Thanh khoản các ngân hàng vẫn dồi dào
Các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra vẫn chưa cần đề xuất đến vấn đề tái cấp vốn bởi hệ thống thanh khoản của các tổ chức tín dụng còn khá dồi dào
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong thời điểm các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra, vẫn chưa cần đề xuất đến vấn đề tái cấp vốn bởi hệ thống thanh khoản của các tổ chức tín dụng còn khá dồi dào.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: BNEWS/TTXVN
“Theo quy luật từ sau Tết Nguyên đán, mức tăng trưởng tín dụng chưa nhanh, cùng với ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 thì tín dụng chưa hẳn đã tăng cao. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng chưa thiếu vốn đến mức cần tái cấp vốn”, Phó Thống đốc khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, công cụ tái cấp vốn không phải để thực hiện cho những đối tượng như vậy, mà tái cấp vốn chỉ là khoản hỗ trợ thanh khoản trong ngắn hạn.
“Nếu các tổ chức tín dụng thấy thiếu vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp chứ không cần phải tái cấp vốn trong thời điểm hiện nay”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, hiện tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, trong số đó 54% là dành cho các doanh nghiệp.
Vì vậy, với lo lắng về việc cho vay ưu đãi các khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng nợ xấu cho ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, bản chất của việc này không phải từ doanh nghiệp hay do ngân hàng tạo ra.
Lý giải về điều này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, khi nền kinh tế gặp khó khăn, các doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm do chịu sự tác động lớn từ dịch bệnh COVID-19 là nguyên nhân có tính khách quan có thể sẽ tạo ra nợ xấu nếu doanh nghiệp không trả nợ được ngân hàng.
Do vậy, để giảm bớt được nợ xấu trong thời gian tới, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng thì có sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp, các ngành để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh tốt, đạt được lợi nhuận…
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Dự thảo Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và một
số thông tư của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các đối tượng được giãn, hoãn hoặc xử lý không chuyển nhóm nợ trong thời điểm khó khăn do thiên tai, hoặc các tác động khách quan khác.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã có tác động đến một số lĩnh vực, ngành nghề khác như: dịch vụ du lịch, giao thông vận tải… nên để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cũng như các doanh nghiệp có được sự chủ động và đảm bảo cơ chế pháp lý trong giảm, hoãn hay giảm lãi vay thì cần phải có văn bản có tính chất pháp quy đó là Thông tư.
“Do đó Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu thực tế khó khăn của doanh nghiệp để ban hành thông tư nhằm bao quát được nhiều đối tượng và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tích cực mạnh dạn hoãn, giảm nợ hay giảm lãi vay cho các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19″, Phó Thống đốc nói.
Trong thời gian qua, để cùng chung tay với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của COVID-19.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 và đến ngày 31/3, cho đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này; cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra Dự thảo Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Theo dự thảo, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong các trường hợp. Đó là khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tiếp theo khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký./.
Video đang HOT
Thùy Dương
Theo BNEWS.vn
Tăng trưởng tín dụng đến ngày 4/10 đạt 8,95%
Đến ngày 4/10/2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018.
Tăng trưởng tín dụng đến ngày 4/10 đạt 8,95%
Ngày 11/10/2019, tại Quảng Ninh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ.
Theo thông tin từ hội nghị, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%. Đến ngày 4/10/2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018.
Riêng vùng KTTĐ Bắc Bộ, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của trên 80 TCTD và gần 320 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn vùng KTTĐ Bắc Bộ, huy động vốn để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng luôn tăng trưởng với số dư huy động bình quân gấp hơn 1,5 lần dư nợ tín dụng.
Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% so với 31/12/2018 và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4%; dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng đạt chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%.
Dư nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 443 nghìn tỷ đồng, tăng 12,44% so với cuối năm 2018.
Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù, tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp,
Ngoài ra, ngàn ngân hàng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tổ chức tín dụng, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Hướng dẫn thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo Dự thảo Thông tư, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với...