Tháo chạy vì cháy cửa hàng trong khu dân cư
Tối ngày 1/7, hàng chục chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC quận Tân Phú đã tích cực dập tắt đám cháy xảy ra tại cửa hàng thanh lý đồ cũ Phương Phương Nam, 15 Phạm Văn Bạch ( P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM).
Tai hiện trường, ngọn lửa đã bùng lên dữ dội, đỏ rực cả một góc trời.
Những người dân nơi đây cho biết, hỏa hoạn xảy ra trên lầu 3 của căn nhà, nơi chứa rất nhiều đồ dễ cháy.
Tầng 3 bị thiêu rụi
Lửa đỏ rực một góc trời
Nhiều hộ dân lân cận nhốn nháo, một số người gom đồ tháo chạy. Lực lượng chữa cháy đã phải dùng thang leo lên tiếp cận đám cháy và ngăn chặn lây lan.
Video đang HOT
Sau một giờ vật lộn với ngọn lửa, đến 21h30 đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Toàn bộ vật dụng trên tầng lầu này bị thiêu rụi. Hiện chưa thể ước tính được thiệt hại.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện.
Trần Chánh Nghĩa
Theo_VietNamNet
Thu phí xuất khẩu lao động đi Đài Loan: Loạn giá vì thỏa thuận ngầm
Sau hơn bốn tháng Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan chỉ được phép thu tối đa 4.000 USD/người bao gồm cả phí môi giới, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ quy định và thu phí của người lao động cao hơn nhiều.
Phí cao, không chứng từ
Lấy cớ nhà đông anh em, muốn cho đứa em gái sang Đài Loan lao động kiếm cơ hội "đổi đời", chúng tôi tìm đến Công ty cổ phần du lịch và XNK V.P V.O (Phạm Văn Bạch, Q.Tân Bình, TP.HCM) để được tư vấn. Tại đây, chúng tôi được bà K. là trưởng phòng đon đả hỏi: "Đài Loan có Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Cao Hùng, em định đi nơi nào? Lương ở Đài Loan trung bình 14 triệu đồng/tháng; nếu làm việc ở nhà máy, tăng ca nhiều, mỗi tháng sẽ được tầm 20 triệu đồng, trừ ba triệu tiền ăn ở còn khoảng 17 triệu đồng/tháng. Chi phí, nếu đi làm nghề may thì 5.500 USD, còn điện tử là 6.000 USD, hợp đồng ba năm".
Thấy chúng tôi nói đang cần việc, đi vùng nào cũng được, miễn là nhanh, bà K. hướng dẫn: "Nếu hộ khẩu em ở Khánh Hòa thì trước mắt em phải về công an tỉnh xin giấy xác nhận không có tiền án, tiền sự, rồi làm hộ chiếu. Công ty sẽ đưa đi khám sức khỏe. Sau đó, em nộp hai triệu đồng tiền học tiếng, học đến khi nào bay thì thôi. Ở đây trung bình hai tháng là bay. Xong hồ sơ, khi làm visa đóng thêm 1.000 USD, đến ngày đi đóng đủ". Thấy chúng tôi lo phải chờ đợi nhiều tháng mới được đi, bà K. trấn an: "Em cao 1m62 là chuẩn rồi, chủ Đài Loan rất quan trọng chiều cao, chiều cao chuẩn vậy có thể đi ngay, em lại có lợi thế đã biết nghề may nên sẽ đi nhanh thôi. Em cứ chuẩn bị khoảng 5.500 USD".
Chị L. cho biết nhiều bạn bè của chị đi XKLĐ Đài Loan với giá 5.000-6.000 USD
Tương tự, Công ty I.T (Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng rao tuyển lao động nữ tuổi từ 19-30 có sức khỏe tốt, tốt nghiệp THPT, ưu tiên những người có tay nghề đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Đài Loan, hợp đồng ba năm, có thể gia hạn thêm với thu nhập mỗi tháng từ 13 triệu đồng đến 15 triệu đồng (ngoài ra còn có tiền làm thêm).
Tất cả các lao động sau khi trúng tuyển (do đối tác Đài Loan phỏng vấn) sẽ tập trung học tiếng, giáo dục định hướng và nâng cao tay nghề. Thời gian đào tạo và làm thủ tục xuất cảnh dự kiến từ một - ba tháng. Tổng chi phí phải nộp là 6.500 USD. Trong đó, khi nộp hồ sơ phỏng vấn, người lao động (NLĐ) đóng 500 USD, khi đối tác Đài Loan phỏng vấn, nộp thêm 500 USD, sau khi phỏng vấn kiểm tra xong, đóng đầy đủ các khoản phí còn lại 4.995 USD.
Thu phí cao đã đành, nhiều doanh nghiệp (DN) còn không đưa đủ phiếu thu tiền NLĐ đã nộp. Có người nộp đủ 4.600 USD, chỉ chờ ngày bay nhưng công ty giao biên lai thu tiền 3.600 USD. Đó là trường hợp của chị P.T.L. (Cần Thơ) và chị L.K.T. (Tây Ninh). Chị T. cho biết đã đóng đủ 4.600 USD cho Công ty TCD (CMT8, Q.1, TP.HCM) để chờ bay nhưng khi nhận biên lai thu tiền thì chỉ thấy ba phiếu thu tổng cộng hơn 78 triệu đồng, không có chữ ký giám đốc, kế toán trưởng, thủ quỹ mà chỉ có chữ ký của người đóng tiền.
Chị T. được biết 3.600 USD là tiền chi phí đi, còn 1.000 USD là tiền đặt cọc, khi nào về Việt Nam thì quay lại công ty lấy. Tôi thắc mắc tại sao đóng 4.600 USD mà phiếu thu chỉ có 3.600 USD, còn 1.000 USD ở đâu? Chị L. nói: "Tụi em cũng không hiểu, công ty đưa sao thì mình lấy vậy. Em nghe mọi người nói cứ giữ mấy phiếu thu này, khi hết hợp đồng về Việt Nam là lấy được tiền đặt cọc". Theo L., số tiền 4.600 USD mà chị phải nộp là chi phí đi, chưa kể tiền học tiếng gần năm triệu đồng, chi phí ở trọ, ăn uống tự túc. "Ai được đi sớm thì đỡ tốn, có người chờ nhiều tháng thì chi phí này đội lên nhiều. Chi phí vậy là ít chứ nhiều người phải đóng từ 5.000- 6.000 USD" - L. bộc bạch.
Thỏa thuận "ngầm" để cạnh tranh
Theo một số chuyên gia về lĩnh vực XKLĐ, điều khiến phí môi giới (trả cho đối tác môi giới Đài Loan) bị đẩy lên cao là do các công ty XKLĐ giành giật hợp đồng cung ứng. Cách đây vài năm, mức phí môi giới chỉ 500-800 USD/lao động nhưng đến nay, hầu hết DN đều cho rằng 1.500 USD/lao động cũng khó để có được hợp đồng...
Do đó, các DN phải "cắn răng" chi mạnh để cạnh tranh và NLĐ phải "cõng" thêm khoản phí này. Thực tế hiện nay, công ty đưa người đi, công ty môi giới và NLĐ thường có thỏa thuận "ngầm" với nhau. Nhiều NLĐ không nắm rõ quy định, lại muốn đi càng nhanh càng tốt nên sẵn sàng bỏ tiền cao hơn quy định. Đến khi xảy ra sự cố, thiệt thòi luôn thuộc về NLĐ. Do đó, vẫn còn tình trạng DN báo cáo thông tin thu phí một đằng nhưng làm một nẻo.
Bà Dương Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ dầu khí Sài Gòn Nhân Lực cho biết: "Thời gian trước công ty có làm thị trường này, nhưng về sau thì ít. Nguyên nhân do các công ty môi giới và DN nhận lao động tại Đài Loan trực tiếp làm giá, kê các khoản chi phí. Biện pháp tốt nhất là phải khống chế được chi phí môi giới ở phía bạn vì các công ty ở Việt Nam phụ thuộc vào bên kia rất nhiều. Nếu phí môi giới cao quá, các công ty trong nước từ chối thì lại không có đơn hàng".
Sẽ bị dừng hoạt động nếu sai phạm
Trao đổi với phóng viên về thực trạng thu phí vượt quá quy định, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: NLĐ cần tỉnh táo. Công ty đã thu tiền gì cũng phải có hóa đơn, chứng từ. Không có hóa đơn, chứng từ đầy đủ là sai. Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Bộ LĐ-TB-XH đã công bố tên gần 20 công ty XKLĐ có sai phạm trong việc đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan. Các công ty này bị tạm dừng cung ứng lao động, tạm dừng thực hiện hợp đồng với đối tác Đài Loan hoặc phải chấn chỉnh hoạt động do đã thu phí cao hơn quy định, giữ lương, khấu trừ tiền ăn của NLĐ cao hơn quy định.
Từ ngày 1/2/2014, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu các DN giảm chi phí cho NLĐ đi làm việc tại Đài Loan xuống mức hợp lý (không vượt quá 4.000 USD/người/hợp đồng ba năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD/người/hợp đồng ba năm). DN phải thu tiền trực tiếp của NLĐ, cung cấp hóa đơn, chứng từ có ghi đầy đủ số tiền NLĐ đã nộp cho DN; DN phải kiểm soát và chịu trách nhiệm về chi phí của NLĐ, không để các tổ chức, cá nhân là trung gian, môi giới giới thiệu NLĐ đến thu tiền trái quy định.
"Nếu có thông tin vi phạm của DN, NLĐ hãy phản ánh về Cục Quản lý lao động ngoài nước để cơ quan này xử lý. Trường hợp phát hiện DN thu phí cao hơn quy định, thu tiền thông qua trung gian môi giới, thu tiền nhưng không cung cấp hóa đơn, chứng từ, DN sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 95/2013/NĐ-CP. Cụ thể: phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu thu tiền dịch vụ của NLĐ không đúng quy định; phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng nếu không hoàn trả các khoản chi phí mà NLĐ đã nộp cho DN dịch vụ do không đưa được NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, DN còn bị xem xét dừng việc đưa NLĐ đi làm việc tại Đài Loan trong thời hạn từ 3 đến 12 tháng", vị đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Theo PNO
Vô cớ bị giang hồ Sài Gòn truy sát giữa đường Chiều 17/10, sau gần một tuần bị nhóm côn đồn lạ mặt truy sát giữa đường, trên mặt anh Tạ Công Phụng (38 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn chưa hết kinh hoàng khi kể về thời điểm suýt chết. Anh Phụng nhớ lại: "Vào 21h30 ngày 11/10, tôi điều khiển xe máy Air Blade chở vợ từ nhà đi công việc. Được...