Thất thần: Lũ quét sạch trại “cá tàu ngầm”, đại gia Lâm Đồng trắng tay
Chỉ sau một cơn lũ dữ, từ một đại gia nuôi cá tầm-loài cá được ví như “cá tàu ngầm” với cơ ngơi trị giá hàng chục tỷ đồng, anh Nguyễn Văn Toản (44 tuổi, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bỗng chốc trở thành kẻ trắng tay.
Clip cá tầm chết trắng hồ trong trang trại của anh Toản.
Ngày 10/8, chúng tôi vượt bùn lầy đến trang trại nuôi cá tầm của gia đình anh Toản sau khi nước rút. Cảnh tượng làm chúng tôi không khỏi xót xa là những hồ nuôi cá tầm tan tác, xơ xác với hàng ngàn con cá tầm chết nổi trắng bụng. Những con cá tầm lớn, nhỏ đã bị ngạt bùn nằm la liệt dưới lòng ao. Còn ông chủ của cơ ngơi hàng chục tỷ này mặt mày đen xạm, hốc hác, thất thần…
Anh Toản xót xa dọn những con cá tầm đã chết do trận lũ kinh hoàng sáng ngày 8/8.
Gương mặt không giấu nổi nỗi buồn, anh Toản xót xa cho biết, khoảng 4h sáng ngày 8/8, lượng nước tại suối Đạ Nghịt dâng cao rồi đổ về trang trại cá tầm của anh. Mặc dù trang trại có đê chắn nhưng trước sức mạnh của dòng nước lũ hung dữ, đê chắn cũng không trụ được, bị phá tan trong phút chốc. Một nửa số cá của gia đình anh bị nước cuốn trôi, số còn lại thì bị sặc bùn, va đập chấn thương chết tức tưởi…
Cá tầm chết dày đặc, xếp lớp ngổn ngang bên trong những bể nuôi của gia đình anh Toản.
Một góc trang trại nuôi cá tầm của gia đình anh Toản.
Anh Toản cầm một con cá tầm nặng hàng chục kg trên tay nói: “Trang trại của tôi có khoảng 200 tấn cá tầm lớn, nhỏ. Hơn 2.000 con cá tầm giống nặng vài chục kg mỗi con giờ chẳng còn con nào, chúng bị lũ quét ra ngoài hoặc chết trong ngay hồ do sặc bùn. Nếu tính giá thị trường, 200 tấn cá tầm của gia đình tôi ước tính khoảng hơn 40 tỷ đồng”.
Trang trại cá nuôi cá tầm của anh Toản có khoảng 200 tấn cá, với hơn 2.000 con cá tầm giống bố mẹ nặng vài chục kg mỗi con bị chết và cuốn trôi, ước tính thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
Do lượng cá tầm sặc bùn trong hồ chết quá nhiều nên từ sáng ngày 9/8 anh Toản phải thuê hơn 10 người thu gom số cá chết trong các hồ nuôi. “Chúng tôi sẽ lựa ra, phần nào còn bán được thì sẽ đưa đi, hi vọng vớt vát được ít vốn, còn lại sẽ mang đi chôn tiêu hủy”, anh Toản cúi xuống nói như muốn giấu đi nỗi đau của mình.
Hàng chục người liên tục vớt những sọt cá tầm đưa lên bờ.
Trong sáng ngày 8/8, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người dân khi biết trang trại nuôi cá tầm của anh Toản bị vỡ đã chặn một số dòng suối để bắt cá rồi mang ra các con đường của TP. Đà Lạt bán.
Nhiều người dân bắt được cá và đưa ra Đà Lạt bán với giá 100.000 đồng/kg.
Những con cá tầm lớn sẽ được anh Toản bán, vớt vát lại một phần vốn đầu tư.
Những nhân công được anh Toản thuê vớt, khiêng những sọt cá tầm lên rửa lại và di chuyển đến nơi bán.
Còn lại, những con cá tầm đã chết lâu và còn nhỏ sẽ được anh Toản tiêu hủy, bảo vệ môi trường.
Theo Danviet
Kỳ bí loài thông sống cùng thời với khủng long ở rừng Bidoup Núi Bà
Trên thế giới thông hai lá dẹt có duy nhất ở rừng Bidoup Núi Bà (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) được cho là sống cùng thời với khủng long đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chúng tôi được anh Nguyễn Đức Cường - một nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà dẫn đi săn tìm hình ảnh của loài thông quý hiếm có duy nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn được sự giúp đỡ của anh Lê Văn Sơn - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng - VQG Bidoup Núi Bà khi thám hiểm khu rừng nguyên sinh.
Địa điểm chúng tôi xuất phát là Trạm kiểm lâm Hòn Giao, nơi giáp ranh giữa VQG với tỉnh Khánh Hòa. Rời trạm được một khoảng khá xa trên đường chính, chúng tôi rẽ vào rừng theo con đường mòn nhỏ rồi đi sâu vào rừng nguyên sinh (thuộc tiểu khu 89, xã Đạ Chais, H.Lạc Dương).
Cây thông hai lá dẹt cổ kính trong rừng Bidoup Núi bà.
Đối với chúng tôi, đi tìm hình ảnh về cây thông hai lá dẹt thì quả là một chuyến thám hiểm lạ lẫm. Tuy nhiên, vị trí cũng như số lượng những cây thông lá dẹt trong vườn thì những người như anh Cường, anh Sơn nắm rõ như lòng bàn tay.
Được biết, thông hai lá dẹt là loài thông cổ, trên thế giới chỉ có độc nhất ở Việt Nam. Đây là loài thông đặc hữu của Việt Nam được phát hiện tập trung ở Lâm Đồng và vùng phụ cận. Loài cây này thường mọc tập trung nhất trên độ cao 1.200 - 1.800m. Đặc biệt, thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, tăng trưởng về đường kính chỉ đạt khoảng 1 mm/năm, nếu cây có đường kính khoảng 2m thì tuổi cây có thể đạt tới hàng nghìn năm.
Cây thông có đường kính 2m có tuổi lên đến hàng nghìn năm.
Sau một quãng đường dài băng đường rừng, chúng tôi được dẫn đến một cây thông lớn, cổ thụ với những lớp rêu mọc quanh gốc tạo nên sự cổ kính. Trước mắt chúng tôi, cây thông hai lá dẹt cao sừng sững, to đến 4 người ôm, đường kính khoảng 2 mét. Bên dưới cây thông lớn là một số cây nhỏ khác đang phát triển xanh tốt, những cây này đã được đánh dấu bảo vệ của lực lượng kiểm lâm.
Vỏ cây màu nâu hồng cộng với những đám rêu mọc quanh thân đã khiến cho cây thông hai lá dẹt hàng ngàn năm tuổi ở Bidoup Núi Bà như một người anh cả. Sở dĩ, được gọi là thông hai lá dẹt là vì lá của chúng dẹt như lưỡi kiếm, hình dải mác nhọn đầu. Trong sách đỏ Việt Nam, thông hai lá dẹt được xếp vào cấp 5 - sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng).
Những chiếc lá kì lạ của cây thông hai lá dẹt.
Thạc sĩ Lê Cảnh Nam - nghiên cứu viên Viện Khoa học lâm nghiệp nam Trung bộ và Tây nguyên (Viện Khoa học lâm nghiệp VN) cho hay, thông hai lá dẹt là một loài cây cổ, quý hiếm, có từ thời kỳ khủng long. Kết quả điều tra đến nay cho thấy có khoảng trên 1.000 cây. Trong đó số cây tập trung ở cấp kính lớn khoảng 40cm trở lên là rất nhiều, còn những cây cấp kính cỡ 10 - 15cm thuộc thế hệ trung gian thì rất ít.
Hiện nay, thông hai lá dẹt là loài có giá trị rất cao về phương diện khoa học, một nguồn gen cây lá kim độc nhất chỉ có ở VN và hiện đang đứng trước nguy cơ đe dọa bởi rừng tự nhiên bị suy thoái, một số cây thông hai lá dẹt bị mất môi trường sinh sống tối ưu, bị chết trụi, chết già...
Gốc cây của cây thông lá dẹt hàng nghìn năm tuổi.
Thạc Sĩ Lê Cảnh Nam cũng cho biết, hiện nay cũng có một vài nghiên cứu về bảo tồn, tuy nhiên các đề tài thực hiện ở quy mô rất nhỏ. Trước đây cũng từng có một nghiên cứu về cây lá kim ở VQG Bidoup Núi Bà và đơn vị này đã xây dựng được mô hình bảo tồn nội vi tại vườn với diện tích 1 ha.
Ban đầu tỷ lệ sống sau khi trồng 1 tháng khá cao, với trên 95%. Tuy nhiên sau 1 năm thì tỷ lệ sống lại giảm xuống chỉ còn trên 51%, điều này cho thấy để duy trì được việc bảo tồn thì còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu.
Vì thông hai lá dẹt là loại cây có giá trị về khoa học, hơn nữa lại có duy nhất ở Việt Nam nên được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong thực tế, các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu thông qua vòng năm cây rừng, đã tập trung vào loài cây này để nghiên cứu nhằm xác lập, tìm hiểu lịch sử khí hậu ở khu vực trong vài trăm năm trước đây.
Theo Danviet
Đèo Bảo Lộc vẫn đang tê liệt: 'Nhìn hiện trường rất kinh hoàng' Sáng sớm 9.8, có mặt tại hiện trường, Thanh Niên ghi nhận suốt 10 km trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) có khoảng 20 điểm sạt lở lớn, nhỏ. Có tới 5 điểm sạt lở lớn, với hàng trăm tấn đất đá tràn lấp đường đèo Bảo Lộc . Ảnh: Trùng Dương Trong đó, đoạn từ km 97 kéo dài đến km 100...