Tham quan ngọn hải đăng Cù lao Xanh – Bình Định
Hải đăng Cù lao Xanh: được xây dựng từ năm 1890 trên đảo Cù lao Xanh thuộc thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Hải đăng Cù lao Xanh nằm ở độ cao 118m so với mực nước biển, trong đó tháp đèn cao 16m hình trụ tròn được xây bằng đá tảng lớn, sơn 3 khoang trắng – đen – trắng.
Hải đăng Cù lao Xanh là đèn độc lập với tầm hiệu lực chiếu sáng 27 hải lý ban ngày lẫn ban đêm, tâm sáng 119m, tín hiệu ánh sáng trắng chớp nhóm 3 1, chu kỳ 12 giây.
Hải đăng Cù lao Xanh chỉ vị trí đảo Cù lao Xanh (tỉnh Bình Định), giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Bình Định, Phú Yên định hướng và xác định vị trí của mình, ngoài ra nó còn có mục đích quan trọng là xác định chủ quyền đất nước.
Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh đẹp như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận.
Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống, còn bãi sau toàn đá. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm. Xa xa là bọt sóng và bụi nước tung lên trắng xoá cả một vùng trời biển.
Từ ngọn hải đăng, chúng ta đi men xuống theo hướng tây bắc là suối Giếng Tiên. Tên suối xuất phát từ một truyền thuyết kể rằng, xưa kia vào những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời hay xuống suối để du ngoạn, tắm mát và vui đùa rồi mới bay trở về trời. Có dịp tới đây, du khách hãy một lần đến tắm ở suối để cảm nhận được vị ngọt tinh khiết của nước suối và hương vị mặn mòi của biển cả phảng phất trong không khí
Tham quan tháp Bình Lâm - Bình Định
Tháp Bình Lâm nằm sát ven sông Gò Tháp đổ ra cửa biển Thị Nại của xóm Long Mai, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước.
Người xưa đã lấy tên thôn Bình Lâm để đặt tên cho ngọn tháp này. Tháp Bình Lâm được xếp hạng di tích năm 1993.
Tháp Bình Lâm bình đồ vuông, về hình thức tạo dáng, tháp cũng được xây cất theo kiểu tầng như các tháp khác, cửa chính quay về phía Đông, còn ba mặt là cửa giả quay về ba hướng Tây - Nam - Bắc. Trong các cửa giả, cửa phía Tây và cửa phía Nam là còn nguyên, cửa chính và cửa phía Bắc đã bị sụt lở phần vòm. Phần lớn các cửa giả đều được xây nhô ra cách thân tháp chừng 1,5m. Những cửa giả này, phần vòm được tạo nhiều lớp mái vòm nhọn, mỗi vòm như vậy tạo cảm giác như một tòa lâu đài thu nhỏ, trong các ô khám của "tòa lâu đài" đều có tượng thần bằng đất nung, nhưng đã bị mất từ lâu.
Tuy nằm ở vị trí bằng phẳng, song với chiều cao của tháp trên 20m, khi đứng dưới chân ngước mắt nhìn, vẫn thấy dáng cao vút uy nghi của kiến trúc. Cái đẹp nhất ở đây là những vòm cửa giả, mỗi cửa giả là một tác phẩm nghệ thuật sinh động mà những người nghệ sĩ Chăm vô danh gửi lại cho hậu thế. Giáp với mái và thân, tháp lại được trang trí những mô típ hoa văn kiểu chuỗi hạt uốn lượn liên hoàn hình chữ U chạy vòng quanh tháp. Lên các tầng trên, hoa văn cũng được lặp lại như vậy.
Ở Bình Lâm, các mô típ hoa văn đều được tạo trực tiếp lên gạch với hình dáng tỷ lệ cân đối, điều đó đã tạo vẻ đẹp cho di tích này. Những họa tiết trang trí các tháp góc và những hình ảnh tòa lâu đài trên các cửa giả, cùng với những hoa văn trang trí kiểu chuỗi hạt, cho thấy ở tháp Bình Lâm một xu hướng mới đã bắt đầu xuất hiện.
Ngoài các cửa giả như mọi tháp Chăm khác, mặt tường bên ngoài của tháp Bình Lâm cũng được trang trí bằng hệ thống các cột ốp, nhưng có điểm khác biệt là đường rãnh ở cột ốp không tách cột ốp thành một đôi cột đứng song đôi, không còn hoa văn phủ kín bề mặt cột ốp và vòng đai bao quanh khung trang trí nằm giữa các cột ốp. Vòm cửa đã bắt đầu vươn cao hình mũi giáo, một xu thế đơn giản để đi đến dáng vẻ hoành tráng, khỏe khoắn của phong cách kiến trúc Bình Định sau này.Có thể xem Bình Lâm là di tích mang phong cách kiến trúc chuyển tiếp từ thế kỷ X sang phong cách Bình Định cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI.
Tham quan Đảo Ngư và chùa Song Ngư Nghệ An Cách bãi tắm Cửa Lò 4km về phía biển khơi là đảo Song Ngư ứng với tên gọi ấy, đảo có hai hòn lớn nhỏ. Hòn lớn cao chừng 133m, hòn nhỏ cao 88m so với mặt nước biển, trông như hình hai con cá đang nổi trên mặt nước. Dân địa phương thường gọi vắn tắt là hòn Ngư hay đảo Ngư....