Thảm cảnh làm thuê xứ người
Từ đầu năm 2011 đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận gần 500 người xuất cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả. Đa số là nông dân, muốn kiếm tiền nơi đất khách, nhưng rốt cuộc trở về trắng tay.
Một nạn nhân (giữa) kể về những ngày gian khổ làm thuê trên đất khách Ảnh: D.C.
Bị quỵt lương, ép bán dâm
Trở về nhà được gần một tuần, Hoàng Thị Xam, 17 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại làng Nà Sla, Thạch Đạn, huyện Cao Lộc vẫn không muốn ra khỏi nhà. Cô ngượng với bạn bè, người thân vì bây giờ, cô không có một xu dính túi, số tiền nợ trước khi xuất cảnh sang Trung Quốc vẫn đeo đẳng.
Nhà Xam nghèo, ruộng nương ít, tháng trước có người rủ sang bên kia biên giới làm việc lương cao. Vừa đến Bằng Tường (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây), cô bị những người mặc sắc phục ập đến, mang về trụ sở. Sau một thời gian dài bị thẩm vấn, giam cầm, lao động công ích trong các trang trại có người canh gác nghiêm ngặt, Xam bị trao trả về Việt Nam vì tội nhập cảnh trái phép.
Vi Văn Hưng (SN 1992), trú tại thôn Còn Háng, xã Bảo Lâm, Cao Lộc cùng 48 thanh niên trong xã được một đầu nậu dẫn đường đến một chợ lao động sát biên giới Việt – Trung. Các ông chủ người Trung Quốc đến kiểm tra sức khỏe, thỏa thuận việc làm.
Hưng được một người to béo, mắt híp nhận vào làm việc tại nhà máy bóng điện Hồng Quang, tỉnh Hồ Nam với lời hứa được trả lương từ 1.000 đến 1.500 nhân dân tệ/tháng. Lao động liên tục từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, sinh hoạt kham khổ gần 2 tháng nhưng không được nhận lương.
Vào một buổi chiều, đám công nhân chuẩn bị về nghỉ, bỗng nhiên ông chủ chạy đến, bảo: “Chạy đi! Công an đến bắt người”. Hưng hốt hoảng chạy lên mé rừng, tìm đường về quê. Hưng hiểu, đó là mánh khóe của ông chủ nước ngoài, nhằm quỵt lương công nhân.
Nếu lực lượng chức năng nước sở tại bắt được, không những toi công, còn bị tra khảo, tịch thu đồ trang sức, của cải mang theo người. Trong số 48 người trong làng cùng đi, nhiều người không trốn được, hiện nay không rõ phiêu bạt nơi nào, Hưng nói.
Video đang HOT
Hoàng Thị T. (trú tại huyện Lộc Bình) nghe theo một người lạ mặt, vượt biên sang Ái Điểm để chặt mía thuê. Sau hai ngày phồng rộp chân tay vì lao động cực nhọc, cô bị ông chủ bắt ép vào phòng riêng, giở trò đồi bại. Hôm sau, có những người đàn ông to béo đến xem mặt, bắt đi sâu vào một thị trấn nhỏ. Tại đây, cô bị ép làm gái bán hoa. Một hôm, do có sự xô xát của khách làng chơi với bảo kê, T trốn thoát về Việt Nam.
Liều mình như chẳng có
Theo số liệu của các ngành chức năng Việt Nam, hiện có khoảng 4.000 công dân, chủ yếu là người lao động tỉnh Lạng Sơn, sang bên kia biên giới tìm việc. Mặc dù đã có những bài học, rủi ro, song số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê không giảm, có chiều hướng gia tăng.
Ông Vi Văn Dũng, Bí thư xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, cho biết: Vào thời điểm giáp hạt, khô hạn, hầu hết ruộng đồng đều bị bỏ không, người dân không có nghề phụ, tiện chân sang bên kia biên giới, mong kiếm ít tiền về trang trải trong cuộc sống.
Vào tháng ba, các thôn bản giáp biên thiếu vắng người trong tuổi lao động. Nhiều người cố tình vượt biên, chấp nhận sự rủi ro, thậm chí có người vừa được trao trả về Việt Nam vài ngày lại tiếp tục khăn gói quay trở lại Trung Quốc.
Anh Lý Văn Khánh ở thôn Phai Sen, xã Tú Đoạn hai lần bị bắt, giam giữ tại Trung Quốc. Sau khi được trao trả về, đến lúc nông nhàn, anh lại cùng vợ sang Trung Quốc làm thuê, để lại 3 con nhỏ cho ông bà nội trông giúp.
Theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, tại địa bàn sát biên giới xuất hiện một số người Việt Nam bắt tay với một số công dân Trung Quốc vận động, tài trợ tiền, hướng dẫn người dân làm thủ tục hộ chiếu và thị thực xuất cảnh du lịch, sau đó đi sâu vào nội địa Trung Quốc để lao động làm thuê.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép, Công an Lạng Sơn đã tổ chức tuyên truyền, vận động, đồng thời cảnh báo về những rủi ro trong quá trình lao động trái phép ở nước ngoài.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, tăng thời gian tiếp công dân, tổ chức làm thêm ngày thứ bảy để đáp ứng nhu cầu làm thủ tục cho dân. Các cấp chính quyền có hình thức tuyên truyền phong phú, thu hút được sự chú ý của nhân dân. Các cuộc họp dân ở thôn, bản có sự hiện diện của người từng xuất cảnh sang Trung Quốc, từ đó có những cái nhìn toàn diện, khách quan về vấn đề.
Hiệp định tạm thời giữa chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 11-1991 quy định: Công dân cư trú tại các xã biên giới khi sang Trung Quốc phải làm giấy thông hành, nếu đi sâu vào nội địa thì phải làm hộ chiếu.
Đối với những trường hợp vi phạm, sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Trường hợp bị cơ quan chức năng nước bạn phát hiện, bắt giữ thì sẽ phải chấp hành các hình phạt của nước sở tại, phải lao động công ích trước khi được trao trả về Việt Nam.
Theo Tiền Phong
Kinh nghiệm tìm việc làm tại Anh cho du học sinh
Một cựu du học sinh Thạc sỹ về Đầu tư tài chính tại Anh chia sẻ kinh nghiệm bươn chải con đường nghề nghiệp từ đầu bếp quán ăn ở Anh tới Ngân hàng HSBC Việt Nam.
Trong những năm gần đây, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại các nước trên thế giới ngày một đông đảo. Ngoài một số bạn đi du học theo diện học bổng, phần lớn du học sinh đi theo diện tự túc, hoặc phải vay từ các nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ, công ty... Vấn đề tài chính đã trở thành nỗi lo không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn của các du học sinh ở nơi đất khách quê người. Hầu hết các du học sinh đều mong mỏi có thể kiếm được việc làm thêm trong quá trình học để trang trải chi phí học tập và sinh họat của mình. Ngoài ra, vấn đề việc làm sau khi học xong cũng là mối quan tâm của tất cả các bạn du học sinh. Bởi ai cũng muốn có được một công việc tốt, phù hợp với năng lực, chuyên môn, cũng như những chi phí đã bỏ ra để đầu tư cho việc học tại nước ngoài của mình.
Đoàn Thị Minh Thu, tác giả bài viết.
Trong số các nước có đông du học sinh theo học, Anh Quốc thường được coi nơi có chi phi đắt đỏ nhất và có ít học bổng dành cho du học sinh. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh lại khá cao (xấp xỉ 7,9% trong năm 2010). Do vậy việc làm đối với người nước ngoài tại Anh (trong đó có du học sinh Việt Nam) thật sự khá khó khăn, bởi ngay chính người bản xứ cũng phải vất vả kiếm việc. Người dân cũng thường chuyển về các thành phố lớn như London, Manchester, Birmingham để kiếm việc làm. Vì thế sự cạnh tranh trong vấn đề việc làm tại các thành phố này cũng ngày một cao.
Chính phủ Anh chỉ cho phép du học sinh được đi làm thêm tối đa hai mươi tiếng một tuần. Do vậy, làm việc bán thời gian trong các quán ăn, nhà hàng, siêu thị, hoặc đi trông trẻ, dạy tiếng cho người nước ngoài thường là lựa chọn của phần đông các du học sinh. Tùy theo chương trình học và lịch lên lớp mà các bạn lựa chọn thời gian làm việc cho phù hợp. Tiền lương thường được tính theo giờ, trung bình từ 4 đến 7 bảng cho một giờ làm thêm. Tuy nhiên nếu may mắn bạn cũng có thể được trả tầm 10 bảng/giờ nếu làm cộng tác cho các công ty, trường học.
Để có thể kiếm được việc làm, du học sinh cần phải đăng kí Bảo hiểm quốc gia (National Insurance - NI), (tương tự mã số thuế cá nhân) để trích nộp một khoản tiền lương vào ngân khố quốc gia nhằm hỗ trợ cho y tế và thất nghiệp, hưu trí cũng như các lợi ích an sinh xã hội khác. Các trường đại học luôn có các phòng tư vấn giúp sinh viên có thể đăng kí được bảo hiểm này, hoặc du học sinh có thể liên hệ trực tiếp với DWP (Department for Work and Pensions) để lấy lịch hẹn phỏng vấn và xin số NI. Chi phí cho việc đăng kí này hoàn toàn miễn phí.
Các trang web giới thiệu việc làm hoặc văn phòng tư vấn việc làm tại các trường học và địa phương, hay các triển lãm về việc làm sẽ giúp du học sinh có thêm nhiều thông tin để tìm kiếm công việc dễ dàng hơn. Thông thường, du học sinh sẽ phải gửi CV cho các nhà tuyển dụng (kể cả cho các công việc như bán hàng hay bồi bàn) vì rất khó có thể gặp trực tiếp họ, do vậy muốn được nhà tuyển dụng để ý tới, bạn phải có được một CV "đẹp", và một thư xin việc (Cover letter) nói được tại sao bạn lại phù hợp với công việc đó. Khi đã qua được vòng tuyển chọn hồ sơ, bạn sẽ được mời làm bài thi (đối với các công việc đòi hỏi chuyên môn) hoặc đi phỏng vấn. Để chuẩn bị thật tốt cho các phần này, du học sinh nên tham khảo kinh nghiệm của những ai đã từng làm công việc đó, cũng như luyện tập trước ở nhà.
Đối với công việc làm thêm ít chuyên môn, tất cả các sinh viên đều có thể tìm được. Tuy nhiên đối với một công việc chuyên môn mang tính chất lâu dài, các nhà tuyển dụng thường lựa chọn những ứng viên có thời gian học tập và sinh sống lâu tại Anh. Ngoài ra, du học sinh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ dễ kiếm được việc làm hơn du học sinh từ các nước khác trên thế giới. Vì các quốc gia đó có nhiều công ty, văn phòng đại diện tại Anh nên du học sinh của họ sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.
Tôi từng là một du học sinh theo học Thạc sỹ về Đầu tư tài chính tại Anh. Khóa học của tôi chỉ kéo dài 1 năm nên thời gian để làm thêm không có nhiều vì phải tập trung cho việc học. Do hai kỳ học của tôi bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 6, rồi có 3 tháng hè tự học để hoàn thành luận văn, cho nên tôi đã tranh thủ kiếm việc làm thêm trong thời gian này. Tôi làm đầu bếp cho nhà hàng bán thức ăn nhanh kiểu Nhật (Wasabi), so với làm việc tại các quán ăn khác, công việc của tôi đỡ nặng nhọc và được trả cao hơn. Có một lời khuyên nhỏ dành cho các bạn muốn làm việc tại nhà hàng là nên xin việc tại các hệ thống nhà hàng bán thức ăn nhanh hay chuỗi các quán café như Starbucks, Wagamama, KFC, Wasabi, Mc Donald's... vì chế độ làm việc và tiền lương ở đây sẽ tốt hơn so với các nơi khác.
Tuy nhiên, vì muốn có được một công việc thật tốt sau khi tốt nghiệp, trong quá trình học, tôi vẫn luôn tự tìm việc trên mạng, đăng kí nộp hồ sơ tại các công ty, ngân hàng và tham gia vào các hội chợ việc làm do trường đại học hay các công ty tuyển dụng tổ chức. Ngoài trang web tuyển dụng chính thức của các công ty đó, tôi đã đăng kí thêm một số website khác như Prospects, Efinancialcareer, Monster, và tham gia vào mạng lưới của The GRB, Milkround Graduate, ... đây là một số website tuyển dụng tin cậy cho sinh viên. Tôi cũng thường xuyên tự luyện thi bằng cách đăng kí làm thành viên của SHL - một tổ chức chuyên cung cấp các bài thi kiểm tra năng lực tính toán cũng như khả năng suy luận logic (numerical and verbal reasoning tests), một phần thi không thể thiếu trong quá trình tuyển chọn ứng viên của các nhà tuyển dụng, đặc biệt là cho các công việc liên quan tới tài chính - ngân hàng.
Tôi đã may mắn khi được một số công ty mời đến phỏng vấn, và trong quá trình phỏng vấn tôi nhận thấy họ rất quan tâm tới việc mình phải chứng tỏ được năng lực cũng như nói lên được tại sao lại phù hợp với công việc đó. Do vậy, để gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về công ty và về công việc mình ứng tuyển. Khi đi phỏng vấn bạn nên đến sớm và trong quá trình phỏng vấn nên thể hiện sự tự tin của mình về công việc đó.
Sau một thời gian chuẩn bị kiến thức cũng như tìm kiếm các cơ hội việc làm, tôi đã thành công trong việc tìm được một công việc phù hợp với mình. Hiện tại tôi đang làm việc cho HSBC Việt Nam và thực sự tất cả những kinh nghiệm xin việc trong thời gian học tập tại Anh đã giúp ích được rất nhiều cho tôi khi trở về Việt Nam.
Chúc các bạn du học sinh sẽ thành công trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp với mình.
Đoàn Thị Minh Thu
E.mail: thutmdoan@hsbc.com.vn, MSc Investment and Finance
Queen Mary, University of London
Theo Dân Trí
Theo dấu "ông trùm" buôn người Những cô gái trẻ là nạn nhân của bọn buôn người (Ảnh minh họa) Với chiêu bài là thuê nhân viên phục vụ bưng bê, rửa chén bát tại các quán cơm phở, nhưng sau đó các chủ quán đã khống chế, ép những cô gái này phục vụ mại dâm. Đặc biệt, tại thời điểm đó có 2 cô gái mới 14...