Thay đổi cách thức để tăng trưởng 7,5-8%/năm liên tục trong 25 năm tới
Để trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP 7,5-8%/ năm trong suốt 25 năm tới. Chỉ có con đường chuyển đổi số mới giúp đạt tăng trưởng cao, biến khát vọng thành hiện thực.
Vượt lên phía trước
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra xác định mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới, đó là hiện thực hóa khát vọng biến Việt Nam thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Để trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng (tức là nước phát triển) vào năm 2045 thì thu nhập bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 20.000 USD/năm. Hiện trên thế giới, có 37 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người từ 20.000 USD/năm trở lên. Đó đều là các quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada, Thụy Điển,…
Để trở thành nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm trong vòng 25 năm
Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 3.000 USD/năm, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng GDP từ 7,5-8% mỗi năm, liên tiếp trong 25 năm tới để đạt mốc 20.000 USD. Như vậy, phải có khát vọng cháy bỏng, mới biến mục tiêu nêu trên thành hiện thực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để vượt qua những khó khăn hiện nay và tận dụng được cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có “tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm”; phải biết “vượt lên trước”, chứ nhất quyết không chịu “đi theo, đi sau”.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, thì con đường đi tất yếu sẽ là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số. Tức là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ phát triển.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, những ai nắm trong tay công nghệ, làm chủ công nghệ thì đi rất nhanh. Nhìn lại Việt Nam thời gian qua đã phòng chống đại dịch Covid-19 rất hiệu quả, nhanh chóng đưa cả nước về trạng thái bình thường, kinh tế giữ được mức tăng trưởng dương. Đó là nhờ đóng góp quan trọng của rất nhiều nền tảng số.
Chỉ trong một thời gian ngắn, có tới gần 60 các nền tảng số chống Covid được tạo ra, giúp kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Sở dĩ chúng ta làm được như vậy, là nhờ có những doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm rất nhanh.
Chỉ có chuyển đổi số mới giúp kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng cao
Video đang HOT
Cơ hội vượt lên
Có thể nói, chuyển đổi số là cơ hội dành cho những người nghèo thoát nghèo, cho quốc gia đang phát triển trở thành phát triển. Hiện nay câu chuyện về tỷ lệ bác sỹ trên đầu dân rất khó giải quyết, đặc biệt với vùng sâu vùng xa. Nhưng với nền tảng khám bệnh từ xa, thì người dân ở bất cứ vùng miền nào cũng có thể tiếp cận cả nghìn bác sỹ giỏi. Như vậy, tỷ lệ bác sỹ trên đầu dân tăng lên. Nếu không có chuyển đổi số, điều này rất khó xảy ra.
Ai ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng mong được học những thầy giáo tốt, chương trình tốt nhất. Nhờ công nghệ số, những bài giảng của thầy giỏi có thể được chiếu ở các bản làng xa xôi nhất Việt Nam và giáo viên tại bản làng ấy trở thành người trợ giảng. Có nghĩa là những người nghèo nhất, những người ở xa nhất cũng đều được tiếp cận với những dịch vụ tốt nhất, không bị thiệt thòi.
Có công nghệ số, bà con nông dân ở khắp cả nước có thể bán được hàng hóa sản phẩm của mình, thông qua các sàn giao dịch trên mạng mà không phải qua thương lái, giúp tăng giá trị và gia tăng thu nhập…
Theo CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa, xem xét về chuỗi giá trị hiện nay thì nghiên cứu, thiết kế sản phẩm (R&D) chiếm vị trí quan trọng nhất, tiếp đến là tiếp cận thị trường (Service) và cuối cùng là gia công. Các thống kê cho thấy, nghiên cứu, thiết kế sản phẩm (R&D) thường mang lại 40% giá trị, tiếp cận thị trường (Service) chiếm từ 30-35%, còn gia công chỉ chiếm từ 15-20%. Vì vậy, để trở thành quốc gia phát triển thì không thể nào chỉ dựa vào mỗi gia công sản phẩm, mà phải biết làm chủ công nghệ, sáng tạo và tự thiết kế ra sản phẩm. Muốn như vậy, chúng ta bắt buộc phải đi vào số hóa.
Chuyển đổi số là cơ hội dành cho những người nghèo thoát nghèo, cho quốc gia đang phát triển trở thành phát triển.
Việt Nam đang chủ động tiếp cận chuyển đổi số. Đầu tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″. Theo Chương trình này, Việt Nam tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, dù là nước đang phát triển, Việt Nam không nhất thiết đi sau trong tiến trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số bao gồm công nghệ và chuyển đổi. Thực tế là chuyển đổi mô hình hoạt động, cách sinh hoạt. Nghĩa là làm khác với hiện tại, dùng công nghệ số thay đổi cách thức đang làm.
Hiện tại, chuyển đổi số ở Việt Nam đang gặp phải không ít các rào cản. Trong đó có hạ tầng số chưa đồng bộ, năng lực kết nối còn thấp. Ngoài ra, hệ thống luật pháp còn thiếu nhiều quy định điều chỉnh các quan hệ trong xã hội số, thiếu sự quan tâm đúng mức tới sự phát triển của những công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, blockchain, máy tự học…
Tuy nhiên, thách thức mới đang tạo cơ hội mới, tạo ra sứ mệnh mới, không gian mới. Từ đây sẽ tạo ra năng lực mới, cách tiếp cận mới và là nguồn lực để chúng ta bứt phá, vươn lên.
Trong mắt cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một câu chuyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thành một nước có mức thu nhập trung bình, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 60%, xuống dưới 3%… Cộng đồng quốc tế cũng dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050.
Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao và là năm đầu của giai đoạn 25 năm để đến năm 2045 trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
Bộ đội Biên phòng: Lá chắn vững chắc trên tuyến đầu ngăn chặn dịch bệnh, tội phạm
Cùng với cả nước chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã ngày đêm căng sức, là lá chắn vững chắc trên tuyến đầu ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả với dịch bệnh và tội phạm từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta.
Ảnh VGP/Lê Sơn
Chiều 20/12, Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo các chiến sĩ phòng chống tội phạm của lực lượng biên phòng.
Theo đại tá Bùi Văn Lua, Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục phòng chống ma tuý và tội phạm: Được thành lập ngày 28/1/2005, với chức năng là cơ quan tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp công tác phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) trên khu vực biên giới, vùng biển của Tổ quốc, những năm qua, Cục PCMT&TP Bộ đội Biên phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, xã hội trên khu vực biên giới, vùng biển của Tổ quốc.
Kết quả, trong 10 năm, từ năm 2009 đến hết năm 2019, Cục và lực lượng PCMT&TP Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng đấu tranh thành công 1141 chuyên án về ma túy, buôn lậu, mua bán người, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ và lưu hành tiền giả; phát hiện, bắt giữ 118311 vụ/ 202603 đối tượng, đã khởi tố hình sự 13610 vụ án/ 17219 đối tượng; thu giữ gần 19 tấn ma túy các loại; 12,3 tấn thuốc nổ; 500 nghìn tấn than, quặng; 63,23 tấn pháo; gần 7 triệu bao và trên 2.000 tấn nguyên liệu thuốc lá; trên 47 triệu lít xăng, dầu, cùng nhiều loại hàng hóa khác; giải cứu 2.249 nạn nhân bị mua bán, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai.
Từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với cả nước chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19, lực lượng PCMT&TP Bộ đội Biên phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ "kép", ngày đêm căng sức trên tuyến đầu ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh; chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý 11927 vụ án/ 40920 đối tượng, thu giữ trên 3,1 tấn ma túy các loại; 81 khẩu súng, 5697 viên đạn; 696kg thuốc nổ; gần 1,5 triệu lít xăng dầu, trên 8,2 tấn pháo; gần 2 triệu bao thuốc lá; trên 5,5 triệu chiếc khẩu trang cùng nhiều loại hàng hóa khác, với tổng giá trị trên 81,6 tỷ đồng; triệt phá nhiều đường dây tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; giải cứu, tiếp nhận 49 nạn nhân bị mua bán.
Ảnh VGP/Lê Sơn
Phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng của Cục phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả to lớn của lực lượng phòng chống ma tuý và tội phạm của Bộ đội Biên phòng thời gian qua và chúc mừng những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc lực lượng đã đạt được.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Bộ đội Biên là lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Với nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các ngành, lực lượng hữu quan trên địa bàn và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; duy trì thực hiện các hiệp định, quy chế biến giới và pháp luật về biên giới; phát hiện, đấu tranh với các hoạt động vi phạm và của các loại tội phạm, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; thực hiện nhiệm vụ đối ngoại biên phòng, quan hệ với các cơ quan hữu quan, lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng để giải quyết các vấn đề về quan hệ biên giới nhằm xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, phục vụ đắc lực cho chủ trương hội nhập và hợp tác quốc tế của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ: Cục đã đã làm tốt công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án, nghiên cứu, đổi mới, vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, có nhiều cách đánh sáng tạo và hiệu quả, an toàn với các loại tội phạm. Đánh đúng, đánh trúng bọn cầm đầu.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, các lực lượng chức năng, phát động phong trào quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm, hiệu quả đấu tranh chống tội phạm năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số chuyên án, vụ án và tang vật.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ biểu dương năm 2020, cùng với cả nước chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã ngày đêm căng sức, là lá chắn vững chắc trên tuyến đầu ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả với dịch bệnh và tội phạm từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta.
Nhiều tháng qua cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn duy trì 100 % quân số, không nghỉ phép, không nghi phiên nhiều các bộ chiến sĩ tạm gác việc riêng, việc gia đình để bám chốt, bám địa bàn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều hình ảnh, tấm gương tiêu biểu của cán bộ chiến sỹ trong công tác phòng chống dịch đã được biểu dương, khen thưởng...
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp hiệu quả với các lực lượng chức giữ nhiều tài sản và tang vật ( bắt giữ, xử lý 11927vụ án 40920 đối tượng, thu giữ trên 3,1 tấn ma túy các loại; 81 khẩu súng cùng 5697 viên đạn; 696 kg thuốc nổ; gần 1,5 triệu lít xăng dầu, trên 8,2 tân pháo; gần 2 triệu bao thuốc lá, 5,5 triệu chiếc khẩu trang công nhiều loại hàng hóa khác với tổng giá trị trên 81,6 tỷ đồng ; giải cứu , tiếp nhận 49 nạn nhân bị mua bán)
Phó Thủ tướng Thường trực cũng nêu rõ: Tình hình thế giới, khu vực với diễn biến phức tạp, khó lường; tranh chấp, xung đột và sự điều chỉnh về chiến lược của các nước lớn; tình hình biển Đông đang tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp.
Đặc biệt từ nay đến Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, bọn phản động, cơ hội trong và ngoài nước sẽ chống phá ta quyết liệt hơn. Trên các tuyến biên giới, vùng biển, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, mua bán, vận chuyển ma túy, tội phạm mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, cướp biển... có chiều hướng gia tăng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh VGP/Lê Sơn
Để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Quốc phòng, lãnh đạo và chỉ huy các cấp trong Bộ đội Biên phòng nói chung, Cục phòng, chống ma tuý và tội phạm nói riêng, cần thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
Một là, tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các mệnh lệnh, kế hoạch của cấp trên, để xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, từng đảng viên, cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên đề cao cảnh giác cách mạng, nhận thức rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, sẵn sang nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị địa bàn khu vực biên giới, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, mua bán người, phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục cảm hóa đối tượng, tố giác tội phạm, xây dựng địa bàn khu vực biên giới trong sạch, vững mạnh về an ninh trật.
Ba là, chủ động, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong đổi mới toàn diện, đồng bộ, chuyên nghiệp, chuyên sâu các mặt công tác nghiệp vụ. Coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, công tác nghiệp vụ cơ bản, năng lực điều tra hình sự, xử lý vụ việc; chủ động xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch nghiệp vụ, tăng cường công tác xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án bảo đảm tuyệt đối an toàn về mọi mặt; kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng" về ma túy, tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trên khu vực biên giới, vùng biển.
Bốn là, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong nước, nhất là lực lượng công an, Cảnh sát biển, Hải quan trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm anh ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và nhiệm vụ quốc phòng; tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực trao đổi thông tin, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh triệt xóa các đường dây, ổ nhóm tội phạm, nhất là tội phạm ma túy có vũ trang, tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, xuyên quốc gia.
Năm là, thường xuyên chăm lo xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với Bộ đội Biên phòng, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới gắn với công tác xây dựng chính đốn Đảng là cơ sở quyết định đến sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Dân vận là phải xắn tay áo lo việc cho dân Thủ tướng nêu rõ, các cấp chính quyền không được "khoán trắng" cho công tác dân vận; phải cùng xắn tay áo lo việc cho dân. Chiều 10/10, tại trụ sở Chính phủ, gặp mặt các điển hình "Dân vận khéo" toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các cấp chính quyền không được "khoán trắng" cho công tác dân vận;...