Thành công và thất bại ngoại giao Nga trong năm 2013
Đã trở thành một thông lệ, khi một năm sắp khép lại cũng là lúc giới phân tích tiến hành tổng kết những hoạt động đối ngoại quan trọng của nước Nga. Với đặc thù là nhà nước liên bang và thể chế cộng hòa tổng thống, ông Putin có vai trò đặc biệt quan trọng đằng sau những thành công và cả thất bại đối ngoại của Liên bang Nga trong hơn 1 năm trở lại cầm quyền.
Bối cảnh ông Putin trở lại làm tổng thống
Ông Putin trở lại nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 3 trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế không nhiều thuận lợi. Tỷ lệ ủng hộ ông Putin tại cuộc bầu cử thấp hơn so với hai nhiệm kỳ trước. Ngay sau bầu cử, tại Moskva và các thành phố lớn diễn ra các cuộc biểu tình chống chính quyền. Có thời điểm chính quyền trung ương còn tỏ ra lúng túng trong việc kiểm soát tình hình.
Cùng lúc đó có thông tin cho rằng ông Putin không thực sự hài lòng với cách xử lý nhẹ tay với các lực lượng tự do cấp tiến của Thủ tướng Medvedev. Mặc dù khả năng xảy ra cách mạng màu ở Nga là rất thấp song nhìn chung tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với đảng cầm quyền nước Nga thống nhất nói chung và cá nhân ông Putin nói riêng có giảm. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Nga chưa thoát khỏi khủng hoảng, ảnh hưởng lớn đến việc thực thi các cam kết ông Putin đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Trên bình diện quốc tế, hơn 1 năm ông Putin cầm quyền là khoảng thời gian tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, vị thế và uy tín của Nga bị thử thách cùng lúc trên nhiều mặt trận.
Trong bối cảnh như vậy, ông Putin mặc nhiên chịu nhiều áp lực. Một mặt, ông phải làm mới mình và thể hiện phẩm chất khác 2 nhiệm kỳ trước, hay nói theo thuật ngữ tin học, ông chủ điện Kremlin phải là Putin phiên bản 3.0. Mặt khác, phải đạt được thành công lớn trong cả đối nội và đối ngoại, đáp ứng yêu cầu của cường quốc Nga và cá nhân ông Putin nếu muốn tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2018. Và cuối cùng là khắc phục tâm lý mệt mỏi trong người dân và chống lại làn sóng chỉ trích từ bên ngoài, đặc biệt là phương Tây về việc ông tham quyền cố vị, nhất là sau làn sóng dân chủ tại Trung Đông, Bắc Phi.
Những thành công
Video đang HOT
Trao đổi với người viết bài này, ông Alexay Fenenko – Phó tiến sỹ lịch sử, chuyên viên khoa học cao cấp Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế, đồng thời là giảng viên bộ môn các mối quan hệ quốc tế tại hai trường đại học danh tiếng của Nga là Học viện ngoại giao và Đại học tổng hợp quốc gia Moskva (MGU) – cho rằng, trong số các thành công nổi bật của Nga trong hơn 1 năm ông Putin cầm quyền, có thể kể đến một số điểm nhấn sau:
Ông Alexxay Fenenko.
Thứ nhất, Nga đưa ra và thực hiện dự án thành lập liên minh Á-Âu. Đây được coi là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của Nga giai đoạn 2012-2018. Trên thực tế, Nga bước đầu đã đạt được thành công qua việc vận hành Liên minh hải quan (giữa Nga-Belarus và Kazakhstan), đạt được thỏa thuận về đối tác chiến lược và hội nhập với Uzbekistan, Tadjikistan, Armenia, Moldova. Bên cạnh đó, những tháng gần đây Ấn Độ, Iran, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Liên minh hải quan thông qua hình thức thành lập khu tự do thương mại.
Thứ hai, trong vụ Snowden, ông Putin đã cho thấy Nga không sợ áp lực và những lời đe dọa của Mỹ và là quốc gia duy nhất trên thế giới dám đứng ra bảo vệ khái niệm “tự do và nhân quyền” mà Mỹ lâu nay vẫn ra sức cổ xúy. Có thể nói việc Nga dám cấp quy chế tị nạn chính trị cho Snowden, nhân vật bị Mỹ gọi là “kẻ phản quốc”, trong khi Trung Quốc khéo léo tìm lí do xua đuổi và một số quốc gia khác chỉ dừng lại ở việc ủng hộ bằng lời nói, đã làm Mỹ mất thể diện nghiêm trọng và ghi điểm lớn cho ông Putin.
Thứ ba, lập trường cứng rắn và nhất quán của Nga đối với Trung Đông đã góp phần nâng cao uy tín và ảnh hưởng của Nga ở khu vực này. Sau thành công của điện Kremlin ngăn chặn kịch bản can thiệp vũ lực vào Syria vào phút chót và đạt được thỏa thuận lịch sử với Iran, dư luận quốc tế ngày càng trông chờ ở Nga những giải pháp sáng kiến đối với các vấn đề quốc tế. Có thể nói trong vấn đề Syria, lần đầu tiên trong lịch sử dưới áp lực của Nga, Mỹ đã phải rút lại lời tuyên chiến và buộc phải thừ nhận vũ lực đôi khi không giải quyết được vấn đề. Tất nhiên, đằng sau vấn đề này còn có yếu tố khó khăn của nền kinh tế Mỹ, việc Anh từ chối tham gia và lập trường không nhất quán của Pháp và Đức, song những nỗ lực của nền ngoại giao Nga là không nhỏ.
Thứ tư, điều quan trọng hơn là bằng nỗ lực của Nga, cộng đồng quốc tế đang dần khôi phục lại vị thế trung tâm của LHQ và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các xung đột, tạo nền tảng cho việc xây dựng trật tự thế giới mới công bằng và minh bạch hơn, dần loại bỏ sự áp đặt hành động đơn phương trong các công việc quốc tế. Đây là mong muốn chung của tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình và là công cụ góp phần bảo vệ lợi ích của các nước nhỏ trong quan hệ với các cường quốc lớn.
Thứ năm, 2013 là năm EU thất bại cùng lúc trên nhiều mặt trận khi đánh mất vị thế nhân tố có ảnh hưởng ở Trung Đông, không thể đồng thuận với Mỹ trong vấn đề can thiệp quân sự vào Syria và chấp nhận giải quyết vấn đề Iran theo phần lớn các điều kiện Nga đưa ra. Dưới áp lực của Nga, Armenia, Belarus và Azerbajzan tuyên bố không tham gia hội nhập châu Âu và Ukraine đột ngột tạm dừng chương trình liên kết ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Vilnius.
Đây được coi là sự thất bại thảm hại của chương trình “Đối tác phương Đông” và cho thấy EU không còn đủ khả năng gây ảnh hưởng ngay cả đối với những nước láng giềng gần. Bên cạnh đó, việc EU đàm phán với Mỹ thành lập khu tự do thương mại xuyên Đại Tây dương chứng tỏ liên minh này đang dần đánh mất vai trò là một hình mẫu liên kết của thế giới và giảm tính độc lập trong các vấn đề kinh tế.
Cuối cùng, việc đăng cai tổ chức thế vận hội mùa đông tại Sochi cũng có ý nghĩa không nhỏ khi Nga cần sự kiện thể thao này nhằm đạt được sự thừa nhận của phương Tây đối với vấn đề Tresnia và hai vùng lãnh thổ Abkhadia và Bắc Osetia.
Và cả thất bại
Trong suốt lịch sử 20 năm kể từ khi Liên xô sụp đổ, Nga vẫn chưa đưa được Ukraine vào vòng ảnh hưởng tuyệt đối. Chiến thắng của Nga trước EU trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine mới chỉ mang tính chất tạm thời. Quan sát chính sách đối ngoại của Ukraine những năm gần đây có thể thấy bước đi của Kiev luôn rất khó dự đoán. Có luồng dư luận còn hoài nghi sự trung thành của ông Yanukovic với điện Kremlin. Bên cạnh sự củng cố vị thế tại không gian hậu Xô Viết, Nga gần như bất lực trước việc Uzbekistan ra khỏi tổ chức hiệp ước an ninh tập thể. Sự xâm lấn kinh tế, chính trị và văn hóa của Trung Quốc đối với một số nước láng giềng Trung Á ngày càng thể hiện xu thế rõ nét, trong khi Nga chưa đưa ra được biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Ông Fenenko và một số chuyên gia cho rằng Nga có thể sẽ trở thành “người chiến thắng bất đắc dĩ” ở Afganistan sau khi Mỹ và liên quân rút khỏi đây vào năm 2014. Lợi ích địa chính trị của Nga có thể phải đánh đổi bằng gánh nặng thế chỗ Mỹ đảm bảo an ninh ở khu vực, chống khủng bố, sản xuất và buôn bán ma túy.
Bên cạnh đó quan hệ với Mỹ rơi vào tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Trong hơn 1 năm ông Putin trở lại nắm quyền, Nga-Mỹ chưa có cuộc đối thoại cấp cao trực tiếp nào, ngoại trừ gặp bên lề các sự kiện quốc tế. Vấn đề cắt giảm vũ khí chiến lược và phòng thủ tên lửa có thể coi là đã rơi vào bế tắc hoàn toàn. Xu thế quan hệ hai nước hiện nay đi theo hướng tiếp tục chạy đua vũ trang. Điều này không có lợi cho Nga trong bối cảnh kinh tế chưa cho phép đối đầu trực diện với Mỹ.
Sự thay đổi tình hình ở EU cũng có xu hướng bất lợi cho Nga với việc Pháp dần giảm vai trò là trung gian dàn xếp quan hệ giữa Nga và Mỹ. Trong khi đó quan hệ Nga-Đức (đối tác lớn nhất của Nga tại châu Âu) cũng bị rạn nứt vì chương trình đối tác phương đông của EU và các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Anh, mặc dù lần đầu tiên trong lịch sử bất đồng quan điểm với Mỹ về cuộc chiến tại Syria song không có lợi cho Nga nếu London đứng ra làm trung gian dàn xếp quan hệ giữa Nga với phương Tây. Dưới thời Putin, quan hệ Nga-EU đi từ “đối tác chiến lược” (năm 2008) đến bờ vực chiến tranh lạnh như hiện nay.
Tại châu Á-TBD, cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung gần như chia rẽ khu vực này thành hai khối rõ rệt là Trung Quốc và các nước còn lại, trong đó không có vị trí nào dành cho Nga. Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và biển Đông là cơ hội tốt để Nga thể hiện vai trò và nâng cao vị thế, nhất là với Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippnines song Nga chưa tìm được cách thoát ra khỏi Hiệp định láng giềng và đối tác chiến lược ký với Trung Quốc ngày 16/6/2001 trong chuyến thăm của ông Putin. Hiệp định này quy định hai nước tham vấn chặt chẽ trong các vấn đề đối ngoại gây tranh cãi, ủng hộ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và không gây phương hại lợi ích của nhau trên trường quốc tế.
Theo Cao Cường
Baotintuc.vn