Thanh xuân, nhất định phải đi Hà Giang một lần
Người ta thường nói vui rằng ‘ Thanh xuân, nhất định phải đi Hà Giang một lần’. Thật vậy, Hà Giang luôn có một vẻ đẹp rất riêng biệt mà không nơi đâu có thể sánh bằng.
Nhất là vào mùa xuân, Hà Giang lại đắm mình khung cảnh đầy sắc màu của hoa cải, hoa đào, hoa gạo nở tưng bừng dưới ánh nắng.
Hà Giang mùa nào cũng đẹp, đến mức du khách có thể đi du lịch quanh năm mà không chán. Trong đó, mùa xuân được dân “xê dịch” đánh giá là mùa đẹp nhất trong năm khi hoa đào, hoa mận, hoa gạo nở rộ.
Vào mùa xuân, thời tiết ở Hà Giang chẳng còn khắc nghiệt nữa. Không còn những cơn gió lạnh buốt giá mà tiết trời ấm áp hơn, phảng phất chút sương mờ đặc trưng của mùa xuân.
Sương và mây vờn trên những ngọn núi xa xa, có làn gió phơn đủ lạnh để mang đến cho con người cảm vị của những ngày đầu năm mới.
Cứ vào những khoảng thời gian sau Tết âm lịch, những cây đào nở rộ hoa trên khắp các triền đồi, từng vách núi, trước cửa nhà hay dọc ven đường. Còn hoa mận thì nở trắng muốt lấp ló sau bờ rào đá, vườn cải bung nở sắc vàng trên những thửa ruộng.
Hoa đào thường tập trung nhiều ở thung lũng Sủng Là, Phố Cáo, đường lên Đồng Văn, đường về thành phố Hà Giang theo lối Mậu Duệ.
Ngoài ra, du khách có thể đi sâu vào các bản như Lao Xa, Lô Lô Chải để “săn” ảnh hoa đào, hoa mận. Đây là những bản còn giữ nguyên nét hoang sơ, những bản sắc văn hóa độc đáo cùng cảnh đẹp khó có thể rời mắt.
Bất cứ nơi đâu ở mảnh đất địa đầu của Tổ quốc này, bạn đều có thể bắt gặp hình ảnh cây đào nở rộ đón xuân về.
Hoa đào ở Hà Giang có nhiều điểm khác với dưới xuôi. Hoa đào trên Hà Giang chỉ có 5 cánh nhưng dày hơn, bung nở to hơn trên những cành cây rêu mốc.
Những sắc hồng khéo léo khoe mình trên nền mái ngói âm dương làm cho ai ngắm nhìn cũng phải say đắm.
Những ai đã xem bộ phim ‘Chuyện của Pao” chắc chắn phải thốt lên với bối cảnh như trong cổ tích ở thung lũng Sủng Là. Những cánh đồng hoa cải mờ trong sương sớm làm thôi thúc bao con tim “mê xê dịch” xách balo lên và đi.
Hà Giang không chỉ có hoa đào, hoa mận. Du khách sẽ nhớ mãi những con đèo hiểm trở, uốn lượn quanh co như những dải lụa mềm mại. Thuê một chiếc xe máy và chinh phục những con đèo này cũng là những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Đã đến Hà Giang rồi, bạn đừng quên check-in ở “mỏm đá sống ảo” nằm trên đèo Mã Pì Lèng. Mã Pì Lèng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc và còn được mệnh danh là vua của các con đèo.
Đứng từ đèo Mã Pì Lèng, bạn có thể ngắm được toàn cảnh dòng sông Nho Quế tuyệt đẹp. Khung cảnh sơn thủy hữu tình, điểm xuyết vài con thuyền độc mộc xuôi trên dòng Nho Quế xanh biếc.
Trên con đèo, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên lại là núi đá cao vút. Ai cũng phải ngẩn ngơ trước hình ảnh uốn lượn của dòng Nho Quế xanh ngắt một màu. Núi trùng điệp ngàn tầng từ phía xa, mây vắt vẻo lưng chừng núi cùng vực sâu thăm thẳm.
Mùa xuân ở Hà Giang thật đẹp. Mùa xuân trên mảnh đất khô cằn đó bỗng trở nên độc đáo, hấp dẫn hơn khi mà đá cũng nở thêm hoa. Khắp núi rừng trở nên tươi sáng với trăm hoa đua nở giữa những mỏm đá tai mèo xám xịt.
Tất cả đã tạo nên bức tranh đầy thơ mộng khiến cho các du khách đến Hà Giang vào mùa này không khỏi thổn thức. Bạn còn chần chừ gì mà chưa lên lịch cho chuyến đi khám phá Hà Giang? Hãy đến và cảm nhận sắc xuân trên rẻo cao, chắc chắn sẽ là một hành trình đáng nhớ của tuổi thanh xuân.
3 ngày ở Hà Giang với 1,4 triệu đồng
Với 3 ngày, bạn có thể thư thái ngắm cảnh và ghé thăm những điểm đến nổi tiếng như Dinh vua Mèo, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế,...
Để khám phá trọn vẹn vùng đất mang vẻ đẹp kỳ vĩ này, bạn có thể tham khảo lịch trình 3 ngày 2 đêm dưới đây.
Ngày 1: Hà Nội - Hà Giang - Đồng Văn
Xe khách Hà Nội - Hà Giang khởi hành trong nhiều khung giờ mỗi ngày, giá vé 200.000 đồng một người. Nếu có lịch trình vào cuối tuần, du khách nên đặt vé trước. Đi xe đêm khung giờ 20h30 - 21h30 giúp tiết kiệm thời gian, khoảng 4h xe sẽ đến thành phố.
Xe khách sẽ dừng tại bến vài tiếng, để khách nghỉ ngơi trước khi trời sáng. Ở đây, bạn dễ dàng tìm thấy các điểm cho thuê xe máy, với giá thuê khoảng 150.000 đồng/ ngày. Các xe thường được trang bị giấy tờ, bảo hiểm, dây chằng buộc đồ và bản đồ.
Dốc Thẩm Mã, hay còn gọi là Dốc 9 khoanh nổi tiếng. Ảnh: Ngân Dương
Tại thành phố có nhiều món ăn sáng như phở, bún nhưng phù hợp nhất có lẽ là bánh cuốn. Trong tiết trời lạnh, một suất bánh chan nước xương ấm nóng, ăn kèm giò, giá 20.000 đồng giúp bạn no bụng. 8h, bạn khởi hành tới Đồng Văn theo quốc lộ 4C khi trời đã sáng rõ, trên đường có nhiều điểm dừng để check-in.
Từ thành phố, điểm đầu tiên là cột mốc Km 0, sau đó di chuyển đến Quản Bạ chừng 40 km. Ở đây có cổng trời là điểm check-in nổi tiếng, nhưng nếu đi vào mùa đông, có khả năng gặp mây mù. Nếu trời quang, bạn có thể chụp ảnh, ngắm đồng ruộng bên dưới. Ngoài cổng trời, có thể chụp ảnh với Núi Đôi Cô Tiên cách đó không xa.
Trên đường di chuyển đến thị trấn Yên Minh, bạn sẽ tới cầu Cán Tỷ. Ở đây có 2 lối rẽ, một lối 22 km đường khá dốc nhưng có thể ngắm cảnh từ trên cao, có cây cô đơn để check-in. Lối còn lại dài 41 km, đường dễ đi hơn, qua rừng thông yên bình. Bạn có thể tính toán thời gian và chọn đường phù hợp để kịp ăn trưa tại Yên Minh.
Từ thị trấn Yên Minh đến Đồng Văn còn khoảng 45 km, đây là tuyến đường có cảnh đẹp và các điểm du lịch nổi tiếng như Dốc Thẩm Mã, Nhà của Pao, Dinh vua Mèo... Các điểm trên cách nhau khoảng 10 km đường đèo, nên khi tham quan bạn cần chú ý thời gian để tới Đồng Văn trước khi trời tối, vì ở đây không có đèn đường và nhiệt độ hạ thấp.
Bạn có thể lựa chọn homestay Nhà Cổ, Bụi Homestay, Má Lé... Lưu ý nên đặt phòng trước. Giá phòng từ 100.000 đến 150.000 đồng một người tùy loại phòng, bao gồm ăn sáng. Ở đây cũng phục vụ cơm tối kiểu gia đình, với giá khoảng 100.000 đồng một người. Khu vực phố cổ có nhiều quán ăn bình dân, giá khoảng 40.000 đồng một phần.
Ngày 2: Đồng Văn - Mèo Vạc
Khoảng 6h30, bạn di chuyển từ Đồng Văn sang Lũng Cú để tham quan cột cờ. Quãng đường này dài 25 km, phải đi qua nhiều đoạn xấu có đá dăm, cua dốc, ổ gà,... Thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng rưỡi. Đến nơi, du khách leo bộ đến cột cờ và nhìn ngắm núi rừng nơi địa đầu tổ quôc. Nếu muốn thư thái một chút sáng sớm, quán cà phê Cực Bắc cũng là một lựa chọn để nghỉ chân.
Khoảng 9h30, bạn di chuyển ngược lại đường cũ về Đồng Văn, sau đó đi theo hướng Mèo Vạc đến sông Nho Quế. Đường xe máy đi xuống bến thuyền rất dốc, có nơi đang xây dựng nên cần người cứng tay lái. Nếu không tự tin, bạn có thể thuê dịch vụ xe ôm của người địa phương với giá 150.000 đồng hai chiều.
Đường khó đi, nhiều đoạn gập ghềnh nhưng vẻ đẹp của dòng sông xanh ngọc sẽ phần nào xua tan mệt nhọc của du khách. Len lỏi hết con đường vòng vèo ôm lấy vách núi , bạn sẽ đến với bến thuyền. Giá đi thuyền trên sông Nho Quế là 100.000 đồng một người, hành trình dài khoảng 40 phút. Thuyền thường dừng lại ở trước Hẻm Tu Sản, nơi có cảnh đẹp nhất để khách chụp ảnh.
Đường đi xe máy xuống bến thuyền sông Nho Quế. Ảnh: Ngân Dương
Khoảng 14h30, bạn di chuyển về phía Mèo Vạc để thăm đèo Mã Pì Lèng. Đường đèo dù uốn lượn nhưng rộng và bằng phẳng, một bên là núi, một bên là vực. Bao quanh đèo là trời, mây và núi non nên du khách có thể thong thả ngắm cảnh, chụp ảnh. Ở chân đèo, bạn ghé thăm Bảo tàng con đường Hạnh Phúc, tìm hiểu về lịch sử xây dựng đầy khó khăn của quốc lộ 4C, từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc. Khoảng 17h, bạn có thể dừng chân ở khu vực cột mốc báo 12 km tới Mèo Vạc. Nơi đây là một trong những điểm đẹp ngắm hoàng hôn trên đèo Mã Pì Lèng, với tầm nhìn trước mặt là sông Nho Quế.
Sau khi ngắm hoàng hôn, bạn di chuyển khoảng 10 km tới Làng văn hóa dân tộc Mông ở Pả Vi để nghỉ đêm. Ở đây có rất nhiều homestay để bạn lựa chọn, giá phòng trung bình từ 150.000 - 200.000 đồng một người, đã bao gồm ăn sáng. Vào mùa đông, buổi tối nhiệt độ xuống rất thấp nên bạn có thể ngồi sưởi ấm ở bếp củi của homestay.
Khung cảnh từ đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống sông Nho Quế lúc 17h. Video: Ngân Dương
Ngày 3: Mèo Vạc - Thành phố Hà Giang - Hà Nội
Ở Pả Vi cảnh mang màu sắc bình yên, du khách khi thức giấc sẽ thấy bao xung quanh là núi non trùng điệp, xanh mát. Mèo Vạc cách Hà Giang khoảng 150 km, bạn nên khởi hành sớm để kịp chuyến xe khách về Hà Nội. Có hai khung giờ xe khách để bạn lựa chọn là 14h (về Hà Nội lúc 21h) và 21h (về Hà Nội lúc 4h sáng hôm sau).
Nếu chọn khung giờ 14h, bạn nên khởi hành từ 8h tại Mèo Vạc và chạy thẳng theo hướng Mậu Duệ - Yên Minh - Quản Bạ - TP. Hà Giang, không dừng nghỉ tham quan. Lưu ý đoạn đường đi từ Mèo Vạc qua Mậu Duệ khá xấu, nhiều ổ gà, ổ voi.
Nếu chọn chuyến xe khởi hành 21h từ thành phố Hà Giang, bạn có thời gian tham quan thêm một số điểm. Bạn đi đường Mậu Duệ - Đường Thượng, sau đó ghé thăm Làng dệt Lùng Tám, qua Quản Bạ, tham quan hang Lùng Khúy. Sau đó di chuyển về TP. Hà Giang.
Lưu ý thêm
Du khách lưu ý không nên cho tiền trẻ em tại địa phương. Không xả rác, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng văn hóa bản địa.
Về di chuyển, vì đi đường đèo nên bạn chú ý không để hết xăng. Trên cung đường di chuyển chỉ có các cây xăng tại các điểm như TP. Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Mậu Duệ.
Về chi phí, nếu đi hai người, tính riêng bạn sẽ tốn khoảng 1,4 triệu đồng một người cho chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm. Xe giường nằm 400.000 đồng hai chiều, thuê xe máy 225.000 đồng (2 người một xe trong 3 ngày). Ngoài ra là homestay tại Đồng Văn 150.000 đồng, homestay tại Pả Vi 240.000 đồng. Chi phí ăn uống khoảng 200.000 đồng. Còn lại là tiền đổ xăng, vé tham quan và một số chi phí lặt vặt khác.
Thời tiết ở Hà Giang mùa đông khá lạnh nên bạn cần mang đồ đủ ấm và có thể cản gió. Ngoài ra nên chuẩn bị thêm áo mưa vì có thể gặp sương mù hoặc mưa bất chợt.
Vẻ đẹp đầy mê hoặc của miền rẻo cao Đông Bắc độ xuân về Chợt một ngày trời bỗng chuyển mùa, để Hà Giang không còn se sắt trong cái giá băng của mùa đông nữa, mà thay vào đó là cơn gió mang hơi lạnh ẩm ương pha chút nắng ngọt của nàng xuân. Ta ngỡ ngàng khi thấy đất trời thay áo đổi màu kì diệu, kìa những vạt rừng đã lấm tấm sắc trắng...