Thanh niên 21 tuổi vẫn nguy kịch vì sốt xuất huyết
Nam thanh niên 21 tuổi có nền bệnh di truyền, dẫn tới bị sốc, suy đa cơ quan và vỡ hồng cầu.
Nam bệnh nhân được điều trị tích cực suốt 32 ngày do sốt xuất huyết Dengue nặng. Ảnh: BVCC.
Sáng 22/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân nam bị sốt xuất huyết Dengue nặng, dẫn đến thiếu máu tán huyết, suy đa cơ quan.
Trước đó, nam thanh niên có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, tự mua thuốc giảm đau uống nhưng không bớt. Đến ngày mắc bệnh thứ 4, gia đình đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng sốt cao, đau cơ, nước tiểu đỏ toàn dòng. Bệnh nhân có thể trạng thừa cân.
Thời điểm nhập viện, thanh niên vẫn sốt cao, li bì, tụt huyết áp, thở nhanh, vàng da. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng thể não, sốc, tổn thương gan nặng, tán huyết cấp.
Bác sĩ lập tức điều trị thở máy, chống sốc tích cực, hỗ trợ gan và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân tán huyết.
Video đang HOT
Những ngày sau đó, tình trạng sốc của bệnh nhân được kiểm soát nhưng tán huyết vẫn tăng nặng. Bệnh nhân bị suy gan, suy thận thiểu niệu, vàng da. Nam thanh niên được chẩn đoán tán huyết do thiếu men G6PD.
Bác sĩ tiếp tục chỉ định thay huyết tương, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu, truyền thuốc để ổn định huyết động, điều chỉnh điện giải, cân bằng dịch.
Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, suy thận hồi phục, có nước tiểu, vàng da giảm, hết tán huyết. Sau 32 ngày điều trị, nam thanh niên hồi phục, được cai máy thở, tự ăn uống.
Theo y văn, thiếu men G6PD, biểu hiện bằng định lượng men G6PD thấp, là một bệnh lý di truyền. Đa phần bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng hoặc biểu hiện nhẹ nếu mức độ thiếu men G6PD không nhiều.
Tuy nhiên, trong số ít trường hợp, bệnh nhân sẽ vào đợt tán huyết cấp (vỡ hồng cầu) khó kiểm soát sau khi bị nhiễm trùng nặng hoặc sử dụng các thuốc có tính oxy hóa cao. Lúc này, hồng cầu vỡ hàng loạt, gây thiếu máu cấp, có thể dẫn đến tử vong nếu không kiểm soát kịp thời.
Đây là một trong số những trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, suy đa cơ quan điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong thời gian vừa qua.
Các bác sĩ nhận định khuynh hướng sốt xuất huyết Dengue có thể xuất hiện ở người lớn với các biểu hiện nặng nề như sốc, xuất huyết hoặc suy cơ quan dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, trên các cơ địa béo phì, có các bệnh lý nền (tim, thận, gan, bệnh lý máu, thai kỳ,…), diễn tiến của sốt xuất huyết Dengue cũng có thể trở nên phức tạp trong quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên chủ động phòng tránh mắc bệnh bằng cách ngăn ngừa muỗi đốt (ngủ màn, dùng thuốc thoa phòng muỗi đốt), diệt lăng quăng.
Trong trường hợp sốt cao trên 2 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc sốt kèm mệt mỏi, vàng da, nôn ói, người bệnh cần được đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
6 dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng
Hạ sốt, thân nhiệt giảm là dấu hiệu cần lưu ý vì không chắc người bệnh sốt xuất huyết đã qua giai đoạn nguy hiểm.
Nhiều người thường gãi vì ngứa khi bị muỗi đốt nhưng điều này càng khiến vết đốt dễ sưng hơn. Ảnh: Healthily.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và thậm chí gây tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết Dengue tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. Theo ước tính, 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue hàng năm ở trên 100 quốc gia có bệnh dịch lưu hành, tức gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết Dengue gây ra các triệu chứng như cúm, kéo dài 2-7 ngày, xảy ra sau 4-10 ngày bệnh nhân bị muỗi mang mầm bệnh đốt.
Bệnh có triệu chứng điển hình là sốt cao (có thể từ 39 đến 40 độ C) và đi kèm các biểu hiện như đau đầu, đau hốc mắt, buồn nôn hoặc nôn, nổi hạch, đau cơ xương khớp, phát ban.
Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên. Lúc này, thân nhiệt sẽ giảm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục.
Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới 6 dấu hiệu cảnh báo gồm: Đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, bồn chồn. Đây có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue nặng.
Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất. Bệnh có thể gây ra biến chứng gồm thất thoát huyết tương, dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp. Một biến chứng khác của bệnh là gây chảy máu nặng dẫn đến tổn thương tạng.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết Dengue. Vì thế, khi nghi ngờ bản thân bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đi kiểm tra tại các cơ sở y tế, nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Khi sốt cao, bệnh nhân có thể uống paracetamol để giảm sốt và làm dịu cơn đau khớp. Ngoài ra, tuyệt đối không nên uống các loại thuốc aspirin và ibuprofen vì 2 loại này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết, khiến bệnh nặng hơn.
Tỷ lệ mắc tiểu đường tăng cao, nhiều biến chứng nguy hiểm Tỷ lệ người Việt mắc mới đái tháo đường đang tăng rất nhanh, song còn không ít người chủ quan với căn bệnh này. Nhiều trường hợp tự ý bỏ thuốc dẫn đến nguy cơ xảy ra những biến chứng nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân tàn tật và thậm chí là tử vong. Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Quân, Phó Trưởng...