Thân em như hạt mưa sa
“Tôi 33 tuổi, làm kế toán doanh nghiệp. Tôi đã từng kết hôn 8 năm trước, nhưng hiện đã ly hôn gần 1 năm. Chồng cũ của tôi làm ở văn phòng cơ quan nhà nước.
ảnh minh họa
Vợ chồng tôi bị vô sinh, đi khám bác sĩ nói tôi không có vấn đề gì, nhưng chồng tôi thì bị yếu tinh trùng. Song anh ta khăng khăng đó là lỗi của tôi chứ anh ta khỏe như vâm, mỗi tuần “lao động” cả chục lần vẫn không hề hấn gì…
Bác sĩ khuyên anh bỏ thuốc lá, bỏ rượu, chịu khó tập thể dục nhưng anh không hề tuân theo. Còn tôi vẫn nhẫn nại uống thêm thuốc bắc để tăng hy vọng có con. Do uống thuốc nên tôi cũng tăng cân khá nhiều. Không rõ vì chê tôi béo hay muốn chứng minh “hàng họ” tốt, khỏe mà chồng tôi đi lăng nhăng, cặp bồ ở ngoài.
Không những thế, anh ta còn về khoe “thành tích” với tôi, rằng cô nọ khen ngợi, cô kia mê mẩn anh ta, chẳng qua chưa muốn có con chứ không thì anh ta đã có “cả đội bóng” rồi. Khi tôi phản ứng, anh ta mạt sát tôi không tiếc lời, sau đó đằn ngửa tôi ra, áp dụng mọi “cách thức” mà anh ta mới học được, bắt tôi làm theo. Anh ta vừa làm, vừa chê tôi “béo như con lợn, béo lấp hết trứng”…
Tôi thực sự trải qua đủ cay đắng, tủi nhục. Sau hai năm chịu đựng, tôi quyết định ly dị cho dù anh ta phản đối, đe dọa, van xin. Tôi đơn phương ly hôn, ra đi tay trắng không đòi chia sẻ bất cứ tài sản gì. Mặc dù vậy, anh ta vẫn tiếp tục lui tới chỗ tôi thuê trọ, quấy rối, chửi mắng tôi.
Trong một lần tôi sơ hở, anh ta đã xô cửa vào, bịt miệng và cưỡng bức tôi. Hôm đó đúng vào đợt nghỉ lễ, mọi người trong khu nhà trọ đi chơi, về quê hết nên tôi không thể kêu cứu… Hắn còn nói: “Nhìn cô thật tởm quá, béo như con lợn, rồi xem có thằng nào thèm sờ mó không”. Tôi đã quá tủi hổ, quá đau đớn nên không thể đi tố cáo, chỉ muốn chôn chặt nỗi tủi nhục để làm lại cuộc đời. Rất may, hắn không quay lại lần nào nữa. Nhưng bây giờ tôi lại phải đối mặt với một nỗi đau khác. Do quá sốc và khủng hoảng tâm lý nên tôi đã không để ý mình bị chậm kinh 2 tháng. Khi tôi bị ngất xỉu trong giờ làm việc, được đồng nghiệp đưa đi viện tôi mới biết mình có thai (kết quả của lần bị chồng cũ cưỡng bức).
Đầu óc tôi rối bời. Tôi đã mong chờ đứa con này suốt 8 năm, nhưng khi tôi đã quá chán nản, quá ghê tởm chồng cũ và bị hắn cưỡng bức thì đứa bé lại xuất hiện. Tôi không biết có nên sinh đứa con do bị cưỡng bức này? Liệu tôi có thể nuôi nó lớn lên khỏe mạnh, thông minh và không giống bố nó? Tôi thề không bao giờ nhìn mặt anh ta nữa, nhưng nếu biết tôi sinh con, liệu hắn có quay lại quấy rầy tôi?”.
Đọc tâm sự trên ở một trang mạng, tôi không khỏi cảm thấy xót xa, đắng lòng về thân phận người phụ nữ trong một xã hội được coi là “văn minh, hiện đại”, “nam nữ bình đẳng”… Mặc dù đã có khá nhiều chính sách, pháp luật quan tâm, bảo vệ phụ nữ, nhưng tình trạng phụ nữ bị bạo hành bằng nhiều hình thức tàn tệ, quái đản, thậm chí ngày càng biến thái tinh vi, dường như vẫn diễn ra hàng ngày.
Đau xót thay, có những thể loại hành vi khốn nạn của những kẻ mang danh chồng, như mạt sát, xúc phạm vợ “béo như con lợn, trông phát tởm…”; đi mua dâm về còn khoe “thành tích”, bắt vợ phục vụ như “gái điếm”; sau khi ly hôn vẫn tìm cách cưỡng bức tình dục vợ cũ… đều là những hành vi bạo hành rất nghiêm trọng, nhưng lại rất khó có bằng chứng để quy tội và xử lý. Cho dù pháp luật đã nhìn thấy, đã cố gắng đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết nhằm bảo vệ người phụ nữ khỏi nạn bạo hành (ví dụ chồng chửi bới, chì chiết vợ… sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng), nhưng trong thực tế lại hoàn toàn không có tính khả thi, chưa thông qua đã phải huỷ bỏ. Ngay cả những điều luật hiện hành nhiều khi cũng trở nên vô tác dụng.
Thú thực, bây giờ ra ngoài xã hội, nhìn vào mặt những người đàn ông (đủ các loại), họ ăn uống, họ chém gió, họ thể hiện tinh vi… phụ nữ đều có cảm giác bất kỳ ai trong số đó cũng có khả năng là một kẻ “bạo hành”. Đàn bà bây giờ lấy chồng cũng vẫn là nhắm mắt đưa chân, may nhờ rủi chịu, cũng vẫn là “thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”… Nếu chẳng may bị chồng bạo hành thì cũng chả mấy ai nghĩ đến nhờ pháp luật can thiệp, vì lợi bất cập hại. Nếu chưa “chết người” thì họ vẫn cố ngậm đắng nuốt cay chịu đựng, hoặc tự giải quyết, tự tìm cách bảo vệ mình. Trong “cuộc chiến” âm thầm, dai dẳng này, người phụ nữ vẫn vô cùng đau khổ và đơn độc.
Theo VNE