Thành lập Hội đồng Hòa bình và Hòa giải châu Á
Cựu Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi là thành viên của APRC – Ảnh: Reuters
Một nhóm các cựu lãnh đạo chính phủ, các nhà ngoại giao cao cấp và học giả đã lặng lẽ thành lập một tổ chức nhằm giúp dàn xếp các cuộc xung đột ở châu Á như các tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại biển Đông.
Việc thành lập Hội đồng Hòa bình và Hòa giải châu Á (APRC) diễn ra giữa lúc các nước ASEAN đang nỗ lực khôi phục sự đoàn kết sau những chia rẽ về vấn đề biển Đông.
Video đang HOT
Theo tờ Sydney Morning Herald vào hôm nay, 11.9, Mỹ đã mời ngoại trưởng các nước ASEAN gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại thành phố New York vào tháng này, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhằm thuyết phục ASEAN đạt thỏa thuận về biển Đông.
Trong chuyến dừng chân tại thủ đô Jakarta (Indonesia) vào tuần trước, bà Clinton đã kêu gọi ASEAN thể hiện sự đoàn kết trong việc tìm kiếm một thỏa thuận với Trung Quốc.
Theo tờ The Nation, APRC đã chính thức được thành lập và đặt trụ sở tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, nơi sẽ có một ban thư ký.
Các thành viên của hội đồng nói họ sẽ mang lại phương pháp ngoại giao “thầm lặng” để giải quyết các cuộc xung đột và cổ vũ hòa bình và hòa giải.
Được đề xướng bởi cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surakiart Sathirathai, các thành viên hội đồng bao gồm cựu Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi, cựu Thủ tướng Pakistan Shaukat Aziz, cựu Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta và cựu Ngoại trưởng Singapore Shunmugam Jayakumar.
Ông Surakiart nói hội đồng “có thể chọn tham gia vào bất kỳ tiến trình giải quyết xung đột nào, miễn là có sự chấp nhận của mọi bên liên quan”.
Các cuộc xung đột mà hội đồng này có thể cố gắng dàn xếp bao gồm xung đột tại Sri Lanka, tỉnh Aceh của Indonesia, miền nam Thái Lan và thế bế tắc tại biển Đông, theo ông Surakiart.
Ông Jayakumar nhấn mạnh rằng thành công của hội đồng sẽ phụ thuộc vào nền “ngoại giao thầm lặng”.
Theo tờ The Nation, vai trò của hội đồng dựa trên niềm tin rằng các mối quan hệ rộng lớn giữa các thành viên sẽ cho phép các bên xung đột tìm ra những kênh thông tin liên lạc, điều mà họ có thể sẽ không bao giờ kết nối được.
Giáo sư luật David Kennedy, giám đốc Viện Luật và Chính sách Toàn cầu của trường Luật Harvard (Mỹ), thành viên của hội đồng, phát biểu: “Giá trị tăng thêm của nhóm này là sự cống hiến dành cho châu Á. Có rất ít nhóm tập trung vào châu Á bao gồm những cá nhân có kinh nghiệm chính phủ song hiện ở ngoài chính phủ”.
Theo TNO