Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm của NXB Giáo dục về sách giáo khoa
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, kiến nghị Thủ tướng cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2014 đến hết năm 2018.
Tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), TTCP thanh tra về sách giáo khoa (SGK), gồm việc quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành SGK; việc quản lý, triển khai, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
TTCP đã thanh tra về công tác quản lý Nhà nước về SGK, được biên soạn theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội. Tại thời điểm thanh tra, Bộ GD-ĐT không cung cấp được bản thảo mẫu SGK được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu SGK hiện hành với bản thảo mẫu, thể hiện việc buông lỏng trong công tác lưu trữ.
TTCP phát hiện nhiều sai phạm trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa. Ảnh minh hoạ
Từ năm 2014 đến hết tháng 8-2019, 73/193 cuốn SGK học sinh có thể viết vào sách đã được in, phát hành và bán được tổng hơn 303 triệu bản. Trường hợp tính 65% giá SGK có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội số tiền tạm tính là hơn 2.374 tỉ đồng.
Cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản về sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB) tổ chức biên soạn, gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội rằng sách bài tập được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK.
Dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua SGK đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành, có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập. Quá trình điều chỉnh tăng giá SGK lần 3, Bộ GD-ĐT chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ để yêu cầu NXB phải thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Bộ trước đó.
Video đang HOT
Đối với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, TTCP nêu rõ với SGK biên soạn theo Nghị quyết số 40 của Quốc hội, đây là đơn vị duy nhất được tổ chức biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in và phát hành.
Đơn vị này cũng không cung cấp được bản thảo mẫu SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Quá trình biên tập, thiết kế SGK, NXB chưa tham mưu cho Bộ GD-ĐT điều chỉnh thiết kế, biên tập SGK để hạn chế việc học sinh viết vào sách.
Cơ quan thanh tra kết luận việc xác định nhu cầu sản xuất của NXB không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu là giấy in, làm tăng chi phí lãi vay dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Việc lựa chọn nhà thầu in SGK của NXB cũng chưa đúng quy định. NXB sử dụng giấy in chất lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia.
Từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, NXB chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB, tương ứng số tiền hơn 1.890 tỉ đồng.
Kiểm tra xác suất một hợp đồng giấy in cho thấy giá giấy in của công ty này bán cho NXB cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty này nhập khẩu trực tiếp, tương ứng số tiền chênh lệch hơn 210 tỉ đồng.
“Những nội dung này cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB có nhiều điểm bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”- TTCP kết luận.
TTCP cũng nêu rõ việc phát hành SGK qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian nên chưa tiết kiệm được chi phí; tỉ lệ chiết khấu của SGK (25%) so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác phải kê khai giá thì tỉ lệ chiết khấu này còn cao, chưa hợp lý. NXB chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Bộ GD-ĐT nhưng đã thực hiện tăng giá SGK từ năm học 2019 – 2020.
Kết quả kiểm tra, xác minh tại NXB cho thấy giai đoạn 2014 – 2018, quá trình xây dựng các gói thầu in SGK, hạch toán của NXB có nhiều sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký giá từ năm 2011 (được in ấn định trên bìa sách) cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền khoảng trên 85 tỉ đồng.
TTCP nhấn mạnh NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, độc quyền biên tập, thiết kế, xuất bản, phát hành, kinh doanh SGK. Qua thanh tra cho thấy NXB có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh; xây dựng giá để đăng ký sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định về đăng ký giá SGK.
Căn cứ kết quả thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.
Thứ nhất, nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Thứ hai, nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Đừng để sách giáo khoa thành gánh nặng với gia đình học sinh
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị kỷ luật cảnh cáo do liên quan tổ chức sản xuất, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành... sách giáo khoa mới.
Thông tin Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị kỷ luật cảnh cáo do liên quan tổ chức sản xuất, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành... sách giáo khoa mới, khiến câu chuyện về giá sản phẩm này càng thêm "nóng" sau khi đã tăng cao hơn sách chương trình cũ 3 - 4 lần.
Thanh Niên từng có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng sách giáo khoa (SGK) tăng giá làm tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh học sinh (HS). Thanh Niên cũng thông tin ngày 5.7 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bằng hình thức cảnh cáo.
Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đạt doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng, lãi sau thuế 287 tỉ đồng, chủ yếu nhờ phát hành sách giáo khoa. Ảnh N.T.
Lý do, ông Nguyễn Đức Thái có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành SGK mới; đồng thời thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết...
Thay sách mỗi năm đang là gánh nặng cho các gia đình
Về vụ việc nêu trên, cùng với một số lùm xùm liên quan việc biên soạn, in ấn, giá SGK... trong thời gian qua, bạn đọc (BĐ) đã đưa ra nhiều kiến nghị.
BĐ Pham Hoang Hai bày tỏ: "Có người nói vui rằng Việt Nam là nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới vì năm nào cũng cải cách giáo dục, cải cách SGK. Nhưng thực tế thì sao? SGK thay đổi nội dung hằng năm nên không thể dùng lại sách năm trước khiến việc mua SGK là gánh nặng kinh tế cho không ít gia đình nghèo. Đáng lẽ SGK được biên soạn để áp dụng dạy và học cho 5 - 10 năm hoặc lâu hơn như giai đoạn trước năm 2000 để giảm áp lực kinh tế lẫn dạy và học cho HS, chứ không phải trở thành gánh nặng như bây giờ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước (Bộ GD-ĐT đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn - PV), phục vụ cho giáo dục, đáng lẽ phải phi lợi nhuận. Chúng ta đã lãng phí rất nhiều tiền ngân sách để chi cho việc biên soạn SGK, cải cách giáo dục, cải cách dạy và học mà chưa thu được hiệu quả mong muốn", đồng thời đề xuất: "Nên chăng chỉ cải cách, biên soạn SGK 1 lần và sử dụng trong nhiều năm và tùy tình hình thực tiễn mà chỉnh lý như ngày trước để vừa giảm ngân sách chi cho biên soạn, cải cách hằng năm; dùng tiền đó để nâng cao đời sống giáo viên, xây dựng thêm phòng học cho HS vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ HS nghèo...".
Còn theo BĐ Tran Phap Tam, sau khi biên soạn SGK cần đưa ra đấu thầu rộng rãi để các công ty in ấn cạnh tranh nhau về giá; hoặc có thể áp dụng "công nghệ 4.0" bằng cách đưa nội dung SGK lên mạng để HS có thể tải xuống học. "Một bộ sách cả triệu đồng, chưa kể giáo viên giới thiệu mua thêm sách tham khảo, nhưng qua năm sau không dùng được, đem bán giấy vụn được 15.000 đồng (!). Công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giáo dục được thể hiện thế nào đây?", BĐ Tran Phap Tam nêu.
Giám sát chặt giá sách giáo khoa
Theo BĐ Võ Kim Liên, những phản ứng của người dân, phụ huynh HS liên quan đến giá SGK trong thời gian qua là có cơ sở; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hơn 2 năm qua đã khiến nhiều gia đình mất việc, bị giảm việc, giảm thu nhập... và nhiều hệ lụy khác.
"Nghị quyết số 63 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV (thông qua ngày 16.6) có nội dung bổ sung SGK vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá khi sửa đổi luật Giá; trước mắt Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành SGK phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK đối với HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí... Theo tôi, có thể giảm bớt gánh nặng nào cho người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này thì nên thực hiện. Trong thời gian tới, cần giám sát chặt chẽ hơn nữa trong việc biên soạn, in ấn, giá bán SGK...", BĐ này ý kiến.
"Nhà nước cần có cách quản lý riêng về mảng này, bởi giáo dục rất quan trọng, là tương lai của đất nước. Cần phi lợi nhuận để tránh tiêu cực, giáo dục là làm giàu tri thức, làm giàu đất nước", BĐ Thu Nguyen Dac kiến nghị.
* Dù là thời buổi kinh tế thị trường nhưng với vai trò và trách nhiệm nhà nước và nhân dân giao phó thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa làm được việc hài hòa lợi ích nhà nước và người dân. Nhất là trong bối cảnh nhân dân gồng mình vì dịch bệnh và áp lực cuộc sống hậu Covid-19. L.P.Nam
* Quan trọng hơn, khi đã phát hiện được những khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật về in ấn, kinh doanh, biên soạn... SGK mới thì cần điều tra làm rõ động cơ và trách nhiệm của những người liên quan. Cũng là một phụ huynh, tôi xin hỏi: Trong những năm qua, nhiều lần nâng giá SGK dẫn đến HS mỗi năm phải bỏ tiền mua sách mới trách nhiệm thuộc về ai? Kim Liên
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình nợ thuế 855 tỉ đồng Cục thuế Hà Nội cho biết Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình hiện nợ đến 855 tỉ đồng tiền thuế của nhà nước. Đơn vị này đã nhiều lần bị cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản. Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang nợ đến 855 tỉ đồng tiền thuế - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN Chi...