Tháp chọc trời Trung Quốc rung lắc dù không có động đất
Những người đi bộ trên đường phố Thâm Quyến, Trung Quốc, dáo dác tháo chạy khi tòa tháp cao 355 mét rung lắc, dù không xảy ra động đất.
Tòa tháp chọc trời SEG Plaza, biểu tượng của thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, bắt đầu rung chuyển vào khoảng 13h hôm nay (12h giờ Hà Nội).
Video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người hoảng loạn tháo chạy trên phố. Nhiều người vừa chạy vừa sợ hãi quan sát phía trên tòa tháp.
Người dân tháo chạy khi tòa tháp SEG Plaza ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bị rung lắc hôm nay. Video: Sina .
Theo video quay cận cảnh, một số đồ vật trên tầng cao của tòa nhà cao 355 mét cũng bị rung chuyển. Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của thành phố xác nhận trên Weibo rằng tháp bị rung lắc.
Giới chức Thâm Quyến cho hay thành phố không ghi nhận trận động đất nào trong hôm nay và đang điều tra sự việc. Tất cả người bên trong đã được sơ tán và tháp được phong tỏa lúc 14h40. Người dân hiện không được phép quay trở lại tòa nhà này.
“Nguyên nhân vụ rung lắc đang được các bộ phận khác nhau xác minh”, cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp cho hay.
SEG Plaza nằm ở khu vực Hoa Cường Bắc của thành phố Thâm Quyến, được hoàn thành năm 2000. Đây là nơi đặt trụ sở Tập đoàn điện tử Thâm Quyến (SEG).
Trong bảng xếp hạng chiều cao các tòa nhà trên toàn cầu của skyscrapercenter.com, SEG Plaza cao thứ 104 ở Trung Quốc và cao thứ 212 trên thế giới.
Chính phủ Trung Quốc năm ngoái cấm xây các tòa nhà chọc trời cao hơn 500 mét, chỉ thị kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị và nhà phát triển “làm nổi bật các đặc trưng Trung Quốc”, đồng thời cấm mô phỏng theo các địa danh trên thế giới. 5 trong số những tòa nhà cao nhất thế giới nằm ở Trung Quốc, gồm tòa nhà cao thứ hai thế giới là Tháp Thượng Hải với độ cao 632 mét.
Các vụ sập tòa nhà không hiếm ở Trung Quốc, nơi tiêu chuẩn xây dựng lỏng lẻo và tốc độ đô thị hóa chóng mặt dẫn đến các công trình xây dựng được xây dựng vội vàng. Tháng 5 năm ngoái, một khách sạn 5 tầng ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, bị sập do xây dựng kém chất lượng, khiến 29 người thiệt mạng.
Trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008 khiến hơn 69.000 người chết. Thảm họa gây cơn bão tranh cãi về chất lượng các tòa nhà trường học được xây dựng kém, giết chết hàng nghìn học sinh.
Nhật Bản: Tỉnh Fukushima rung chuyển do động đất
Sáng 14/5, một trận động đất độ lớn 6 đã làm rung chuyển tỉnh Fukushima của Nhật Bản. Không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra.
Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, trận động đất xảy ra vào lúc 8 giờ 58 sáng 14/5 (giờ địa phương), với tâm chấn nằm ở vị trí 37,7 độ vĩ Bắc và 141,8 độ kinh Đông, sâu 40 km. Độ lớn của trận động đất này tương ứng với cấp độ 4 trong thang động đất 7 cấp độ của tỉnh Fukushima.
Nằm cách thủ đô Tokyo hơn 300 km về phía Đông Bắc, Fukushima là một trong ba địa phương bị thiệt hại nặng nề trong thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3/2011. Thảm họa này cũng gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bên bờ biển Thái Bình Dương kể từ sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Tổng cộng có 15.899 người đã thiệt mạng, 2.529 người mất tích và khoảng 470,000 người phải sơ tán trong thảm họa động đất gây sóng thần này.
Covid-19 thiêu rụi giấc mộng toàn cầu của Ấn Độ Khi một trận động đất, sóng thần tàn phá châu Á hồi tháng 12/2004, Manmohan Singh, thủ tướng Ấn Độ lúc đó, cho rằng đã đến lúc phải tự lực. "Chúng tôi cảm thấy có thể tự mình đương đầu với tình huống này. Chúng tôi sẽ nhận giúp đỡ nếu cần", cựu thủ tướng Singh phát biểu hồi năm 2004. Đây được...