ThaiBev thâu tóm Sabeco – Thương vụ M&A hàng đầu của ngành bia châu Á
Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tại Việt Nam trong suốt 10 năm gần đây cũng diễn ra nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám. Trong đó, thương vụ cao giá nhất ở Việt Nam thuộc về lĩnh vực bia, rượu và nước giải khát, giữa Thai Beverage và Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn Sabeco với giá trị còn đứng trên cả thương vụ Heineken thâu tóm Tiger.
Sabeco bị ThaiBev thâu tóm hồi tháng 12/2017
ThaiBev vay nợ để mua Sabeco
Với lịch sử hơn 140 năm cùng các thương hiệu có tiếng như Saigon Beer và 333 Beer, Sabeco tại thời điểm M&A nắm giữ 41% thị phần ngành bia Việt Nam. Không chỉ là hãng bia hàng đầu tại Việt Nam, Sabeco cũng được đánh giá là thương hiệu bia thuộc top đầu Asean.
Tuy nhiên, sau thương vụ thoái vốn nhà nước với mức giá cổ phần cao chưa từng có, người Thái chính thức bước chân vào Sabeco. Cuối năm 2017, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vietnam Beverage đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco (tương ứng 53,59% vốn) với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm từ cổ đông nhà nước. Vietnam Beverage được thành lập để đóng vai trò là công ty nội địa trung gian giúp Thai Beverage (ThaiBev) trong thương vụ thâu tóm Sabeco.
Tỉ phú Thái Lan đã thâu tóm thành công Sabeco
Như vậy, thông qua c ông ty con Vietnam Beverage, ThaiBev đã thâu tóm Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD. Đây được coi là thương vụ M&A kỷ lục được thực hiện trong 10 năm qua, thậm chí còn lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia châu Á khi đứng trên cả thương vụ 4 tỷ USD hồi Heineken thâu tóm ABP – công ty sở hữu nhãn bia Tiger vào năm 2012. Ngoài ra, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ M&A tại Việt Nam.
Video đang HOT
Nhưng điều đáng chú ý là khoản tiền mua lại này không phải là tiền vốn tự có, mà được tài trợ từ các ngân hàng Thái Lan và Singapore với thời hạn 2 năm. Báo cáo về cổ phiếu của ThaiBev đã ghi nhận khoản vay 100 tỷ baht và 1,95 tỷ USD. Tổng giá trị khoản vay ước gần 5 tỷ USD.
Kịch bản tương tự có thể xảy ra?
Mặc dù vay nợ để mua công ty là hình thức thông thường trên thế giới, song ở thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng toan tính của người Thái chắc chắn không chỉ dừng lại ở lĩnh vực r*ượu, bia, nước giải khát khi chấp nhận trả giá cao cho Sabeco. Ngoài mạng lưới phân phối khổng lồ của Sabeco (32.000 điểm phân phối) để người Thái tận dụng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam thì Sacbeco còn có những điểm đặc biệt hấp dẫn khác, trong đó đầu tiên phải kể đến là đất đai.
Thực tế, trước khi gây tiếng vang với bia Chang ở thị trường Thái Lan, chủ sở hữu của ThaiBev cũng thành công trong lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, Sabeco khá hấp dẫn nếu nhìn vào quỹ đất “vàng” mà doanh nghiệp này nắm giữ, đều nằm ở vị trí đắc địa và có diện tích lớn. Đấy là chưa kể đến số bất động sản của các công ty liên kết mà Sabeco có cổ phần đang nắm giữ. Cụ thể các khu đất bao gồm: khu đất tại 46 Bến Vân Đồn (diện tích 3.872m2 ở quận 4), khu đất 187 Nguyễn Chí Thanh (17.406m2, quận 5), khu đất 474 Nguyễn Chí Thanh (7.729m2, quận 10), khu đất 18/3B Phan H*uy Ích (2.216m2, quận Tân Bình).
Theo một khảo sát không chính thức, đơn giá đất tại các địa điểm trên như sau: quận 4 vào khoảng 136 triệu/m2, quận 5 vào khoảng 308 triệu/m2, quận 10 vào khoảng 302 triệu/m2 và quận Tân Bình ở mức 85 triệu/m2. Làm một phép tính đơn giản để thấy số tài sản trên có giá trị thế nào, như lô đất tại 187 Nguyễn Chí Thanh, nếu có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang căn hộ dân cư – thương mại, thì giá trị ước tính của lô đất này vào khoảng 5.236 tỷ đồng. Tương tự với các bất động sản còn lại, nếu toàn bộ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì tổng giá trị bất động sản Sabeco nắm giữ sẽ vào khoảng 8.410 tỷ đồng. Nếu chủ trương cho chuyển đổi quyền sử dụng đất được thông qua, Công ty Vietnam Beverage (do ThaiBev sở hữu gián tiếp 49%) có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc chuyển nhượng các bất động sản trên.
Bên cạnh quyền sử dụng đất giá trị lớn lao, Sabeco còn là một thương vụ “đáng” để mua của người Thái, họ muốn thông qua thị trường Việt Nam để từng bước thống lĩnh Đông Nam Á. Để củng cố vị thế của mình tại khu vực, ThaiBev hướng tới mục tiêu đạt được tỷ trọng 50% doanh thu là được đóng góp từ các thị trường bên ngoài Thái Lan. Thị trường Việt Nam có giá trị 6,5 tỷ USD và kỳ vọng sẽ tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian tới do các yếu tố đến từ kinh tế vĩ mô và cấu trúc nhân khẩu học của Việt Nam.
Và nếu nhìn xa hơn một chút, câu chuyện có thể không dừng lại ở Sabeco. Toan tính của người Thái còn hướng đến một mục tiêu mới, đó là Vinamilk, đã mở room ngoại lên đến 100%. Tính đến cuối tháng 5/2018, Tập đoàn Fraser & Neave Limited (Singapore), một công ty liên kết của ThaiBev, đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của Vinamilk lên 17,31%, tương ứng với 251,2 triệu cổ phiếu VNM. Sau đó, F&N tiếp tục đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu VNM trong thời gian từ ngày 6/6-5/7/2018, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,31%.
Tham vọng sở hữu cổ phần chi phối tại Vinamilk của tỷ phú Thái có thể thấy rõ, nhưng để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, người Thái sẽ phải chi gần 4 tỉ USD để mua thêm 489 triệu cổ phiếu với mức giá giao dịch khoảng 180.000 đồng/cổ phiếu. Trước số tiền lớn như vậy, một thương vụ đi vay để thâu tóm tương tự có thể sẽ diễn ra với Vinamilk.
Thương vụ M&A Sabeco có thực sự thành công?
Tính riêng từ đầu đến cuối năm 2018 – sau một năm diễn ra “hôn phối” với ThaiBev, giá trị cổ phiếu SAB của Sabeco đã giảm mạnh khoảng gần 20%. Cụ thể, nếu tính mức giá ThaiBev mua Sabeco là 320.000 đồng/cổ phiếu thì SAB mất gần 40%. Điều này đã đặt ra một câu hỏi rằng thương vụ M&A lớn như Sabeco có thực sự thành công hay không khi giá trị cổ phiếu có xu hướng giảm mạnh sau khi sáp nhập.
Trả lời cho câu hỏi trên, với tư cách là đơn vị tư vấn thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Phó Giám đốc Khối tư vấn và dịch vụ ngân hàng đầu tư (Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt) Lê Hải Yến nhận định, cần dựa vào nhiều yếu tố để đánh giá một thương vụ thoái vốn nhà nước thành công hay không. “Nếu chỉ nhìn vào giá cổ phiếu để đánh giá một thương vụ M&A thành công hay không thì chưa đủ bởi lẽ giá cổ phiếu có tính biến động theo thị trường và ảnh hưởng từ chiến lược mua của nhà đầu tư trong ngắn hạn trong khi các thương vụ đầu tư lại thường mang tính dài hạn” – bà Yến phân tích.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam Phạm Văn Thinh quan niệm, việc có thành công hay không là phải tùy thuộc vào người bán và người mua chứ không chỉ qua những con số trên thị trường chứng khoán. Quan trọng hơn, nhà đầu tư ThaiBev vào Sabeco không phải để đầu tư chứng khoán nên câu chuyện lên xuống không ảnh hưởng đến chất lượng giao dịch. Ông Thinh cũng cho rằng nếu nhìn từ phía Nhà nước, đây là giao dịch thành công vì đã bán được vốn, thu về khoản tiền tương đối lớn. Còn từ phía người mua, phải giải quyết nhiều vấn đề hậu sáp nhập như thương hiệu Việt còn không hay chuyển hoàn toàn sang Thái, làm thế nào để vận hành Sabeco như một phần của ThaiBev…
M&A là viết tắt của Mergers & Acquisitions, nghĩa là mua bán (Acquisitions) và sáp nhập (Mergers). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức mua lại hoặc sáp nhập hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.
Báo cáo tổng quan về thị trường M&A của nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam cho thấy, thị trường M&A Việt Nam đã trải qua một thập kỷ sôi động. Trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008. Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Năm 2018 vừa qua, giá trị M&A ước tính đạt 6,5 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017.
Thành Công
Theo baophapluat.vn
Dịch vụ kỹ thuật Mobifone (MFS) trả cổ tức 15% bằng tiền mặt
Ngày 26/7 tới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Mobifone (MFS - UPCoM) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2018.
Theo đó, Công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.500 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 25/7 và thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 26/8/2019.
Kết thúc năm 2018, MFS ghi nhận tổng doanh thu hơn 630 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gần 8%, đạt 28,4 tỷ đồng; EPS đạt 4.022 đồng/CP.
Năm nay, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 684 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 29,82 tỷ đồng và duy trì mức chia cổ tức bằng tiền mặt dự kiến 15%.
Cũng tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, MFS đã thông qua việc bầu bổ sung ông Phan Tuấn Anh, Trưởng Ban tài chính, đại diện vốn Tổng công ty Viễn thông MobiFone tại Công ty MobiFone Service là Thành viên HĐQT Công ty nhiệm kỳ III (2018-2023). Đồng thời, miễn nhiệm Thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ này đối với bà Lê Hải Yến, Chuyên viên Ban kế toán Tổng công ty Viễn thông MobiFone .
Dịch vụ kỹ thuật Mobifone hiện có vốn điều lệ 70,63 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh chính là Dịch vụ giá trị gia tăng; Cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông; Dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Cổ phiếu MFS chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM từ tháng 4/2019. Tạm chốt phiên sáng 19/7, MFS tăng khá mạnh 5,6% lên 34.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 271.800 đơn vị.
T.T
Theo tinnhanhchungkhoan.vn