Tháng 11: Thị trường tiền tệ ổn định khi thông tin toàn cầu tích cực
Trong tháng 11, trên toàn cầu diễn ra nhiều sự kiện quan trọng với các thông tin tích cực. Nhờ đó, thị trường tiền tệ quốc tế dần ổn định hơn khi chỉ số DXY dao động trong khu vực 96 – 97 điểm, theo đó tỷ giá EUR/ USD gần như không đổi, tuy nhiên GPB đã mất 0,13% so với USD do sự chia rẽ sâu sắc trong Chính phủ Anh trước vấn đề Brexit.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tại châu Á, đà mất giá của nhân dân tệ đã được hãm phanh song JPY của Nhật tiếp tục tăng 0,56% so với USD.
Các nút thắt từng bước được tháo gỡ
Thời gian qua, nhiều sự kiện lớn diễn ra trong sự mong đợi của giới đầu tư. Tuần thứ hai của tháng, cuộc bầu cử tại Quốc hội Mỹ đạt kết quả như kỳ vọng khi Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện và Đảng Cộng hòa của tổng thống Donal Trump giữ quyền kiểm soát Thượng viện.
Bên cạnh đó, thông tin được thị trường mong chờ nhiều nhất, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã tạm lắng khi hai bên đạt được một số thỏa thuận tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Thông tin tại khu vực châu Âu, Anh và EU đã đạt những thỏa thuận sơ bộ về vấn đề Brexit sau thời gian dài bế tắc và Italy cũng lên kế hoạch cắt giảm mức ngân sách mục tiêu từ 2,4% GDP xuống 2% – 2,1% trước những động thái cứng rắn của EU.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán – SSI, các yếu tố nền tảng của nước Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu đã vững vàng hơn so với giai đoạn trước.
Trước đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ – FED liên tục nâng lãi suất khiến giới đầu tư gia tăng kỳ vọng vào mặt bằng lãi suất cao trong ngắn hạn đồng thời làm mất giá trái phiếu kỳ hạn ngắn, tạo cho đường cong lãi suất bị làm phẳng.
“Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng nhẹ trong tuần đầu tháng 11, sau đó giảm liên tục về mức 3,03%/năm, chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn thu hẹp về mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Lần gần nhất đường cong lãi suất phẳng như hiện nay là giai đoạn 2006-2007.”
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Linh cho biết thêm: “Ngày 28/11, Chủ tịch FED mặc dù khẳng định lãi suất vẫn tăng trong tháng 12 nhưng đã đưa nhận định lãi suất cơ bản của USD đã gần sát mức trung lập. Điều này đã tác động lên giới quan sát với kỳ vọng tốc độ thắt chặt có thể giảm dần trong năm 2019, nhờ đó mà chênh lệch lợi tức các kỳ hạn của trái phiếu Mỹ cũng có thể được nới rộng ra đôi chút.”
Tỷ giá trung tâm và tỷ giá chính thức thu hẹp khoảng cách
Tại thị trường trong nước, tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá trung tâm thêm 24 đồng, gấp đôi so với mức nâng trong tháng Mười, hiện ở mức 22.750 VND/USD. Tuy nhiên, tỷ giá chính thức đã lùi 25 đồng về mức 23.275 – 23.365 VND /USD và tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm 60 đồng – 65 đồng về mức 23.405/23.420 VND /USD.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ giá giữa VND và USD trong tháng khá ổn định do hiệu quả của việc điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tám đồng tiền chủ chốt, cùng với dự trữ ngoại hối dồi dào đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cuối năm của các doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, ông Linh phân tích, bên cạnh yếu tố hỗ trợ từ cuộc gặp Mỹ -Trung và chênh lệch lãi suất VND/USD vẫn duy trì ở mức cao (trên 2%/năm), việc Ngân hàng Nhà nước triển khai bán kỳ hạn ngoại tệ (ngày 23 và 26/11) đã có tác động khá lớn về mặt tâm lý và làm giảm bớt nhu cầu nắm giữ ngoại tệ cũng như tài trợ thanh khoản tiền đồng cho các ngân hàng thương mại.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai lấy ý kiến cho Dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 24/2015/TT-NHNN theo hướng thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trên cơ sở làm chi tiết thêm về kỳ hạn và mục đích vay.
“Nhờ đó, tỷ giá USD/VND duy trì ổn định và giảm nhẹ về cuối tháng,” ông Linh nói.
Thận trọng về cuối năm
Tuy nhiên tại chặng cuối của năm, các nhà phân tích bắt đầu có cái nhìn thận trọng hơn đối với thị trường trong nước.
Theo các báo cáo thống kê gần đây, nguồn thu ngoại tệ có dấu hiệu sụt giảm khi cán cân thương mại trong tháng 11 thâm hụt khoảng 0,4 tỷ USD, giải ngân vốn FDI trong tháng là 1,4 tỷ USD, giảm 0,45 tỷ USD so với tháng trước. Song nhìn chung, tổng vốn FDI giải ngân 11 tháng của năm vẫn đạt 16,5 tỷ USD, vẫn tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Linh cảnh báo, việc tỷ giá USD/VND được giữ ổn định trong bối cảnh USD lên giá mạnh trong thời gian dài đã khiến cho VND lên giá trong mối tương quan với các đồng tiền khác. Cụ thể, ông này chỉ ra “từ tháng 6 đến nay, VND đã tăng giá với tiền tệ các nước đối tác quan trọng, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU lượt là 5,6%, 2%, 1,2% và 0,4%.
Thêm vào đó, bà Trần Trà My, Chuyên viên phân tích bộ phận Kinh tế vĩ mô, Công ty Chứng khoán MBS cũng nhấn mạnh “sau đà xuất siêu liên tiếp 10 tháng đầu năm, cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu cho thấy dấu hiệu nhập siêu đã trở lại và điều này có thể tạo áp lực lên VND trong thời gian tới”./.
Theo vietnamplus.vn
Bao giờ bỏ được trần lãi suất?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết việc áp dụng trần lãi suất huy động là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhưng khi hệ thống tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn, lành mạnh hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục xem xét dỡ bỏ những biện pháp không cần thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng cần dỡ bỏ trần lãi suất huy động. Nguồn: Internet
Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu việc NHNN tiếp tục biện pháp hành chính quy định trần lãi suất huy động không còn hiệu quả và phi thị trường, đồng thời đặt câu hỏi cho Thống đốc NHNN sẽ có giải pháp gì trong vấn đề này?
Lâu nay, việc dỡ bỏ trần lãi suất huy động đã được nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng kiến nghị. Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ bỏ trần lãi suất.
Hai quan điểm trái ngược
Trong một hội thảo của ngành ngân hàng gần đây, trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia cho rằng mỗi biện pháp quản lý của Nhà nước đều phục vụ cho một mục tiêu nhất định. Việc giữ trần lãi suất đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô sẽ không xảy ra tình trạng các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, phá vỡ thị trường như thời điểm năm 2011.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, lạm phát ở mức thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào.. đây là những điều kiện để NHNN có thể cân nhắc bỏ trần lãi suất huy động.
TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cho rằng hiện nay hầu như không có nước nào trên thế giới áp trần huy động. Vì vậy, Việt Nam cũng nên theo thông lệ quốc tế, dỡ bỏ trần lãi suất huy động.
Hiện nay, theo quy định của NHNN, lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị giới hạn bởi trần lãi suất mà do tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận. Riêng lãi suất huy động từ 6 tháng trở xuống, từ tháng 10/2014 đến nay đang được NHNN áp trần 5,5%.
Trước đó, thời điểm năm 2013, NHNN công bố giảm mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng tiền đồng của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 6%/năm.
Theo số liệu công bố của NHNN, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác lại cho rằng cần tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, quy định mức lãi suất hợp lý để định hướng kỳ vọng lạm phát và đảm bảo tính linh hoạt áp dụng (lãi suất tại Việt Nam đang gánh vác nhiều trọng trách như kỳ vọng lạm phát, tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp...).
Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 1/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Cúc, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN hoàn toàn ủng hộ quan điểm của đại biểu về việc hướng tới nền kinh tế thị trường, giảm dần các biện pháp hành chính, đặc biệt là xác lập các lãi suất thị trường.
Chờ thời điểm thích hợp
Thống đốc NHNN cho biết năm 2011, thị trường có những diễn biến không thuận lợi đã ảnh hưởng khá mạnh đến ổn định an toàn kinh tế vĩ mô và hoạt động của hệ thống ngân hàng, nên NHNN đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với VND cho các kỳ hạn.
"Tuy nhiên, sau khi hoạt động thị trường đã thông suốt hơn, NHNN đã tiến hành dỡ bỏ quy định này. Hiện nay chỉ còn áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng", Thống đốc nói.
Tư lệnh ngành ngân hàng cho rằng việc áp dụng trần lãi suất cũng có những cơ sở thực tiễn. Thứ nhất, cấu trúc và cơ chế thị trường tài chính ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, trong bối cảnh thị trường vốn hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho nên việc sử dụng có chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp với các biện pháp hành chính vẫn là biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động thị trường tiền tệ.
Thứ hai, số lượng các tổ chức tín dụng của Việt Nam tương đối nhiều, nhưng chất lượng các tổ chức tín dụng chưa đồng đều, việc áp dụng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng được duy trì và ấn định ở mức hợp lý và bám sát cung - cầu thị trường sẽ có tác dụng giữ ổn định và phát triển tiền tệ và cũng giữ được tâm lý kỳ vọng về lạm phát.
Thứ ba, hiện nay, ngành ngân hàng vẫn đang trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nên việc duy trì trần lãi suất cũng là hỗ trợ cho thị trường tiền tệ.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: "Với kết quả hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, việc áp dụng trần lãi suất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhưng khi hệ thống tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn, lành mạnh hơn, NHNN sẽ tiếp tục xem xét dỡ bỏ những biện pháp không cần thiết".
Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn
Quý IV, lường sớm khả năng lãi suất tăng Biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ luôn có mối liên hệ tức thời với diễn biến trên thị trường chứng khoán. Lãi suất tăng sẽ làm tăng sức hút dòng tiền vào ngân hàng và đây được cho là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng,...