Thân nhân cầu mong máy bay Malaysia mất tích bị không tặc
Ngày 14.3, người thân của những hành khách Trung Quốc trên máy bay mất tích của hãng Malaysia Airlines vẫn còn hy vọng máy bay này bị cướp trên không và những người thân của họ có thể còn sống sót ở nơi nào đó.
Thân nhân hành khách Trung Quốc dự cuộc họp báo do hãng Malaysia Airlines tổ chức tại khách sạn Lido, thủ đô Bắc Kinh ngày 14.3 – Ảnh: AFP
Máy bay Boeing 777-200 chở 239 người, trong đó có 153 người Trung Quốc, biến mất một cách bí ẩn khỏi màn hình radar kể từ ngày 8.3 sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) để đến Bắc Kinh.
Video đang HOT
“Chúng tôi muốn biết liệu rằng có khả năng máy bay bị cướp, đó chính điều chúng tôi hy vọng nhất vào thời điểm bây giờ”, một người phụ nữ cho AFP biết vào ngày 14.3. Người phụ nữ này có người thân trên máy bay của Malaysia Airlines mất tích.
Có khoảng 300 người thân các hành khách mất tích tập trung ở khách sạn Lido tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để được cập nhật thông tin về máy bay mất tích vào ngày 14.3.
Một số người khác cũng bày tỏ hy vọng máy bay này bị cướp trên không và những người thân của họ có thể còn sống sót ở nơi nào đó.
Họ đã bày tỏ sự bức xúc trước cách cập nhật thông tin về máy bay mất tích từ phía Malaysia Airlines và chính quyền Malaysia.
Reuters ngày 14.3 dẫn các nguồn tin cho rằng radar quân đội cho thấy chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines đã được lái băng qua bán đảo Malaysia hướng về quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ Ấn Độ cho rằng quần đảo này là thiên đường ẩn náu của các tổ chức khủng bố.
Phúc Duy
Theo TNO
Tướng Trung Quốc mượn cớ đòi xây cảng ở Trường Sa
Lợi dụng vụ máy bay Boeing 777-200 của Malaysia mất tích bí ẩn, Đô đốc hải quân Trung Quốc Doãn Trác ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh cần xây thêm cảng tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để phục vụ cái gọi là "chiến dịch cứu hộ".
ảnh minh họa
Trang tin China.org.cn dẫn lời ông Doãn biện hộ rằng hiện nay hải quân Trung Quốc không có cơ sở cứu hộ tại các quần đảo do họ chiếm đóng ở biển Đông nên khó triển khai tàu cứu hộ khi cần. Chưa hết, ông này còn đề xuất xây dựng một sân bay ở Trường Sa và biến quần đảo Hoàng Sa, cũng thuộc chủ quyền Việt Nam, thành trung tâm liên lạc biển trong khu vực. Theo giới quan sát, đề xuất của ông Doãn không chỉ đơn thuần nhằm phục vụ công tác cứu hộ mà để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng trong ngày 10.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tân Cương ngang nhiên tuyên bố tàu công vụ nước này vừa đuổi 2 tàu Philippines khỏi bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tân Hoa xã dẫn lời ông Tần nói rõ trong lúc tuần tra bãi Cỏ Mây vào ngày 9.3, tàu Trung Quốc phát hiện 2 tàu mang cờ Philippines chở vật liệu xây dựng đang tiến đến đó và đã ra cảnh báo yêu cầu họ rời khỏi. Philippines chưa có phản ứng về vụ việc này.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan an ninh Đài Loan thông báo giới chức vùng lãnh thổ này đã nhận được cảnh báo về nguy cơ đe dọa tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục hồi đầu tháng này. Các mục tiêu tấn công có thể là sân bay quốc tế Bắc Kinh và hệ thống xe điện ngầm. Theo CNA, cảnh báo trên đang được giới chức Bắc Kinh xem xét nghiêm túc. Tuy nhiên, Đài Loan cũng cho rằng nó không liên quan đến vụ máy bay mất tích.
Theo TNO