Thăm dinh cơ của đại gia ‘tự xây mộ ướp xác’ cho mình
“Cơ ngơi” của ông Đức ngự trên mảnh đất rộng hơn 21 hecta với hồ nuôi ba ba, cá sấu, cá da trơn, chuồng nuôi gấu, lợn mán… với hang động và những con đường nên thơ do ông xẻ núi mà thành.
Cách đây cả chục năm, vị đại gia có biệt danh Đức “gấu” gây sửng sốt dư luận khi nuôi thành công gấu đẻ. Tuy nhiên, ngoài việc được biết đến là người đầu tiên ở Việt Nam nuôi gấu đẻ như… lợn nái, ông Đức còn được nhắc tới như một vị đại gia có nhiều thú chơi “ngông” nhất.
Đầu tiên là việc ông ngao du khắp Việt Nam, rồi sang cả Trung Quốc, Ấn Độ để tìm hiểu kỹ thuật ướp xác. Sau đó, phải mất 3 năm rưỡi thuê 30 thợ lành nghề kỳ công đẽo đục đá trên đỉnh một ngọn núi ở Lương Sơn (Hòa Bình) sâu cả chục mét để làm hai hầm mộ chuẩn bị cho việc ướp xác khi ông và vợ “về với tổ tiên”. Phía dưới hầm mộ có một hệ thống xe goòng để đưa thi hài vào. Hương liệu ướp xác đều đã được chuẩn bị sẵn. Số tiền chi cho việc xây ngôi mộ có một không hai này không được ông Đức tiết lộ, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người đây hẳn là một con số rất lớn.
“Ướp xác hẳn là cái “sự khó”, nên tôi thử xem nó khó thế nào. Với lại, người già thường hay lo đến chuyện hậu sự. Tào Tháo lo từ khi 36 tuổi, Thành Cát Tư Hãn cũng lo xây mộ mình lúc 38 tuổi, lúc xây mộ tôi cũng ở cái tuổi “thất thập”, lo đến chuyện hậu sự cũng là vừa rồi…”, ông Đức chia sẻ.
Ngoài ra, ông còn được giới mê đồ cổ Việt Nam biết đến là chủ sở hữu của bộ gốc gỗ gụ hương 4000 năm tuổi. Hiện thân gỗ quý này được ông đục đẽo thành bộ bàn ghế uống nước và giường nằm trong phòng ngủ.
Tuy nhiên, điều làm ông Đức tâm đắc nhất đó chính là khu trang trại rộng 21,4 hecta ở Lương Sơn, Hòa Bình. Từ những ý tưởng của ông cùng với bàn tay và khối óc của hàng trăm công nhân, một mảnh đất một nửa là núi non hoang vu, lạnh lẽo đã biến thành một khu trang trại tuyệt đẹp.
Khu trang trại rộng lớn với hồ nuôi cá sấu, ba ba, cá da trơn, chuồng nuôi gấu đẻ, lợn mán, gà đồi… cùng rất nhiều các loại hoa, rau, và cây ăn quả khác. Ngoài ra, ông còn cho người ngày đêm đục đẽo thủ công những khối đá thô sơ, đào sâu vào những khối đá ẩn mình trong núi sâu thành những hang động đẹp mê hồn.
Công trình mô phỏng Vạn lý trường thành của Trung Quốc cũng được dựng lên, cùng những con đường, bậc thềm nên thơ bám quanh dãy núi hùng vĩ. Ông Đức cho hay, trang trại của ông đã đón tiếp rất nhiều đoàn yêu thiên nhiên đến thăm thú, thưởng lãm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đức kể rằng khu trang trại này là thành quả hơn 10 năm miệt mài sáng tạo của ông và hiện tại cũng là nơi ông an hưởng tuổi già, sống hòa mình vào thiên nhiên. “10 năm trước khi rời bỏ Hà Nội, nhập hộ khẩu về đây, mọi người, thậm chí cả vợ con đều bảo tôi khùng. Nhưng giờ cô thấy đấy, nhờ nó mà tôi mới có sức khỏe, tinh thần vui vẻ, phấn chấn như thế này”.
Ông tên thật là Nguyễn Công Đức, từng cống hiến 50 năm trong quân ngũ, có dáng người bệ vệ, râu tóc bạc phơ nhưng thân hình nom còn rắn rỏi lắm, khiến người đối diện khó lòng đoán tuổi. Có người bảo ông năm nay quá 70, người lại quả quyết ông đã ngót 80 rồi, chúng tôi thắc mắc thì ông cười khà khà tếu táo: “Tuổi của tôi đến vợ tôi cũng chẳng biết chính xác. Chỉ cần biết là tôi còn khỏe khoắn lắm. Đi khám bác sĩ còn quả quyết: Sức khỏe của cụ chẳng kém gì thanh niên đâu”.
Ông Đức cho hay, mỗi tuần 2, 3 lần ông đều dành thời gian đi bộ để thăm nom, kiểm tra trang trại. Một vòng như thế ước chừng 15 km.
Cánh cổng khu trang trại với dòng chữ: “Gọi cổng xin đánh ba hồi chuông thật to” cùng một quả chuông lớn.
Lối vào là bậc thềm đá với hai hàng cau vua hiên ngang, sừng sững
Hai ngôi mộ chờ thoạt trông có vẻ bình thường nhưng ẩn sâu trong đó là cả một kỹ thuật ướp xác mà ông Đức đã kỳ công học hỏi từ nhiều nước trên thế giới. Nó cũng từng là đề tài tốn không ít giấy mực của báo chí.
Video đang HOT
Hai ngôi mộ nằm ở đỉnh cao nhất của ngọn núi, nhìn ra cả khu trang trại rộng lớn với màu xanh ngút ngàn.
Những hang núi tự nhiên lộ ra tuyệt đẹp được ông Đức thuê hàng trăm thợ đục đẽo đất nhiều tháng trời.
Những con đường uốn quanh thân núi, đổ xi măng vững chắc là thành quả của nhiều công nhân đục đẽo thủ công mà thành.
Hồ nuôi cá sấu
Hồ nuôi ba ba
Để miêu tả độ rộng lớn của khuôn viên trang trại, ông Đức kể: “Để quét một lượt trang trại phải cần đến sức 4 người quét 2 ngày mới xong. Khi gom lại cũng được chục bao tải chật ních lá cây”.
Khu trang trại còn được tô điểm bằng màu xanh mởn của hàng chục loại rau, quả được trồng khắp các khu đất trống. Hàng ngày hai người làm công của ông Đức được thuê để chăm sóc cây cối trong trang trại.
Sống một mình ở chốn “bồng lai” (vợ con ông hiện đều sinh sống và làm việc tại Hà Nội), ông Đức vẫn ấp ủ dự định tu bổ thêm nhiều công trình trong trang trại của mình. Ông hi vọng sẽ để lại cho đời một công trình thiên nhiên đẹp…
Lê Trang
Theo BĐVN
Máy bay mô hình - thú chơi 'tiền rơi vẫn sướng'
Hàng chục chiếc máy bay lơ lửng trên không trung, xoay lượn những vòng điệu nghệ. Tiếng động cơ nổ chói tai, lẫn vào đó là tiếng hò hét cổ vũ đầy phấn khích...
Đang biểu diễn "sung" trong tiếng hò reo phấn khích của mấy chục "người hâm mộ", bỗng chiếc máy bay mô hình của Dũng mất lái, chúi đầu, cắm thẳng xuống đất... hạ cánh. Một tiếng "xoảng" vang lên khô khốc, đám đông ồ lên tiếc nuối còn khổ chủ vội chạy lại kiểm tra "vết thương" của con cưng.
"Vứt đi rồi!", Dũng thở dài nhấc máy bay lên ngắm nghía, phần máy nứt toác, đầu máy bay bị dập nát còn hai hai cánh gãy làm đôi.
Muốn biết chơi là phải... đập
Mặc dù vẫn còn vẻ tiếc nuối nhưng khi được hỏi Dũng vẫn cười xòa, vẩy tay: "Mọi người vẫn nói vui muốn chơi trò này là phải... đập. Từ lúc học chơi, tập điều kiện, thậm chí chơi thạo, chuyện "đập" máy bay là thường. Mình chơi trò này hơn một năm thì... "vứt đi" cả chục cái rồi".
Cảnh khổ chủ đi nhặt "xác" máy bay như thế này không hiếm. Chính vì thế, thông thường người chơi thạo, sở hữu 4-5 mô hình khác nhau.
Dũng lý giải, sở dĩ như vậy bởi học chơi máy bay mô hình không hề dễ. Phải thường xuyên luyện tập từng bước một. Từ những kỹ thuật bay cơ bản nhất là lượn sau đó nâng lên từng cấp độ khó dần như xoay, bay nghiêng, bay vòng, bay ngửa, đứng yên hay kết hợp vừa nghiêng, vừa ngửa vừa xoay trên một đường thẳng...
"Tuy nhiên, để tập xong kỹ thuật bay cơ bản người "lập kỷ lục" học nhanh nhất cũng mất tháng rưỡi, còn thông thường là 2-3 tháng. Hơn nữa, đây cũng là thú chơi mang tính rủi ro cao. Nếu gió quá mạnh, hoặc bộ điều khiển bị nhiễu sóng là máy bay "rụng" như chơi. Mà cái "giống" này cứ đập xuống đất là mất tiền. Nhẹ thì chỉ phải thay vỏ, nặng thì đi đứt cả bộ máy luôn", Long nói.
Theo lời Long, với những máy bay tự chế, bộ vỏ "nhẹ tiền" nhất mất 200-300.000 nghìn đồng, máy 2-3 triệu đồng. Với những chiếc máy dạng lớn, nhập ngoại thì nặng tiền hơn, dao động từ 10-30 triệu đồng. Như vậy, nếu quy ra tiền, mỗi người từ lúc học cho đến khi có thể bay thạo đi tong khoảng 40 triệu đồng".
Máy bay mô hình có 2 dòng: xăng và điện...
... Tùy sở thích và trình độ, mỗi người chơi "sắm" cho mình mô hình có giá khác nhau.
Dòng ngoại nhập thường có giá "khoai" hơn dòng tự chế.
Long kể, chủ nhật tuần nào cũng vậy, anh cùng khoảng 50 thành viên của CLB Hàng Không miền Bắc, hàng tuần đều có mặt tại Sân bay Xuân Đỉnh để chơi. "CLB của chúng tôi có đủ các lứa tuổi. Bác già nhất đã sang tuổi 70, cháu nhỏ nhất mới lên 6. Mỗi người mỗi nghề, có người làm giám đốc, có người làm kinh doanh, có người làm giảng viên ĐH, có SV... Vì thế, nếu đánh giá đây là thú chơi "đốt tiền", hay thú chơi dành cho các đại gia thì không hẳn chính xác. Người chơi máy bay tự chế thì không tốn nhiều, người chơi "sang" thì sắm máy bay "khủng" nhập từ Mỹ, Hong Kong...".
Tuy nhiên, Long cũng khẳng định đây là thú chơi khá kén người bởi để tham gia người chơi cần rất nhiều yếu tố: có kinh tế, đam mê, kiên nhẫn, có kiến thức sơ lược về khí động học, điện kỹ thuật...
Kết cấu khá đơn giản nên người chơi không mất nhiều thời gian để lắp đặt.
Chiếc máy bay mô hình này có giá khoảng 2000 USD, có thể biểu diễn kỹ thuật bay 3D (bay ngược, xuôi, vòng trên một đường thẳng cũng như nhau).
Các mô hình trước khi cất cánh đều phải thử động cơ kỹ càng để tránh rủi ro.
Điều kiện bay lý tưởng là trời đứng gió.
"Vợ cho mượn được, nhưng máy bay thì... không"
Đó chỉ là câu nói đùa vui của anh Trần Công Tùng, thành viên CLB Hàng không phía Bắc nhưng nó cũng phần nào diễn tả "một cách tượng hình" niềm đam mê của anh với thú chơi máy bay mô hình này. Bởi theo anh, có một lần cầm điều khiển cho "con cưng" của mình bay vút lên trời, nghe tiếng phành phạch của động cơ mới thấm được hết cái thú, cái vui sướng của những dân "nghiện" máy bay mô hình như anh.
Còn Nguyễn Hải Nam, sinh viên năm 2, ĐH Bách Khoa, cũng là dân nghiện máy bay mô hình thì vui vẻ chia sẻ : "Cái cảm giác cả đêm thức hí hoáy cắt rồi lắp ráp máy bay, sáng ra cầm điều khiển nhìn máy bay mình cất cánh vui sướng lắm. Bao nhiêu mệt mỏi tan biến, chỉ thiếu mỗi nước nhảy cẫng lên mà hò reo. Cứ như mấy tháng "cưa cẩm" một cô gái, một ngày đẹp trời cô ấy gật đầu "cái rụp" ấy".
Anh Trần Công Tùng: "Phải cầm điều khiển, thử trải nghiệm mới thấm được hết cái thú chơi này".
Cậu sinh viên Nguyễn Hải Nam với chiếc máy bay mô hình tự chế. "Em chơi máy bay mô hình bằng tiền làm thêm".
Lê Trang
Theo BĐVN
Đua xe mô hình - 'thú chơi nhà giàu' ở Hà Nội 30 chiếc xe ô tô lao vun vút với tốc độ 80-120 km/h trước sân vận động Mỹ Đình. Tiếng động cơ nổ đanh giòn đến chói tai kéo theo những vệt khói trắng, khét lẹt... 12h trưa chúng tôi có mặt tại sân vận động Mỹ Đình hòa vào đám người đang hò reo cổ vũ. Mặc cái nắng cháy da, mồ...