Tháo gỡ “điểm gây tắc nghẽn” trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế
Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp sắp được Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao ký kết kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ “điểm gây tắc nghẽn” trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, nhất là án về tham nhũng, kinh tế.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp (Ảnh: T.K)
Tại cuộc họp về dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp chiều qua (13/12), bà Đỗ Hoàng Yến – Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, nhiều vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp chưa được kịp thời thông tin, phối hợp giải quyết đã làm hạn chế hiệu quả hoạt động, chưa đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động tố tụng nói chung, đặc biệt là hoạt động chỉ đạo, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian vừa qua.
“Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là án về tham nhũng, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong quá trình trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; thậm chí còn bị cho là gây tắc nghẽn một số vụ án”- bà Yến nói.
Chính vì thế, Điều 6 dự thảo Quy chế quy định phối hợp trong công tác giám định tư pháp đã nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng của mỗi cơ quan phối hợp.
Theo đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ ngành cơ quan tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định và tổ chức họp liên ngành giải quyết vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp. Chậm nhất là 5 ngày làm việc trước khi tổ chức họp liên ngành, cơ quan chủ trì phải gửi giấy mời, các tài liệu liên quan đến cơ quan nghiên cứu hoặc cử cán bộ tham gia.
Trường hợp các đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan phối hợp không thống nhất được hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp thì phải báo cáo ngay lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để thống nhất ý kiến.
Định kỳ 6 tháng và hằng năm, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao tổ chức họp giao ban lãnh đạo để thông tin, trao đổi và thống nhất ý kiến về các vấn đề giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.
Video đang HOT
VKSND Tối cao chỉ đạo thực hiện việc thống kê về giám định tư pháp trong giai đoạn truy tố vụ án hình sự trong hệ thống viện kiểm sát các cấp và chịu trách nhiệm đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND Tối cao trên phạm vi toàn quốc và cung cấp cho Bộ Tư pháp phục vụ quản lý giám định tư pháp.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) khẳng định yêu cầu giám định tư pháp hiện nay rất lớn nhưng ngân sách và thiết bị phục vụ công tác giám định hết sức khó khăn.
“Tới đây có những vụ án triển khai chưa biết biện pháp kết luận giám định bằng cách nào. Có những vụ án chúng tôi trưng cầu giám định 3 tháng rưỡi mới có trả lời”- ông Ngọc dẫn ra khó khăn.
Trước những góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, VKSND Tối cao, bà Đỗ Hoàng Yến hứa sẽ tiến hành rà soát lại dự thảo quy chế này. “Hiện nay đang thiếu quy trình, quy chuẩn nhưng quy trình, quy chuẩn trong các lĩnh vực như xây dựng, tài chính, ngân hàng, y tế, công thương, thuế, dược, tài nguyên- môi trường là không có. Các cơ quan thiếu quy trình, quy chuẩn không nằm trong phạm vi của quy chế này. Quy chế này không giải quyết được tất cả các vấn đề, chỉ tập trung vào một số thôi”- bà Yến lý giải.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị rà soát toàn bộ quy chế một cách kỹ lưỡng để tránh sự trùng lắp với các thông tư do các bộ ngành đang làm. “Cố gắng để ký thông qua quy chế này vào cuối tháng 12/2017 hoặc đầu tháng 1/2018 thì rất tốt để giải quyết công việc”- ông Long nhấn mạnh.
Thế Kha
Theo Dantri
Người bị oan sai có yêu cầu mới được xin lỗi là vô lý!
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thuộc VKSND Tối cao đặt ra vấn đề, khi phát hiện vụ việc oan sai, công khai xin lỗi là trách nhiệm phải làm, không thể phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSND Tối cao phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
Chiều 11/11, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) khẳng định, ai cũng day dứt mỗi khi nhận tin "lại có một người bị oan sai" và không yên lòng khi theo dõi quá trình giải quyết bồi thường.
"Hậu quả của những vụ án oan sai gây ra đều rất nghiêm trọng: Ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh mang bản án oan suốt 46 năm, ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) cùng lúc chịu hai bản án oan, ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) ngồi tù oan 10 năm trời. Qua theo dõi, chúng tôi rất mừng và cảm nhận được thái độ cầu thị của cơ quan tố tụng khi giải quyết các vụ việc này nhưng việc giải quyết bồi thường oan còn nhiều điều đáng suy nghĩ"- bà Thủy nói.
Vị đại biểu là Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học thuộc VKSND Tối cao cho rằng, xin lỗi công khai người bị oan là một khâu trong giải quyết yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước lại đặt ra quy định, nếu người bị oan có yêu cầu bồi thường thì thủ tục xin lỗi công khai mới diễn ra, còn không yêu cầu thì thủ tục công khai xin lỗi không diễn ra.
Đây là điều vô lý, bởi công khai xin lỗi là trách nhiệm phải làm, không thể phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không yêu cầu.
"Việc xin lỗi người bị oan mang tính hình thức như thời gian qua là do luật. Thời gian giam oan 4 năm nhưng xin lỗi chỉ 5 phút khiến người bị oan bật khóc ngay khi chủ tọa tuyên bố kết thúc buổi lễ"- bà Thủy nêu thực tế.
Ông Nguyễn Mai Bộ - Phó chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (Ảnh: Quochoi.vn)
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đánh giá, dự thảo luật còn nặng về bồi thường trong tố tụng và thi hành án, hạn chế rất nhiều việc bồi thường của cơ quan quản lý hành chính.
Ông Bộ dẫn chứng, cố ý chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ công chức chính là hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, cửa quyền và gây ra nhiều thiệt hại cho người dân nhưng lại không có quy định buộc họ bồi thường. Tuy nhiên, nếu người dân chậm trễ đóng thuế có thể bị xem xét phạt tội trốn thuế. "Tại sao trong quan hệ nhà nước với công dân thì nhà nước không bồi thường khi giải quyết chậm trễ thủ tục hành chính, còn công dân thì lại bị coi là tội phạm trốn thuế như vậy?. Tôi đề nghị sửa lại việc này bởi nếu liêm chính thì phải bồi thường cho người dân do hậu quả mình gây ra"- ông Bộ thẳng thắn.
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề tại sao không tính tới việc bồi thường cho những người dân thiệt mạng hoặc tàn tật vì công tác quản lý đô thị yếu kém, như đi đường ban đêm bị thụt xuống hố ga, trẻ em bị nước cuốn vào cống thoát nước, cây đổ đè lên người...
"Trong các trường hợp đó không có quyết định hành chính, quyết định tư pháp hay hoạt động của người thi hành công vụ. Do đó Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công dân, trừ trường hợp người thiệt hại có lỗi hoặc do người khác gây ra. Nếu chỉ gói gọn trong lĩnh vực thi hành công vụ mới bồi thường thì chưa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với người dân"- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.
Phúc đáp các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh đây là luật về quy trình thủ tục, cách tính thiệt hại, thời gian... chứ không phải luật nội dung nên không nói tới đúng sai của các hành vi trong thi hành công vụ, không xác định các loại tài sản, không xác định được tại sao lại oan, tại sao lại sai...
"Trong chuyện thụt hố ga hay cây đổ chết người,... thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước tới đâu phải chứng minh được quan hệ trực tiếp, không thuộc trách nhiệm, phạm vi của luật này mà phải chuyển qua bồi thường dân sự"- ông Long nói.
Đối với những băn khoăn về việc người bị oan phải chủ động đề nghị mới có buổi tổ chức xin lỗi công khai, Bộ trưởng Long cho rằng trong cách tiếp cận gốc rễ luật này thì quyền và nghĩa vụ có thể thông qua thương lượng. Thông qua thương lượng thì người có quyền phải thực hiện quyền của mình, nếu không thì "không có cái bắt đầu". Tổng kết thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước cho thấy có hơn 80% các vụ việc được giải quyết được bằng thương lượng.
Tuy vậy, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật này tốt hơn.
Thế Kha
Theo Dantri
Đề xuất bị cáo đóng 30-200 triệu đồng để được tại ngoại Bộ Công an và nhiều bộ ngành đang xây dựng dự thảo cho phép bị can, bị cáo được đặt 30-200 triệu đồng để được tại ngoại, không bị tạm giam. Với tội danh ít nghiêm trọng, đóng 30 triệu đồng người phạm tội có thể tại ngoại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối...