“Thảm đỏ” chưa thật mở đón nhân tài
Từ những câu chuyện thực cho thấy, nhiều thủ khoa lưỡng lự trước “thảm đỏ ưu đãi” của Hà Nội. Với nhiều người, “thảm đỏ” này chưa thực sự rộng mở…
Vào rồi thì thất vọng
“Những người thực sự có khát vọng cống hiến, họ dám hi sinh cơ hội công việc ngoài nhà nước. Song, có không ít người “hưởng ưu đãi” để vào nhà nước rồi lại thất vọng” – anh Nguyễn Quang Uy – thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội năm 2004 tâm sự.
Sau khi được vinh danh thủ khoa, anh Quang Uy về làm việc tại trường, học cao học và có 3 năm nghiên cứu sinh tại Ireland. Sau đó, anh trở về tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu tại HV Kỹ thuật Quân sự.
Là người đam mê khoa học, thích nghiên cứu, nên anh khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Dù theo anh, “làm nghiên cứu trong nước, cơ sở vật chất hạn chế, cộng đồng nghiên cứu không mạnh, người làm nghiên cứu vẫn phải lo cơm áo gạo tiền…”
“Những người thực sự có khát vọng cống hiến, họ dám hi sinh cơ hội…” – lời Thủ khoa Nguyễn Quang Uy. Trong ảnh, anh Uy hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình
Từ khát vọng bản thân anh đúc kết “bất cứ người trẻ nào cũng mong muốn được đóng góp năng lực của mình cho xã hội.”
“Mới ra trường, SV nào cũng khao khát được cống hiến, được làm việc nên chính sách trải thảm đỏ của Hà Nội chắc chắn dành được thiện chí của các bạn” – anh Uy khẳng định. Nhưng, vì sao số người từ chối lại nhiều? Theo anh, ngoài lý do mâu thuẫn cung – cầu giữa các ngành thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu một môi trường làm việc phù hợp, mức đãi ngộ lương bổng không tương xứng…”
“Tuy nhiên, từ chối “thảm đỏ” không có nghĩa là các bạn không mong muốn cống hiến” – anh Uy nhìn nhận.
Môi trường làm việc không tương xứng
Video đang HOT
Học ngành Công nghệ thông tin (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) – Trần Tuấn Anh thủ khoa năm 2010 hoàn toàn không “bị” chính sách sử dụng thủ khoa của Hà Nội cuốn hút. Ngay từ thời sinh viên, Tuấn Anh đã tham gia nhóm nghiên cứu MIMAS (nhóm đoạt giải nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2010 với sản phẩm Hệ thống số hóa tư duy con người).
Thủ khoa Trần Tuấn Anh (thứ 2 từ phải qua) cùng đồng đội trong đêm trao giải Nhân tài Đất Việt (Ảnh: ĐH Bách Khoa HN)
Với thành tích “khủng” sau khi ra trường, anh được công ty uy tín săn đón, đồng thời được tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu rất tốt.
Tuấn Anh chia sẻ: “Sau khi ra trường, tôi vào làm việc luôn ở một công ty Mỹ, chi nhánh tại Việt Nam. Vừa làm, vừa tiếp tục nghiên cứu trong nhóm MIMAS. Cùng thời gian đó, tôi được gặp gỡ các bạn đỗ VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) 2011, được họ truyền lửa. Từ đó, tôi quyết định ứng tuyển VEF để đi du học”
Vừa học, vừa làm, vừa ôn luyện đi vượt qua những kỳ sát hạch khó khăn, Tuấn Anh trúng tuyển và đi du học tại Mỹ. Với anh, cả một chân trời mới đang rộng mở trước mắt.
Từ kinh nghiệm thực tế Tuấn Anh so sánh, với đặc trưng ngành CNTT, độ hấp dẫn của môi trường nhà nước thua xa các vị trí tuyển dụng của tư nhân, nước ngoài. Hơn nữa, các đãi ngộ trong nước vẫn chưa đạt được kỳ vọng của nhiều thủ khoa như: Môi trường làm việc, điều kiện phát triển tốt công việc phù hợp và chế độ đãi ngộ thỏa đáng có cơ hội đóng góp cho xã hội….
“Cho nên, con số 10% các thủ khoa chịu “đầu quân” cho thành phố Hà Nội sau 10 năm phát động chính sách thu hút người tài là bình thường, đúng quy luật” – thủ khoa Trường ĐH Bách khoa năm 2007 Võ Hoàng Biên bộc bạch.
“Cũng như các bạn sinh viên mới ra trường khác, các thủ khoa cũng sẽ có những chọn lựa, so sánh giữa các cơ hội đến với họ” – anh Biên nói.
“Trong nền kinh tế thị trường, cơ hội về nghề nghiệp của các bạn trẻ cũng rộng mở hơn, đây là một điều rất thuận lợi cho họ. Nói nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi đánh giá các cơ quan nhà nước cũng giống như các doanh nghiệp, công ty khác. Để thu hút được nhân lực thì họ sẽ phải đưa ra được những ưu điểm hay lợi thế trong điều kiện làm việc, lương bổng, đãi ngộ… Như thế mới thu hút được nguồn lực có chất lượng cao cũng như giữ và sử dụng tốt những tài năng.
Khi mà môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước được nhiều người đánh giá là chưa năng động và chưa tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo thì các thủ khoa sẽ chọn những cơ hội khác, phù hợp hơn” – thủ khoa 2007 nêu quy luật.
Theo VNN
Cái giá phải trả của gã thanh niên gây án vì thiếu tiền chơi game
Trước mặt chúng tôi là kẻ đã hai lần dùng dao để cướp tài sản. Gặp hắn trong trại giam, ít người có thể ngờ được một con người đẹp trai, thư sinh như vậy lại có thể làm những việc tày trời.
Nhiều người cùng cảm thấy xót xa vì nếu không lầm lỗi thì biết đâu gã đã có một tương lai xán lạn, cuộc sống hạnh phúc, thậm chí là sẽ thành đạt. Nhưng những cạm bẫy vật chất đã cuốn gã đi rồi giam tuổi xuân trong lao tù để có lúc ngậm ngùi để rồi tiếc nuối và khát thèm tự do.
Nhiều kẻ vì tiền mà tước đoạt mạng sống người khác. Ảnh minh họa
Cướp xe ôm lấy tiền trả nợ
Việc giết người của hắn không phải bộc phát hay bị ức chế, mà tất cả đều có sự toan tính, sắp đặt từ trước. Căn nguyên sâu xa của mọi lầm lỗi cũng vì gã sớm sa ngã vào lô đề, cờ bạc dẫn đến nợ nần chồng chất. Con đường sa ngã của gã chỉ ngắn ngủi trong tích tắc đời người. Nghe hắn kể, nhiều người không khỏi tặc lưỡi tiếc nuối.
Sau khi học hết cấp ba, Trần Đình Hoàng (SN 1990, ngụ xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng ước mơ được vào cổng trường đại học. Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng nhưng kết quả thi của Hoàng không được như mong muốn. Đang trong thời gian đợi xin và học nghề thì hắn bị bạn bè lôi kéo. Chúng cùng nhau sang TP.Vinh (Nghệ An) ăn chơi rồi sa vào lô đề lúc nào không biết.
Nói chuyện với chúng tôi trong trại giam, Hoàng cho biết: "Lúc đầu em bị bạn bè lôi kéo chơi cho biết. Nhưng khi đã ngấm mùi, em bắt đầu lao vào các cuộc chơi game online thâu đêm suốt sáng. Rồi sau đó lại ném tiền vào những trận cá độ, ăn thua đỏ đen". Chỉ trong một thời gian ngắn, Hoàng đã nợ gần 7 triệu đồng. Để giải quyết nợ nần, hắn lừa bố mẹ đưa hai xe máy đi cắm nhưng chỉ trả nợ được một phần nhỏ.
Không có tiền để chơi lô đề, lại bị chủ nợ thúc ép, Hoàng hoảng hốt nghĩ ra kế sát hại xe ôm để cướp tài sản. Nghĩ là làm, hắn lên kế hoạch đi cướp. Được biết, gã không chỉ một lần "trót dại" mà ra tay với hai người. Kế hoạch đã được lập sẵn, tối 7/4/2009, gã đi xe buýt từ nhà sang TP.Vinh chơi. Mục đích là để cướp tài sản lấy tiền ăn chơi và trả nợ. Sau khi gặp một người bạn quen qua mạng tên Lợi và nhờ tên này mua cho mình một con dao Thái Lan, Hoàng bắt xe đến trước cổng trường Đại học Vinh. Tại đây, gã vẫy một người chạy xe ôm tên Tứ chở vào khu vực chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) với giá 70 nghìn đồng.
Trên đường đi, Hoàng điều khiển người xe ôm vào khu vực vắng vẻ để thừa cơ ra tay sát hại rồi cướp tài sản. Hắn biết rõ địa bàn vì có lần theo bố mẹ vào đây đi lễ chùa. Lần đó, Hoàng đã phát hiện ra nơi đây xa dân cư, tương đối vắng vẻ. Đến khoảng 8h tối cùng ngày, khi đi ngang qua trụ sở Ủy ban xã Thiên Lộc, nhận thấy khu vực này vắng vẻ, hắn đã rút dao gí vào cổ tài xế, ép buộc anh Tứ xuống xe.
Thấy nạn nhân run rẩy cầu xin tha mạng, gã đã lục ví lấy toàn bộ giấy tờ tùy thân cùng chiếc điện thoại di động rồi xô ngã anh ta xuống ruộng lúa, còn bản thân thì cầm chiếc xe chạy vào TP.Hà Tĩnh. Tại đây, gã đã đến hiệu cầm đồ mang chiếc xe ra thế chấp được số tiền 4,3 triệu đồng. Cầm số tiền gã đã thuê taxi vào thị tứ Voi (huyên Kỳ Anh) ăn chơi một ngày. Với số tiền có được, gã đã mang đi trả nợ một nửa, số còn lại tiếp tục sử dụng để chơi game và đánh số đề.
Sau khi tiêu phá hết số tiền đã cướp được, ngựa quen đường cũ, chiều ngày 18/4/2009, Hoàng lại ra Vinh lập kế hoạch cướp xe. Trên đường đi, gã ghé vào chợ mua hai con dao nhọn dắt vào người rồi đến khu vực Bưu điện tỉnh Nghệ An thuê anh Dương Đức Hải chạy vào chùa Hương Tích với giá 80 nghìn đồng. Thấy vẻ ngoài có vẻ thư sinh nên anh xe ôm không hề mảy may nghi ngờ. Giống như lần trước, khi đến đoạn đường vắng, Hoàng thực hiện ý đồ của mình. Gã ngồi phía sau đưa dao gí sát cổ và yêu cầu anh Hải xuống xe.
Biết được ý đồ của Hoàng, anh Hải đã có ý chống cự. Khi thấy anh Hải thả xe định chạy bỏ chạy thì gã đã nhanh tay dùng dao cứa cổ. Thấy nạn nhân vẫn cố bỏ chạy, gã đã lao theo đâm một nhát trúng lưng. Sau khi thấy nạn nhân bất tỉnh, hắn vội vã quay lại lấy xe máy rồi chạy vào TP.Hà Tĩnh để tiêu thụ. Đến hiệu cầm đồ bán được 6 triệu đồng, hắn thuê taxi chạy về nhà.
Anh Hải sau khi thoát khỏi tay gã mặc dù bị thương nặng mất rất nhiều máu nhưng vẫn cố gắng chạy vào nhà một người dân cầu cứu nên đã may mắn thoát chết. Sau khi nhận được tin báo về hai vụ cướp xe ôm diễn ra trong thời điểm, với hình thức và cách thức gây án giống nhau, công an nhanh chóng vào cuộc. Chỉ một thời gian ngắn, vào ngày 15/5/2009, Trần Đình Hoàng đã bị bắt tại nhà riêng trước sự ngỡ ngàng của bố mẹ và bà con lối xóm. Án phạt 19 năm tù thực sự là một cái giá đắt cho những sai lầm thời trai trẻ của gã.
Phạm nhân Trần Đình Hoàng
Khát vọng hoàn lương
Trước khi gây ra án, ở quê, gia đình Hoàng vẫn đang là niềm tự hào cho bà con lối xóm. Bố mẹ hắn làm nông nghiệp, chỉ bám mấy sào ruộng khoán nhưng đã nuôi ba anh em gã trưởng thành. Suốt từ nhỏ đến những năm cuối cấp 3, gã là một đứa con ngoan ngoãn, chưa hề biết đến game và ma lực đỏ đen là gì. Chỉ sau thời gian trượt đại học, hắn chán nản nên ra TP.Vinh chơi cùng mấy đứa bạn. Từ đó, gã mới nhiễm thói hư tật xấu rồi sa vào chơi số đề và nghiện lúc nào không hay. Ban đầu chỉ là chơi vài ba chục ngàn, về sau gã "bao lô", ôm số đề. Số tiền mất thì nhiều, dăm bữa nửa tháng mới trúng được một vài số, chẳng bõ bèn gì nhưng nó như liều thuốc kích thích gã lao đầu vào.
Đến lúc hết tiền, Hoàng vay mượn khắp nơi. Khi không còn khả năng mượn thêm, gã về nhà nói dối bố mẹ đưa chiếc xe duy nhất sang TP.Vinh cắm lấy tiền nướng vào lô đề rồi về nói dối đã bị giữ xe vì phạm luật giao thông. Với chiêu bài này, gã tiếp tục dúi chiếc xe của bà cô vào tiệm cầm đồ. Đến khi biết không còn khả năng trả số nợ 7 triệu đồng và chuộc 2 chiếc xe máy về, gã đã thực hiện hai vụ cướp tài sản táo tợn. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, chưa đầy một tháng sau khi gây án, hắn đã phải tra tay vào còng số 8 để trả giá cho hành vi mà mình đã gây ra. Ngồi nghĩ lại mọi chuyện đã qua, nhiều khi nghĩ lại gã vẫn thấy rùng mình, ghê tởm với hành động của chính bản thân mình.
Gia đình Hoàng không bỏ mặc đứa con trai bất hiếu mà vẫn thường xuyên đến thăm nuôi động viên để hắn có thể cải tạo tốt. Ai cũng cảm thông cho sai lầm ngớ ngẩn của đời gã. Nói chuyện với chúng tôi, Hoàng bảo, người mà hắn nhớ nhất và cảm thấy có lỗi nhất là mẹ. Bà năm nay mới ngoài 50 nhưng mái tóc đã bạc trắng vì lo nghĩ cho con. "Lúc tôi bị cáo buộc về tội giết người cướp tài sản, mẹ đã gào khóc, một mực cho rằng cơ quan chức năng bắt nhầm người. Mẹ tôi nức nở, giọng lạc đi: "Cán bộ nhầm rồi. Thằng Hoàng nhà tôi làm sao có thể phạm tội tày trời ấy được. Nó ngoan lắm, nó lành hiền, thế làm sao giết người được?"", Hoàng kể lại. Nhiều người trong dòng họ đã xỉ vả, mắng nhiếc bà không biết nuôi dạy con cái. Những lúc như thế, bà im lặng, chịu đựng và quay đi lặng lẽ gạt nước mắt.
Trước khi chúng tôi về, Hoàng nghẹn ngào bảo, điều duy nhất hắn có thể làm là cải tạo tốt, làm lại cuộc đời, để chuộc lỗi với mẹ, với gia đình. Hắn sẽ hoàn thành tốt những công việc trong trại để sớm có được ngày trở về sớm nhất. "Tôi coi đó như sự trừng phạt dành cho mình và chấp nhận nó, không kêu ca gì. Nhưng tôi vẫn thấy lòng mình đau nhói khi nghĩ về mẹ".
Kẻ ngông cuồng trả giá Sau khi tòa tuyên án 19 năm tù giam, Trần Đình Hoàng nhập trại từ tháng 2/2010, được phân vào đội 13 phân trại số 1 Trại giam Xuân Hà. Công việc mà gã được giao chủ yếu là làm hạt cườm. Niềm an ủi lớn nhất đời có được là đều đặn hàng tháng, gia đình đều tổ chức vào thăm nuôi, động viên gã cải tạo tốt, sớm trở về sum họp với gia đình. 19 năm tù thực sự là một quãng đường dài xa thẳm trong sự ngắn ngủi của đời người. Theo NDT
Vượt qua cú sốc trượt ĐH như thế nào? Cảm giác buồn bã, chán nản là một cảm giác không thể ngăn được, nhưng đừng vì thế mà tuyệt vọng, suy sụp. 18 tuổi, cái tuổi trưởng thành, tuổi đẹp nhất của con người, là khi những mơ ước, khát vọng bắt đầu lớn dậy. Ấy vậy mà bạn lại không vượt qua được kỳ thi đại học mặc dù đã dành...