kinh phí của mình nhằm mục đích đóng góp chung vào quỹ NOXH cho người có thu nhập thấp trên địa bàn TP nên lợi nhuận tối đa của DN không quá 10%. Do đó việc yêu cầu DN tiếp tục đầu tư kinh phí để nâng cấp hạ tầng đường giao thông kết nối vào dự án là không phù hợp với các quy định của nhà nước về hỗ trợ đối với chủ đầu tư dự án NOXH. Vụ việc cứ lằng nhằng như vậy kéo dài khiến cư dân tại đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Nhiêu khê hơn nhà ở thương mại
Lãnh đạo một công ty bất động sản (BĐS), chuyên làm NOXH trên địa bàn TP.HCM, khẳng định nút thắt lớn nhất khiến chương trình xây dựng NOXH, nhà lưu trú công nhân bị "tắc" chính từ thủ tục, chính sách nhiêu khê, chứ không phải là DN chê không làm NOXH. Điều này được minh chứng trong cuộc họp mới đây với Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều DN lớn sẵn sàng xây dựng hàng triệu căn NOXH. "DN tôi cũng dành 6 ha đất ở TP.Thủ Đức để xây hàng ngàn căn NOXH, nhưng đã hơn 5 năm qua dự án không thể "nhúc nhích" dù đã xong phần chấp nhận đầu tư, có quy hoạch 1/500. Nguyên nhân chưa được giao đất vì có một ít đất công là đất nhà xưởng cổ phần hóa đã từ lâu, đất nông nghiệp, đất kênh rạch... Chỉ vì vướng một ít đất xen kẹt như vậy mà nhiều năm nay dự án không thể tiếp tục xây dựng dù quỹ đất đã sẵn sàng", vị này nói và cho biết thêm: "Chúng tôi rất tâm huyết làm NOXH dù lợi nhuận rất thấp so với làm nhà thương mại. Nhưng với cơ chế, chính sách như hiện nay, rất khó để DN cống hiến. Nếu chính sách được rút ngắn xuống còn 1 - 2 năm, tôi tin chắc sẽ thu hút được nhiều DN tham gia xây NOXH cho người lao động thu nhập thấp, công nhân. DN thậm chí không cần vay vốn ưu đãi, chấp nhận vay ngân hàng thương mại để làm NOXH, với mức giá từ 22 - 25 triệu đồng/m2. Nếu căn hộ 30 m2 thì tổng giá khoảng hơn 600 triệu đồng/căn. Như vậy rất nhiều người sẽ có cơ hội mua được nhà".
Theo thống kê, cả nước hiện có 7 triệu lao động cần an cư nhưng số lượng nhà ở mới đáp ứng 30% nhu cầu. Đa số phải sống trong các khu nhà trọ dạng dãy phòng trọ cho thuê lụp xụp, không đảm bảo chất lượng, rất thiếu tiện ích, không đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy; cá biệt có khu nhà trọ là "vùng trũng" của tội phạm.
"Để chương trình này "chạy" nhanh và hiệu quả, tốt nhất nhà nước nên chuẩn bị sẵn các quỹ đất sạch đem đấu thầu, kêu gọi đầu tư. Khi đó thủ tục hành chính sẽ rút ngắn, nhanh hơn. Ngoài ra còn các khu đất trong nội thành là đất công, đất kho xưởng do nhà nước quản lý có thể chuyển đổi sang làm NOXH với chính sách linh hoạt một chút, khi đó DN sẵn sàng vào làm và sẽ làm rất nhanh, rất rẻ", vị lãnh đạo DN BĐS nói trên đề xuất.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, quy trình thủ tục đầu tư dự án NOXH của DN tư nhân dù đã nhận được nhiều "ưu ái" nhưng lại rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại rất nhiều. Điển hình là quy định cho phép chủ đầu tư dự án NOXH được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không dám phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt. Trong khi đó, đối tượng mua, thuê mua NOXH phải là người thường trú tại TP.HCM nên không làm tăng dân số của tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, dẫn đến hồ sơ không được giải quyết kịp thời do phải chờ đợi thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 rất nhiêu khê.
Nút thắt thủ tục đang khiến NOXH ngày càng thiếu trong khi nhu cầu ngày càng cao.
Tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản sớm cân bằng trở lại Giới chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản chỉ ở trạng thái chững lại tạm thời, chủ yếu do thiếu nguồn cung tín dụng. Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý đã tạo ra tín hiệu tích cực cho thị trường. Thời gian qua, thông tin kiểm soát tín dụng...