Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm
Theo số liệu được công bố ngày 5/10 của Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu gia tăng đã giúp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 8 xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Số liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm xuống 58,3 tỷ USD, giảm gần 10% so với mức đã được điều chỉnh 64,7 tỷ USD trong tháng 7. Trong đó, xuất khẩu tăng 4,1 tỷ USD lên 256 tỷ USD trong tháng 8, trong khi nhập khẩu giảm 2,3 tỷ USD xuống 314,3 tỷ USD.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, phần lớn sự gia tăng xuất khẩu đến từ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nhất là các nguồn cung công nghiệp như dầu thô. Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm do sự sụt giảm trong các mặt hàng tiêu dùng và các sản phẩm như bán dẫn.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc đã giảm 1,3 tỷ USD xuống 22,7 tỷ USD trong tháng 8, khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nhiều hơn xuất khẩu của Mỹ sang nước này.
Dù chi tiêu tiêu dùng đã giúp thúc đẩy thương mại của Mỹ, nhưng giới phân tích cảnh báo rằng hoạt động chi tiêu có thể suy yếu sau các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua nhằm kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt nhu cầu.
Video đang HOT
Chuyên gia Rubeela Farooqi của công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế High Frequency Economics cho biết xuất khẩu đang tăng còn nhập khẩu đang giảm, cho thấy nhu cầu trong nước đang yếu đi phần nào.
Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng nhẹ trong tuần trước, trong khi số người lao động bị sa thải giảm xuống trong tháng 9, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn thắt chặt vào cuối quý III.
Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng 2.000 đơn lên 207.000 đơn (đã được điều chỉnh theo mùa) trong tuần kết thúc vào ngày 30/9.
Dù vẫn thắt chặt nhưng thị trường lao động đang dần hạ nhiệt. Số liệu chính phủ mới đây cho thấy cứ một người thất nghiệp thì có 1,51 vị trí việc làm đang tuyển dụng trong tháng 8, và số việc làm còn trống đã ghi nhận mức tăng cao nhất trong hai năm qua.
Bà Farooqi cảnh báo tăng trưởng có thể giảm tốc trong năm nay nếu thị trường việc làm hạ nhiệt rõ ràng hơn, từ đó làm giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ.
Cùng lúc đó, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu, trong đó có nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ sau chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có thể bị ảnh hưởng.
Trung Quốc và châu Âu nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trao đổi thông tin về kiểm soát xuất khẩu trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng về thương mại và các vấn đề địa chính trị.
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. Ảnh: AFP
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis nhận định mối quan hệ đang giữa EU và Trung Quốc đang ở "ngã ba đường". Do đó, các nhà xuất khẩu trong khối cần cách tiếp cận tốt hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
"Mối quan hệ của chúng ta cần tái cân bằng để đôi bên cùng có lợi, dựa trên sự minh bạch, công bằng, dự đoán được và có đi có lại. Tôi rất vui vì chúng ta đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết một số vấn đề về tiếp cận thị trường", ông Dombrovskis cho biết trong một tuyên bố.
Ủy viên Valdis Dombrovskis vừa có chuyến thăm Bắc Kinh và hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong ngày 25/9.
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo rằng hai bên cũng đồng ý cải thiện tính minh bạch trong chuỗi cung ứng nguyên liệu thô, đồng thời đang xem xét một cơ chế mới để thực hiện điều đó.
Theo EC, hai bên sẽ làm việc cụ thể về dòng sản phẩm nông nghiệp và đồ uống có cồn, trong khi Trung Quốc cam kết xử lý các hồ sơ tồn đọng về giấy phép sữa bột dành cho trẻ sơ sinh.
Sau cuộc họp, ông Hà Lập Phong khẳng định Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ EU, cũng như bày tỏ hy vọng châu Âu sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc.
Mối quan hệ song phương giữa EU và Trung Quốc gần đây đã xấu đi, đặc biệt là sau khi EU mở cuộc điều tra về sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc đối với các nhà sản xuất xe điện (EV). Bộ thương mại Trung Quốc hồi đầu tháng này gọi cuộc điều tra trên là "bảo hộ trắng trợn".
Vài giờ trước cuộc gặp, ông Dombrovskis cho biết các hoạt động thương mại của Trung Quốc đã buộc EU phải cứng rắn hơn trong các giao dịch với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm ngoái, thâm hụt thương mại của khối EU với Trung Quốc là 421 tỷ USD - "mức cao nhất trong lịch sử nhân loại" theo lời ông Jorge Toledo, Đại sứ EU tại Trung Quốc.
Theo thống kê của EU, một nửa khoản thâm hụt trên là về phương tiện và máy móc, trong khi phần còn lại là các hàng hóa sản xuất khác, hóa chất và năng lượng. Xe điện đã thu hút sự chú ý khi lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu lo lắng.
Tình trạng căng thẳng trên tiếp tục gây thêm sức ép cho chuỗi cung ứng công nghệ. Trung Quốc gần đây đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với hai loại vật liệu bán dẫn nhằm trả đũa châu Âu và Mỹ, sau khi họ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các thiết bị sản xuất chip tiên tiến.
Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu đã nêu lên mối lo ngại về môi trường hoạt động của Trung Quốc, lo ngại nó ngày càng trở nên chính trị và khó đoán hơn.
Hàng tỷ USD của Nga 'mắc kẹt' trong các ngân hàng Ấn Độ Hãng Bloomberg đưa tin hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc bán dầu của Nga đang "mắc kẹt " trong các ngân hàng Ấn Độ. Đồng ruble của Nga (phía trên) và đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN Vấn đề này có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho Chính phủ Nga khi đang nỗ lực ngừng sử dụng đồng USD trong thương mại...