Tham vọng xây dựng đế chế công nghệ của tỷ phú giàu nhất châu Á
Theo CNN, tỷ phú Mukesh Ambani muốn xây dựng một đế chế công nghệ toàn cầu giống với Google, Amazon, Alibaba và Tencent.
Nền tảng Jio Platforms của ông Ambani – tỷ phú giàu nhất châu Á – đã sở hữu một hệ sinh thái ứng dụng từ thương mại điện tử đến phát sóng trực tuyến. Thông qua mạng di động Reliance Jio, nền tảng phục vụ hơn 388 triệu người dùng tại Ấn Độ.
Nhưng tham vọng của tỷ phú Ấn Độ không dừng lại ở đó. Chỉ trong vòng vài tuần, ông Ambani đã đạt được thỏa thuận trị giá 9 tỷ USD với Facebook và các nhà đầu tư khác tại Mỹ để tiếp tục thống trị thị trường Internet Ấn Độ – thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
“Ambani chắc chắn muốn Jio Platforms không chỉ là một công ty viễn thông. Ông ta muốn công ty trở thành Google hoặc Tencent của Ấn Độ”, CNN dẫn lời nhà phân tích Wylie Fernyhough tại PitchBook nhận định.
“Mục tiêu cuối cùng của tập đoàn là cung cấp mọi thứ cho tất cả người Ấn Độ, xây dựng một nền tảng không thể thiếu cho hàng trăm triệu người dùng internet của đất nước này”, nhà phân tích Tarun Pathak của Counterpoint Research nhấn mạnh.
Tỷ phú giàu nhất châu Á muốn xây dựng một đế chế công nghệ khổng lồ. Ảnh: CNN.
Đế chế công nghệ khổng lồ
Ông trùm Mukesh Ambani đã đưa Reliance Industries từ một công ty năng lượng thành một tập đoàn lớn, bao gồm các cửa hàng bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ di động và băng thông rộng, nền tảng kỹ thuật số và nhiều mảng khác.
Tuy nhiên, để đưa kế hoạch của mình lên tầm cao mới, ông Ambani cần đến đối tác từ Thung lũng Silicon. Đó là Facebook và ứng dụng nhắn tin toàn cầu WhatsApp với thỏa thuận trị giá 5,7 tỷ USD.
“Công thức này sẽ được nhân rộng để phục vụ các cá nhân trong xã hội Ấn Độ. Đó là những nông dân, sinh viên và giáo viên của chúng ta, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người chăm sóc sức khỏe của chúng ta”, ông Ambani tuyên bố.
Theo Fernyhough, thỏa thuận giữa ông Ambani và Facebook nhằm tạo ra “một nền tảng cung cấp cho người dùng mọi thứ từ ngân hàng di động, ứng dụng nhắn tin đến phương tiện truyền thông xã hội”. Mô hình này tương tự với dịch vụ WeChat của Tencent ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, không giống Tencent, Jio Platforms sở hữu một mạng di động khổng lồ giúp xây dựng cơ sở khách hàng. “Chúng ta đang chứng kiến thương mại điện tử, đám mây và các công ty công nghệ thay thế công ty viễn thông truyền thống”, chuyên gia Pathak nhận định.
Video đang HOT
Các thỏa thuận của tỷ phú Ambani với Facebook và một số nhà đầu tư khác đã lên đến 9 tỷ USD.
Facebook nhấn mạnh rằng hai công ty vẫn cung cấp các dịch vụ riêng biệt ở Ấn Độ. Tuy nhiên, thỏa thuận với Facebook vẫn làm gia tăng sức ảnh hưởng của tỷ phú Ambani tại Ấn Độ, cho phép ông sử dụng các dịch vụ trực tuyến và công cụ kỹ thuật số để thu hút khách hàng mới.
Mua sắm trực tuyến là mục tiêu hàng đầu của thỏa thuận. Theo Bernstein, hàng tạp hóa chiếm 70% thị trường bán lẻ tại Ấn Độ. Trong đó, 90% thị trường là các cửa hàng nhỏ lẻ, không có tổ chức. Quy mô thị trường bán lẻ được dự đoán tăng từ 676 tỷ USD năm 2018 lên 1.300 tỷ USD vào năm 2025.
Thị trường tạp hóa trực tuyến ở Ấn Độ chỉ trị giá khoảng 3 tỷ USD, theo Công ty nghiên cứu Forrester. Tuy nhiên con số này đang tăng nhanh trong bối cảnh đại dịch làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Vào thời điểm ra mắt hồi cuối năm ngoái, JioMart đặt mục tiêu tạo mối quan hệ đối tác với 30 triệu cửa hàng nhỏ lẻ trên nền tảng này.
Cơ hội từ dịch Covid-19
Dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa của Ấn Độ thúc đẩy các cửa hàng nhỏ lẻ chuyển sang bán hàng trực tuyến. Hơn 400 triệu người dùng tại Ấn Độ sử dụng WhatsApp làm phương tiện nhắn tin để hỏi mua hàng hóa, dịch vụ.
Ông Sambit Mohanty, một giám đốc tiếp thị 40 tuổi, cố đặt mua lá trà và súp cho cha mẹ mình trên Amazon. Nhưng thời gian giao hàng mất đến 10 ngày. Ông cũng không thể mua đồ chơi cho con gái vì Amazon ngừng nhận đơn đặt hàng đối với các mặt hàng không thiết yếu.
Ông Sambit Mohanty cho biết sẽ quay lại với các cửa hàng tạp hóa địa phương. Nhiều trong số họ kinh doanh trên WhatsApp. Tuy nhiên, các cửa hàng tạp hóa địa phương có một nhược điểm. Đó là khó khăn trong việc theo dõi hàng tồn kho vì nhiều chủ cửa hàng chỉ theo dõi hàng hóa bằng một cuốn sổ và thường quên cập nhật.
Nếu JioMart có thể kết nối với hàng triệu cửa hàng, giúp tổ chức và theo dõi hàng tồn kho, vấn đề này sẽ được giải quyết. Reliance cũng có số lượng cửa hàng tạp hóa lớn nhất tại Ấn Độ với vai trò nhà cung cấp.
Theo chuyên gia Pathak thuộc Counterpoint Research, việc thuyết phục các cửa hàng bán lẻ hợp tác với JioMart cũng dễ dàng hơn vì họ đã quen dùng WhatsApp và không cần tải ứng dụng mới.
JioMart có nhiều lợi thế khi hợp tác với ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Ảnh: Getty Images.
Ông Ambani đang đứng trước áp lực trả hết khoản nợ của Reliance Industries. Ngay sau khi thỏa thuận với Facebook được công bố, Jio Platforms tiết lộ thêm 3 khoản đầu tư lớn. Đó là 750 triệu USD từ Silver Lake, 1,5 tỷ USD của Vista và 870 triệu USD từ General Atlantic.
Như vậy, tỷ phú giàu nhất châu Á được đảm bảo đến 9 tỷ USD trong vòng chưa đầy 4 tuần. Tại cuộc họp cổ đông năm ngoái, ông tuyên bố muốn Reliance Industries trở thành “công ty có nợ ròng bằng 0 vào tháng 3/2021″. Tính đến tháng 3/2020, Reliance có khoảng 44 tỷ USD nợ trên sổ sách.
“Reliance cần công nghệ để chuyển từ công ty thương mại dầu khí sang công ty phần mềm”, chuyên gia Meena của Forrester nhận định. Đại dịch khiến doanh thu dầu mỏ lao dốc. Nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm vì hoạt động vận tải, công nghiệp và thương mại giảm mạnh.
“Các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng của WeChat phiên bản Ấn Độ và tin rằng công ty có thể trị giá đến hàng trăm tỷ USD một ngày nào đó”, Fernyhough của Pitchbook bình luận. Tháng trước, Reliance Industries tuyên bố đã vượt quá mục tiêu và có thể đạt mục tiêu nợ bằng 0 vào cuối năm nay.
Vì sao Mỹ tấn công mảng ít được biết đến của Huawei?
HiSilicon trở thành mục tiêu tiếp theo của Chính phủ Mỹ trong tham vọng 'kìm hãm' gã khổng lồ công nghệ Huawei.
Trong tuần qua, chính phủ Mỹ đã ban hành những nguyên tắc mới nhắm trực tiếp vào mảng sản xuất chip bán dẫn của công ty con Huawei là HiSilicon, ngăn chặn công ty này tiếp cận các nguồn cung cấp linh kiện từ Mỹ.
Sau quyết định đưa Huawei vào danh sách thực thể năm 2019, đây là cuộc tấn công gây thiệt hại lớn nhất mà Mỹ từng dành cho Huawei. Ngoài ra, nước đi này mang tính chiến lược với mục tiêu gây ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Sau 5G, công nghệ sản xuất chip là mảng mà Mỹ đang tấn công Huawei. Ảnh: Reuters.
Ngay sau đó, Huawei Technologies đã tố cáo các hành động của Chính phủ Mỹ và gọi đây là những hành động "tùy tiện và nguy hiểm".
Niềm tự hào của Huawei
HiSilicon được thành lập vào năm 2004, là công ty chuyên cung cấp các sản phẩm chip bán dẫn cho Huawei và nhiều công ty Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đã giúp thúc đẩy công nghệ của HiSilicon. Trong giai đoạn gần đây, công ty với hơn 7.000 nhân viên này đã trở thành trung tâm chiến lược của Huawei, giúp gã khổng lồ công nghệ thống trị mảng kinh doanh điện thoại thông minh toàn cầu và thế hệ mạng viễn thông mới 5G.
Các sản phẩm nổi bật của HiSilicon như bộ xử lý smartphone Kirin được đánh giá không thua kém các sản phẩm do Apple hay Qualcomm sản xuất, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu.
Việc nhắm tới các công ty sản xuất chip sẽ khiến HiSilicon, đơn vị thiết kế chip của Huawei gặp nhiều khó khăn.
Năm 2019, HiSilicon đã góp phần rất lớn cho Huawei phát triển mảng viễn thông 5G sau khi chính phủ Mỹ cắt bỏ nguồn cung cấp chip bán dẫn của nước này. Trong báo cáo của Huawei, khoảng 8% trong số 50.000 trạm 5G được công ty này bán ra năm 2019 sử dụng chip bán dẫn của HiSilicon.
Theo tờ Reuters, những quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhằm mục đích chặn nguồn cung của HiSilicon trong hai mảng quan trọng là các phần mềm thiết kế chip bán dẫn từ các công ty Mỹ bao gồm Cadence Design Systems Inc và Synopsys Inc, đồng thời hạn chế năng lực sản xuất của các nhà máy TSMC.
"Trước những lệnh cấm mới, HiSilicon sẽ rơi vào tình huống không thể sản xuất chip bán dẫn, thậm chí sẽ mất đi khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực này", Stewart Randall, chuyên gia nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc nhận xét.
Huawei đang dần mất đi lợi thế so với các đối thủ trong nước, trong khi mảng kinh doanh quốc tế vốn đã "điêu đứng" trước lệnh cấm sử dụng các phần mềm tiện ích của Google.
Theo một số nguồn tin, Huawei đã lường trước được những nước đicủa Mỹ và tích trữ sản phẩm chip bán dẫn. Rất có thể những lệnh cấm mới của Chính phủ Mỹ sẽ chưa thể tác động được đến khả năng hoạt động của công ty khi chưa đủ hiệu lực 120 ngày. Các quan chức chính phủ Mỹ cũng lưu ý rằng HiSilicon vẫn có thể sử dụng các phần mềm thiết kế đã mua bản quyền.
HiSilicon đang ngồi trên đống lửa
Gần như tất cả các nhà máy sản xuất chip bán dẫn trên toàn cầu - bao gồm các xưởng sản xuất hàng đầu như Tập đoàn Sản xuất Quốc tế của Trung Quốc - mua thiết bị từ cùng các nhà cung ứng tại Mỹ, do các công ty như Applied Materials Inc, Lam Research Corp hay Tập đoàn KLA làm ra.
Những quy tắc mới của Mỹ sẽ yêu cầu các công ty trong nước phải có giấy phép trước khi cung cấp các sản phẩm chip bán dẫn cho Huawei. TSMC sẽ không thể làm chip và bán trực tiếp cho HiSilicon, nhưng công ty gia công này vẫn có thể bán cho khách hàng của HiSilicon.
"Việc chuyển giao dây chuyền sản xuất chip bán dẫn ví như những ca ghép tim vậy", Dan Hutcheson, Giám đốc nghiên cứu của VLSI cho biết. Ông cũng lưu ý rằng các dây chuyền sản xuất chip là những hệ thống công nghệ phức tạp cần phải được hiệu chỉnh và phối hợp tốt với nhau.
Huawei có thể phải quay lưng với chính công ty con của mình, tìm mua chip của các công ty như Samsung nếu họ không thể thoát khỏi gọng kìm của Mỹ.
Tiến sĩ Doug Fuller thuộc Đại học Hong Kong cho rằng Huawei có thể vượt qua quy tắc mới này bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp giao hàng trực tiếp cho khách hàng của họ, mặc dù chính phủ Mỹ cũng sẽ cảnh giác với cách lách luật này.
Ngoài ra, Huawei và chính phủ Trung Quốc có thể nỗ lực xây dựng các dây chuyền sản xuất mà không cần đến sự bắt tay với các công ty Mỹ, bằng cách đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh mới của Trung Quốc hay mua từ các công ty Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên, nước đi này có thể khiến chất lượng sản phẩm Huawei kém đi.
Huawei thậm chí có thể quay lưng với HiSilicon và quay trở lại mua từ các nhà cung cấp ở nước ngoài, không phụ thuộc vào Mỹ. Rất có thể, theo tiến sĩ Fuller dự đoán, Samsung sẽ là đối tác sắp tới của Huawei Technologies.
Elon Musk có thể học được gì từ Bill Gates trong chiến dịch chống Covid-19? Nhìn vào cách đối phó đại dịch của hai vị tỷ phú, tác giả trên trang TheNextWeb nhận định Bill Gates đã trở thành hình mẫu đáng để Elon Musk học tập. Bài viết dựa trên quan điểm của cây viết Tristan Greene của trang tin The Next Web. Nhìn vào dịch Covid-19, ta thấy ngay một đại dịch toàn cầu sẽ cho...