Thanh niên Tam Vinh làm việc nghĩa
Tuổi trẻ xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh) đã cùng nhau làm và nhân rộng mô hình ‘Mỗi chi đoàn gắn với một hoàn cảnh’ với các việc làm thiết thực như hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho học sinh nghèo, người già neo đơn sửa sang nhà cửa, tặng nhu yếu phẩm… cho các hộ nghèo ở địa phương này.
Thanh niên Chi đoàn thôn Bình Thạnh phối hợp cùng các đơn vị khác đến khám bệnh tại nhà cho bà Đặng Thị Thọ. Ảnh: Đ.Y
Ba năm qua, bà Đặng Thị Thọ phần nào vơi bớt quạnh quẽ cô đơn khi cạnh bà đã có những “đứa cháu, đứa con” trong sắc áo xanh tình nguyện đều đặn tới hỏi han, đỡ đần nhiều việc. Hằng quý, các đoàn viên thuộc Chi đoàn Thanh niên thôn Bình Thạnh đến giúp sửa chữa các vật dụng hư hỏng, dọn dẹp nhà cửa giúp căn nhà bà Thọ trở nên sạch sẽ và ấm cúng hơn. Bà Thọ vui lắm vì tuổi cao, sức yếu nên những việc đơn giản đó nằm ngoài tầm tay của bà.
Đồng thời, Chi đoàn Thanh niên thôn Bình Thạnh còn kêu gọi các nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm, thăm khám sức khỏe tại nhà cho bà Thọ. “Tôi vui mừng lắm vì có các cháu đến thăm nom, lo lắng cho cuộc sống của mình. Tấm lòng của các cháu trẻ tuổi thật đáng quý và tôi mong có nhiều người già khó khăn như mình được giúp đỡ” – bà Thọ chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang – Bí thư Đoàn xã Tam Vinh, việc làm ý nghĩa của thanh niên thôn Bình Thạnh là kết quả của mô hình “Mỗi chi đoàn gắn với một hoàn cảnh”. Ra đời vào năm 2021, mô hình này nhằm tạo nên sự đoàn kết và khơi dậy tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong lực lượng đoàn viên, thanh trên địa bàn xã.
“Mô hình là kết quả của tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ của tuổi trẻ Tam Vinh. Sau 3 năm thực hiện, cả 3 chi đoàn đều triển khai mô hình này rất hiệu quả” – bà Trang cho biết.
Tại thôn Tân Quý, chi đoàn thôn đã phát động trong thanh niên, đoàn viên thu gom ve chai và giấy vụn bán lấy tiền tạo quỹ, từ đó hỗ trợ cho em Phạm Thị Yến Nhi 300 ngàn đồng/quý, giúp em trang trải trong cuộc sống.
Những khó khăn của em Trần Thị Mỹ Nhân đã vơi đi phần nào nhờ sự san sẻ của đoàn viên Chi đoàn thôn Lâm Môn. Ảnh: Đ.Y
Tương tự, Chi đoàn thôn Lâm Môn cũng đăng ký giúp đỡ đoàn viên Trần Thị Mỹ Nhân có gia cảnh khó khăn. “Mỗi quý chi đoàn hỗ trợ cho em 300.000 đồng và em dành dụm số tiền này phòng khi cần dùng đến trong học tập. Ngoài ra, chi đoàn thôn còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ em xe đạp, học bổng, sách vở, quần áo… Điều này giúp em có điều kiện học tập tốt hơn” – Mỹ Nhân nói.
Không chỉ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn một cách thường xuyên, cả 3 chi đoàn còn tận dụng các nguồn kinh phí có được từ mô hình thu gom ve chai và giấy vụn để giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Các chi đoàn còn thay phiên đến thăm hỏi tặng quà các hoàn cảnh neo đơn khó khăn các dịp lễ, tết, làm đường giao thông nông thôn, trồng cây xanh… để tăng cường khối đoàn kết ở các thôn, xây dựng quê hương.
Video đang HOT
Các dịp lễ tết, các chi đoàn đều đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình nghèo. Ảnh: Đ.Y
“Ngoài ra, các chi đoàn luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách. Chúng tôi xác định tham gia các việc có ích là cách giáo dục về lòng nhân ái và lối sống tích cực cho các bạn trẻ. Hy vọng rằng các bạn đoàn viên, thanh niên của xã sẽ tiếp tục phát triển mô hình đáng tự hào này. Và truyền cảm hứng cho nhiều tổ chức và cộng đồng khác tham gia vào các hoạt động thiện nguyện tại xã Tam Vinh” – Bí thư đoàn xã Tam Vinh Nguyễn Thị Thu Trang nói.
Làm dâu Thụy Sĩ, cô gái Việt vẫn lo cơm cho trăm trẻ vùng cao
Chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi, Quỳnh Anh đã trở thành cầu nối để hỗ trợ bữa ăn cho 99 đứa trẻ và 14 cụ già neo đơn.
Hoàng Quỳnh Anh hiện sống ở Thụy Sĩ cùng chồng.
Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở Nghệ An, Quỳnh Anh hiểu hơn ai hết những buồn tủi và thiếu thốn của một đứa trẻ nghèo thời thơ ấu. Những thiệt thòi ấy thậm chí còn gây ra những tổn thương trong tâm hồn cô suốt một thời gian dài khi đã trưởng thành.
Ý thức về sự nghèo khó của bản thân và gia đình, Hoàng Quỳnh Anh (SN 1989) khao khát kiếm tiền để thoát nghèo ngay khi học xong. Cô lăn lộn kinh doanh tự do ở TP.HCM suốt 11 năm trước khi sang Campuchia mở rộng thị trường. Ở đây, cô quen bạn trai người Thụy Sĩ mà bây giờ là chồng cô.
Cả hai sau đó kết hôn và trở về Thụy Sĩ sinh sống. Hiện tại, Quỳnh Anh vẫn làm kinh doanh tự do, trở thành một người sản xuất nội dung số với hàng trăm ngàn người theo dõi.
Cuộc sống đầy đủ vật chất và yên bình ở một đất nước châu Âu xinh đẹp không khiến cô lãng quên những phận đời kém may mắn ở quê nhà.
"Thời sinh viên, tôi cũng hay giúp những người khó khăn xung quanh, có lúc 5 ngàn đồng, 10 ngàn đồng thôi nhưng thấy vui lắm. Tôi nghĩ làm việc tốt thì không cần phải nhiều tiền, quan trọng nhất là những cảm xúc trong trái tim mình".
Những đứa trẻ Hà Giang là nhóm đầu tiên được dự án "Chân nhỏ đến trường" hỗ trợ nuôi cơm.
Là một đứa trẻ thoát nghèo thành công, Quỳnh Anh luôn cho rằng, con đường gần như duy nhất để thoát nghèo là giáo dục. Chính vì thế, có 2 thứ mà cô luôn quan tâm trong hành trình làm thiện nguyện của mình, đó là trẻ em và giáo dục.
Sau một thời gian dài quan sát những cô giáo vùng cao ở Mèo Vạc, Hà Giang, Quỳnh Anh nhen nhóm ý tưởng nuôi cơm cho các em đi học. Cô muốn tận dụng kênh nội dung của mình, kêu gọi các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ.
Ý tưởng ban đầu của Quỳnh Anh là mỗi mạnh thường quân đóng góp tối thiểu 50 nghìn đồng/tháng. Cứ 10 mạnh thường quân thì sẽ có số tiền 500 nghìn đồng/tháng để hỗ trợ cho 1 đứa trẻ vùng cao.
Sau khi kêu gọi và hỗ trợ thành công cho những đứa trẻ đầu tiên, các cô giáo vùng cao đã đề xuất hỗ trợ thêm cho các cụ già neo đơn ở địa phương. Vượt quá sự mong đợi và kỳ vọng ban đầu, Quỳnh Anh nhận được sự tin tưởng của rất nhiều người - hầu hết là người Việt trong nước.
Cho đến nay, cô trở thành cầu nối để hỗ trợ bữa ăn cho 99 đứa trẻ và 14 cụ già neo đơn, mỗi tháng 500 nghìn đồng/người.
"Lúc đầu, tôi nghĩ mình chỉ có thể kêu gọi được cho 5 bé nhưng sau đó số lượng các mạnh thường quân tăng lên rất nhiều và trở thành một dự án như bây giờ.
Thậm chí, vẫn còn nhiều mẹ mong muốn được hỗ trợ các bé nhưng tôi đang để trong danh sách chờ vì chưa xác minh thêm được các trường hợp mới cần hỗ trợ", Quỳnh Anh chia sẻ.
60 suất quà được tặng riêng cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở Hà Giang.
Vì không ở Việt Nam nên hành trình làm thiện nguyện của cô dâu Thụy Sĩ cũng phải thông qua nhiều đầu mối từ xa. "Các hoàn cảnh khó khăn do các cô giáo lựa chọn. Lúc đầu, tôi nhờ các cô đến tận nhà mỗi bé để quay hình xác nhận hoàn cảnh. Sau đó, thấy các cô quá vất vả đi đường núi rừng nên tôi nhờ các cô xin xác nhận hộ nghèo ở từng xã. Tôi cũng thấy được những trăn trở và tấm lòng của các cô nên càng tin tưởng hơn".
Quỳnh Anh thú thật rằng, cô chưa từng biết cách thức hoạt động của các nhóm thiện nguyện khác, mà chỉ làm theo những gì mình cho là đúng và tốt nhất cho bọn trẻ. Sở dĩ, nhiều mạnh thường quân vẫn ở trong danh sách chờ được ủng hộ vì Quỳnh Anh không muốn lưu quỹ số tiền lớn. "Tôi chỉ nhận số tiền từng tháng, tháng nào sẽ chi tiêu tháng đó để tránh các tiêu cực về việc tồn dư tiền".
Trước rất nhiều sự việc bê bối xung quanh việc làm thiện nguyện, Quỳnh Anh cho biết cô cũng rất ngại những rắc rối ập đến.
Hiện tại, số tiền hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng được quy định rõ ràng các khoản chi tiêu cho 1 đứa trẻ, gồm: 270 nghìn cho 20kg gạo, 50 nghìn mắm muối, 180 nghìn thức ăn mặn thay đổi mỗi tháng.
"Giá cả của từng món đều được đối chiếu với các sạp bán lẻ ở vùng cao. Bên cạnh đó, ê-kíp của tôi cũng đang hoàn thành các số liệu và thông tin trên một file drive để mọi người luôn có thể tự kiểm tra. Tôi cũng yêu cầu cô giáo lập một tài khoản ngân hàng mới để tiện cho việc sao kê và minh bạch tiền".
"Tôi nghĩ ai cũng sợ những chuyện không hay cho mình, nhưng tôi tin là nếu mình làm điều gì đó bằng cả tấm lòng và trái tim thì nhất định sẽ có những kết quả tốt đẹp. Dù có thể sẽ có những lời ác ý nhưng tôi tin bản thân mình ngay thẳng thì mọi chuyện sẽ có con đường", Quỳnh Anh bộc bạch.
"Tôi luôn khuyên mọi người lựa chọn số tiền vừa sức mình để có thể đi lâu dài hơn với các bé", Quỳnh Anh chia sẻ.
Quỳnh Anh chia sẻ, cô khá bất ngờ khi nhận được nhiều sự tin tưởng từ những người xa lạ, chỉ biết cô qua những video. "Tôi thật sự rất xúc động và biết ơn. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng nhất để tôi dám thực hiện những điều to lớn hơn chút nữa, ước mơ xa hơn chút nữa".
Cô gái Nghệ An tin rằng, trong sâu thẳm mỗi người luôn mong muốn được chia sẻ với cộng đồng. Đó cũng là lý do cô chọn mức hỗ trợ khá thấp để kêu gọi - 50 nghìn đồng/tháng, để ai cũng có cơ hội được bày tỏ tình yêu thương của mình với những hoàn cảnh khó khăn hơn.
"Có nhiều mẹ ủng hộ nhiều hơn nhưng tôi luôn khuyên mọi người lựa chọn số tiền vừa sức mình để có thể đi lâu dài hơn với các bé. Đó mới là điều quan trọng nhất", cô nói.
Mới đây, Quỳnh Anh thông báo đã lập một quỹ từ thiện riêng có tên là Edelweiss - được đặt theo tên một loài hoa màu trắng mọc nhiều ở dãy núi Alps. "Tôi sợ rằng sau một thời gian số lượng mạnh thường quân sẽ giảm, các bé sẽ mất đi nguồn hỗ trợ. Nên tôi lập quỹ này ra để có thể tự mình tích cóp tiền trong kinh doanh, bù vào các khoản thiếu hụt. Xa hơn, nếu được, tôi có thể làm các tủ thuốc tại mỗi điểm trường vùng cao. Lâu dài hơn nữa là cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.
Quỹ này là của riêng vợ chồng tôi, hoạt động độc lập với dự án Chân nhỏ đến trường mà chúng tôi và các mạnh thường quân đang thực hiện ở Hà Giang", Quỳnh Anh chia sẻ về các dự định thiện nguyện trong tương lai.
"Tôi đã luôn cố gắng làm những gì mình có thể cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong suốt một thời gian dài. Tôi luôn nghĩ đó là việc mình nên làm để thấy bản thân có trách nhiệm với cuộc sống và giữ được cho mình một trái tim biết khắc khoải yêu thương. Cứ làm thôi, làm theo sức của mình, làm đúng và làm chắc chắn nhất có thể là được".
Dùng xô để đong gạo hỗ trợ, cán bộ xã bị kỷ luật Thay vì dùng cân để cân chuẩn xác số lượng gạo cần cấp, cán bộ xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định lại dùng xô đo lường khiến cho hơn 800kg gạo hỗ trợ nhân dân dịp Tết Nguyên đán trong 3 năm bị dư, ẩm mốc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào các ngày 9, 10, 13/2/2023, chính quyền...