Thanh Hóa nhận 6 “súng” bùi nhùi bắt quái xế
Chiều 8/7, Viện Vũ khí (thuộc Tổng cục công nghiệp, Bộ Quốc phòng) bàn giao 6 ống phóng bùi nhùi cho Công an TP Thanh Hóa.
Đây là 6 ống phóng bùi nhùi được Viện Vũ khí nghiên cứu, chế tạo theo đơn đặt hàng của Công an TP.Thanh Hóa.
Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay, 6 ống phóng bùi nhùi đã hoàn thành với thiết kế gồm 1 ống phóng chứa lưới (dạng lưới đánh cá mắt nhỏ), phần báng súng chứa đạn nổ để đẩy lưới xa về phía trước và bộ phận ngắm bằng tia laser.
Hình ảnh thực nghiệm tại hiện trường ống phóng bùi nhùi. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp
Với thiết kế này, ống phóng bùi nhùi có thể đẩy lưới đi xa khoảng 30m và có độ chính xác cao.
Sau khi bàn giao, ngay tối 8/7, Công an TP.Thanh Hóa đã tổ chức thực nghiệm tại hiện trường. Khi bắn trúng gầm xe, bánh xe, lưới bám và cuốn vào may ơ, nan hoa… và bó chặt bánh khiến xe không thể di chuyển, từ từ dừng lại.
Theo 24h
Gặp người phát kiến "quăng lưới bắt xe"
Công an TP Thanh Hóa hiện vẫn sử dụng bùi nhùi bắt quái xế. Không nguy hiểm đến tính mạng?!
Việc sử dụng bùi nhùi (lưới đánh cá) bắt xe máy vi phạm của Công an TP Thanh Hóa được thực hiện từ cuối năm 2011 đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Pháp Luật TP.HCM đã trò chuyện với Trung tá Vũ Quốc Tường, Đội phó Đội CSGT TP Thanh Hóa, tác giả của phát kiến này.
Video đang HOT
Ban đầu định "dùng lưới quăng ra"...
- Ý tưởng sử dụng bùi nhùi bắt các đối tượng lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép trên địa bàn TP Thanh Hóa xuất hiện từ đâu? Có phải là cách cuối cùng khi công an bất lực trong ngăn chặn đua xe trái phép?
Tại TP Thanh Hóa, những năm qua, tình trạng đua xe trái phép đã trở thành vấn nạn. Chúng tôi đã sử dụng hàng loạt biện pháp nhưng đã có lúc chúng tôi cảm thấy bất lực với các đối tượng. Tôi đọc một số tài liệu viết về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã từng sử dụng bùi nhùi chặn xe để lấy tài liệu mật cho ta và ý tưởng hình thành từ đó. Tôi quyết định về thị xã Sầm Sơn mua lưới đánh cá của ngư dân về sử dụng. Lúc đầu chỉ nghĩ dùng lưới quăng ra tạo thành vật cản để bắt các đối tượng. Nhưng trong quá trình thử nghiệm cho xe máy chạy với các tốc độ khác nhau, khi quăng bùi nhùi vào bánh sau của xe máy thì xe chạy chậm lại và dừng hẳn. Khi thấy đảm bảo thì chúng tôi đưa vào bắt các đối tượng đua xe.
- Trước khi thực hiện thí điểm ông có nghĩ phương pháp này sẽ có nhiều tranh cãi không? Liệu cách này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của các đối tượng và người tham gia giao thông hay không?
Có thể dư luận chưa hiểu hết nên có một số đánh giá sai lệch về việc Công an TP Thanh Hóa sử dụng bùi nhùi, bởi vì bản chất của bùi nhùi khi mắc vào moay ơ, lò xo làm chậm dần đều đến khi dừng hẳn. Có đối tượng chúng tôi phải đuổi 200-300 m xe mới dừng thì làm sao khẳng định là dừng đột ngột gây nguy hiểm cho đối tượng đua xe. Bản chất của đua xe là cực kỳ nguy hiểm. Nguy hiểm đối với các chiến sĩ làm nhiệm vụ, đối với người đi đường và bản thân các đối tượng đua xe. Tôi cho rằng việc sử dụng bùi nhùi bắt quái xế đến thời điểm này vẫn là biện pháp tốt để ngăn chặn đua xe và khá an toàn.
Trung tá Vũ Quốc Tường, Đội phó Đội CSGT TP Thanh Hóa
Chỉ sử dụng với đối tượng đua xe
- Có ý kiến nói ở một vài chỗ Công an TP Thanh Hóa sử dụng bùi nhùi đối với tất cả trường hợp vi phạm luật giao thông, trong khi hiện nay biện pháp này chưa được đưa vào luật mà công an chỉ được làm những gì luật pháp cho phép?
Chúng tôi chỉ sử dụng bùi nhùi với các đối tượng đặc thù là đua xe. Các trường hợp bình thường đều thực hiện theo những gì luật cho phép.
- Sau khi im ắng một thời gian, hiện Công an TP Thanh Hóa đã lại tiếp tục thực hiện biện pháp này với cách thức "cải tiến" hơn, thậm chí còn nhân rộng bằng cách tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các chiến sĩ về cách bắn bùi nhùi?
Chúng tôi đã cho dừng sử dụng bùi nhùi sau khi có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cũng chính trong khoảng thời gian đó, các đối tượng đua xe trái phép tăng lên từng ngày. Vì thế chúng tôi xin ý kiến cấp trên và quyết định cho sử dụng bùi nhùi trở lại. Lần này chúng tôi sử dụng bằng ống phóng bùi nhùi (súng bắn lưới), tiện lợi hơn, độ chính xác cao hơn, kể cả về mặt thẩm mỹ, đồng thời tập huấn kỹ lưỡng cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Các chiến sĩ CSGT có thể cầm đi bình thường và sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp.
Súng bắn bùi nhùi bước đầu được hoàn thiện đưa vào sử dụng
Không nguy hiểm đến tính mạng?!
- Ông có chắc là sẽ không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng, thưa ông?
Đến nay chưa có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng hay phải vào bệnh viện. Khi chúng tôi sử dụng bùi nhùi để bắt các đối tượng, cùng lắm là bị trầy xước da sơ sơ. Tôi khẳng định điều này là có cơ sở, vì đêm nào tôi cũng tham gia trực tiếp cùng anh em trong đội, không có chuyện xe tự ngã khi tiếp xúc với bùi nhùi như dư luận phản ánh. Ai không tin về đi cùng với chúng tôi sẽ thấy rõ!
- Dự án khoa học công nghệ ống phóng bùi nhùi vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, cho thấy tỉnh vẫn kiên trì thực hiện cách làm này. Vậy chuỗi hoạt động tiếp theo của dự án sẽ như thế nào để người dân yên tâm là nó sẽ an toàn?
Việc sử dụng ống phóng bùi nhùi là bước phát triển hơn trước, chính quy, hiện đại hơn nhưng cách bắt quái xế vẫn giống phương pháp thủ công. Chúng tôi bố trí lực lượng ở các điểm thường xuyên xảy ra đua xe, tiếp đó sử dụng bộ đàm để thông tin khi có đối tượng đua xe. Nếu các đối tượng bất chấp tín hiệu dừng lại, đâm trực diện vào lực lượng làm nhiệm vụ thì lúc này các chiến sĩ sẽ sử dụng ống phóng bùi nhùi bắn vào bánh sau xe máy làm giảm tốc độ, dễ dàng bắt được các đối tượng đua xe và rất an toàn.
Hàng chục xe "đi bão" bị Công an TP Thanh Hóa sử dụng bùi nhùi bắt giữ
Tôi làm vì lợi ích chung
- Làm công an, ông không chú tâm công việc, sao lại đam mê nghiên cứu?
Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để làm giảm thiểu tai nạn giao thông ở địa bàn được giao. Nếu để tai nạn giao thông gia tăng thì bản thân tôi cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với nhiều gia đình có người thân bị chết thì hậu quả để lại rất nặng nề, phải mất cả cuộc đời vết thương thậm chí vẫn chưa lành. Việc nghiên cứu ra ống phóng bùi nhùi cũng không nằm ngoài nhiệm vụ của chúng tôi.
- Vậy sáng kiến này đem lại lợi ích gì cho ông không?
Không có lợi ích cá nhân cho riêng tôi. Đến bây giờ tôi nghĩ dự án ống phóng bùi nhùi đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt sản xuất nhưng chưa hẳn được hầu hết mọi người đồng tình. Tôi làm vì lợi ích, an toàn cho các chiến sĩ, người dân và các đối tượng đua xe, mục đích cuối cùng giảm thiểu tai nạn giao thông.
- Thấy ông làm những điều bị dư luận phản đối, vợ con ông nói gì?
Lúc đầu rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân gia đình khuyên tôi nên dừng lại. Vợ tôi khuyên rằng: "Không nên sử dụng bùi nhùi bắt quái xế nữa. Lợi chẳng thấy đâu, không may xảy ra điều gì thì phải chịu trách nhiệm. Hay thì không ai khen mà dở thì bị kỷ luật, tước quân tịch đuổi ra khỏi ngành". Sau đó tôi đã dừng lại và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn, đặc biệt cơ quan cấp trên cho phép sử dụng sẽ an toàn hơn.
- Có bao giờ ông thấy chán nản, bỏ cuộc không?
Thời gian qua, báo chí đưa thông tin về việc Công an TP Thanh Hóa sử dụng bùi nhùi bắt quái xế gây nguy hiểm là không chính xác về bản chất. Và cũng chính thời điểm ấy, tôi rất áp lực và muốn bỏ cuộc, muốn dừng lại. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu bỏ cuộc thì các đối tượng đua xe trái phép sẽ lại tiếp tục, trong khi chưa có biện pháp nào hiệu quả chặn xe đua hơn việc sử dụng bùi nhùi. Vì thế tôi quyết tâm theo dự án và tin tưởng dự án của mình sẽ thành công.
- Xin cảm ơn ông!
Ngày 11/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền, đã đồng ý, phê duyệt dự án khoa học công nghệ ống phóng bùi nhùi để trang bị cho cảnh sát làm nhiệm vụ chống đua xe, bắt cướp. Theo dự án này, việc sử dụng ống phóng bùi nhùi sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực, hiện đại, chính quy, khoa học hơn trong việc chặn đứng tình trạng đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.
Trước đó, vào cuối năm 2011, Công an TP Thanh Hóa đã nghiên cứu, đề xuất sử dụng bùi nhùi để bắt quái xế đã gây nên nhiều tranh cãi xung quanh dự án này. Tiếp đó vào cuối năm 2012, Công an tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Công an TP Thanh Hóa phối hợp với Cơ quan nghiên cứu khoa học - Bộ Quốc phòng (Z111) của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, hoàn thiện ống phóng bùi nhùi.
Theo 24h
Thanh Hóa: Chỉ dùng lưới để bắt đua xe Trung tá Mỵ Duy Xuân- đội trưởng Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa Đó là khẳng định của trung tá Mỵ Duy Xuân - đội trưởng Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa - khi trao đổi với PV sáng 9/1 về việc Công an TP sử dụng các bó bùi nhùi để chống, bắt các "quái xế" đua xe trái phép,...