Tham vọng năng lượng hạt nhân của Kazakhstan và tác động địa chính trị
Hiện tại, Kazakhstan phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, khiến ngành năng lượng của nước này dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường và thay đổi địa chính trị.
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một chủ đề đang nóng lên ở Kazakhstan. Ảnh: Astana Times
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev mới đây tuyên bố nước này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hay không.
Khi các cuộc thảo luận về những giải pháp năng lượng bền vững đang có đà phát triển trên toàn cầu, cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân của Kazakhstan diễn ra vào thời điểm được cho là rất thuận lợi, theo Giáo sư Emil Avdaliani tại Đại học châu Âu ở Tbilisi và Giám đốc tổ chức tư vấn Geocase.
Giáo sư Avdaliani lưu ý, dự án được đề xuất có thể có tác động vượt xa biên giới của quốc gia Trung Á này. Từ an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế đến quản lý môi trường và ảnh hưởng địa chính trị, những tác động này rất lớn.
Giải quyết tình trạng thiếu hụt trong nước
Mong muốn hướng tới năng lượng hạt nhân của Kazakhstan chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu về an ninh năng lượng.
Là nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới, nước này đang “ngồi trên một mỏ vàng” năng lượng. Việc phát triển một nhà máy điện hạt nhân không chỉ đơn thuần là một dự án kinh tế mà còn có thể đóng vai trò như một chính sách bảo hiểm trước những bất ổn về năng lượng trong tương lai.
Đặc biệt, Kazakhstan phải đối mặt với tình trạng thiếu điện dự kiến ở miền Nam nước này và một cơ sở hạt nhân có thể đóng góp 2.800 MW vào lưới điện của họ.
Đây không chỉ là đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước; đó là việc định hình lại toàn bộ danh mục năng lượng của Kazakhstan.
Hiện nay, Kazakhstan phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, khiến ngành năng lượng nước này dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường và những thay đổi địa chính trị.
Bằng cách bổ sung thêm năng lượng hạt nhân, quốc gia này sẽ không chỉ đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà còn củng cố chủ quyền và vị thế quốc gia của mình trên trường toàn cầu.
Tham vọng trung hòa carbon
Lợi ích kinh tế của nhà máy hạt nhân là một phần hấp dẫn khác của câu chuyện. Ngoài những lợi ích rõ ràng của việc tạo việc làm trong một lĩnh vực có chuyên môn – Kazakhstan đã tuyển dụng gần 18.000 người trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình – nhà máy sẽ tạo ra sản lượng năng lượng cao với đầu vào tương đối thấp.
Video đang HOT
Hơn nữa, trong một thế giới ngày càng lo lắng về biến đổi khí hậu, Kazakhstan đã báo hiệu tầm quan trọng của việc chuyển sang nền kinh tế xanh hơn.
Tổng thống Tokayev đã nhấn mạnh nhu cầu trên trong bài phát biểu gần đây của mình. Năng lượng hạt nhân, với lượng phát thải khí nhà kính tối thiểu, hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn này.
Dự án cũng không chỉ là bước nhảy vọt đáng kể hướng tới mục tiêu đầy tham vọng của Kazakhstan là trở thành quốc gia trung hòa lượng carbon vào năm 2060 mà còn là đóng góp cụ thể cho các mục tiêu bền vững toàn cầu.
Nhưng lợi ích không dừng lại ở yếu tố kinh tế hay môi trường; chúng còn “tràn sang” lĩnh vực địa chính trị.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào tháng 10/2022. Ảnh: AP
Ảnh hưởng đến địa chính trị
Một chương trình hạt nhân thành công có khả năng giúp Kazakhstan phát triển từ nước tiêu dùng thành nhà cung cấp năng lượng Á-Âu, tăng cường ảnh hưởng địa chính trị của nước này.
Điều này đặc biệt có liên quan trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine và và mục tiêu của EU nhằm giảm sự phụ thuộc của khối vào các nguồn năng lượng của Moskva. Vì vậy, vấn đề năng lượng hạt nhân của Kazakhstan không chỉ là vấn đề xuất khẩu năng lượng mà là vấn đề ổn định khu vực và quan hệ đối tác chiến lược.
Theo nghĩa đó, châu Âu và Mỹ có thể coi các cuộc thảo luận của Kazakhstan về năng lượng hạt nhân là sự liên kết với các mục tiêu rộng lớn hơn về an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và ổn định khu vực.
Với việc EU công nhận năng lượng hạt nhân là ngành công nghiệp then chốt để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, những nỗ lực của Kazakhstan có thể tìm được các đối tác hỗ trợ ở phương Tây.
Quan hệ đối tác có thể đặc biệt có lợi cho các công ty chuyên về công nghệ hạt nhân, hợp tác an ninh và các dịch vụ liên quan, thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa Kazakhstan và các nước phương Tây. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước trong EU đều ủng hộ năng lượng hạt nhân. Ví dụ, trong khi Pháp ủng hộ hoàn toàn thì Đức vẫn phản đối.
Đương nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Kazakhstan có thể đảm bảo an toàn và an ninh hay không nếu người dân nước này bỏ phiếu ủng hộ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Mối quan tâm này có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Kazakhstan bình thường, vì nước này từng được sử dụng để thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Xô Viết.
Những cuộc thử nghiệm này đã có những tác động về sức khỏe và môi trường xung quanh khu thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk, nơi đã đóng cửa vào năm 1991 khi Kazakhstan độc lập. Có thể hiểu được, một số bộ phận dân số Kazakhstan vẫn lo lắng về ý tưởng phát triển các cơ sở hạt nhân.
Tuy nhiên, Kazakhstan đã chứng tỏ họ có thể đảm bảo sự an toàn. Quốc gia này hiện đã là chủ sở hữu của Ngân hàng Uranium làm giàu thấp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho thấy có một nguồn tin cậy quốc tế hiện có.
Kazakhstan đang đẩy mạnh điều này hơn nữa bằng cách tìm kiếm một ghế trong hội đồng IAEA, một động thái sẽ tăng cường sự tham gia của nước này vào việc định hình và tuân thủ các quy tắc an toàn hạt nhân toàn cầu.
Tóm lại, Giáo sư Avdaliani kết luận, khi Kazakhstan dự tính về tương lai năng lượng của mình, thế giới nên chú ý. Không chỉ bối cảnh năng lượng của Kazakhstan đang bị đe dọa – nó còn là một phần của vấn đề bền vững toàn cầu.
Một chương trình hạt nhân thành công chắc chắn sẽ nâng cao vị thế địa chính trị của Kazakhstan. Bằng cách trở thành nhà cung cấp năng lượng khu vực hoặc thậm chí toàn cầu, Kazakhstan có thể có nhiều ảnh hưởng hơn trên khắp Trung Á và xa hơn nữa.
Điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực, đặc biệt là với nước láng giềng Nga và Trung Quốc, và có thể khiến Kazakhstan trở thành một bên tham gia quan trọng hơn trong địa chính trị năng lượng.
Tranh cãi về năng lượng hạt nhân ở châu Âu
Vấn đề năng lượng hạt nhân đang gây tranh cãi ở châu Âu vì một số quốc gia chấp nhận, trong khi những nước khác coi là rủi ro.
Việc Ủy ban châu Âu coi đây như một nguồn năng lượng xanh càng tạo ra sự chia rẽ trên khắp EU.
Theo mạng tin Euractiv.it (Italy), là nước phản đối hạt nhân, quan điểm của Đức được củng cố hơn nữa khi Thủ tướng Olaf Sholz khẳng định lập trường của ông rằng hạt nhân không có chỗ trong cơ cấu năng lượng của Berlin. Trong khi đó, Italy tuyên bố sẽ tăng tốc độ hội nhập năng lượng hạt nhân để nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Như vậy, vấn đề năng lượng hạt nhân đang gây tranh cãi vì một số quốc gia chấp nhận, trong khi những nước khác coi là rủi ro. Việc Ủy ban châu Âu coi đây như một nguồn năng lượng xanh càng tạo ra sự chia rẽ trên khắp EU, khi các quốc gia bất đồng về việc liệu nó có thực sự được coi là "xanh và bền vững" hay không.
Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, nỗ lực thay thế khí đốt của Nga bằng các nguồn cung khác, nhu cầu kiểm soát chi phí năng lượng tăng vọt và tham vọng lớn về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, một số quốc gia châu Âu đã phải đánh giá lại quan điểm của mình, thậm chí với một số trường hợp, muốn quay trở lại với năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, Đức không nằm trong số đó.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết họ sẽ không hồi sinh năng lượng hạt nhân sau những lời kêu gọi của đảng Dân chủ Tự do (FDP), một phần trong liên minh cầm quyền.
Các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức, Isar 2, Emsland và Neckarwestheim 2, đã ngừng hoạt động vào tháng 4/2023 bất chấp giá năng lượng tăng vọt và lo ngại về một mùa đông lạnh giá sắp tới. Chính phủ Đức khẳng định rằng việc loại bỏ dần hạt nhân, bắt đầu từ năm 2000, sẽ giúp nước này an toàn hơn vì những rủi ro về hạt nhân là không thể kiểm soát được.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Scholz nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong cơ cấu năng lượng của Đức không còn là một lựa chọn. Thủ tướng Scholz nói: "Ở Đức ngày nay, chủ đề về năng lượng hạt nhân đã chết". Tuyên bố của nhà lãnh đạo Đức được đưa ra sau khi đại diện của FDP kêu gọi ngừng việc tháo dỡ các lò phản ứng vẫn còn có thể sử dụng để kích hoạt lại chúng.
Những khác biệt về việc liệu năng lượng hạt nhân có nên tiếp tục được sử dụng ở Đức hay không đã dẫn đến căng thẳng nghiêm trọng trong liên minh cầm quyền, đặc biệt là giữa FDP và đảng Xanh phản đối hạt nhân.
Tuy nhiên ở Italy, mọi chuyện dường như đang đi theo hướng ngược lại. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải Italy Matteo Salvini đã công bố ý định thúc đẩy sản xuất năng lượng có nguồn gốc hạt nhân, lập luận rằng điều này cũng sẽ tuân thủ các chính sách năng lượng xanh do EU đưa ra.
Italy "nói không" với năng lượng hạt nhân trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 8/11/1987, dẫn đến việc đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý không đưa ra bất kỳ lệnh cấm nào và cũng không áp đặt lệnh cấm đối với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Năng lượng hạt nhân hiện nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đảng chính trong liên minh cầm quyền, trong đó có đảng Fratelli d'Italia của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.
Năng lượng hạt nhân vẫn là một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của một số nước châu Âu. Ảnh: Euractiv
"Vũng lầy" năng lượng châu Âu
Trong khi Đức, cường quốc quan trọng nhất châu Âu, đi đầu trong phong trào chống năng lượng hạt nhân thì Áo cũng kiên quyết phản đối. Vào tháng 11/2022, Vienna đã kiện Ủy ban châu Âu về việc cấp "thẻ xanh" cho năng lượng hạt nhân thông qua cơ chế tài chính bền vững của EU.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Môi trường Leonore Gewessler cho biết Áo sẽ tiếp tục lập trường chống hạt nhân đối với các nước láng giềng, mặc dù nước này tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vẫn mua gần như mức trước xung đột ở Ukraine.
Với Pháp, tuần trước, Tổng thống nước này Emmanuel Macron đã chỉ trích lập trường của Đức, cáo buộc Berlin cố tình đi ngược lại sự chấp nhận ngày càng tăng về năng lượng hạt nhân ở châu Âu.
Ông Macron nói: "Sẽ là một sai lầm lịch sử nếu giảm tốc độ đầu tư vào năng lượng hạt nhân ở châu Âu, đặc biệt nếu điều này dẫn đến việc sử dụng nhiều than hơn". Pháp cũng đang là nước đóng vai trò quan trọng trong "liên minh hạt nhân" và tuyên bố rõ rằng "năng lượng hạt nhân của Pháp là không thể thương lượng và sẽ không bao giờ có thể thương lượng".
Về phần mình, Bỉ gần đây đã tạm dừng việc loại bỏ hoàn toàn hạt nhân dự kiến hoàn thành vào năm 2025 do những thách thức pháp lý và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra. Bỉ đã chọn hoãn việc đóng cửa hai lò phản ứng trong 10 năm, và liệu việc đóng cửa này có tiếp tục hay không vẫn còn phải chờ xem.
Ở các khu vực khác của châu Âu, năng lượng hạt nhân là một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng và các nước đó không có dấu hiệu muốn loại bỏ dần hạt nhân. Ví dụ, Bulgaria, CH Séc, Slovakia, Slovenia và Croatia đều có các lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Các nước này có rất ít động lực để loại bỏ dần năng lượng hạt nhân và chủ yếu đang xem xét mở rộng năng lực của mình.
Với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cả hai nước đều kiên quyết phản đối năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, sự thay đổi chính phủ ở Tây Ban Nha có thể kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân ở nước này. Trong khi Bồ Đào Nha phụ thuộc vào thủy điện thì Tây Ban Nha tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga với khối lượng tăng gấp đôi trong tháng 5 năm nay.
Tại các quốc gia ngoài EU, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Albania Edi Rama và người đồng cấp Meloni, được cho là đang xem xét hợp tác về năng lượng hạt nhân. Chủ đề này đã được nêu lên nhiều lần kể từ năm 1991, nhưng chưa có kế hoạch chắc chắn nào được đưa ra.
Với tuyên bố mới nhất của Đức và kế hoạch tái kích hoạt của Italy, châu Âu có thể sớm chia thành hai phe: các quốc gia chọn hạt nhân và các quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt của Nga.
CH Séc 'nóng' kế hoạch chôn chất thải hạt nhân xuống sâu lòng đất Praha đang chạy đua để đẩy nhanh kế hoạch đầy tham vọng kéo dài nhằm xây dựng một kho lưu trữ địa chất sâu có thể cho phép chôn chất thải hạt nhân sâu nửa km dưới lòng đất trong 100.000 năm tới. Praha muốn xây dựng một kho lưu trữ địa chất sâu có thể chôn chất thải hạt nhân dưới lòng...