Thay cell cho pin laptop có nhiều rủi ro
Những người có mức thu nhập thấp thường chọn thay cell pin laptop làm giải pháp “cứu hộ” khi pin bị chai, nhưng không mấy ai lường được những nguy cơ sẽ xảy ra đối với máy tính của mình.
Bảo Anh (Giảng Võ, Hà Nội) là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học lớn ở Hà Nội. Pin của chiếc laptop HP Probook 4420s bị chai khiến anh rất khó khăn mỗi khi học tập và làm việc. Do đó, Bảo Anh quyết định mua pin mới cho chiếc máy tính xách tay của mình. Tuy nhiên, giá pin cho máy tính xách tay dao động từ 800.000 đến 1.000.000 đồng lại không phải là một mức hợp lý với sinh viên như Bảo Anh nên anh nghĩ tới việc thay cell cho pin như lời bạn bè giới thiệu.
Nhiều người cho việc thay cell là giải pháp tốn ít kinh phí. Ảnh: Xuân Ngọc.
Khi đến Ha Viet Computer trên đường Thái Hà, Hà Nội, Bảo Anh được nhân viên cho biết, giá của mỗi cell “xịn” là 120.000 đồng, còn cell thường là 60.000 đồng. Nhân viên của cửa hàng tư vấn, thay cell thường là sự lựa chọn cuối cùng của người dùng laptop. Cell thường chỉ sử dụng được trong một nửa thời gian đầu, còn cell “xịn” thì làm pin tốt không khác gì pin chính hãng. Ngoài ra, người này còn khẳng định thay cell không ảnh hưởng gì tới hoạt động của máy. Tại một cửa hàng khác cũng ở trên phố Thái Hà, cell xịn cũng chỉ có giá 80.000 đồng một cell. Giá cả cũng không thống nhất khi Bảo Anh đi tham khảo thêm, có nơi lại là 100.000 đồng. Chủ một cửa hàng laptop trên phố Kim Hoa (Hà Nội) cho biết, với các loại máy bị chai pin mà muốn thay cell thì còn phải thêm 100.000 đồng để sửa chữa bảng mạch.
Bộ phận chính của pin laptop bao gồm IC và các cell. Ảnh: Xuân Ngọc.
Video đang HOT
Theo anh Thanh, Giám đốc công ty kỹ thuật FPT Service (Cầu Giấy, Hà Nội), pin laptop bao gồm hai phần: IC (vi mạch điện tử) và cell (các viên pin nhỏ). Việc thay cell pin laptop thực chất là bỏ đi các cell bị hỏng và thay thế bằng các cell mới. Khi làm việc này, những người thực hiện phải đo cường độ điện áp cũng như các thông số tương thích để pin sau khi được thay cell có thể hoạt động với máy. Nếu làm theo đúng cách, việc này sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của máy cũng như ít gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng nếu làm không đúng thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của máy, như làm pin quá nóng hoặc bị phồng.
Anh Nam, chủ một cửa hàng cung ứng linh kiện điện tử tại ngõ Xã Đàn 2 (Hà Nội), kể lại, khi phong trào thay cell pin laptop mới được khởi xướng, rất nhiều người mang pin của mình ra cửa hàng để thay. “Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, người dùng mới nhận ra chất lượng của pin không đảm bảo”, anh nói.
Theo anh Nam, pin không được như ban đầu bởi hầu hết các cell trên thị trường đều không phải do chính hãng bán ra. Mỗi cell cũng như một viên pin, trước khi đem ra ngoài thị trường đều được các nhà sản xuất kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng cũng như hiệu suất hoạt động. Nhưng những cell mà các cửa hàng dùng để thay cho khách hầu hết đều không có nguồn gốc xuất xứ mà chủ yếu từ Trung Quốc. Chất lượng, do đó, không được đảm bảo bằng hàng chính hãng.
Bên cạnh những vấn đề về quy trình sản xuất, mỗi linh kiện, đặc biệt là IC của viên pin laptop, đều được gắn khít với nhau. Khi tháo rời pin ra để thay cell và lắp lại, nếu không khéo sẽ khiến các bộ phận không được ăn khớp tạo ra các trục trặc khi hoạt động. Anh Nam cho rằng, việc thay cell một cách thủ công không thể đảm bảo rằng pin sẽ không có vấn đề gì trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên, nếu không thay cell mà mua pin mới, người sử dụng cũng rất “đau đầu” vì thị trường pin laptop rất phong phú về chủng loại. Với người không có kinh nghiệm, việc lựa chọn cho mình một viên pin tốt không phải dễ. Đã có không ít trường hợp mua phải pin giả, kém chất lượng, thậm chí pin tái chế – một hình thức của pin được thay cell.
Theo anh Nam, khi mua pin mới, người mua nên quan tâm tới những đặc điểm ngoài. Trước hết là những thông số trên pin mà các nhà sản xuất đều in rất nhiều, trong khi đó, loại không rõ nguồn gốc lại có những biểu hiện ngược lại. Người sử dụng cũng nên chú ý tới độ đậm nhạt, rõ nét của chữ in. Nếu một viên pin có thông số in mờ, không rõ nét, thậm chí nhòe nhoẹt, thì hẳn không phải là một viên pin tốt.
Chất lượng chữ in trên thông số về pin là dấu hiệu phân biệt dễ nhận thấy nhất. Ảnh: Xuân Ngọc.
Thêm vào đó, để tránh tình trạng mua phải hàng tái chế, nên quan sát các khớp, mấu nối của các bộ phận pin. Nếu những phần này có dấu hiệu của keo dán và không được trơn tru, viên pin đó có thể đã bị tháo lắp và thay cell.
Người dùng nên quan sát các mấu nối của pin để phát hiện ra sản phẩm bị tháo lắp, thay thế. Ảnh: Xuân Ngọc.
Giám đốc Công ty Dịch vụ FPT (FPT Service) khuyên người sử dụng nên mua pin ở các cửa hàng phân phối chính hãng. Đây là cách dễ dàng nhất để có thể sở hữu được một viên pin chất lượng. Anh Thanh cho rằng, giá của mỗi cell chất lượng tốt cũng khiến một pin giá cao không kém gì pin chính hãng, trong khi, nếu thay cell, người dùng lại phải chịu thêm rủi ro không lường trước được khi tháo lắp.
Theo Số Hóa
Lo ngại cháy nổ, HP thu hồi 162.600 pin laptop
Hãng công nghệ Mỹ mở chiến dịch đổi pin lithium-ion được trang bị trong các dòng máy tính xách tay HP và Compaq xuất xưởng từ tháng 7/2007 đến tháng 7/2008 sau khi nhận được hàng chục phàn nàn từ khách hàng.
Từ tháng 5/2010, HP đã ghi nhận 40 trường hợp máy quá nóng hoặc trục trặc do pin, trong đó có 7 người bị bỏng da và một người thấy khói bốc lên.
HP Pavilion dv9000, một trong những model có pin bị thu hồi.
Những laptop này được bán giá từ 500 USD đến 3.000 USD. Pin bán lẻ có giá trong khoảng 100-160 USD. Người dùng có thể đối chiếu mã vạch, tháo pin và liên hệ với các trung tâm chăm sóc khách hàng của HP để thực hiện theo hướng dẫn.
Năm 2009 và 2010, HP cũng đã thu hồi 85.000 pin máy tính xách tay vì lý do tương tự.
Model HP
Mã vạch pin
Theo VNExpress
Tỉnh táo khi mua điện thoại cũ Mua điện thoại cũ là niềm vui và cũng rủi ro, hên thì mua được hàng tốt, xui thì coi như rước lấy cái bực vào người. Nhiều người nói rằng đi mua điện thoại cũ mới là "sành điệu". Bởi vì mình có cơ hội được trải nghiệm thực tế. Ưu điểm của điện thoại cũ là bạn có thể mua được...