Thâm nhập “đại bản doanh” gia súc lớn nhất miền Bắc
Được hình thành từ hàng trăm năm qua, chợ gia súc Trà Lĩnh (Cao Bằng) trở thành nơi mua bán lớn nhất miền bắc, với hàng nghìn con trâu, bò, ngựa mỗi phiên chợ.
Để đưa được số lượng “khủng” gia súc này về đây bán, ngoài việc dùng ô tô vận chuyển, người dân nơi đây còn phải cuốc bộ hàng trăm cây số vượt qua những cung đường hiểm trở.
Mục sở thị “đại bản doanh” gia súc
Có mặt tại chợ phiên Trà Lĩnh nằm trên địa bàn thị trấn Hùng Quốc, khi buổi sáng sớm tinh mơ ánh mặt trời còn đang lẩn khuất sau núi, màn sương mờ ảo bao chùm khắp thị trấn nhỏ thì khắp các ngả đường từng đoàn người dắt trâu bò vào chợ và kẻ mua người bán diễn ra náo nhiệt như một tín hiệu đánh thức cả một thị trấn bừng dậy.
Ông Lý Văn Lầu (57 tuổi) người dân tại chợ cho biết: “Chợ trâu bò này được hình thành từ hàng chục năm qua và được họp vào các ngày mùng 4 và mùng 9, mỗi chợ phiên ngoài số lượng trâu bò tại địa phương thì từ các tỉnh khác như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An… cũng đưa về đây với số lượng hơn 1000 con/chợ phiên”.
Với số lượng trâu, bò lên từ 1000 – 2000 con trâu, bò chợ phiên Trà Lĩnh được coi như chợ bò lớn nhất miền Bắc
Từ chợ này trâu, bò được mua đi bán lại cho các vùng trong và ngoài tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt chợ này là nơi phù hợp cho các nông dân “ít tiền” mua trâu bò về làm giống. Mỗi khi chợ phiên diễn ra, người dân địa phương lại tỏ ra háo hức đến chợ vì họ là những người nông dân chỉ buôn bán nhỏ lẻ 1 – 2 con.
Len lỏi qua đám gia súc phía trước, tôi gặp được chủ nhân của những đoàn gia súc ở Nghệ An, đó là ông Nguyễn Văn Quyết, ông kể: “Trâu bò mua với người dân địa phương Nghệ An, sau đó đưa lên ô tô hai ngày thì đến chợ đây, chợ ở đây bán được giá hơn rất nhiều so với các địa phương khác và người mua chủ yếu là người Trung Quốc”.
Video đang HOT
“Mỗi lần cũng chỉ đưa được 10 con ra đây bán, lời lãi nếu buôn bán thuận lợi cũng được hơn 50 triệu đồng/ chuyến, số tiền đó lại lấy về xoay vòng vốn mua trâu bò về đây bán tiếp”.
Công việc dắt trâu chủ yếu là những phụ nữ
Với mỗi chợ phiên trâu, bò có số lượng lên đến hàng nghìn con, trong khi đó diện tích chợ lại hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, nên khi bất kỳ người lạ nào đến đây đều hết sức kinh ngạc. Bởi, từ trong chợ đến các ngõ ngách thị trấn Hùng Quốc đều có trâu bò buộc ở vỉa hè, thậm chí cò người còn ví đây là thị trấn gia súc lớn nhất miền bắc.
Để phân biệt được đâu là trâu bò của mình, các lái buôn thường viết tắt tên các địa phương như: TQ là Tuyên Quang, HG là Hà Giang còn trâu bò sau khi được bán cho lái buôn Trung Quốc sẽ được ghi bằng tiếng hán cùng với số tiền.
Hãi hùng nghề dắt “đầu cơ nghiệp”
Từ khi hình thành chợ trâu bò tại đây, thì nghề dắt “đầu cơ nghiệp” cũng bắt đầu xuất hiện, bởi đa phần số lượng trâu bò được đưa đến đây đều được các lái buôn Trung Quốc mua và phải phải dắt bộ qua biên giới.
Giữa trưa, khi các cuộc trao đổi mua bán đã “ngã ngũ” cũng lúc xuất hiện đội quân dắt trâu bò với đủ mọi lứa tuổi già đến trẻ, họ sẵn sang dắt trâu, bò lên đến hàng chục con mặc cho sự nguy hiểm rình rập qua biên giới theo đường tỉnh lộ 205.
Phụ nữ dắt trâu bò thuê đang ngồi chờ đến lượt
Tập trung về đây, phần lớn là trâu bò đực to lớn để mổ thịt lại được đưa từ các địa phương khác nhau nên liên tục đã xảy ra tình trạng trâu húc nhau gây thương tích và thậm chí gây chết người.
Đang dắt hai con trâu đực to, cặp sừng nhọn hoắt cho lái buôn Trung Quốc em Triệu Văn Sơn (8 tuổi, nhà tại xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Vì hoàn cảnh khó khăn, nên tranh thủ ngày nghỉ hè nên em đi dắt mỗi con được 50 nghìn đồng, dắt hai con được 100 nghìn đồng, số tiền đó em để mua gạo và sách vở đi học”.
Rồi em Sơn nói: “Dắt trâu nguy hiểm lắm, trâu này không hiền đâu lúc nào em cũng phải cầm cây roi to quật liên tục nếu không chúng húc nhau giữa đường thì dễ bị chúng húc cho lắm”.
Theo đoàn người dắt trâu, bò thuê một đoạn đường hơn 2km, khi được hỏi tên tất cả những người này họ đều có chung một câu trả lời chúng tôi đều mang tên “người dắt trâu”.
Theo các lý giải của họ thì cái tên này được các lái buôn Trung Quốc đặt, do bất đồng ngôn ngữ nên họ đã gọi như vậy để khi mua trâu bò xong họ sẽ gọi như vậy để mọi người tới dắt đi.
Ông Nại Văn Thiệu (60 tuổi) có thâm niên dắt trâu bò hàng trục năm qua người dân tại Thị trấn Hùng Quốc chia sẻ: “Kiếm đồng tiền từ dắt trâu bò không dễ đâu, mình là đàn ông còn nguy hiểm chứ đừng nói đến đàn bà và trẻ con vì miếng cơm manh áo thì đành đánh liều mạng sống mà mà làm thôi”.
Không giấu về hoàn cảnh của mình ông Thiệu cho biết, nhà có 5 nhân khẩu ruộng đất canh tác ít năm nào được mùa thì đủ ăn, còn năm nào mất mùa thì thiếu gạo dăm ba nửa tháng chứ không có cái nghiệp dắt trâu, bò thì cả nhà có khi đã chết đói rồi.
Những người dân tại đây cũng cho biết, năm 2013 tại chợ đã xảy ra trâu húc nhau khiến một người đi dắt trâu bị chết, còn chuyện bị trâu, bò húc bị ngã bị thương thì như cơm bữa.
Xế trưa, phiên chợ tan dần, những người dắt trâu, bò thuê cũng bắt đầu một hành trình mưu sinh đầy rẫy nguy hiểm.
Một cụ già đang kéo hai con trâu đực lên dốc khi chúng không chịu đi
Em Sơn tranh thủ kỳ nghỉ hè đi dắt trâu kiếm thêm thu nhập dù biết rất nguy hiểm
Một em nhỏ dắt hai con trâu, nếu chúng húc nhau sẽ rất nguy hiểm
Những ký hiệu đặc biệt để phân biệt chủ của các con trâu
Theo Khampha